Hậu quả hầu hết trong số chúng thành những kẻ thất học. Kỷ lục đáng buồn này ít ai ngờ rằng nó lại được lập nên giữa Thủ đô Hà Nội…
Chạnh lòng một kỷ lục
Đến xóm Cổ Bản, phường Đồng Mai, Hà Nội hỏi thăm nhà anh Ngô Doãn Năm và chị Đặng Thị Hải chả mấy ai biết. Chỉ đến khi chúng tôi tả cụ thể hơn về họ, rằng họ sinh tới 13 đứa con thì ai nấy đều gật gù bảo rằng: "Thế thì anh chị phải hỏi thăm là nhà anh Năm "đứt dây" người ta mới biết đường mà chỉ nhà cho". Bất ngờ trước một biệt danh có phần ngồ ngộ ấy, tôi hỏi vặn một người dân nơi đây, ai dè họ bảo: "Thì đẻ nhiều thế, đu dây nhiều thế trước sau gì chả đứt nên ở đây người ta gọi nhà đó là "Năm đứt dây".
Quả thực, chúng tôi chưa từng khi nào đặt chân vào một ngôi nhà mà số trẻ con hiện hữu trong đó nhiều tới mức khiến chúng tôi có cảm giác đó là một nhà trẻ. Những đứa trẻ lấm lem bùn đất, đầu óc bết bát, cơ thể chúng thậm chí còn tỏa ra một thứ mùi rất đặc trưng của những sinh vật ít tắm rửa. Tất cả chúng đều có chung bố và mẹ. Đấng sinh thành ra chúng đã lập nên một kỷ lục đáng buồn về số con mà họ sinh ra.
Ngôi nhà lụp xụp áng chừng chưa đầy 30 mét vuông. Bước vào sân là ngổn ngang những rau, những cá. Phía tay phải một góc sân và trước hiên nhà là những dây phơi quần áo được chất đống lên nhau. Chúng tôi mới chỉ kịp bước chân vào sân nhà anh Năm những đứa trẻ con của anh chị đã ào ào ùa ra như bầy chim vỡ tổ. Bộ dạng của những đứa trẻ xộc xệch và nhếch nhác khiến chúng tôi liên tưởng tới những em bé vùng cao xa xôi. Quả là khó ai có thể tin rằng chúng đang sống giữa đất Thủ đô Hà Nội.
Ngôi nhà nhỏ nhưng tấp nập người ra kẻ vào. Mấy hôm nay phường Đồng Mai đang có hội nên hai cô con gái lớn nhà anh Năm chị Hải lấy chồng mãi tận Nam Định và Ninh Bình cũng đưa chồng, cho con về dự hội cùng bố mẹ và các em. Đứa con trai thứ ba của anh chị lấy vợ rồi ở rể tận Sơn La cũng đưa vợ con về dự hội. Thế nên nhà vốn đã chật, người vốn đã đông nay khi có dịp hội tụ về đầy đủ lại càng thêm đông chật. Ba mươi mét vuông cho hai mươi mấy con người. Không khí náo nhiệt và có phần ngột ngạt.
Đã lâu lắm rồi chị Hải mới lại có dịp nhàn tản ở nhà cả ngày để vui vầy với các con và các cháu. Đang nói chuyện, chị quay sang thì thầm với chúng tôi: "Nói thật với cô chú, ở nhà cả ngày thế này tôi sốt ruột lắm. Nhưng chả mấy khi chúng nó đưa chồng con về thăm bố mẹ mà mình cứ đi làm thì lại sợ chúng nó tủi thân". Mới bốn mươi tuổi mà trông bộ dạng của chị chẳng khác nào một bà lão tuổi ngoại sáu mươi. Bà con xóm làng phải thốt lên rằng may mà chị còn sức khỏe, nếu không cái gia đình 13 đứa con, một ông chồng nát rượu, mẹ già, lại thêm mấy đứa cháu sẽ không biết sống thế nào.
Mười sáu tuổi chị bước chân theo chồng. Nhà chồng nghèo, hồi mới lấy nhau anh chị phải dựng một túp lều tạm ở sườn đê. Đẻ đứa con đầu tiên trong túp lều rách nát ấy, biết bao đêm chị vừa ôm con vừa thấp thỏm lo lều sụp khi bão tới. Nhà nghèo nhưng những đứa con cứ lần lượt ra đời. Đã có thời điểm chị phải luộc su hào cho các con ăn trừ bữa thay cơm.
Túp lều rách nát nơi chị Hải vẫn ngủ hằng đêm
Khi sinh xong đứa thứ 6, chị đã trốn chồng đến bệnh viện để triệt sản. Nhưng không biết chồng chị hồ nghi thế nào đã theo gót chị tới tận bệnh viện vừa đánh chị vừa chửi bác sĩ rồi lôi xềnh xệch chị ra khỏi phòng khám. Và kể từ cái đận ấy chị không dám thêm một lần nào nữa mò tới bệnh viện.
