Từ khi đưa vào áp dụng đến nay, Luật Hôn nhân và Gia đình - ban hành năm 2000 không hề có những điều khoản cụ thể nào về việc mang thai hộ. Đến năm 2003, một nghị định của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học đã nêu rõ: Nhà nước nghiêm cấm các hành vi mang thai hộ và sinh sản vô tính. Trẻ ra đời do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phải được sinh ra từ người mẹ - là cặp vợ chồng vô sinh - hoặc người phụ nữ độc thân nhưng đứa con phải được hình thành từ trứng của người phụ nữ ấy...
Tuy nhiên, trong thực tế, đã có nhiều đứa bé ra đời nhờ vào việc mang thai hộ. Và bởi vì luật pháp chưa cho phép nên tất cả đều phải làm "chui"…
1. Khi kể câu chuyện này, B. - nhân viên của một công ty có trụ sở tại TP HCM đã bắt tôi phải hứa đi hứa lại, rằng ngoài việc không tiết lộ tên thật của cô trên báo, tôi cũng không được phép nêu rõ danh tính các bác sĩ và cơ sở y tế đã giúp vợ chồng cô có được đứa con vì sợ ảnh hưởng đến họ.
B. nói: "Em và ông xã em lấy nhau đã 3 năm nhưng không có con. Đi xét nghiệm, bác sĩ nói cả hai đều bình thường - nghĩa là số lượng tinh trùng của chồng em đủ, chất lượng đạt yêu cầu. Còn em, trứng rụng đúng chu kỳ, kinh nguyệt đều, không u nang buồng trứng, không u xơ tử cung nhưng "điếc" vẫn hoàn "điếc". Bác sĩ nói vợ chồng em nằm trong trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân".
Trong chuyên khoa Sản phụ và Nam khoa, vô sinh ở phái nam thường do người đàn ông mỗi lần xuất tinh thì số lượng tinh trùng có rất ít trong tinh dịch, hoặc tinh trùng nhiều nhưng đa số dị dạng, di động kém. Cá biệt có người hoàn toàn không hề có một con "loăng quăng" nào. Phía nữ giới, u nang buồng trứng, vòi trứng 2 bên, tắc vòi trứng, u xơ tử cung cũng như một số bệnh lý như lao vòi trứng, buồng trứng…, có thể dẫn đến vô sinh.
![]() |
Mang thai - vừa là thiên chức, vừa là hạnh phúc của người vợ, người mẹ |
Tuy nhiên, lại có những người chức năng sinh dục hoàn chỉnh - như vợ chồng cô B. mà tôi vừa đề cập - mà vẫn vô sinh như thường. B. kể tiếp: "Vợ chồng em 3 lần làm thụ tinh nhân tạo nhưng cứ hễ đưa thai vào người chừng nửa tháng, thì bị hư. Bác sĩ nói nguyên nhân là trong lòng tử cung của em có vấn đề gì đó. Tụi em đã chạy đủ thầy đủ thuốc, kể cả… thầy bùa, thầy pháp mà kết quả vẫn chỉ là con số không... ".
Thế rồi một bữa, nghe nói về chuyện mang thai hộ, vợ chồng B. tìm đến một bác sĩ quen để nhờ tư vấn. Theo ý kiến của vị bác sĩ này, thì có thể lấy tinh trùng của chồng B, cho thụ thai với trứng của B. trong ống nghiệm. Khi thai đã đậu, thì nhờ một người khác mang giùm, đẻ giùm. B. nói: "May mắn là em có đứa em chồng, 24 tuổi. Khi biết tình trạng của vợ chồng em như thế, nó tình nguyện làm mẹ giúp em. Thú thật là em phân vân lắm vì nó chưa lập gia đình, nay tự nhiên mang bầu khơi khơi, sau này còn ai dám lấy".
Tuy nhiên, trước sự nhiệt tình của đứa em, cộng thêm nỗi khát khao có một đứa con, vợ chồng B. đã đến một cơ sở y tế rồi sau khi trứng của B. thụ tinh với tinh trùng của chồng B., phôi thai được đưa vào buồng tử cung của đứa em chồng. B. nói: "Bây giờ, con em đã gần 1 tuổi. Nó khỏe mạnh và giống em như đúc".
2. Mang thai hộ là một khái niệm mới xuất hiện gần đây. Có nghĩa là phôi thai hình thành từ trứng và tinh trùng của một cặp vợ chồng không thể có con vì nhiều lý do - được cấy vào tử cung của một phụ nữ khác rồi phát triển cho tới khi đứa bé chào đời. Vì vậy, người mang thai hộ xét về mặt sinh học, không phải là mẹ ruột của đứa bé ấy.
Bác sĩ Nguyễn Giang Hồng, nguyên Trưởng khoa Sản, Bệnh viện (BV) quận 3, TP HCM, cho biết: "Người mang thai hộ không cần phải có cùng nhóm máu với mẹ ruột của phôi thai nhưng trước khi đưa phôi thai vào tử cung, người mang thai hộ bắt buộc phải làm xét nghiệm để tìm yếu tố Rh trong máu - là yếu tố cho biết tình trạng protein có trong tế bào máu. Người có yếu tố này sẽ được ký hiệu là Rh+, còn nếu không có sẽ là Rh-.
