>>> Bài 1: Hàng trăm nạn nhân “sập bẫy” vì “xuất khẩu lao động”
(Congannghean.vn)-Trong những năm gần đây, lợi dụng nhu cầu tìm kiếm việc làm của người dân, hàng loạt công ty, trung tâm môi giới việc làm, du học, xuất khẩu lao động mọc lên như nấm. Trong đó, nhiều đối tượng, công ty không có chức năng, khả năng để đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, nhưng bằng mọi chiêu trò, những kẻ lừa đảo này vẫn khiến rất nhiều người dân nhẹ dạ cả tin “sập bẫy” để đi theo con đường “xuất khẩu lao động chui”. Hậu quả đau lòng bởi có nhiều người chưa kịp đặt chân đến “miền đất hứa” đã phải bỏ mạng thương tâm nơi xứ người, kẻ may mắn sống sót thì bị bắt, trả về với một khoản vay nợ từ hàng trăm đến hơn 1 tỉ đồng và không biết bao giờ mới có thể trả được…
Bài cuối: Nhận diện thủ đoạn hoạt động của tội phạm tổ chức người khác trốn đi nước ngoài và cách phòng chống
Tội phạm “Tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài” ở Nghệ An nói riêng và trong nước nói chung có sự cấu kết chặt chẽ, hoạt động với phương thức, thủ đoạn ngày càng đa dạng, tinh vi. Tính chất, mức độ phạm tội ngày càng phức tạp, liên quan đến nhiều tỉnh thành trong nước, thậm chí hình thành đường dây tội phạm cả trong và ngoài nước. Trước tình hình đó, bên cạnh công tác đấu tranh quyết liệt của lực lượng chức năng, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, ngành, nhất là người dân cần tỉnh táo nhận diện rõ hành vi hoạt động của loại tội phạm này, để bảo vệ mình và người thân không bị rơi vào “bẫy” của bọn tội phạm.
Dù đẩy hàng trăm gia đình rơi vào cảnh khốn cùng, nhưng đối tượng Lê Duy Anh (X) vẫn quanh co chối tội |
Phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi
Từ thực tiễn các vụ án xảy ra trong thời gian qua, có thể thấy loại tội phạm “Tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài” thường lợi dụng sơ hở trong quá trình quản lý hành chính của các cơ quan chức năng trong việc cấp phép hoạt động cho các công ty, trung tâm hoạt động trên các lĩnh vực xuất khẩu lao động, du lịch, lữ hành, tư vấn du học, xúc tiến việc làm.v.v... để thành lập các công ty, trung tâm dịch vụ quảng cáo, tư vấn, làm thủ tục hồ sơ, tập hợp các lao động có nhu cầu đi làm ăn ngoài nước và thu tiền, tổ chức đi nước ngoài làm việc bằng các hình thức nêu trên.
Các đối tượng hướng dẫn cho các lao động bất hợp pháp cách thức trả lời khi bị kiểm tra, phỏng vấn. Thậm chí, để đạt được mục đích, các đối tượng sẵn sàng thực hiện các hành vi phạm tội khác như: Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức để sử dụng làm thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu, sử dụng hợp thức hồ sơ đi du học, du lịch, hợp tác… Đối với số nạn nhân, chúng thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết, thiếu cảnh giác của người lao động để có những thủ đoạn đề phòng hậu quả từ trước (về vật chất cũng như trách nhiệm dân sự, hình sự). Chúng thường thỏa thuận với người lao động thực hiện bằng hợp đồng miệng, gặp gỡ địa chỉ trung gian; tổ chức đưa đi và nhận tiền qua nhiều giai đoạn, qua trung gian để khống chế, ràng buộc quyền lợi, tính mạng và tài sản của người lao động trong quá trình phạm tội.
