Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201203/18807-nhung-nguoi-phu-nu-danh-thuc-mam-thien-398564/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201203/18807-nhung-nguoi-phu-nu-danh-thuc-mam-thien-398564/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những người phụ nữ “đánh thức” mầm thiện - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 08/03/2012, 08:00 [GMT+7]
18807

Những người phụ nữ “đánh thức” mầm thiện

Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An có 8 nữ cán bộ quản giáo hiện quản lý 69 bị can với đầy đủ các thành phần phức tạp từ ma túy, lừa đảo, buôn bán phụ nữ và trẻ em cho đến những tội phạm nghiêm trọng khác. Trong số đó, có những người là đồng bào dân tộc thiểu số, người nước ngoài, những đối tượng mắc các căn bệnh xã hội và cả người nhiễm HIV giai đoạn cuối nên công tác quản lý vô cùng khó khăn, vất vả.
 
Một ngày của nữ cán bộ quản giáo bắt đầu bằng việc đi từng phòng tạm giam kiểm tra các đối tượng phạm tội, nắm bắt thông tin tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, đồng thời phát hiện và ngăn chặn kịp thời những tình huống xấu xảy ra như: thông tin liên lạc, tự sát, nạn đàn anh đàn chị, nạn ăn chặn...
 
Với ước mơ khơi dậy mầm thiện cho những con người lầm lỗi, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành trại giam Trường trung học Cảnh sát, chị Nguyễn Thị Liên được phân công về công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh. Đến nay chị đã có thâm niên 20 năm trong nghề quản giáo. Hiện nay, chị đang quản lý 43 bị can, trong đó có những đối tượng khiến chị phải “đau đầu” nhưng chị vẫn luôn tận tụy, tâm huyết với nghề.
 
Nữ quản giáo kiểm tra vệ sinh tại buồng giam
 
Đại úy Nguyễn Thị Liên chia sẻ: Với những phạm nhân mới vào, chúng tôi phải dành thời gian tìm hiểu lý lịch, quá trình phạm tội của họ cũng như hoàn cảnh gia đình để có biện pháp quản lý, giáo dục phù hợp. Những người mới vào tư tưởng thường chưa ổn định, lúc nào cũng hoang mang, lo sợ nên chúng tôi phải thường xuyên gần gũi, tiếp xúc với họ để nắm được tâm tư nguyện vọng, động viên họ yên tâm cải tạo tốt để nhận được chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. 
 
Gần gũi, thấu hiểu và chia sẻ những nỗi niềm của phạm nhân, bằng tấm lòng nhân ái, các nữ cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh đã cảm hóa được họ, đánh thức và cứu rỗi mầm thiện trong tâm hồn tội lỗi của những con người này. Để rồi từ đó đã có biết bao nhiêu câu chuyện cảm động giữa nữ quản giáo và phạm nhân.
 
Trong số những nữ phạm nhân vào đây, có không ít trường hợp đã mang thai, nhẹ thì được tại ngoại về nhà sinh nở, nhưng đối với những vụ án nghiêm trọng các đối tượng phải sinh nở trong trại giam. Mỗi lần như thế, các nữ quản giáo lại thay phiên nhau túc trực, chăm sóc hai mẹ con từ khi mang thai cho đến lúc sinh nở và nuôi dưỡng đứa trẻ. Đã có nhiều đứa trẻ chào đời trong hoàn cảnh khó khăn như thế.
 
Sinh con trong chốn lao tù là nỗi tủi nhục, xót xa tột cùng của người mẹ. Hiểu được nỗi đau ấy, nữ quản giáo đã động viên, chia sẻ, giúp đỡ các bà mẹ lầm lỡ vượt cạn và chăm sóc chúng như những đứa con của mình. Khi thì sữa, lúc là đồ chơi, tã lót… Chỉ từng ấy thôi cũng khiến các phạm nhân cảm động đến phát khóc.
 
Có những trường hợp phạm nhân không có gia đình hoặc bị gia đình bỏ mặc, không quan tâm. Các chị thường xuyên quan tâm tới điều kiện sinh hoạt, các chế độ, dành thời gian gặp gỡ, trò chuyện để họ vượt qua nỗi mặc cảm, cô đơn. Vào các dịp lễ, Tết các chị đã đề xuất với lãnh đạo đơn vị có những món quà nhỏ để động viên tinh thần các phạm nhân.
 
Trường hợp phạm nhân Nguyễn Thị Hà phạm tội “Tàng trữ và vận chuyển trái phép chất ma túy” là một ví dụ. Do hoàn cảnh khó khăn, Hà  tham gia vào đường dây vận chuyển ma túy. Năm 2008, Hà vào trại với mức án tử hình.
 
Thời gian đầu Hà bị hoảng loạn về tâm lý, thường xuyên bỏ ăn, có biểu hiện u uất, nhiều lần đòi tự sát. Nắm bắt được hoàn cảnh và tâm lý của phạm nhân, các nữ quản giáo đã dành nhiều thời gian trò chuyện, chia sẻ với Hà bằng câu chuyện nhỏ trong cuộc sống nên Hà đã dần ổn định.
 
Rồi Hà cũng nhận ra lỗi lầm và trách nhiệm của mình, Hà yên tâm cải tạo tốt, tham gia tích cực vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Quãng thời gian 2 năm cải tạo Hà dành được nhiều tình yêu thương của các nữ quản giáo. Ngày ra pháp trường cả Hà lẫn những cán bộ quản giáo nghẹn ngào nước mắt. 
 
Là những người phụ nữ công tác trong môi trường đặc biệt nhưng dù ở trong tình huống nào các chị cũng bảo ban nhau cùng cố gắng, năng động, sáng tạo trong mọi công việc, rèn luyện trau dồi phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, hưởng ứng cuộc vận động “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”.
 
Đặc biệt, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chỉ huy, lãnh đạo đơn vị đã giúp các chị vượt qua khó khăn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Và sẽ thật thiếu sót khi không nhắc đến các anh - những người chồng, người cha đã luôn kề vai, sát cánh giúp các chị hoàn thành tốt vai trò người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Huyền Thương
.