(Congannghean.vn)-Chiều Hè năm 2002, tôi đang trong phòng làm việc bỗng có tiếng đẩy cửa:
- Lâu ni khoẻ không chú?
- Chào anh Cao Đăng Nghĩa, nghỉ hưu vài năm về quê Diễn Lộc mà nom anh trẻ khỏe hơn khi làm việc.
- Chú động viên cái bụng cũng thích, già lấy vui làm thuốc chú ạ.
Đồng chí Cao Đăng Nghĩa, nguyên Tổng biên tập Báo Công an Nghệ An |
*
* *
Ra đời đầu thập niên tám mươi thế kỷ trước, tờ An ninh Nghệ Tĩnh do Đại tá Lê Văn Khiêu, Trưởng ty Công an Nghệ Tĩnh kiêm Tổng biên tập (TBT). Là một trong số bạn đọc đầu tiên của An ninh Nghệ Tĩnh, bản tin này xuất hiện đáp ứng nhu cầu của khá đông độc giả trước bình minh đổi mới sắp diễn ra trên quê hương. Trên cơ sở bản tin An ninh, Báo Công an Nghệ Tĩnh được thành lập, số báo đầu ra mắt ngày 19/5/1984. Từ chỗ tập trung phản ánh lĩnh vực ANTT, không lâu sau, Báo Công an Nghệ Tĩnh với đội ngũ cộng tác viên đông đảo đã vươn lên phản ánh hoạt động của các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn xứ Nghệ, thỉnh thoảng có những tin bài phản ánh sự việc diễn ra trên đất Thanh Hóa, Quảng Bình.
Đến cuối năm 1987, tôi có 10 bài được báo đăng, bấy giờ tôi tìm đến Tòa soạn nằm trong Trụ sở Ty Công an tỉnh. Cứ nghĩ Tòa soạn đồ sộ lắm, nào ngờ "toà" chỉ được 3 phòng làm việc tít tận tầng 4, mỗi phòng chừng 18 m2. Người đầu tiên tôi gặp là chị Liên văn thư. Nghe tôi tự giới thiệu, chị Liên niềm nở:
- Tui đánh máy, đọc nhiều bài biết tên chú, bữa ni mới gặp.
Chị Liên dẫn tôi sang phòng làm việc kiêm tiếp khách của TBT Cao Đăng Nghĩa. Phòng kê chiếc bàn làm việc kiêm bàn trà tiếp khách, bốn chiếc ghế long mộng phải đặt sát tường để trợ sức cho chân ghế dễ bị gãy, nếu quá 4 người thì khách tự giác đứng hóng chuyện.
Trò chuyện với khách, anh Nghĩa tay luôn cầm khăn lau nước vương trên mặt bàn:
- Chú làm nghề chi mà bữa ni mới xuất hiện?
Tôi vắn tắt sự tréo ngoe học một đằng làm một nẻo, anh cười:
- Cảm ơn chú gửi bài cộng tác. Anh được tổ chức phân công phụ trách báo mà lo. Tiền nhân bảo “văn hay chữ tốt”, anh viết chữ đẹp nhưng văn không hay. Dàn phóng viên quá mỏng thay nhau bám cơ sở, anh nhờ chú tranh thủ ngoài giờ biên tập giúp mảng văn hoá văn nghệ. Nếu chú nhận lời, đầu tuần có người mang bài vở đến nhà, thứ 5 đến lấy.
Đang viết báo tự do, từng tiếp xúc với nhiều TBT các báo, lần đầu gặp anh tôi nhớ mãi. Chân chất, cởi mở, khiêm tốn, chân tình khiến tôi không nỡ từ chối. Giúp anh thực chất là giúp tờ báo mà anh đứng mũi chịu sào. Sau lần gặp đó, tôi “vác tù và”, Thành Trung “giàu” cưỡi Cúp 79 mang tập bản thảo viết tay đến nhà, Bá Minh “nghèo” đạp xe Phượng Hoàng đến nhận bản thảo đã biên tập, mấy lần anh Nghĩa điện thoại đến cơ quan trao đổi với tôi vài chi tiết gạch bỏ bằng bút đỏ.
Năm 1991 chia tách tỉnh, Báo Công an Nghệ Tĩnh đổi măng séc thành Báo Công an Nghệ An, chức năng và phạm vi phủ sóng của báo thì vẫn như cũ, tin bài phản ánh đủ các lĩnh vực diễn ra trong và ngoài xứ Nghệ. Ngày ấy Báo Công an Nghệ An sớm tiên phong về phát hành, bằng nhiều kênh báo về tới xã, phường, thôn, bản. Đang đói kém, thiếu thốn, báo sống nhờ khả năng “tay không bắt giặc”. TBT và phóng viên đều nhìn vào đồng lương, TBT và các trợ thủ đắc lực Bá Minh, Thành Trung, Việt Long, Ngọc Tuần… hiện thực chủ trương biến không thành có, thắt lưng buộc bụng, nâng chất lượng đội ngũ cầm bút, chất lượng tin bài, đưa tầm ảnh hưởng của báo ra các tỉnh khu vực Bắc miền Trung.
Sáng ấy tại Tòa soạn, Thành Trung vừa ôm chồng báo từ nhà in về, tôi rút một tờ còn thơm mùi mực, phát hiện cọng rơm to bằng con giun đất dính chặt ở trang đầu, tôi mang tờ báo “khoe” với TBT, chúng tôi nhìn nhau không biết lỗi do ai:
- Giữa cái nghèo chung của toàn xã hội, anh em mình làm báo động viên nhau vượt khó vượt khổ, qua bĩ cực đến thái lai.
