Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201304/27933-tron-doi-son-sat-tho-chong-391397/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201304/27933-tron-doi-son-sat-tho-chong-391397/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Trọn đời son sắt thờ chồng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 30/04/2013, 13:01 [GMT+7]
27933

Trọn đời son sắt thờ chồng

Gần nửa thế kỷ trôi qua, mỗi lần khúc ca khải hoàn vang lên mừng ngày thống nhất đất nước trên đài phát thanh, người vợ phi công Trần Nguyên Năm ở xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu lại hướng đôi mắt nhìn lên bầu trời sâu thẳm như dõi theo hình bóng người chồng của mình trên cao.
 
Người mà 48 năm trước đã cùng với phi đội của mình quần nhau với máy bay của giặc Mỹ để bảo vệ bầu trời Hàm Rồng (Thanh Hóa) năm 1965, rồi trước lúc hy sinh vẫn chưa kịp để lại cho người vợ trẻ ở quê nhà một đứa con cho ấm cửa, vui nhà.
 
Bến quê ngày ấy, anh đi
Sinh ra ở 2 làng cách nhau một con sông Lồi nhưng Trần Nguyên Năm (SN 1932) và Phạm Thị Mai (SN 1934) lại học cùng nhau dưới một mái trường. Ngày mới lớn, như bao lớp trai làng khác, anh Năm với dáng vẻ điển trai, cao to đã thương thầm, nhớ trộm cô bé Mai ít hơn mình 2 tuổi học lớp dưới.
 
Di ảnh anh hùng liệt sỹ phi công Trần Nguyên Năm
 
Hàng ngày, vẫn bến quê là nơi đi lại giữa 2 làng, Trần Nguyên Năm cùng với chị Mai đi chung trên chuyến đò những buổi tan trường. Ngày ấy, tình yêu của tuổi trẻ còn e thẹn, ngại ngùng nhưng với bản lĩnh và tình cảm của mình, Trần Nguyên Năm cũng chinh phục được cô thôn nữ Phạm Thị Mai khi vừa tròn mười chín, đôi mươi.
 
Đầu năm 1953, chị Mai và anh Năm được 2 bên nội ngoại vun vén thêm, tổ chức đám cưới giản dị, đơn sơ giữa làng quê thời chiến. Để rồi, ở với nhau được một thời gian ngắn, đến tháng 3/1953, Trần Nguyên Năm tình nguyện nhập ngũ, tham gia bộ đội chủ lực chống Pháp ở Điện Biên Phủ.
 
“Do chiến tranh, ai cũng muốn giữ chồng ở lại bên mình nhưng vì đất nước nên tôi cũng không nỡ. Ngày anh ấy đi, gia đình nội ngoại đều nghèo đói, chỉ có câu chuyện dặn dò tâm tình để chồng mình ra đi chân cứng đá mềm. Đến đầu năm 1954, anh ấy biên thư về thông tin cho vợ và gia đình là đã vào bộ đội chủ lực.
 
Mãi tới cuối tháng 5/1954, sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ, chồng tôi mới trở về quê nhà nhưng chỉ được 3 ngày lại phải quay trở lại đơn vị rồi biền biệt mãi 3 năm sau mới về thăm nhà lần hai” - Bà Mai rưng rưng nhớ lại. Chị Mai vẫn nhớ mãi cái ngày chồng khoác ba lô lên đường ra chiến trận, tiễn anh đi ở bến quê sông Lồi năm ấy, khi bóng anh đã khuất dần sau lũy tre làng, chị chỉ biết giấu mặt vào tay mà khóc thầm.
 
Và, cho đến 3 năm sau, Trần Nguyên Năm được đơn vị cho về phép. Ngày về quê nhà thăm vợ, chị vẫn đón anh ở bến quê năm ấy. Ở với nhau mấy đêm, dường như có linh tính mách bảo chồng mình sắp phải đi xa lần nữa, chị gượng hỏi thì anh thủ thỉ: “Đợt này anh đi làm công tác bí mật, có thể tận 10 năm mới gặp lại, em ở nhà gắng đợi. Sau này, anh sẽ bù đắp lại cho em nhiều hơn nữa”.
 
Chị Mai cùng với mẹ con đứa cháu dâu của mình trong căn nhà 
mà Quân chủng phòng không không quân xây tặng
 
Ngày ra đi, anh Năm cũng chỉ nói với vợ như vậy. Còn phần Mai ngày đó, chỉ biết chồng mình đi làm theo nhiệm vụ của Đảng giao phó. Người dân trong làng dò hỏi, chị cũng chỉ biết trả lời là chồng mình được cử ra Hà Nội công tác. Mãi sau này, chị mới biết chồng mình được Bác Hồ cử đi học lớp phi công ở Trung Quốc để về nước phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ.
 
Mãi tới tháng 6/1964, Trần Nguyên Năm mới được đơn vị cắt phép cho về quê 5 ngày. Về quê, vợ chồng hàn huyên chưa được nhiều thì Trần Nguyên Năm nhận lệnh phải trở lại đơn vị. Những ngày tháng biền biệt xa cách, ngày trở về bên nhau, quãng thời gian ngắn ngủi ấy đối với người vợ trẻ như chị Mai vô cùng vui sướng khi tận thấy chồng trở về bằng da, bằng thịt. Những tháng ngày chồng đi “làm công tác đặc biệt”, bố mất anh cũng không kịp về chịu tang.
 
