Đã tròn một thế kỷ qua đi, nhưng Cách mạng Tháng Mười còn nguyên giá trị đối với nhân loại.
Vận dụng tư tưởng quân sự của Cách mạng Tháng Mười vào kiến tạo đường lối quân sự
Đường lối quân sự là một bộ phận của đường lối chính trị, nói cách khác đường lối cách mạng của đường lối cách mạng của Đảng. Đường lối đó hệ thống quan điểm của Đảng ta về quân sự, được hình thành trên cơ sở kế thừa tư tưởng quân sự (tư tưởng giữ nước) truyền thống của dân tộc, tiếp thu học thuyết quân sự Chủ nghĩa Mác - Lênin, Cách mạng Tháng Mười Nga, tinh hoa quân sự thế giới.
Đường lối quân sự của Đảng xuyên suốt tiến hành cách mạng Việt Nam. Nói như vậy, có thể có người hoài nghi, thắc mắc. Nhưng đúng là như vậy! Bởi, xét về mặt nội hàm, đường lối gồm ba bộ phận hợp thành: đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân; đường lối xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; đường lối tiến hành chiến tranh nhân dân.
Ba nội dung cơ bản này của đường lối quân sự xuyên suốt mọi giai đoạn cách mạng Việt Nam, trước đây, hiện tại và sau này. Đường lối đó là: “bất biến”, gắn liền với sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Từ ba nội dung cơ bản nêu trên chúng ta nhìn lại lịch sử cách mạng Việt Nam sẽ thấy rõ rằng nó luôn đúng, hoàn toàn đúng.
Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, để tiến tới Tổng khởi nghĩa Đảng ta đã chú trọng xây dựng thực lực cách mạng, nòng cốt là lực lượng vũ trang.
Thậm chí, từ rất sớm Đảng ta đã ban hành Nghị quyết về xây dựng đội tự vệ công nông, tự vệ,… theo đó các đội du kích Bắc Son, du kích Ba Tơ, đội cứu quốc quân - mầm mống của lực lượng vũ trang lần lượt ra đời, tiến tới thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam vào 22-12-1944.
Việc xây dựng lực lượng vũ trang để tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật khi thời cơ chín muồi thể hiện sự vận dụng học thuyết quân sự chủ nghĩa Mác - Lê nin với những nguyên lý cơ bản về vấn đề chính quyền, giành chính quyền bằng bạo lực cách mạng, “vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền”, rằng: “bạo lực là bà đỡ của mọi cuộc cách mạng”, về xây dựng và tổ chức quân đội công nông - quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản - cũng như là bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười về xây dựng Hồng quân và hạm đội vào thực tiễn cách mạng Việt Nam của Đảng ta. Đây cũng là nội dung cơ bản của đường lối quân sự mà Đảng ta xác định trong thời kỳ này.
Có thể khẳng định: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là kết quả của sự lãnh đạo của Đảng bằng đường lối quân sự đúng đắn, sự chuẩn bị kỹ càng về thực lực cách mạng, với lực lượng vũ trang làm nòng cốt, cùng với việc nắm bắt, tận dụng thời cơ chín muồi,…
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược với đường lối quân sự đúng đắn, phương pháp cách mạng phù hợp, chỉ đạo chiến lược nhạy bén, sắc sảo, quân và dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đầy hy sinh, gian khổ, kéo dài liên tục trong 30 năm, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Điểm nhấn cũng là nét đặc sắc của đường lối quân sự trong hai cuộc kháng chiến được thể hiện ở nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam độc đáo, sáng tạo; thể hiện ở tư tưởng chiến lược tiến công, “kiên quyết không ngừng thế tiến công” ở mọi thời điểm, hoàn cảnh, giai đoạn của cuộc chiến tranh giải phóng.
Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đường lối quân sự của Đảng tiếp tục được quán triệt, thực hiện, với nội dung cốt lõi là xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh (trong đó coi trọng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc); xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là quân đội nhân dân vững mạnh; đồng thời chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao của địch.
Nếu đất nước xảy ra chiến tranh, đó sẽ là cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc phát triển ở trình độ cao (trước đây là chiến tranh giải phóng). Đây là một nội dung cơ bản của đường lối quân sự đã được đề cập ở trên. Nói đường lối quân sự của Đảng “bất biến”, xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam là như vậy.