25 năm làm vợ, trở thành mẹ của 13 đứa con. Cuộc đời chị là những chuỗi dài đớn đau và khổ cực. Năm 2008, vợ chồng chị may mắn thầu được cái đầm của xóm để thả cá. Kể từ đó hầu như đêm nào chị cũng ngủ ở túp lều ngoài đầm, vừa để trông cá vừa để tiện hái rau đi chợ bán. Ngày nào cũng như ngày nào cứ tám giờ tối chị bắt đầu công cuộc hái rau rồi lọ mọ đến 2, 3 giờ sáng mới được ngả mình. Nhưng giấc ngủ cũng chỉ kéo dài chừng vài tiếng chị lại phải lóc cóc chất rau lên xe đạp mang bán. Chị bảo: "Vất vả là thế cũng chỉ mong các con được ăn đủ no thôi".
Cuộc sống hoang dã
Ngồi tiếp khách ước chừng mới mươi phút mà những đứa nhỏ con chị chốc chốc lại ào vào mẹ. Đứa xin chị năm nghìn đi mua cà chua để cho chị nó nấu canh cá. Đứa lại chạy vào hỏi mẹ rau nhặt như thế nào, có cần phải giã nghệ cho vào canh hay không. Thằng Tám ngồi bệt ra một góc nhà lạch cạch cạo chỗ cháy còn bén lại nồi thổi buổi trưa để vo gạo nấu cơm. Ba đứa cháu hai ngoại, một nội cùng độ tuổi chừng vài tháng đang được mẹ và dì bế.
Chị Hải quây quần bên các con và cháu
Thằng cu con đứa con gái lớn của chị đang sốt nên khóc váng nhà. Mẹ nó bị đau ngực không cho con bú được nên phải pha sữa ngoài. Thấy cháu được bú bình thằng con trai út của chị Hải năm nay vừa tròn hai tuổi nhảy phắt lên giường giật phăng chiếc bình từ miệng cháu rồi ngửa cổ lên tu ừng ực. Phải mất một lúc lâu chị Hải quát mắng rồi dỗ dành thằng bé đã được gọi là chú mới chịu trả lại bầu sữa cho đứa cháu đang khóc nấc.
Chị bảo, đi làm suốt thì không sao nhưng hễ bước chân về đến nhà là chúng nó lại rào rào chạy ra thưa gửi, mệt hết cả người. Một mình chị phải tần tảo, bươn chải cho mười mấy miệng ăn. Anh Năm chồng chị, mang tiếng là trụ cột gia đình nhưng chả giúp gì cho chị. Cứ rượu vào là biêng biêng. Mà biêng biêng rồi là mắng vợ chửi con. Hồi tháng 9 năm ngoái, sau khi sức khỏe suy sụp một cách đáng ngờ chồng chị đã đến bệnh viện khám. Bác sĩ kết luận anh bị men gan, lao phổi, to lá lách, tiểu đường và cơ số các bệnh khác. Nói chuyện với chúng tôi chị Hải buồn rười rượi: "Bệnh viện trả về rồi cô chú ạ. Giờ chỉ là kéo dài được ngày tháng nào hay ngày tháng đó thôi. Số tôi nó khốn nạn quá!".
Chả phải đợi đến khi chồng bị bệnh thì mọi việc trong gia đình mới do một tay chị lo liệu. Mọi thứ sinh hoạt trong gia đình đều tự cung tự cấp. Gạo thì nhà cấy. Rau cỏ nhà trồng. Cá mú cũng do các con chị đi nơm, đi đánh te về. Thế nên các con của chị chả mấy khi được ăn một bữa thịt no nê. Hôm nào chị chắt bóp mua được vài lạng thịt là y rằng đứa này gườm đứa kia. Chúng tranh nhau gắp, đứa nào chậm tay có khi chả được miếng nào. Thế là lại lăn ra khóc ăn vạ, rồi đánh nhau loạn nhà.
Trời rét, nhưng thằng Mười vẫn phải theo anh đi bắt cá
Như một thói quen, mỗi khi vào bữa ăn chị đều phải liếc qua nhẩm đếm xem có thiếu đứa nào hay không. Đi ngủ cũng vậy. Mùa đông thì còn chen chúc nhau trên vài ba cái giường chứ mùa hè thì chúng cứ nằm la liệt dưới nền nhà đến nỗi muốn đi lại làm việc gì trong lúc chúng ngủ cũng khó. Quần áo cũng thế, định mua cho đứa này thì phải làm công tác tư tưởng cho những đứa kia rất lâu. Chị bảo không còn biết phải khổ vì chúng nó đến khi nào nữa.