Một mình chị lại phải thay chồng lo toan công việc trong gia đình. Ngày gặp lại, hai vợ chồng chỉ biết động viên nhau vượt qua khó khăn để chờ ngày đất nước được giải phóng sẽ trở về bù đắp cho nhau. “Gần 7 năm trời từ ngày ông ấy về phép lần ấy, tôi mới được gặp lại chồng mình. Lần này về quê, ông ấy dặn dò vợ nhiều lắm. Ông hứa sau đợt này, đi ra Bắc sẽ sắp xếp trở lại đón vợ ra ở cùng. Nào ngờ, đó là lần cuối cùng vợ chồng tôi gặp nhau. Hôm nghe tin báo phi công Trần Nguyên Năm đã anh dũng hy sinh trên bầu trời Thanh Hóa, tôi đau xót lắm… Tình nghĩa vợ chồng chưa vẹn tròn, chiến tranh đã cướp đi người chồng của tôi” -
 
Nhìn lên di ảnh của chồng mình, cho đến bây giờ, mỗi lần nhắc lại chuyện người chồng của mình đã ngã xuống vì Tổ quốc, bà Mai vẫn đau đáu một nỗi niềm khắc khoải.
 
Nhớ về anh, trọn đời son sắt
Sau ngày anh hùng phi công Trần Nguyên Năm hy sinh anh dũng bảo vệ Tổ quốc trên bầu trời cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) ngày 4/4/1965, cả gia đình anh ở quê nhà đau xót suốt một thời gian dài, còn bà Mai như lặng người đi khi hay tin chồng mình không còn nữa. Nỗi đau ấy như xé nát tim can của người vợ trẻ nơi quê nhà mòn mỏi ngóng chồng hàng năm trời. Lúc nhận được tin đau buồn ấy, bà Mai đang trực ở trạm xá của xã ngất lên, lịm xuống.
 
“Đau buồn lắm chú ạ. Vợ chồng ở với nhau chưa tròn một năm kể từ khi cưới cho đến số lần về phép của ông ấy. Chưa có với nhau một đứa con cho vui cửa, ấm nhà, ông ấy đã vĩnh viễn ra đi. Cả lời hứa năm nào đợi chờ, thủy chung mong ngày chồng về đoàn tụ. Nào ngờ, chiến tranh khiến vợ chồng tôi mãi mãi phải lìa xa nhau” - Bà Mai tâm sự.
 
Cũng từ ngày biết tin chồng mình không còn nữa, bà Mai vẫn ở vậy hàng ngày ôm hình bóng chồng như một điểm tựa để sống cho đến ngày hôm nay. Bố chồng mất năm 1958 khi anh Năm còn ở xa. Rồi một năm sau khi con trai hy sinh, mẹ anh Năm cũng về nơi suối vàng. Hàng ngày, ngoài công việc làm công tác hộ sinh ở trạm xá xã, đêm về, bà Mai lại sống trong cảnh lẻ loi, đơn chiếc.
 
Một thời gian sau, để bớt nỗi buồn đau tủi phận, bà Mai tự nguyện đón đứa cháu, con em gái ruột của mình về nuôi dưỡng từ thuở còn chập chững bước thấp, bước cao cho tới khi lấy vợ, xây nhà, dựng cửa. Đến năm 1987, sau 15 năm làm công tác hộ sinh, do điều kiện sức khỏe, bà Phạm Thị Mai được tạo điều kiện cho nghỉ hưu sớm.
 
Lúc này, người cháu mà bà xem như con đẻ của mình là Nguyễn Ngọc Cường cũng đã tròn 20 tuổi. Hai hình bóng trong nhà tranh vách đất thuở nào bấu víu nhau sống qua ngày đoạn tháng. Đến lúc anh Cường lấy vợ, có thêm con, cháu trong nhà, bà Mai như có thêm niềm động viên để sống vui lúc tuổi xế chiều.
 
Đến năm 2003, Quân chủng phòng không không quân cùng với Công ty bay dịch vụ miền Nam đã quyên góp, ủng hộ để xây dựng cho bà Phạm Thị Mai một căn nhà cấp 4 ngay trên chính nền đất cũ cho thân nhân đồng đội của mình, vợ anh hùng liệt sỹ phi công Trần Nguyên Năm. Cũng từ đó đến nay, bà Mai không còn phải chịu cảnh tất bật trốn mưa, tránh nắng trong căn nhà cũ dột nát. Từ khi có căn nhà mới, đồng đội chồng năm xưa thỉnh thoảng có ghé thăm như phần nào động viên bà sống vui, sống khỏe những năm tháng tuổi già.
 
Nói về người vợ là thân nhân đồng đội của mình năm xưa, Trung tướng phi công Trần Hanh, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ngậm ngùi tâm sự: “Trong phi đội 4 người năm xưa cùng “con én bạc” MIG 17 xuất phát từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) vào Thanh Hóa đánh trả máy bay Mỹ bảo vệ cầu Hàm Rồng, Trần Nguyên Năm và 2 đồng chí nữa đã dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Phi công Trần Nguyên Năm hy sinh để lại người vợ trẻ ở quê nhà. Mấy năm trước, tôi về Nghệ An thăm gia đình đồng đội sát cánh năm xưa của mình mới biết, chị ấy vẫn ở vậy son sắt thờ chồng, tôi vô cùng cảm kích”.
 
Còn với bà Phạm Thị Mai, 48 năm qua, đến ngày lễ, Tết lại lặn lội ra Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội) để hương khói cho chồng, người dân nơi đây ai cũng kính trọng. Có lẽ, chẳng có nỗi đau nào hơn khi mất chồng và cũng hiếm gặp một người vợ trọn đời ở vậy thủ tiết, thờ chồng.

Ngọc Thái
.