Tuổi thơ không cha và cú sốc nghiệt ngã
Khác với nhiều trường hợp nhiễm HIV/AIDS mà tôi đã tiếp cận. Có người chủ động né tránh, có người dành chút thời gian với những thông tin mù mờ, thậm chí thân nhân người nhiễm HIV/AIDS tìm mọi cách từ chối, ngăn cản, xua đuổi và đe dọa những ai dò hỏi sự thật. Khi biết tôi là nhà báo, người phụ nữ này không chỉ đón tiếp chân tình mà còn bảo rằng "Anh cứ viết đầy đủ tên tuổi của em trên báo chứ không ngại gì cả".
Biết vậy, nhưng tôi vẫn cẩn trọng giải thích quyền bảo đảm bí mật đời tư trong Bộ luật Dân sự cùng các chế định tại Luật Phòng chống nhiễm HIV/AIDS và các văn bản có liên quan. Thế nhưng người phụ nữ đó vẫn đồng ý công khai hình ảnh, tên tuổi: Nguyễn Thị Thu Mai (28 tuổi) ở thôn Phú Hiệp 3, xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
Bằng nghị lực sống của chính mình, Nguyễn Thị Thu Mai luôn lạc quan yêu đời. |
Bằng giọng trầm buồn, Mai bày tỏ: "Năm 30 tuổi, má em - bà Trần Thị Nhẫn đã có ba người con, bỗng dưng người chồng bỏ đi biệt tích. Những khi trái gió trở trời, một người đàn ông tìm đến khiến mẹ em không tránh khỏi những phút xao lòng. Từ khi biết mình đã gieo một giọt máu rơi, người đàn ông đó né tránh trách nhiệm, nên em trở thành đứa con không cha...".
Do nghèo khó, nên sau khi tốt nghiệp PTTH năm 2002, Nguyễn Thị Thu Mai không thi đại học mà làm phụ hồ cho nhóm thợ xây dựng ở địa phương. Cuộc mưu sinh đẩy đưa Mai tìm thấy mối tình đầu với Nguyễn Trọng Kh, quê ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Hơn Mai 3 tuổi, Kh hiền lành và cũng là dân thợ nề, nên họ dễ dàng cảm thông đến với nhau bằng tình yêu chân thật. Nồng ấm và vội vã đến mức một tháng sau họ đã nên duyên chồng vợ. Từ đó Kh về sống với gia đình vợ, cần mẫn mưu sinh bằng nghề thợ nề.
Khi đứa con đầu lòng - cháu Nguyễn Thị Ngọc Bích chào đời cuối năm 2004, Nguyễn Trọng Kh theo đồng nghiệp vào Sài Gòn, Đồng Nai làm thợ. Một năm vài ba lần Kh dành chút thời gian về thăm vợ con và dúi vào tay Mai những đồng tiền công dành dụm được.
Cuối tháng 1/2006, Mai nhận được tin chồng đang lâm bệnh nặng, phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy, rồi chuyển tiếp sang Bệnh viện Ung bướu Tp HCM. Mai vội vã bồng con vào tận nơi, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu đầy bí ẩn của người chồng. Mai nhớ lại: "Sau khi về nhà chồng ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, em cố lựa lời gặng hỏi, nhưng anh ấy cứ im lặng không nói rõ bệnh trạng. Đến khi thấy em khóc sướt mướt, anh Kh chỉ nói rằng, bị u ác tính trực tràng. Điều lạ lùng khiến em linh cảm một sự bất hạnh sắp vây lấy mình, đó là suốt ngày anh Kh chỉ nằm vùi trong phòng, né tránh tiếp xúc những người đến thăm…".
Thương con sức khỏe ngày càng suy kiệt, mẹ của Kh tất tả ngược xuôi tìm thầy đông y cứu chữa. Mới uống vài chén thuốc, Kh đổ mệt đến ngất xỉu, phải đưa vào Bệnh viện đa khoa Bình Định cấp cứu và điều trị. Mai chua chát nhớ lại: "Lúc đó chồng em sốt li bì, tiêu chảy kéo dài, bác sĩ phải chỉ định xét nghiệm máu. Và điều em linh cảm đã ập đến. Tai em như ù đi khi nghe anh Kh đã bị nhiễm HIV".
Kể tới đó, giọng của Mai nghẹn lại, dường như đang kìm nén nỗi đau quá khứ trỗi dậy. Lắng vài phút, Mai kể tiếp: "Ngày hôm sau, người chị chồng đưa em đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Định để xét nghiệm. Và lần này em đã quị ngã, muốn khóc mà cổ họng cứ nghẹn lại khi biết mình cũng đã nhiễm HIV. Tối hôm đó em ngồi bên chồng gặng hỏi nguyên do, nhưng anh ấy một mực lắc đầu từ chối". Mai vội vã bồng đứa con 16 tháng tuổi về quê trong tâm trạng hoang mang lo sợ khi nghĩ tới "án tử" đang treo lơ lửng trên đầu mình. Gần một tháng sau Kh ra đi, Mai gượng dậy về nhà chồng vài hôm, rồi trở lại nhà mẹ ruột khi tinh thần và sức khỏe suy sụp đến mức không ai tin người phụ nữ đó có thể sống.
