Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201304/27951-chuyen-doi-buon-cua-dung-sy-pha-bom-nga-ba-dong-loc-391384/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201304/27951-chuyen-doi-buon-cua-dung-sy-pha-bom-nga-ba-dong-loc-391384/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chuyện đời buồn của dũng sỹ phá bom Ngã ba Đồng Lộc - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 30/04/2013, 13:33 [GMT+7]
27951

Chuyện đời buồn của dũng sỹ phá bom Ngã ba Đồng Lộc

Vượt qua con đường chông chênh nối dài từ thị trấn Nghèn đến xã Thượng Lộc, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Thế Chương, một người có thành tích rà phá bom mìn nổi tiếng khắp vùng quê giàu truyền thống cách mạng Can Lộc.
 
Trong căn nhà đơn sơ bốn bên gió lộng, người đàn ông với vóc dáng phong trần, lê từng bước nhọc nhằn đang trên đường đi xin ăn về. "Chiến tranh đã làm tôi mang trong mình nhiều vết thương đau, từng tham gia phá và hoá giải hàng nghìn quả bom, có lúc ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh, nhưng bây giờ "thời oanh liệt" ấy đã qua rồi. Thực tại, tôi đã không còn là chính mình như những năm làm nên những chiến tích oai hùng, góp một phần nhỏ xương máu của mình làm nên một Ngã ba Đồng Lộc "huyền thoại" như hôm nay nữa rồi!" - Ông Chương tâm sự.
 
Từ dũng sỹ phá bom nổi tiếng...
 
Câu chuyện ông Chương đến với nghề rà phá bom mìn thật đầy "duyên nợ". Bởi ngay từ nhỏ, ước mơ của chàng trai nghèo sinh ra và lớn lên ở thôn Phú Thọ, xã Thượng Lộc là được cầm vô lăng lái xe đường dài phục vụ công tác vận chuyển lương thực, đạn dược cho tiền tuyến.
 
Nhưng ở đời chẳng ai biết được chữ "ngờ", dù say mê với những vòng xe trên chiến trường ác liệt, nhưng sau một thời gian công tác ở Hạt 4 của Phòng Giao thông huyện Can Lộc, cùng với bản tính tò mò, gan dạ, lại thường xuyên tiếp xúc với súng đạn, bom mìn, chàng trai trẻ ấy không ngờ rằng, chỉ một thời gian sau, cấp trên thấy anh có đủ năng lực để thực hiện một nhiệm vụ đầy cam go hơn với nghề lái xe là đi học lớp rà phá, vô hiệu hoá bom mìn do Ty Giao thông Hà Tĩnh tổ chức.
 
Dũng sỹ diệt bom Nguyễn Thế Chương năm xưa
giờ phải đi xin ăn từng bữa
 
Có sẵn trong người bản tính gan dạ, không ngại đương đầu với gian khó, chỉ một thời gian học tập và qua bàn tay huấn luyện đầy tài hoa của thầy giáo Vương Đình Nhỏ, ông Chương nhanh chóng gia nhập vào đội quân và phá bom mìn nổi tiếng đất Hà Tĩnh. Chỉ một thời gian công tác ở Đội rà phá bom mìn tại bến đò Hạ Vàng, thuộc xã Thiên Lộc, tên tuổi, tài năng phá bom của ông đã gắn liền với hàng trăm chiến tích lẫy lừng. Vì vậy, không có gì bất ngờ khi năm 1966, "Dũng sỹ phá bom" được điều động về ngã ba Đồng Lộc tiếp tục sứ mệnh mới của mình.
 
Đưa tay lau những giọt mồ hôi lăn trên gò má, ông Chương ngậm ngùi kể lại câu chuyện của mình với vẻ đầy tự hào: "Ngày ấy, ở quê tôi chiến tranh diễn ra vô cùng ác liệt, ngã ba Đồng Lộc bị bom đạn cày xới tứ tung. Nhiều lần chứng kiến cảnh đồng đội, chiến sỹ của mình chết trước mặt, có lần nhìn thấy máy bay của địch dội hàng nghìn quả bom xuống mảnh đất này, tôi đã không cầm được nước mắt. Tự nhiên, lúc ấy trong người tôi bao lo lắng, sợ hãi tan biến. Tôi trở nên mạnh mẽ khác thường, như có một sức mạnh phi thường chạy xuyên suốt trong người, cùng với lòng căm thù địch dâng cao tột độ, tôi đã cùng anh em lao ra chiến trường rà soát, vô hiệu hoá được hàng nghìn quả bom, trong đó có những quả nặng gần 200 kg. Tôi và đồng đội dùng nam châm để rà phá, phá được rất nhiều, nhưng cũng có nhiều quả bom không phát hiện kịp đã nổ làm chết nhiều đồng đội, chiến sỹ lắm!".
 