Việc xét nghiệm nhằm xác định người mang thai hộ có cùng Rh- hoặc Rh+ với mẹ ruột của phôi thai hay không vì nếu không tương đồng về Rh, thai dễ bị hư non hoặc nảy sinh các vấn đề khác - như dị dạng thai nhi chẳng hạn".
Cùng với việc xét nghiệm tìm Rh, người mang thai hộ còn phải làm các xét nghiệm chuyên biệt như đánh giá chức năng buồng trứng, thăm dò chức năng tử cung, nội tiết. Từ đó, mới có thể xác định họ mang thai hộ được hay không. Nếu được, thầy thuốc chuyên khoa sẽ chuẩn bị để nội mạc tử cung của người mang thai hộ tương ứng với bà mẹ cung cấp phôi thai, nhằm giúp phôi thai "đậu" được và phát triển.
Bác sĩ Hồng nói: "Vì vậy, cần có sự can thiệp từ bên ngoài - nghĩa là cho người mang thai hộ sử dụng nội tiết tố ngoại sinh tương ứng - đặc biệt trong giai đoạn tăng sinh và giai đoạn tiết chế của nội mạc tử cung để tử cung của người mang thai hộ có môi trường đảm bảo cho thai phát triển".
Nhưng cũng có ý kiến thắc mắc rằng, thai nhi nằm trong bụng một người khác suốt 9 tháng 10 ngày, được nuôi dưỡng bằng chính chất bổ lấy từ máu của người ấy thì liệu sau này, khi đứa bé ra đời, nó có chịu ảnh hưởng gì về nhân dạng, tính tình của người mang thai hộ hay không?
Vẫn bác sĩ Nguyễn Giang Hồng, giải thích: "Nhóm máu, cũng như bộ gien di truyền của đứa bé hình thành khi trứng của người mẹ kết hợp với tinh trùng của người cha, còn người mang thai hộ chỉ làm nhiệm vụ nuôi dưỡng, rồi sinh nở nên nó không liên quan gì đến họ".

Trứng của người mẹ đã được thụ tinh với tinh trùng của người cha
M., 32 tuổi, nhà ở quận Thủ Đức, lập gia đình đã 6 năm nhưng không có con mà nguyên nhân là do tử cung của M. thuộc dạng "nhi hóa" - nghĩa là giống như đứa bé 7, 8 tuổi. M. nói: "Tôi nhờ gia đình ở quê tìm giúp một người chịu mang thai hộ. Gần nửa năm sau mới có người đồng ý nhưng chị này lại là người Việt gốc… Khơmer, da dẻ đen thui". Rất lo lắng, vợ chồng M. tìm gặp bác sĩ chuyên khoa, nhờ tư vấn. Khi được bác sĩ giải thích, rằng chủng tộc, màu da hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến đứa bé thì M. mới tạm an lòng.
M. nói tiếp: "Sau khi cấy phôi thai vào tử cung chị ấy, vợ chồng tôi thuê nguyên một căn phòng cho chị ấy ở, hàng ngày thăm viếng. Theo lời dặn của bác sĩ, chúng tôi cho chị ấy ăn uống rất đầy đủ đồng thời kiểm tra thai định kỳ".
Đến ngày khai hoa nở nhụy, vợ chồng M. ngồi trước cửa phòng sinh như ngồi trên đống lửa vì mặc dù bác sĩ đã giải thích, nhưng chẳng may đứa bé chào đời mặt mũi lại không giống mình, da cũng đen thui thì biết ăn nói làm sao. Tới hồi cô nữ hộ sinh đẩy cửa bước ra thông báo rằng: "Đẻ sinh đôi. Hai bé giống anh chị như đúc" rồi khi tận mắt nhìn thấy hai hài nhi bé bỏng, nước da trắng hồng, vợ chồng M. mới thở phào. Anh S. chồng M. cho biết: "Tổng cộng chúng tôi tốn hết 400 triệu, trong đó 200 triệu là tiền trả công cho người mang thai hộ vợ tôi".
Tuy nhiên, không phải ai nhờ người khác mang thai hộ cũng đều suôn sẻ như B. và M. Chị H., nhà ở quận 11, TP HCM, đã 3 lần được cấy phôi thai vào buồng tử cung cho một cặp vợ chồng hiếm muộn thì cả 3 lần đều hỏng mặc dù các xét nghiệm cho thấy mọi yếu tố trong cơ thể chị đều bình thường. Theo "thời giá" hiện nay, tiền công cho việc mang thai hộ dao động từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.
