Thứ Ba, 05/11/2019, 08:47 [GMT+7]

Cảnh báo tội phạm 'Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài' (Bài 1)

(Congannghean.vn)-Trong những năm gần đây, lợi dụng nhu cầu tìm kiếm việc làm của người dân, hàng loạt công ty, trung tâm môi giới việc làm, du học, xuất khẩu lao động mọc lên như nấm. Trong đó, nhiều đối tượng, công ty không có chức năng, khả năng để đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, nhưng bằng mọi chiêu trò, những kẻ lừa đảo này vẫn khiến rất nhiều người dân nhẹ dạ cả tin “sập bẫy” để đi theo con đường “xuất khẩu lao động chui”. Hậu quả đau lòng bởi có nhiều người chưa kịp đặt chân đến “miền đất hứa” đã phải bỏ mạng thương tâm nơi xứ người, kẻ may mắn sống sót thì bị bắt, trả về với một khoản vay nợ từ hàng trăm đến hơn 1 tỉ đồng và không biết bao giờ mới có thể trả được… 

Bài 1: Hàng trăm nạn nhân “sập bẫy” vì “xuất khẩu lao động”

Ôm mộng “xuất khẩu lao động”

Tốn khá nhiều công sức, phóng viên Báo Công an Nghệ An mới có thể gặp được anh Nguyễn Trọng H. (SN 1973) trú tại khối 11, phường Bến Thuỷ, TP Vinh, một nạn nhân trong vụ lừa đảo xuất khẩu lao động. Bởi phần vì công việc mưu sinh của anh quá vất vả, không còn thời gian để nghỉ ngơi, nhưng có lẽ, phần lớn là anh sợ búa rìu dư luận. Bởi sau vụ 39 nạn nhân bị tử vong tại nước Anh, nghi có người Việt Nam liên quan đến xuất khẩu lao động bất hợp pháp, cộng đồng mạng có người thương xót, nhưng cũng có không ít kẻ buông tiếng chửi rủa, chê bai, khinh bỉ. Anh sợ, lên báo kể lại vụ việc, tiền đã mất chưa biết bao giờ lấy lại được, cuộc sống gia đình anh đang lâm vào cảnh cơ hàn lại còn gánh thêm sự dè bỉu của mọi người xung quanh.

Theo lịch hẹn, tôi ngồi chờ anh tại một quán cà phê trên đường Lê Hồng Phong sau giờ làm buổi chiều. Nhưng phải đến hơn 19 giờ anh mới có mặt. Anh xin lỗi vì phải làm cố cho xong việc nên trễ hẹn. Người đàn ông ngồi trước mặt tôi dù đã cố gắng ăn mặc tươm tất, nhưng với gương mặt khắc khổ, già trước tuổi cũng có thể hình dung được cuộc sống của gia đình anh hiện tại. Anh cho biết, vì không có điều kiện học hành, anh lập gia đình sớm. Mang tiếng là người thành phố, nhưng cuộc sống của gia đình anh khá chật vật bởi 2 vợ chồng không có công việc ổn định.

Anh Nguyễn Trọng H. kể lại nội dung vụ việc với phóng viên
Anh Nguyễn Trọng H. kể lại nội dung vụ việc với phóng viên

Cũng vì cuộc sống quá khó khăn, năm 2014, qua người quen, anh được giới thiệu đưa đi xuất khẩu lao động tại Pháp với mức lương từ 80 triệu đồng/tháng. Vì muốn cuộc sống gia đình bớt khổ cực, vợ chồng anh đã bàn bạc, vay mượn hai bên gia đình nội ngoại để đóng số tiền 16.500 USD cho người quen kia. Nhưng với rất nhiều lời hứa, lời biện minh, cuối cùng, anh vẫn không thể xuất ngoại. Đến tháng 4/2015, người này lấy lý do bận việc gia đình và không thể tiếp tục đưa anh sang Pháp như đã hứa và đã giới thiệu cho anh gặp người phụ nữ tên Hằng. Người này nói đã giao số tiền anh H. đặt cọc trước đó cho bà Hằng và bà này sẽ lo cho anh đi trong vòng 1 tháng tới. Một lần nữa, tia hy vọng lại được thắp lên khi người phụ nữ tên Hằng yêu cầu anh hoàn tất hồ sơ, thủ tục và hẹn lịch phỏng vấn. Nhưng rồi, sau nhiều lần hẹn khác, anh H. vẫn không thể đi như lời hứa của những người đã nhận tiền.

Bẵng đi một thời gian với lời hứa bằng mọi giá sẽ xoay xở để anh đi được, bà Hằng liên lạc với anh với nội dung: Bây giờ không thể sang Pháp được, nhưng có Tập đoàn kinh doanh hoa quả sạch tại Úc đang tuyển lao động Việt Nam sang làm việc với mức lương và thưởng trên 100 triệu đồng/tháng, nhưng chi phí đi phải đóng cao hơn, anh có đi không. Lỡ đâm lao phải theo lao, anh lại về bàn bạc với vợ vay thêm tiền để được sang Úc với hy vọng sớm trả được số tiền nợ khổng lồ mà cả gia đình đang gánh. Sau khi chồng thêm tiền, anh được bà Hằng đưa đi cùng nhiều người ở các địa phương khác ra gặp Giám đốc Trung tâm du học, xuất khẩu lao động tại Hà Nội. Tại đây, các anh được học bổ túc tiếng Anh trong vòng 15 ngày với lời hứa sẽ hoàn tất visa và được người bên phía công ty tại Úc sang Việt Nam đón trong vòng 1 tháng tới. Tuy nhiên, từ đó đến nay, đã hơn 5 năm trôi qua, mộng xuất khẩu lao động của anh vẫn không thành.