Kỷ niệm đối với ông thì nhiều, nhưng nhớ nhất vẫn là giây phút 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc bị bom chôn vùi ngay trước mắt ông và đồng đội.

... Đến người hành khất thầm lặng
 
Năm 1974, Nguyễn Thế Chương được cử đi học lái máy ủi làm nhiệm vụ tại công trường Hữu Nghị, đường 8 Việt - Lào ở Bôlykhămxay. Những tưởng cuộc đời ông sẽ bước sang một trang mới với nhiều đường nét, hình ảnh tươi đẹp, thì số phận đã bắt ông phải rẽ sang một ngã khác đầy éo le, trắc trở, mà cho đến giờ, ông cũng không nghĩ mình lại rơi vào hoàn cảnh đau lòng như thế.
 
Có lẽ trong những năm kháng chiến, mang trong mình nhiều vết thương, nhất là những mảnh vỡ của bom đạn găm vào quai hàm, vào chân, dẫn đến hệ thần kinh ông không còn ổn định. Năm 1978, trong lúc đang lái máy ủi cho cơ quan, ông tự dưng bỏ việc để bắt đầu kiếp sống lang thang và dần làm quen với cảnh "bờ bụi". Với ông, những ngày mưa to gió rét phải nằm gầm cầu, xó chợ, những ngày đói phải ăn lá cây cầm hơi, sự xa lánh, hắt hủi của người đời... khi lang thang ở Quảng Trị sẽ là những kỷ niệm không bao giờ quên trong đời.
 
Đến năm 2004, tỉnh Quảng Trị có chủ trương gom góp tất cả những người sống lang thang để trả về nơi chủ quản. Thế là "định mệnh" một lần nữa đưa ông trở về gia đình, nhưng lần trở về này, không chỉ mình ông mà còn với vợ và 3 đứa con, kết quả của mối tình đồng cảnh ngộ trong những ngày tháng sống lang thang bên nhau ở Quảng Trị.
 
Ngay sau khi trở về quê hương, chính quyền địa phương cũng đã tạo điều kiện cấp cho ông 300m2 đất để làm chỗ nương thân. Hai tháng sau, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật quản lý bay, Sân bay Gia Lâm, Hà Nội và chính quyền địa phương, bà con lối xóm đã đóng góp tiền, vật liệu, xây cho gia đình ông một ngôi nhà tình thương.
 
Tuy nhiên, cuộc sống của ông bây giờ quá khó khăn, 2 người con đầu lập gia đình nhưng cũng chỉ làm thuê làm mướn kiếm đổi bát cơm manh áo qua ngày, đứa con gái sau phải đi làm nhà hàng ở Đà Nẵng. Vợ và các con ít chữ, không nghề nghiệp, cuộc sống chật vật bữa đói bữa no.
 
Thường ngày, ông phải cuốc bộ ra chợ, đi làng trên xóm dưới xin từng bát gạo, bó rau, mớ cá, mớ thịt... của người bố thí. Cũng vì mất hết giấy tờ mà ông vẫn chưa được hưởng chế độ thương binh. Cuộc đời dường như đã quá bất công với ông, một người đã cống hiến rất nhiều mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả xương máu cho quê hương.
 
Chia tay "Dũng sỹ diệt bom" khi bóng chiều đã ngả, chợt chạnh lòng khi nghĩ đến câu nói của ông: “Ở đời không phải ai cũng may mắn có nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con ngoan. Với tôi, hạnh phúc nhất là được cống hiến, được gặp những cô gái xinh đẹp, anh dũng, gan dạ ở Ngã ba Đồng Lộc.
 
Vì vậy, tôi cũng không bao giờ van xin, trách móc số phận, tôi hạnh phúc vì những gì mình đang có". Có lẽ, những gì đang có với ông không có gì to tát, nhưng vẫn còn đó một phong thái, dáng dấp của người lính dũng cảm, nhân hậu, biết hy sinh thầm lặng bản thân mình để làm nên một Ngã ba Đồng Lộc "huyền thoại" như bây giờ.

Đinh Tiến Giang
.