Những đứa con thất học do mẹ đẻ rơi
Hỏi chị Hải lý do vì sao mà vợ chồng chị đẻ nhiều đến thế thì chị hồn nhiên trả lời: "Tại vợ chồng tôi kém hiểu biết nên chả biết cách nào để phòng tránh thai. Với lại tôi nói thật tôi không muốn làm trái với đạo đời. Chẳng may chửa thì phải đẻ thôi chứ không đời nào tôi bỏ đâu. Làm thế thất đức lắm. Nó là máu mủ của mình mà. Tôi vất vả đến mức cũng chả có thời gian mà lên trạm xá để đặt vòng tránh thai".
Thế nên 13 lần chửa là 13 lần chị đẻ con rơi. Cứ làm quần quật cho đến khi nào đứa trẻ đến ngày đến tháng thì tự chui ra thôi. Cũng vì lý do đó mà con chị không đứa nào có giấy chứng sinh. Vì không có giấy chứng sinh nên vợ chồng chị cũng không thể nào làm được giấy khai sinh cho chúng. Địa phương nơi vợ chồng chị sinh sống cũng chỉ chiếu cố làm giấy chứng sinh cho 4 đứa con đầu của anh chị. Sau này vì thấy vợ chồng chị đẻ sòn sòn như vịt, họ đã cứng rắn và kiên quyết nói không khi vợ chồng chị lên nài nỉ xin giấy chứng sinh cho con.
Trong 13 người con của anh chị thì Ngô Doãn Tới được học cao nhất, lên đến lớp 11. Sau bị bạn trêu chuyện bố mẹ đẻ nhiều, Tới buồn chán và bỏ học. Mấy đứa sau cứ hồn nhiên lớn lên như cây cỏ bữa no bữa đói và gần như không biết đến trường lớp. Anh Năm cho biết các con anh từ đứa thứ 8 đến thứ 10 lần lượt là Tám, Phúc, Đức đã một gần học kì nay "không được đến trường".
Nguyên nhân theo anh Năm thì: "Nhà tôi nay nơi này mai nơi khác, ăn ở không ngăn nắp nên mất sổ hộ khẩu cũng mất luôn giấy khai sinh của các con. Những năm trước có thầy Hiệu trưởng Trường TH Đồng Mai I rất tốt, lo khoản này giúp các cháu và gia đình. Giờ thầy đã nghỉ hưu, giấy tờ chúng tôi chạy đi làm gần nửa năm mà vẫn chưa xong. Các cô giáo chủ nhiệm mắng, nói con chúng tôi học nhờ nên đuổi ra khỏi lớp".
Hiệu phó Trường TH Đồng Mai I Nguyễn Đình Cư phân trần: "Việc các cháu không có giấy khai sinh khiến giáo viên và trường gặp nhiều khó khăn trong việc vào sổ sách, điểm số. Năm qua tôi có gặp trực tiếp anh Năm đề nghị anh cùng tôi đến chính quyền để làm lại khai sinh cho các cháu. Anh nói khó khăn, tôi hứa giúp, chỉ cần anh đi cùng để xác thực mà anh khất lần mãi".
Ông Nguyễn Duy Nam - Tổ trưởng tổ dân phố Cổ Bản: "Đến nay chính quyền đã "hết cách" với gia đình 13 con này. Từ ngày nhà này sinh con thứ 6, chính quyền đã khuyên chị Hải đi triệt sản nhưng ông chồng lên trạm y tế chửi bới bác sĩ rồi lôi về. Và cứ thế cách một năm gia đình nhà này lại cho ra đời một thành viên mới. Đến khi sinh con thứ 11, cả đài truyền hình, ông Tổng cục trưởng Cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, về tận nơi hạ quyết tâm không cho nhà này đẻ nữa, nếu chính quyền thôn, xã không "dừng đẻ" của nhà này sẽ bị kỷ luật. Nhưng rồi bao nhiêu biện pháp mà nhà họ vẫn đẻ thêm hai đứa nữa. Giờ chính quyền nói mãi, bàn mãi mà họ cứ bỏ lơ nên chính quyền cũng bất lực". |
Ba đứa con lần lượt theo thứ tự 11, 12, 13 của anh chị cũng đã đến tuổi đi học mẫu giáo, nhà trẻ nhưng không đứa nào được đến lớp. Một phần vì gia cảnh khó khăn, một phần vì bố mẹ không thể làm giấy chứng sinh cho chúng nên chúng đã không thể đến trường như bạn bè cùng trang lứa.
Nhìn những đứa trẻ hồn nhiên, hoang dại như cây cỏ chợt thấy giận đấng sinh thành của chúng. Chỉ vì sự thiếu hiểu biết của bố mẹ mà cuộc đời của những đứa trẻ ấy đã phải chịu biết bao thiệt thòi, bất hạnh. Thử nghĩ chỉ một vài năm nữa người cha của chúng sẽ vĩnh viễn ra đi vì bệnh tật được báo trước; người mẹ vì lam lũ tảo tần nên sức khỏe cũng suy kiệt đi nhiều; liệu chúng sẽ sống ra sao trong cuộc đời đầy bão gió này?
CSTC
.