Và kết quả, số bị hại một khi đã rơi vào “bẫy” của bọn tội phạm, hoặc chờ hàng năm với khoản nợ chồng chất, hoặc trốn đi ra nước ngoài cũng bị bắt và lần lượt bị trục xuất về nước, thậm chí là mất mạng khi chưa kịp đến miền đất hứa. Số ít còn lại thì phải sống bất hợp pháp nơi xứ người, luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ bị Cảnh sát nước sở tại phát hiện, bắt giữ và trục xuất về nước.
Điển hình như vụ Lê Duy Anh cùng đồng bọn phạm tội tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài mà Công an Nghệ An vừa điều tra, bắt giữ. Đối tượng này cùng đồng bọn lập ra Trung tâm môi giới, xuất khẩu lao động, du học, tự bịp là trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có chức năng tuyển người đi xuất khẩu lao động hợp pháp khiến 420 người trong các tỉnh, thành của cả nước “mắc bẫy”. Những bị hại này đã nộp hồ sơ cùng tổng số tiền hơn 20 tỉ đồng cho Duy Anh cùng đồng bọn chỉ với lời hứa suông và tờ giấy viết tay không có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền. Cho đến nay, toàn bộ số lao động nói trên chưa một ai có thể xuất cảnh thành công sau hơn 5 năm chờ đợi với số nợ ngày càng chồng chất.
Không chỉ dùng mọi chiêu thức để lừa người lao động “mắc bẫy”, quá trình phạm tội, các đối tượng này cũng đã sử dụng các thủ đoạn hết sức tinh vi hòng trốn tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Chu Văn Hương, Phó thủ trưởng Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Các đối tượng phạm tội này luôn chủ động dùng các thủ đoạn để che giấu tội phạm, như lợi dụng công nghệ thông tin để thực hiện tội phạm, khi thu tiền không có biên nhận hoặc chỉ làm giấy biên nhận phản ánh nội dung không rõ ràng, viết sơ sài, có tính chất đối phó đề phòng hậu quả sau này; thống nhất với số người trốn đi cách khai báo khi bị phát hiện, bắt giữ; bỏ trốn ra nước ngoài khi bị phát hiện… Tội phạm trước khi bị bắt phần lớn đã có quá trình thoả thuận dân sự, có sự bàn bạc, tẩu tán tài liệu, chứng cứ; khi bị bắt thường khai báo nhỏ giọt, cắt đuôi, bịt đầu mối… khiến cho quá trình điều tra vụ án gặp rất nhiều khó khăn.
Cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội
Có thể nói, thời gian qua, công tác phòng, chống tội phạm tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài đã được các cấp, ngành ở tỉnh Nghệ An triển khai một cách quyết liệt. Việc xử các vụ án này được các cơ quan tố tụng tiến hành kịp thời, đảm bảo đúng người, đúng tội, không xử oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.
Mặc dù lực lượng chức năng đã triển khai quyết liệt và thu được những kết quả đáng kể, song với dự báo thời gian tới, tình hình tội phạm tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt với nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, tránh sự theo dõi của các cơ quan chức năng. Do đó, bên cạnh chức năng của lực lượng Công an, tỉnh Nghệ An cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương đối với công tác phòng, chống loại tội phạm này. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, kết hợp chặt chẽ giữa công tác phòng, chống tội phạm với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân trong phòng, chống loại tội phạm này để mỗi người thấy được quyền lợi, nghĩa vụ, từ đó tích cực tham gia vào công tác này.
Bên cạnh đó, mỗi gia đình, mỗi công dân hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; nêu cao ý thức cảnh giác trong việc đấu tranh, phát hiện, tố giác những hành vi sai trái và những biểu hiện bất minh của các đối tượng để báo ngay cho cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, đáng tiếc. Qua đó, góp phần đẩy lùi hoạt động của tội phạm tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài nói riêng, các loại tội phạm nói chung, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.
Điều 349, Bộ luật Hình sự quy định về: Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, như sau: 1. Người nào tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm: a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; b) Phạm tội 2 lần trở lên; c) Đối với từ 5 người đến 10 người; d) Có tính chất chuyên nghiệp; đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; e) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: a) Đối với 11 người trở lên; b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; c) Làm chết người. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. |