Thứ Bảy, 16/05/2020, 09:03 [GMT+7]

Tháng Năm và đạo lý dân tộc 'ăn quả nhớ người trồng cây'

Bắt đầu từ năm 1946, người dân Việt Nam và cả dân tộc này quen nếp cứ vào tháng Năm là mừng sinh nhật Bác Hồ. Nếp quen ấy xuất phát từ nguồn gốc sâu xa là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của con Lạc cháu Hồng, nhắc nhau ghi nhớ công ơn những người khai cơ, mở nước, dựng nghiệp, những anh hùng dân tộc hy sinh vì dân vì nước để các thế hệ nối tiếp được “ăn quả phải nhớ người trồng cây”.

Bác Hồ chụp ảnh kỷ niệm với chiến sĩ Điện Biên mừng sinh nhật Bác (19/5/1954)

“Người trồng cây” Nguyễn Tất Thành, khi đất nước bị ngoại bang đô hộ, dân Việt bị vong quốc nô, đã đi tìm đường cứu nước với mục tiêu cụ thể “xem xét” nước Pháp và các nước “làm như thế nào” để rồi “trở về giúp đồng bào chúng ta”.

Khởi hành từ năm 1911 ở Sài Gòn, Người đi khắp các châu lục, “hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi; những đất tự do, những trời nô lệ; những con đường cách mạng”; Người tìm kiếm và đã tìm thấy “cẩm nang thần kỳ” là chủ nghĩa Lenin với sự khẳng định chắc chắn: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”.

Từ đó Người dày công xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam và cùng Đảng lãnh đạo công cuộc đấu tranh giải phóng giành tự do độc lập cho dân tộc. Người xây dựng nền cộng hòa dân chủ Việt Nam và cùng toàn Đảng, toàn dân tiến hành những cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ thành quả cách mạng, giành lại tự do, hòa bình, thống nhất Tổ quốc... Công lao to lớn ấy của Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, theo đạo lý, được người dân ghi nhớ một cách đương nhiên và cũng tự nhiên như câu thơ giàu cảm xúc của Tố Hữu về “Bác sống như trời đất của ta” vậy.

Sinh thời, “Bác sống như trời đất của ta” bằng cuộc sống giản dị, trong sáng, chỉ một “ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Độc lập của đất nước, tự do hạnh phúc của nhân dân, thiết thực như cơm ăn áo mặc của mỗi con người, hiển nhiên và tự nhiên “như trời đất của ta” đang sống vậy. Nhưng đó lại là khát vọng của con người và toàn dân tộc Việt Nam trong hơn một thế kỷ bị thực dân, đế quốc xâm lược, cai trị và bóc lột tàn bạo; là lẽ sống, là giá trị mà Hồ Chí Minh phải dày công tìm kiếm con đường đấu tranh để cùng toàn dân giành lại và bảo vệ giữ gìn, phát triển từ Cách mạng tháng Tám đến nay.

Người “sống như trời đất của ta” bằng tình yêu thương bao la đối với con người, như thực tế đã khắc họa: “Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa; Tự do cho mỗi đời nô lệ; Sữa để em thơ, lụa tặng già!”. Người đề cao lòng nhân ái, nhân văn sâu sắc khi tôn trọng công sức của người dân: “Một hột gạo, một đồng tiền, tức là một số mồ hôi nước mắt của đồng bào”; chăm lo đến việc tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm chống tham ô, lãng phí. Người “Nâng niu tất cả, chỉ quên mình” và đến phút cuối đời vẫn chỉ lo một cách thiết thực sao cho “khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân”.

Người vận dụng và làm theo chỉ dạy của Lenin “Học, học nữa, học mãi” theo cách mà bất cứ người dân hiếu học nào cũng hiểu được như cái lẽ thường tình: “Đường đời là một chiếc thang không có nấc chót, học tập là một quyển vở không có trang cuối cùng”. Bác học và làm, lời nói đi đôi với việc làm; cho đến ngày qua đời ở tuổi 79, vẫn thấy dưới gối nằm ngủ của Người có cuốn từ điển Việt Nam-Tây Ban Nha.

