Thứ Ba, 21/05/2019, 08:50 [GMT+7]

Kỷ niệm về một bài viết được Báo Công an Nghệ An sử dụng

Lời tòa soạn: Giữa buổi sáng ngày đầu tiên của tháng tư vừa rồi, bác Trương Công Anh đạp xe đến Tòa soạn Báo Công an Nghệ An. Chúng tôi thật bất ngờ vì chỉ mới vài ngày trước đó, Ban biên tập gọi điện thoại trân trọng kính mời bác viết bài cho số báo đặc biệt kỷ niệm 35 năm Báo Công an Nghệ An phát hành số đầu tiên (19/5). Càng xúc động hơn khi đón nhận "tập bản thảo" rất khác lạ của bác - so với các dạng văn bản trong thời đại 4.0, đó là những dòng chữ nắn nót, cẩn thận viết thẳng hàng trên mặt sau của ba tờ lịch tường cỡ lớn. Ngồi chuyện trò hồi lâu, lại được biết và hiểu thêm nhiều điều về con người uyên bác, thẳng thắn và giản dị này. Trân trọng giới thiệu đến độc giả những cảm nghĩ của bác Trương Công Anh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An về tờ báo Công an Nghệ An.

 

Bác Trương Công Anh - người bạn tâm tình của Báo Công an Nghệ An
Bác Trương Công Anh - người bạn tâm tình của Báo Công an Nghệ An

(Congannghean.vn)-Vào một buổi sáng, Lãnh đạo Báo Công an Nghệ An qua cuộc gọi nói với tôi, tháng 5 tới đây, Báo vào tuổi 35. Và đề nghị nhân dịp này tôi viết một bài cho Báo.

Trời! Mới đó mà Báo Công an Nghệ An đã lên tuổi trung niên. Chả trách gì mình đã là ông lão. Chợt nhớ câu ca dao: “Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi”.

Biết viết gì đây? Lên lão rồi thì có gì để viết. Thế là đành viết lại chuyện ngày trước vậy. Ai về già cũng thường hay nói chuyện ngày xưa mà.

Từ khi làm việc ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, tôi thường có ít nhiều quan hệ với Báo Nghệ An, Báo Công an Nghệ An và Báo Lao động Nghệ An. Cái nghề buộc phải có quan hệ đó.

Ban biên tập các Báo thi thoảng đề nghị tôi viết một vài bài. Thế là tôi viết. Có lẽ tôi viết cũng được và nhất là họ nể nên phần lớn các bài tôi viết đều được Báo sử dụng.

Với Báo Công an Nghệ An giờ nhớ lại chắc cũng có được vài chục bài trong mấy năm tôi được gọi là cộng tác viên của Báo. Trong số vài chục bài ấy, có một bài tạm coi là nói ngược, nói ngang mà Báo Công an Nghệ An vẫn sử dụng. Đó là kỷ niệm không thể nào quên của tôi với Báo.

Chuyện là thế này: Thời đó, con ốc bươu vàng bị kết án là con vật ngoại lai gây tai họa cho các cánh đồng lúa suốt từ Bắc vào Nam. Do đó, người ta gồm: Chính quyền, các tổ chức của ngành nông nghiệp, các tổ chức kinh tế nông nghiệp và cả chục triệu nhà nông rầm rộ hành động để tận diệt con vật ăn tàn phá hại này, con vật gây ra đại dịch này. Các cơ quan thông tấn, báo chí cũng có hẳn một cao trào để cổ vũ. Nói cho vui là cả nước đã tấu lên một đại hợp xướng để tận diệt ốc bươu vàng.

Trong cao trào đó, tôi tìm cái thông tin về con ốc bươu vàng để lý giải cho mình vì sao bắt buộc phải tận diệt con vật nhỏ bé này. Qua tìm hiểu tôi được biết, ốc bươu vàng được ai đó đưa vào nước ta vì nó là con vật ăn lá mà cho thịt, nó có khả năng sinh sản rất lớn. Việc nuôi nó cực đơn giản. Đầu tư xây một bể nuôi cũng ít thôi. Và ai đó, khi quảng bá nuôi ốc bươu vàng còn hứa hẹn sẽ bao tiêu sản phẩm…Như vậy là nuôi ốc bươu vàng sẽ có hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập kha khá cho người nuôi. Và thế là nhiều nhà nuôi. Chỉ có điều sau khi đã nuôi một thời gian thì chẳng có ai bao tiêu cả. Đem ra chợ bán cũng không ai mua vì thịt của nó nhão, ăn không ngon. Tưởng nuôi để bán, hóa ra là nuôi báo cô, công nuôi thành công cốc. Kết cục người nuôi không nuôi nữa. Mặc kệ ốc bươu vàng muốn đi đâu thì đi. Ốc được “giải phóng” khỏi bể nuôi, phát tán ra vườn, ra ruộng, gặp lá gì nó ăn lá ấy, đặc biệt là lá lúa. Với khả năng sinh sản cực lớn, lớp lớp con, cháu, chắt, chít của nó trở thành đội quân đông đảo có mặt khắp mọi cánh đồng lúa nước ta để rồi thành đại dịch. Đã là con vật gây đại dịch thì phải tận diệt thôi. Không tận diệt nó để nó tận diệt mình à?

