Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201203/18686-doc-duong-cuu-thuong-398668/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201203/18686-doc-duong-cuu-thuong-398668/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Dọc đường cứu thương - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 01/03/2012, 13:59 [GMT+7]
18686

Dọc đường cứu thương

Câu chuyện về những người làm trong Đội xe vận chuyển cấp cứu 115 như một lát cắt nhỏ để chúng ta hiểu rõ hơn những tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ y, bác sĩ tỉnh nhà, cũng như những nỗ lực của họ trên chặng đường “cứu người”.
 
Khi nhắc đến cái tên này, nhiều người sẽ nghĩ, liệu Đội xe cấp cứu 115 có liên quan gì với Bệnh viện 115 không? Bởi một cái tên nhưng hai danh xưng? Thực ra, cách đây tầm 10 năm, Nghệ An cũng đã có xe chuyên chở cứu thương. Thời bấy giờ, họ gọi đó là xe Rô 5. Rô 5 lúc đó trực thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An. Nói là xe cứu thương nhưng cũng chỉ có 2 chiếc.
 
Lại do chưa được đầu tư, bảo dưỡng kém nên không đáp ứng nhu cầu của người dân. Do vậy, công tác cứu chữa cũng khó đảm bảo vẹn toàn. Trăn trở với thực trạng đó, bác sĩ Phạm Văn Diễn, lúc đó là Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh đã nảy ra ý định thành lập Đội xe chuyên chở cấp cứu 115.
 
Tận tình phục vụ bệnh nhân, đội xe 115 thực sự là cầu nối bình an
 
Trên cơ sở đó, sau một thời gian, ông cũng thành lập luôn Bệnh viện đa khoa 115. “Đội xe này có từ trước khi bệnh viện thành lập, chừng khoảng 10 năm rồi. Một là để đáp ứng nhu cầu người dân, hai là giúp công tác vận chuyển cấp cứu được thuận tiện và nhanh chóng hơn”, bác sĩ Phạm Văn Diễn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa 115 chia sẻ. Đại bản doanh của Đội xe cũng nằm đối diện với Bệnh viện 115 luôn.
 
Ngày đầu thành lập, do chưa có kinh phí nên Đội xe chỉ có 2 chiếc. Đến nay, tổng số lượng đã lên đến 20 chiếc, với đội ngũ đông đảo 30 cán bộ y, bác sĩ. Theo đó, trên một chiếc xe cứu thương 115 sẽ gồm một lái xe, y tá, điều dưỡng viên.
 
Trong xe có đầy đủ phương tiện máy thở, bình oxy… Nếu trường hợp nguy kịch thì sẽ có thêm bác sĩ. Sau một thời gian hoạt động, 115 dần đã có thương hiệu riêng của mình. Họ gọi 115 khi cần cấp cứu, người này nói người kia bấm 115 lúc có tai nạn trên đường. Ấy nhưng, không phải lúc nào, người gọi đến đều báo xe.
 
Anh Cao Trọng Hiếu, trực ban Đội xe cho biết: “Có lúc, nửa đêm có người gọi đến báo tai nạn. Anh em huy động xe đến địa điểm đó thì lại không có gì. Một số người còn nhá máy trêu chọc”. Tuy nhiên, những trường hợp trên chỉ xuất hiện trong thời gian đầu. Nay, ý thức của người dân cũng được nâng cao.
 
Cùng với kinh nghiệm và một số thiết bị để kiểm tra nên những trường hợp không hay trên cũng đã giảm hẳn. Thời gian gắn bó với Đội xe 115 từ những ngày đầu tiên cũng giúp anh Hiếu phân biệt rõ, trường hợp nào có thêm bác sĩ, trường hợp nào chỉ cần cấp cứu nhẹ.
 
Đại đa số những người công tác trong Đội xe chuyên chở cấp cứu đều có tuổi đời còn rất trẻ. Vì thế, việc học hỏi, trao đổi kinh nghiệm là rất quan trọng, nhất là trong các trường hợp cấp cứu nguy hiểm. Anh Đậu Quang Vinh, lái xe cho Đội xe cấp cứu 115 cho biết: “Xe trực 24/24 giờ. Vào những dịp lễ, Tết, hội họp đông người thì công việc của mọi người cũng vất vả hơn. Tuy nhiên, đã là nhiệm vụ nên ai cũng gắng hoàn thành thật tốt. Chỉ mong, đưa được càng nhiều trường hợp cấp cứu thành công, góp phần cứu sống các bệnh nhân”.
 
Ấy nên, mới có kỷ niệm mà anh Vinh mãi không quên trong suốt chặng đường công tác. Vào cuối năm 2010, lúc chở bệnh nhân ra Hà Nội, lúc đến nơi biết bệnh nhân không có tiền thanh toán tiền xe, đã thế, lại không có tiền thuốc.
 
Vậy là anh em bảo nhau quyên góp tiền giúp bệnh nhân. Sau này, gặp lại, người nhà cảm ơn rối rít, anh cũng vui vì bệnh tình bệnh nhân đã thuyên giảm. “Nhiều năm nay, mình toàn phải đón giao thừa trên xe. Giúp được nhiều bệnh nhân khỏe mạnh mừng lắm. Nhưng cũng có nhiều trường hợp, do báo muộn quá, bệnh nhân tử vong ngay trên tay mình”, anh Lê Quang Hà, nhân viên y tế Đội xe chuyên chở cấp cứu 115 ngậm ngùi chia sẻ.
 
Nhiều người vẫn nói, xe 115 giờ đã thành thương hiệu riêng rồi. Trong Vũng Áng, Hà Tĩnh, người ta cũng gọi 115 Nghệ An nữa là… Ấy nhưng, đó không phải là điều quan trọng nhất với bác sĩ Phạm Văn Diễn, với anh Hiếu, anh Hà… Bởi mục tiêu đầu tiên, tiên quyết và có ý nghĩa nhất đối với đông đảo cán bộ, nhân viên đội xe 115 là cứu được càng nhiều người càng tốt. Để mỗi chuyến xe 115 là một cầu nối bình an đối với các bệnh nhân, là hành trình tiếp nối sự sống của họ mỗi khi nguy kịch.

Mai Hậu
.