Trong hoàn cảnh tương tự, anh N. M. H. (SN 1982) trú tại phường Vinh Tân, TP Vinh, cũng là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo xuất khẩu lao động nhưng bi đát hơn. Anh cho biết: Năm 2015, qua môi giới, anh được giới thiệu và làm quen bà Hằng. Người đàn bà này bảo anh làm hồ sơ, thủ tục và đóng tổng 5 đợt với số tiền 36.300 USD với lời hứa sẽ đưa anh sang xuất khẩu lao động tại Úc với mức lương từ 80 - 100 triệu đồng/tháng.

Tin lời người phụ nữ này, vợ chồng anh đã mượn bìa đỏ của người thân đem đi cầm cố lấy tiền đóng phí với hy vọng cuộc sống khá hơn. Nhưng cũng giống như hàng trăm nạn nhân khác trong đường dây “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” dưới danh nghĩa “xuất khẩu lao động” mà họ hứa với các nạn nhân, anh N.M.H. cũng được đưa sang Malaysia 2 lần. Lần thứ nhất 15 ngày và lần thứ 2 gần 6 tháng nhưng vẫn không thể đi được. Đến lần thứ 3, anh được bà Hằng cùng phía Trung tâm môi giới bảo chuẩn bị tiền để bay vào TP Hồ Chí Minh đi theo đường biển với mức phí lên đến 40.000 USD. Lần này, vì không thể xoay nổi tiền nên anh H. đành phải ở lại. Tuy nhiên, đoàn người đóng thêm tiền để vào TP Hồ Chí Minh, sau hơn 1 tháng nằm chờ bay, cuối cùng cũng phải trở về tay trắng.

Khốn cùng vì nợ

Sau hơn 5 năm mòn mỏi chờ đợi với rất nhiều lời hứa từ phía những người môi giới, đến hiện tại, anh Nguyễn Trọng H. đã mất hẳn tia hy vọng khi phát hiện mình chỉ là một trong số hàng trăm nạn nhân bị những kẻ trong đường dây tổ chức người khác trốn đi nước ngoài lừa đảo dưới mác xuất khẩu lao động.

Anh H. tin tưởng giao số tiền lớn cho các đối tượng chỉ bằng tờ giấy viết tay nhận tiền
Anh H. tin tưởng giao số tiền lớn cho các đối tượng chỉ bằng tờ giấy viết tay nhận tiền

Anh H. nhớ lại: Sau hơn 5 năm mệt mỏi vì ngoài khoản tiền phải đóng, anh còn tốn rất nhiều tiền cho chi phí đi lại, ăn ở, làm các thủ tục… với hy vọng có thể đi xuất khẩu lao động, nhưng cuối cùng lại vỡ mộng. Liên tiếp sau đó đến cuối năm 2018, anh được người của Trung tâm này đưa sang Malaysia, vào Đại sứ quán của Úc tại nước này, gặp gỡ Giám đốc chi nhánh Tập đoàn của Úc tại Malaysia như lời giới thiệu của Trung tâm môi giới và bà Hằng. Sau 2 tuần lưu trú theo con đường du lịch tại Malaysia, không thể xuất cảnh sang Úc được, anh cùng hàng trăm lao động Việt Nam đi cùng đã phải quay trở về nước. Đầu năm 2019, dù được bà Hằng thông báo bay sang Malaysia lần 2 để từ đó bay sang Úc làm việc luôn, nhưng vì không còn lòng tin nên anh H. đã quyết định ở nhà chờ nghe ngóng tình hình của những người đi trong đoàn. Không còn tia hy vọng và không còn cách nào khác, đến giữa năm 2019, anh đã làm đơn trình báo lên cơ quan chức năng để cầu cứu.

Anh H. cho biết thêm: Hiện tại vợ anh hàng ngày tần tảo bán rau ngoài chợ, còn anh là thợ cơ khí, lúc có công trình, thầu gọi thì đi làm, hết việc lại nghỉ ở nhà trông và đưa đón con đi học. Thu nhập của 2 vợ chồng chỉ chừng dăm bảy triệu đồng, chắt chiu để nuôi 3 đứa con để ăn học đã khó, nói gì đến trả khoản nợ gần 20.000 USD. Chỉ vì tin theo những kẻ lừa đảo, giờ đây, gia đình anh đang lâm vào cảnh khốn cùng.

Còn anh N.M.H. trú tại phường Vinh Tân, TP Vinh cho biết: Hiện tại vợ chồng anh cùng 2 đứa con đang phải ở trọ. Vợ anh làm nghề gội đầu trong chợ Vinh, còn bản thân anh cũng chỉ là lao động tự do, nên với khoản tiền 40.000 USD vay mượn của người thân, họ hàng, anh còn chưa biết tính cách gì để có thể trả được nợ.

Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm nạn nhân trong một đường dây tổ chức người khác trốn đi nước ngoài thông qua hoạt động lừa đảo đưa người đi xuất khẩu lao động chui mà lực lượng Công an Nghệ An vừa khám phá trong tháng 10 vừa qua. Đó cũng chỉ là một phần nhỏ trong tảng băng chìm mà lực lượng Công an Nghệ An đang tiếp tục đấu tranh, làm rõ.

(Còn nữa)

.

Thùy Anh

.