Đứng lên bằng nghị lực sống
Được mẹ và các anh chị khuyên can nhiều lần, Mai gượng dậy, đạp xe đến Trung tâm Phòng chống HIV/AISD Phú Yên. Thêm một lần xét nghiệm nữa với kết quả dương tính, Mai được tư vấn, cấp thuốc ARV. Như vết dầu loang nhanh trên mặt nước, chẳng mấy chốc nguồn tin "con Mai bị siđa" lan truyền đến nhiều thôn, xã. Mỗi lần Mai bước ra đường là gặp phải những lời xì xào và ánh mắt dòm ngó lạnh lùng của nhiều người. Độc mồm hơn nữa có người còn nói: "Chồng nó chết vì siđa, nay mai cũng đến lượt vợ con nó". Ngay cả mẹ Mai cũng tự né tránh người trong làng, vì không đủ sức chịu đựng những lời lẽ cay nghiệt, khơi thêm nỗi đau của con mình.
Mai tâm sự: "Nhiều đêm em đã khóc trong đau đớn, tuyệt vọng. Có lúc em tính đến chuyện tiêu cực để kết thúc đời mình, nhưng nhìn đứa con đang ngon giấc ngủ, em day dứt lắm. Nó không có tội tình gì, nếu mình tìm đến cái chết là né tránh trách nhiệm làm mẹ, chối bỏ tình mẫu tử thiêng liêng". Nghĩ tới đó, Mai đưa con gái đi xét nghiệm trong tâm trạng lo âu, hồi hộp. Và niềm tin cuộc sống đánh thức người phụ nữ trẻ khi bác sĩ công bố con Mai kết quả âm tính.
Trở về nhà, không ai muốn thuê phụ hồ, cuốc đất, đóng gạch như trước nữa, nên mỗi ngày Mai lọc cọc xe đạp đi mua phế liệu. Mỗi tháng 9 buổi, Mai cùng 15 thành viên trong nhóm đồng đẳng ở Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Phú Yên đến các tụ điểm văn hóa, khách sạn, các chợ để tuyên truyền các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV, cấp phát bao cao su…Thu nhập từ mua bán đồng nát mỗi ngày chưa đến 40.000 đồng, cộng với phụ cấp, trợ cấp mỗi tháng gần 600.000 đồng từ nhóm đồng đẳng và chính sách xã hội, Mai cùng mẹ và con gái phải dè xẻn từng đồng để lo cho cuộc sống.
Tưởng đã tạm ổn, nào ngờ cách đây 3 năm, mẹ Mai lâm bệnh ung thư, phải vào Bệnh viện Ung bướu Tp HCM điều trị dài ngày. Hơn nửa thửa đất đang ở đã bán, bây giờ một mình Mai vất vả lo toan cho mẹ bệnh, con nhỏ trong cảnh thiếu trước, hụt sau. Dẫu vậy, mỗi khi có khách đến thăm chơi, trên gương mặt Thu Mai vẫn hiện hữu nụ cười lạc quan, tin yêu cuộc sống. Chính sự lạc quan tin yêu đó không chỉ giúp cho Mai sống khỏe, mà còn thuyết phục người khác từ bỏ lối thoát tiêu cực từ căn bệnh thế kỷ.
Mai kể: "Năm ngoái, nghe tin chị L. ở huyện Tây Hòa vật vã trong bệnh viện, luôn miệng đòi tìm đến cái chết sau khi biết mình lây nhiễm HIV từ người chồng đã chết. Mai đã cùng các anh chị trong nhóm đồng đẳng đến tận giường bệnh động viên chị L., kể lại cú sốc nghiệt ngã và chút trải nghiệm của chính mình. Nghe chuyện, chị ấy cứ tưởng em bịa, nhưng khi cả nhóm "bật mí" cho người phụ nữ đó sự thật, chị L. mới gượng dậy lắng nghe và từ đó trở thành "người bạn" thân thiết của tụi em".
Nghe tôi hỏi về cảm nhận cuộc sống, Mai cười hiền lành và bảo: "Dù mất mát đau thương nhưng em vẫn tìm được hai điều hạnh phúc. Thứ nhất, con em không bị nhiễm HIV, thứ hai là em đã vượt qua cú sốc nghiệt ngã bằng niềm tin chính mình và tình yêu thương của cộng đồng xã hội".
Câu chuyện khép lại khi ánh ngày sắp tắt, nhưng tôi vẫn cảm nhận trong đôi mắt của Mai ánh lên một nghị lực sống. Vâng! Tạo hóa đã sinh ra con người trong cõi đời này, dù có vấp phải những nghiệt ngã đắng cay cũng đừng lỗi hẹn với cuộc sống. Trong bất hạnh khổ đau nào vẫn có thể tìm thấy một chút hạnh phúc, nếu biết tự tin, vượt lên số phận, mà câu chuyện của Nguyễn Thị Thu Mai là một minh chứng rõ nét.
Bác sĩ Phan Vũ Nhân - Giám đốc Sở y tế Phú Yên: Những hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV không chỉ vi phạm pháp luật - đạo đức xã hội mà còn khiến cho người nhiễm HIV thêm mặc cảm với cuộc sống và suy kiệt sức khỏe. Ngoài những liều thuốc ARV, những người nhiễm HIV rất cần một liều thuốc đặc biệt khác, đó là tình người gắn liền với sự cảm thông, chia sẻ của cộng đồng xã hội. Nguyễn Thị Thu Mai là một phụ nữ giàu nghị lực sống, cô ấy biết vượt qua bi kịch số phận nghiệt ngã, tự mình vươn lên tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong nỗi đau… |