Rồi tôi tìm hiểu thêm xem họ tận diệt ốc bươu vàng theo cách nào. Cách phổ biến là ra đồng, ra ruộng bắt kỳ hết mọi con to, con nhỏ, nhặt kỳ hết mọi ổ trứng. Rất may là ổ trứng ốc bươu vàng có màu đỏ rất dễ phát hiện. Tất cả gom lại, đào hố chôn cho triệt nọc.

Ở vào cái thời điểm ấy hẳn như không có một ai, từ nhà quản lý nông nghiệp, nhà khoa học về chăn nuôi, nhà nông, nhà doanh nghiệp… nghĩ khác, nói khác. Tất cả đều hòa cao giọng vào bản đại hợp xướng ốc bươu vàng.

Từ những thông tin thu lượm được, tôi cứ day dứt tự hỏi: Tại sao người ta không dùng thịt, dùng trứng ốc bươu vàng bắt được để nuôi lợn, nuôi gà, nuôi vịt, nuôi ngan mà lại đem chôn. Sao lại phí phạm thế. Trong lúc để con lợn, con gà, con vịt, con ngan nhất thiết phải có thức ăn đạm bổ sung, mà phần đông người chăn nuôi lúc đó phổ biến là quy mô gia đình, đang thiếu thức ăn đạm.

Rồi tôi lại day dứt tự hỏi: Một con vật ăn lá, nhả đạm, lại có khả năng sinh sản cực lớn, tại sao không nuôi nó để có nguồn thức ăn giàu đạm cho chăn nuôi, trong khi ta phải mua đậu tương, mua bột cá?

Từ day dứt ấy, tôi đề xuất chính kiến của mình. Ừ thì con ốc bươu vàng đã phát tán đang phá hoại lúa thì phải tận diệt, nhưng tận diệt làm thức ăn cho chăn nuôi chứ đừng chôn.

Ừ, thì tận diệt cứ tận diệt, nhưng phải tổ chức nuôi ốc bươu vàng, coi đó như một công xưởng lấy lá làm nguyên liệu để sản xuất ra đạm động vật. Rồi đưa thịt ốc bươu vàng vào công xưởng sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm, cho cá, tôm… chắc chắn giá thành thức ăn gia súc sẽ rẻ hơn nếu phải dùng đậu tương hoặc bột cá. Làm được như vậy sẽ lợi đơn, lợi kép, không chỉ lợi cho người nuôi còn lợi cho doanh nghiệp chế biến, lợi cho cả ngành chăn nuôi.

Từ những suy nghĩ ấy, tôi viết một bài vừa ngang phè, vừa ngược đời như thế gửi cho mấy tờ báo (cả Trung ương và địa phương) nhưng không báo nào sử dụng. Tôi muốn một tờ báo nào đó gọi là báo Trung ương hoặc như tờ báo tỉnh là để có sức lan tỏa rộng hơn. Nhưng họ không dùng thì đành tìm đến một tờ báo ngành nhỏ con con là Báo Công an Nghệ An, với suy nghĩ thà có rất ít còn hơn không có.

Tôi đưa bài viết đến gặp Tổng biên tập  Báo Công an Nghệ An, kể lể ngọn nguồn bài viết, rồi nói: Tôi đã gửi bài báo này đến một số tờ báo nhưng họ không dùng. Nay, tôi gửi ông. Ông đọc kỹ đi, rồi quyết định. Tôi nói thêm: Thử xem Báo Công an Nghệ An có cả gan dám dùng bài này không!

Ông Tổng biên tập trầm ngâm một chút rồi nhẹ nhàng nói: Bác cứ để bài đó lại đây. Bọn em sẽ cân nhắc. Còn ngay lúc này em chưa thể trả lời bác rằng có hay không!

Tôi rời tòa soạn, trong đầu nhói lên câu hỏi: Liệu “thằng cha” này có dám?

Một thời gian ngắn sau đó, Báo Công an Nghệ An đã đăng bài viết này của tôi. Thế là Báo Công an Nghệ An có gan dám đăng một bài nói ngang, nói ngược. Tôi hết sức quý và biết ơn Báo Công an Nghệ An về điều này.

Thưa quý Báo Công an Nghệ An, thưa quý bạn đọc. Đã hơn 10 năm nay tôi không có thêm bài viết nào cho Báo Công an Nghệ An. Vì vậy, tôi là cộng tác viên xa lắc xa lơ của Báo. Ấy thế mà, Ban biên tập Báo Công an Nghệ An vẫn còn nhớ đến, thật quý hóa biết bao. Chữ tình của Báo Công an Nghệ An với tôi thật nặng, thật sâu, thật đậm. Bởi thế, thêm 1 lần nữa, từ đáy lòng tôi cảm ơn tờ báo của lực lượng an ninh tỉnh nhà. Chúc Báo thêm tuổi, thêm hay, đóng góp tích cực và hiệu quả cho nhiệm vụ giữ gìn an ninh trên quê hương ta.

.

Trương Công Anh

.