Ngoài ra, mỗi tháng, cặp vợ chồng hiếm muộn còn phải "trả lương" cho thai phụ từ 3 đến 3,5 triệu đồng nữa, chưa kể tiền mướn nhà để thai phụ ở, tiền ăn uống, thuốc men bồi dưỡng, tiền khám thai định kỳ. Vợ chồng anh V., người thuê chị H. đẻ giùm nói: "Nếu cô ấy có bầu và sinh nở mẹ tròn con vuông, tổng cộng chúng tôi sẽ phải tốn khoảng 500 triệu đồng".
Ngoài việc tốn kém, nhiều cặp vợ chồng còn phải chịu đựng tính khí bất thường của người mang thai hộ, thậm chí "chiều như chiều vong". Anh K. kể cho tôi nghe, rằng khi mới thỏa thuận về việc mang thai, thì: "Cô ấy dễ thương lắm, bảo sao nghe vậy. Tới hồi thai được 2 tháng, cô ta yêu cầu tôi phải gắn máy lạnh vì nóng quá, quạt máy càng thêm nóng, không ngủ được".
Chưa hết, tới tháng thứ 3, cô ta đòi đi Đà Lạt 2 tuần để dưỡng thai cho khỏe. K. cười như mếu: "Nó dọa tôi là nếu không lo cho sức khỏe của nó, nó sẽ trục thai ra, chẳng cần tiền công nữa". Qua sông phải lụy đò, vợ anh K. đành sắp xếp công việc, đưa "thai nhân" lên Đà Lạt 2 tuần. May là chị có người thân trên đó nên chuyện ăn ở phần nào cũng đỡ phiền toái.
Một chuyện khác, vợ chồng một đại gia tuổi đã ngoài 50, muốn tìm một người mang thai hộ để có đứa con nối dõi tông đường. Nhân vật đầu tiên được giới thiệu là một cô "cave" nhưng đại gia nhanh chóng từ chối vì sợ con mình sau này ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Tìm kiếm mãi, cuối cùng đại gia bằng lòng với một nàng chân dài xinh xắn, trắng trẻo, với niềm tin đứa bé khi chào đời, cũng xinh, cũng trắng. Tổng số tiền chi phí cho vụ "đẻ thuê" này là 4 tỉ đồng. Tuy nhiên, do phôi thai được hình thành từ tinh trùng của đại gia và trứng của vợ, còn cô chân dài chỉ "mang hộ" nên lúc quý tử lọt lòng, nó cũng… đen thui y như bố nó. 4 tỉ đồng coi như đổ sông đổ biển!
Bác sĩ Hồng, nói: "Có trường hợp, người mang thai hộ sau 9 tháng 10 ngày mang nặng, đẻ đau, thì bỗng sinh ra tình cảm quyến luyến với đứa bé - mặc dù đứa bé ấy không phải là con mình". Thế nên sau khi sinh xong, lợi dụng lúc cha mẹ ruột của đứa bé sơ hở, chị ta ẵm "con" trốn mất, báo hại cặp vợ chồng kia vừa mất tiền, lại mất luôn cả con!
3. Thông thường, những cặp vợ chồng hiếm muộn thích chọn người mang thai hộ là người ở quê, tuổi tác trong khoảng từ 28 đến 32 vì hầu hết họ chất phác, không làm eo làm sách. Hơn nữa, với cá nhân họ, việc vắng mặt trong khoảng 1 năm với lý do "lên thành phố tìm việc làm" rồi sinh nở xong, họ lại trở về quê thì bà con chòm xóm chẳng ai thắc mắc gì. L., 29 tuổi, ở Bạc Liêu, đã lập gia đình và có 1 đứa con nhưng li dị được hơn 3 năm, cho biết: "Em nhận lời đẻ giùm cho anh chị T., tiền công 150 triệu đồng. Ăn ở anh chị lo hết. Bữa đi siêu âm, biết là con trai, chị nói sẽ thưởng cho em thêm 10 triệu. Đẻ xong, em giao con cho anh chị rồi về quê, mở quán bán cháo lòng".
Tôi hỏi L. có biết việc làm của cô chưa được pháp luật công nhận không? L. tròn mắt: "Ủa, vậy hả! Em đâu biết, em tưởng cái bụng của mình, mình muốn cho ai nhờ là chuyện của mình chớ!".
Theo Bộ Tư pháp, việc nghiêm cấm hành vi mang thai hộ nhằm tránh những tiêu cực đã và đang xảy ra như mang thai hộ để mua bán trẻ sơ sinh bất hợp pháp, hoặc lách luật cấm sinh con thứ ba. Tuy nhiên, về phía xã hội, việc nghiêm cấm ấy lại hạn chế sự mong muốn chính đáng của rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, dẫn đến việc làm thụ tinh trong ống nghiệm "chui", mang thai hộ "chui".
Trong những kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, UBND một số tỉnh, thành gửi về Bộ Tư pháp khi xây dựng Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi đều cho rằng, pháp luật cần cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Sự cho phép sẽ tạo điều kiện cho những cặp vợ chồng không có khả năng sinh con nhưng vẫn được làm cha mẹ. Nhiều bác sĩ chuyên ngành sản, phụ khoa cũng đồng tình với ý kiến này.
ANTG
.