Ông Vừ Giống Dìa - Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ phấn khởi: “Nhiều hộ đã thoát được cái nghèo nhờ cây chè Tuyết Shan. Đồng bào ta mang ơn Đảng và Tổng đội TNXP 8 nhiều lắm…”.
Theo chân Chủ tịch UBND xã Vừ Dua Tồng đi trồng chè Tuyết Shan
Hơn 10 năm đứng chân trên vùng đất Huồi Tụ, Tổng đội TNXP 8 đã chứng kiến bao đổi thay của đồng bào người Mông nơi đây. Huồi Tụ “chơi vơi” trên độ cao 1.200m so với mặt nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ nhưng địa hình dốc, lại thiếu nước triền miên, đồng bào trồng cây gì cũng ít hạt, củ nhỏ, thiếu đói cứ đến như một lẽ tất yếu khi mùa nương, mùa rẫy qua đi.
Trồng cây gì ở vùng đất này để đồng bào Mông thoát nghèo, ổn định cuộc sống, không di cư trái phép? Tổng Đội trưởng Tổng đội TNXP 8 lúc đó là ông Nguyễn Hồ Lâm (nay là Chi Cục phó Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh) đã lặn lội vào Nam, ra Bắc và cuối cùng cũng tìm được cây chè Tuyết Shan.
“Đất đai Huồi Tụ màu mỡ, nhưng độ dốc cao, thiếu nước tưới, nhìn thì như vô chủ nhưng là đất của đồng bào cả. Tổng đội quyết đưa cây chè Tuyết Shan vào, tạo bước đột phá về kinh tế, nhưng để thuyết phục đồng bào nhường đất thử nghiệm không dễ chút nào. Đồng bào Mông vốn cần cù, chăm chỉ, sáng dạ, chỉ cần tạo niềm tin cho đồng bào thì cây chè sẽ “sống được” trên vùng đất này. May mắn cho Tổng đội, cây chè Tuyết Shan được UBND huyện Kỳ Sơn ủng hộ. Hồi ấy, ông Vừ Dua Tồng - Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ, một người Mông đã nhìn thấy ở cây chè Tuyết Shan tiềm năng phát triển kinh tế. Đêm đêm, Tổng đội theo chân ông Tồng đi hết bản này đến bản khác để thuyết phục đồng bào nhường đất thử nghiệm” - Ông Nguyễn Hữu Trạch, Tổng Đội trưởng Tổng đội TNXP 8 nhớ lại.

Cây chè Tuyết Shan đã giúp thay đổi cuộc sống đồng bào Mông trên vùng đất Huồi Tụ
Sau khi ông Lâm chuyển công tác, ông Nguyễn Trọng Cảnh (nay là Tổng Đội trưởng Tổng đội TNXP 10 đóng ở Na Ngoi) tiếp quản chiếc “ghế nóng”. Với nhiệt huyết, uy tín của mình, ông Cảnh đã cùng với ông Tồng “xin” được 25 ha đất để trồng thử nghiệm chè Tuyết Shan. Đó là thời kỳ gian khó, bởi diện tích được đồng bào “nhường” đa phần đều ở xa nơi đóng chân của Tổng đội, có độ dốc lớn, lâu nay đồng bào “bỏ hoang”, cây dại mọc um tùm.
Không mất niềm tin, Tổng đội phát sẻ, làm đất, ươm và trồng cây chè. Cây chè phát triển tươi tốt, Tổng đội mừng lắm, nhưng trong 2 - 3 năm đầu, vận động mãi cũng chỉ được một vài hộ đồng bào trồng theo. Tổng đội ươm giống, chở vào tận nương rẫy, làm đất, cầm tay, chỉ việc, hướng dẫn đồng bào trồng chè.
Khi cây chè chưa cho thu hoạch, đồng bào sợ đói vì chuyển diện tích nương rẫy sang trồng chè. Đoán được “cái bụng” đồng bào Mông, Tổng đội hướng dẫn kỹ thuật trồng xen lúa rẫy, đậu…, rồi triển khai mô hình trồng lúa nước tại một số bản. Khi cái ăn được đảm bảo, số hộ chuyển sang trồng chè Tuyết Shan tăng dần, bình quân mỗi năm, Tổng đội cung cấp cho đồng bào gần 30 vạn bầu chè.
Đến đầu năm 2005, Tổng đội TNXP 8 bắt đầu có những lứa chè búp đầu tiên, toàn bộ sản phẩm được chế biến tại chỗ nhưng cũng còn ít, chủ yếu chỉ đem làm quà. Một số hộ dân có chè búp bán, Tổng đội bao tiêu sản phẩm với giá 6.000 đồng/kg chè tươi. Đến nay, toàn xã đã trồng được 450 ha chè Tuyết Shan, trong đó đồng bào Mông trồng được 410 ha, số còn lại do Tổng đội quản lý. Mỗi năm, toàn xã cung cấp cho xưởng chế biến của Tổng đội TNXP 8 gần 200 tấn chè búp tươi, thu về cho người dân trên 1 tỷ đồng.
Học đồng bào Mông ở Huồi Tụ, đến nay, tại các xã Mường Lống, Na Ngoi…, đồng bào Mông đều đã biết trồng cây chè Tuyết Shan, hứa hẹn đổi thay cuộc sống. Sản phẩm chè Tuyết Shan nay đã trở thành một thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường, bởi độ tinh khiết, thơm ngon và không dùng bất kỳ một loại hoá chất, hương liệu nào trong quá trình trồng, chế biến và bảo quản. Nhãn mác của sản phẩm chè Tuyết Shan Huồi Tụ nay cũng đã bắt mắt hơn, được đóng gói “chân không”, tăng thời gian bảo quản lên gấp đôi (24 tháng) mà không làm mất đi hương vị tinh khiết kết tinh từ lòng đất, dòng nước, khí hậu và lòng nhiệt huyết của con người nơi đây.