Trong công việc của một Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Bác Hồ có thể sử dụng 29 thứ tiếng nước ngoài và nhiều ngôn ngữ của đồng bào các dân tộc thiểu số trong nước. Người dùng 173 bút danh và bí danh khác nhau trong nhiều lĩnh vực và thời gian hoạt động. Chỉ riêng lĩnh vực báo chí Bác đã dùng 88 bút danh khi viết hàng nghìn bài cho báo Đảng và nhiều bài báo khác trong nước và quốc tế. Vậy mà hơn 60 năm bôn ba hoạt động, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc ra đi không có một tấm huân chương trên ngực.

Thực ra Bác chưa kịp nhận Huân chương Sao vàng và Huân chương Lenin vì cứ để “chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà” để toàn dân được sung sướng, vui mừng. Bác cũng chưa thực hiện được ước nguyện của riêng mình “Thảnh thơi vui thú thanh nhàn; Sớm khuya tiếng hạc, tiến đàn tiêu dao”. Bác có những người thân ruột thịt trong gia đình, nhưng “khi anh đau ốm, tôi không được ở bên để chăm sóc, cơm cháo, thuốc men cho anh. Bây giờ anh đi cũng không kịp về chịu tang nữa, chỉ vì việc dân, việc nước, mong bà con lượng thứ cho tôi, xin anh tha thứ cho vì tội bất đễ”.

Hồi ký “Tháng Tám cờ bay” của ông Vũ Đình Huỳnh (nguyên thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh) cho biết: Trong lúc thế nước ngàn cân treo sợi tóc, Người tận dụng cả ngày sinh của mình để làm “ngày phục vụ được lợi ích của cách mạng” - buộc kẻ thù phải đến để đối thoại. Sau đó, khi thành lệ quen thì thường vào sinh nhật của mình, Bác lại có những chuyến đi công tác, thăm hỏi các nơi để tránh những nghi lễ phiền phức tốn kém, hoặc dặn trước không nên tổ chức chúc thọ linh đình, nếu đành phải tổ chức sinh nhật thì “làm nhanh lên cho Bác, đừng kéo dài”. Người dặn” “Chỉ cho Bác mấy bông hồng là đủ rồi, đừng bày vẽ tốn kém làm gì”.

Kỷ niệm sinh nhật ở chiến khu Việt Bắc, Bác được tặng bó hoa rừng tươi thắm và Người đã đặt bó hoa đẹp ấy lên mộ người cấp dưỡng vừa qua đời vì sốt rét. Sinh nhật tuổi 78, Người vẫn lạc quan thấy “chưa già lắm; Vẫn vững hai vai việc nước nhà”. Năm lần sinh nhật cuối đời (1965-1969) Người tập trung viết và sửa chữa Di chúc, cân nhắc từng chữ, căn dặn từ việc xa đến việc gần, việc nhỏ, việc lớn, việc bên trong và bên ngoài, không sót việc nào, không quên một ai. Nhân cách ấy, sự cao thượng ấy khắc rõ hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh rất cao đẹp, làm thành tấm gương mẫu mực về đức tính khiêm tốn, giản dị và đạo lý làm người cán bộ tận tụy vì nước, vì dân.

Từ trong trứng nước của nền cộng hòa, khi viết “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” tháng 10/1945, Người dặn: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Sau chuyến đi Pháp đàm phán nhưng không chặn được dã tâm của thực dân muốn xâm lược nước ta một lần nữa, Người tuyên bố (tháng 10/1946): “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.

Như vậy, “Trọn cuộc đời Bác có ngủ yên đâu”, nên khi Người qua đời, nhà thơ Hải Như cùng với mỗi người dân Việt Nam bảo nhau “Nay Bác ngủ, chúng ta canh giấc ngủ”. Từ năm 1969 đến nay, mỗi dịp tháng Năm là toàn dân trên khắp mọi miền Tổ quốc và nhiều bạn bè khắp năm châu vẫn chung một tình cảm và niềm tin: Bác Hồ vẫn sống mãi cùng non sông, đất nước Việt Nam, “Bác kính yêu đang cùng chúng cháu hành quân”, vẫn cùng toàn quân, toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam đến giàu mạnh, hùng cường.

Đảng đã khái quát “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch - Người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”. Như thế, cả cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức, tác phong của Hồ Chí Minh là di sản quý báu của dân tộc, nhân dân và non sông đất nước - một di sản đặc biệt mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân học tập và làm theo để bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị trường tồn di sản quý báu ấy.

.

Nguồn: Chinhphu.vn