Tất nhiên, nói tính bất biến, “xuyên suốt” của đường lối quân sự là ở nội dung cơ bản thể hiện quan điểm của Đảng, còn những nội dung cụ thể thuộc nội hàm của từng vấn đề thì luôn có sự bổ sung, hoàn thiện phù hợp với sự phát triển của thực tiễn và nhiệm vụ cách mạng trong mỗi thời kỳ.
Vận dụng tư tưởng quân sự của Cách mạng Tháng Mười vào sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Cách mạng Tháng Mười Nga diễn ra cách đây đúng một thế kỷ, từ đó đến nay thế giới đã có biết bao đổi thay, nhưng sự kiện vĩ đại này còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn đối với nhân loại, trong đó có nước ta.
Về lĩnh vực quân sự, Cách mạng Tháng Mười đã để lại nhiều bài học quý về xây dựng quân đội, về bảo vệ chính quyền cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển trong sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Tiếp thu tinh thần đó của Cách mạng Tháng Mười, đảng ta thường xuyên quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang, nhất là quân đội nhân dân vững mạnh toàn diện, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, thực sự làm lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; đồng thời là lực lượng nòng cốt cho toàn dân trong nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc.
Quán triệt quan điểm của Đảng, hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; trong đó có một số lực lượng được đầu tư tiến thẳng lên hiện đại, gồm hải quân, phòng không - không quân, thông tư, trinh sát kỹ thuật, tác chiến điện tử, cảnh sát biển.
Chủ trương của đảng về xây dựng Quân đội và Công an theo phương hướng trên được xác định từ Đại hội Đảng VII (1990) tiếp đó được bổ sung, hoàn thiện qua các thời kỳ Đại hội VIII, IX, X, XI, XII. Đặc biệt, tại Đại hội XII của đảng đã xác định rõ những lực lượng tiến thẳng lên hiện đại như đã đề cập ở trên.
Theo đó, xét về tổng thể, xây dựng quân đội là từng bước hiện đại, nhưng như thế không có nghĩa là “dẫn đầu, bước một” mà trong đó có một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Chủ trương trên của Đảng là hoàn toàn đúng, xuất phát từ khả năng thực tế của đất nước và từ yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.
Chúng ta đều mong muốn hiện đại hóa quân đội, nhưng điều kiện khả năng, thực lực của đất nước có hạn, nếu đầu tư xây dựng quân đội, tăng cường quốc phòng quá mức sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Mặt khác, nếu đầu tư cho xây dựng quân đội không đúng mức, chưa tới tầm sẽ không đáp ứng được yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Do đó, Đảng ta xây dựng quân đội “từng bước hiện đại, có một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại” trong điều kiện hiện nay là hoàn toàn đúng, phù hợp với thực tiễn của đất nước. Đồng thời, chủ trương này của Đảng còn nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ của hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trên cơ sở nắm vững nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin và tiếp thu bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười về “giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó hơn” vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Đảng ta đã và đang vận dụng hết sức sáng tạo, hiệu quả.
Trước hết, theo tư duy mới của Đảng, nội hàm bảo vệ Tổ quốc có sự mở rộng, phát triển, đó là: bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, bảo vệ công cuộc đổi mới…
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết Trung ương 8, khóa IX về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được và những mặt hạn chế, bất cập; đồng thời nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới, Đảng ta tiếp tục ban hành Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Đây có thể được coi là Nghị quyết chuyên đề về bảo vệ Tổ quốc của Đảng.
Trong đó, bao hàm mục tiêu, quan điểm, hệ thống giải pháp, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bối cảnh đất nước hội nhập, phát triển. Cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI, Đảng ta đang chỉ đạo xây dựng các Chiến lược chuyên ngành, như Chiến lược an ninh quốc gia, Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc.
Trong đó, Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự do Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo, trình Bộ Chính trị đang được xây dựng và đã qua dự thảo lần thứ 9.
Đã tròn một thế kỷ qua đi, nhưng Cách mạng Tháng Mười còn nguyên giá trị đối với nhân loại. Sự kiện trọng đại này sẽ mãi là ngọn đuốc soi đường, nguồn động lực đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình, độc lập, dân chủ, tiến bộ trên toàn thế giới. Nghiên cứu, vận dụng, phát huy giá trị đó với các giác độ của Cách mạng Tháng Mười vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội trong tình hình mới là việc làm cần thiết, quan trọng.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng
.