Làm hết trách nhiệm của một TBT thật là khó. Có những bài sau khi báo đăng ai đó không bằng lòng, họ nhè TBT ra đòn gió, nhiều bữa điện thoại bàn làm việc réo liên tục, tối về anh phải cắt điện thoại nhà riêng để được ngủ yên.
Tôi chia sẻ với anh điều khó nói:
- Ta cứ xác định mục đích tối thượng vì nước vì dân, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam là chiến luỹ, Luật Báo chí là tấm khiên che chắn! Vì công lý mà nhỡ mất lòng với ông A, bà B vẫn tốt hơn để đời bia miệng kết tội vô cảm với quyền lợi của nhân dân.
Là người làm báo chân chính, nhiệt huyết với nghề, 10 năm anh làm TBT luôn phấn đấu trung thực, khách quan là tối thượng, đội ngũ làm báo trên đất Nghệ nể phục “cái Tâm nghề, cái Tình người” anh cất giữ sau bộ trang phục an ninh. Anh bảo, về lý thuyết, khái niệm chân lý có vẻ trừu tượng, nhưng khi chân lý hiện hữu trong đời sống xã hội thì nó cụ thể đến kết quả của từng việc làm ích nước lợi dân. Để giúp bạn đọc khám phá chân lý, anh yêu cầu người cầm bút phấn đấu viết đúng sự thật khách quan, mỗi khi sự thật khách quan được phát lộ sẽ giúp dư luận xã hội hiểu đúng bản chất sự kiện, hiện tượng từng tác động mạnh đến cộng đồng.
Với anh là sinh nghề tử nghiệp, xem cuộc chiến vì công lý là cuộc chiến khó nhất, lâu dài nhất trên đời này. Anh bảo, Nhà báo cũng là con người bị ràng buộc chằng chịt các mối quan hệ cá nhân, gia đình, xã hội, cũng nỗi buồn nhạy cảm trên đe dưới búa. Là TBT tờ báo của ngành, chân anh bám chặt mặt đất nhưng đầu anh khó chạm tới “trần” quyền lực. Anh bảo, luận tội là quyền của Viện kiểm sát, kết tội là quyền của Tòa án, phát hiện, phản ánh là quyền của báo chí. Anh nhắc nhở phóng viên không lạc sang luận tội, kết tội, cố gắng phấn đấu không để xã hội thất vọng cũng không để xã hội quá kỳ vọng vào báo chí.
Sau chừng 3 tháng “vác tù và”, anh cọc cạch đạp xe hỏi tìm đến "biệt thự" chưa đầy 20 m2 của vợ chồng tôi. Anh ngó nghiêng không sót chỗ nào, chiếc giường rộng 1,6 m, chiếc bàn mộc bé tẹo, 2 chiếc ghế nhựa "cánh cụp cánh xoè" để khi không dùng thì ghế nọ chồng ghế kia thêm lối đi lại. Anh hỏi tôi:
- Chú ngồi làm việc ở mô?
Tôi chồng 2 chiếc gối lên nhau áp vào đầu giường làm “chân bàn”, lôi tấm ván ép poọcmica, kích thước 0,7 x 0,5 m đặt lên 2 chiếc gối thành bàn viết.
- Ở và viết như này anh cảm thấy có lỗi với chú quá.
Trước khi ra về, anh đặt vào tay tôi cái phong bì:
- Ban biên tập gửi chú mấy đồng gọi là để chú thêm ấm trà gói thuốc mà thức giúp báo.
Không cảm động dù là “một miếng khi đói”, tôi cảm động với tấm lòng biết trân quý lao động đặc thù.
Đầu tháng 10/1989, anh bảo:
- Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Bác Hồ 19/5/1990, báo ta phối hợp với báo CAND ra đặc san chuyên đề về Bác, chú chuẩn bị tư liệu viết bài nhé.
Cuối tháng 10/1989, được Công ty Ngoại thương cử sang khảo sát thị trường Lào, tôi kết hợp đưa bố vợ là ông Mai Văn Dong hồi hương năm 1960, sang lại Thái Lan thăm mẹ đẻ 91 tuổi ở với con gái tại tỉnh Mukđahan. Bấy giờ 2 nước Việt - Thái chưa thiết lập bang giao, nên giấy tờ quá cảnh từ Lào sang Thái tôi nhờ Công an bạn giúp. Gần 1 tháng sống trên vùng Đông Bắc Thái Lan, tôi được bà con Việt kiều giúp đỡ, tìm hiểu về hoạt động của Nguyễn Ái Quốc dưới các bí danh Thầu Chín, sư Hạnh Đa trong thời gian 1928, 1929.
Tác giả (hàng sau cùng, ngoài cùng bên trái) với bà con Việt kiều tại tỉnh Mukđahan - Thái Lan (11/1989) |
Về Vinh, tôi hoàn thành truyện ký “Sóng Mekong dào dạt Cửu Long” 5.000 chữ. Ngày đó tại Vinh chưa có photocopy, tôi nộp bản chép tay duy nhất cho anh Cao Đăng Nghĩa. Thành Trung mang tập bản thảo của Báo Công an Nghệ An về chủ đề Bác Hồ ra Hà Nội. Chuyên san chẳng hiểu sao không ra được, tôi muốn lấy lại bản thảo duy nhất ấy, Thành Trung hứa:
- Để bữa mô em đến báo CAND hỏi xem còn giữ bản thảo nữa không.
Đã 29 năm bản thảo vẫn chưa trở về với tác giả !
Vinh, 20/3/2019