Đồng bào Mông đã có tiền gửi ngân hàng, cho con học đại học
Trong số các hộ dân trồng chè Tuyết Shan ở Huồi Tụ, gia đình ông Dềnh Dua Chò trú tại bản Huồi Khá được đồng bào tôn là “chúa chè”. Gia đình ông hiện có 2 ha chè Tuyết Shan, cho thu hoạch mỗi năm gần 70 triệu đồng. Ông Chò bắt đầu trồng chè Tuyết Shan khi mô hình thử nghiệm của Tổng đội TNXP 8 cho thấy hiệu quả. Lúc đó, với 2 ha lúa rẫy, ông Chò bàn với vợ là Vừ Y Sềnh chuyển sang trồng chè. Bà Sềnh sợ thiếu cái ăn cho lũ con nên không đồng ý, nhưng ông quả quyết, thuyết phục, vợ ông không cản được đành để ông làm theo ý mình.

Sản phẩm chè Tuyết Shan đã được chế biến, đóng gói “chân không” tại chỗ,
được người tiêu dùng ưa chuộng
Ông Dềnh vừa hái chè vừa trải lòng: “Thấy cây chè Tổng đội trồng trên cao tít ngọn núi mà vẫn xanh tốt, ta thèm lắm! Vợ ta không đồng ý nhưng ta tin Tổng đội nên phát sẻ nương rẫy, chuyển sang trồng chè. Nhà ta trồng 2 ha chè, Tổng đội cho giống, lại đến trồng giúp, hướng dẫn kỹ thuật, cho ta tiền mua phân bón, gia đình ta cảm động lắm! Sau 3 năm, nhà ta lại được cán bộ hướng dẫn tạo tán, bắt đầu có chè để hái, có bao nhiêu Tổng đội mua hết. Giờ thì có tiền, mỗi năm cũng được 60 triệu - 70 triệu đồng, ta mua tivi, xe máy, trâu, bò để nuôi, tháng nào cũng đem tiền ra thị trấn gửi ngân hàng. Ở bản ta, nhiều hộ cũng có tiền nhờ trồng chè đem gửi ngân hàng rồi đấy. Cuộc sống ổn định, không còn phải sợ cái đói nữa…”.
Từ lúc cây chè có thu hoạch, gia đình ông Chò không trồng xen lúa rẫy nữa mà lấy tiền bán chè để mua lúa, gạo ăn. Có tiền, ông Chò sắm thêm cái máy xay xát lúa, gạo để tự phục vụ gia đình. Có xe máy, con đường từ Huồi Tụ ra thị trấn Mường Xén lại được trải nhựa nên thuận tiện cho việc đi lại. Hai đứa con ông, bà hiện nay sắp tốt nghiệp ĐH và CĐ.
Noi gương ông Chò ở bản Huồi Khá, toàn xã Huồi Tụ và một số xã lân cận đã có nhiều hộ trồng và cho thu nhập cao từ cây chè Tuyết Shan. Chúng tôi gặp anh Dềnh Bá Rê khi anh đang chở hai bì chè búp vào bán cho Tổng đội.
“Thấy ông Chò trồng chè, năm 2004, ta cũng trồng 1 ha, ở các bản khác, xã khác, đồng bào ta cũng trồng chè. Đến nay, mỗi tháng cũng bán cho Tổng đội được 4 - 5 tạ chè. Trồng chè sướng hơn làm rẫy nhiều, có thu hoạch quanh năm, ta có tiền cho con ăn học, lại mua được cả tivi, xe máy, làm nhà mới…” - Anh Rê tâm sự.
Ông Vừ Giống Dìa - Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ phấn khởi ra mặt: “Ở Huồi Tụ chỉ có cây chè Tuyết Shan là sống khoẻ, cho đồng bào nhiều tiền và cuộc sống no đủ thôi! Cây chè sống được trên đất này 10 năm rồi, nay Huồi Tụ chỉ còn dưới 58% hộ nghèo (năm 2003 là trên 70% - P.V); đi khắp xã tìm cũng không có nhà ai tranh, tre dột nát nữa; nhiều nhà sắm xe máy, tivi, làm nhà to, cuộc sống đã tốt hơn nhiều... Đồng bào đã hiểu được chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước; đốt nương làm rẫy, di dịch cư trái phép nay đã giảm rất nhiều. Đồng bào ổn định tư tưởng, yên tâm làm ăn... ”.
Huồi Tụ đang đổi thay từng ngày. Chợ Huồi Tụ không chỉ đủ các mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống mà nay đã có nhiều hơn những chuyến hàng từ miền xuôi lên. Miền sơn cước Huồi Tụ có cả hàng hải sản, có nhiều tiệm sửa chữa điện thoại, tiệm sửa chữa xe máy, tivi…
Chè Tuyết Shan, một biểu tượng về sản vật địa phương ở Huồi Tụ nay đã có điểm giới thiệu hàng ở thị trấn Mường Xén và cả TP Vinh. Chẳng bao lâu nữa, Huồi Tụ sẽ trở thành thủ phủ của cây chè Tuyết Shan, một sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng, hứa hẹn là cây thoát nghèo và giúp đồng bào Mông ở đây vươn lên làm giàu.
Văn Dũng
.