(Congannghean.vn)-Tôi tình cờ biết đến nghệ nhân dân gian Trần Thị Như tại Hội nghị gặp mặt báo chí và các văn nghệ sĩ do UBND huyện Yên Thành tổ chức vào dịp cuối năm. Sau buổi lễ, giữa khoảng sân rộng của hội trường UBND huyện, dù đã khá trưa nhưng cụ Như vẫn say sưa hát dân ca cho đại biểu và các đồng chí lãnh đạo huyện Yên Thành nghe. Và có một điều tôi càng ngạc nhiên khi biết cụ Như đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, dù không biết chữ nhưng cụ vẫn thuộc, vẫn nhớ hàng trăm làn điệu dân ca ví, giặm, ca trù…
Cụ Trần Thị Như được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” năm 2015 |
Vẹn nguyên câu hát dân ca
Từ khi sinh ra rồi lớn lên, tôi không nhớ mình đã nghe bài “Phụ tử tình thâm” biết bao nhiêu lần và bao nhiêu nghệ sĩ thể hiện với một niềm xúc động, tự hào. Vậy mà hôm nay, khi đến nhà cụ Trần Thị Như ở xóm Đồng Hoa, xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, nghe cụ cất lên những giai điệu quen thuộc ấy, lòng tôi trào dâng cảm xúc lạ. Dù chất giọng không còn trong trẻo, những thanh âm không còn tròn trịa nhưng dường như tất cả đã được bù đắp bởi cái hồn cốt mộc mạc, thân thương của người hát khiến người nghe muốn bỏ hết mọi toan tính mưu sinh, lặng lẽ trở về sống trọn đạo sinh thành. Cụ hát mà như đang nói với con cháu, với những lời nhắn nhủ thiết tha, ân cần...
Căn nhà nhỏ nép mình dưới những tán cây của hai mẹ con cụ Trần Thị Như chẳng mấy khi vắng tiếng hát hò. Gia đình cụ có 8 người con thì 7 người đã yên bề gia thất, con cháu đề huề, chỉ mỗi cô con gái thứ 5 không lập gia đình, hai mẹ con nương tựa, chăm sóc lẫn nhau. Con cháu người ở gần, kẻ ở xa nhưng đều thường xuyên qua lại chuyện trò, động viên cụ nên chẳng mấy khi cụ phải buồn lòng. Cụ hát, con cháu hát, các chắt của cụ cũng hát và nhiều người hát rất hay. Trong đó có ông Nguyễn Cảnh Sơn - con rể của cụ cũng là nghệ nhân dân ca ví, giặm. Nhiều con cháu của cụ Như là thành viên của CLB dân ca xã Đồng Thành. Cụ cười bảo: “Riêng con cháu, dâu rể trong gia đình cụ cũng đủ để thành lập một CLB dân ca rồi”.
Vào những ngày lễ Tết, con cháu nội ngoại tập trung đủ đầy, sau những lời thăm hỏi gần xa, những làn điệu dân ca lại được cất lên đầy ngẫu hứng. Những làn điệu được hát theo lời cổ có, lời mới có, những bài hát mang âm hưởng dân ca cũng chẳng thiếu, căn nhà nhỏ bỗng dưng trở thành sân khấu âm nhạc với những tràng pháo tay rộn ràng.
Đang hát dở bài “Phụ tử tình thâm”, thấy đứa cháu nội gần 2 tuổi làm điệu bộ khua chân, kéo tay, miệng à ơi theo, khiến cụ dừng lại, bật cười, khoe hàm răng đen nhánh như thể đời cụ chưa từng trải qua cay đắng, nhọc nhằn. Cụ bảo: “Mỗi câu hát là một bài học làm người”. Có lẽ khúc hát dân ca mượt mà, bình dị nhưng sâu sắc, triết lý đã ngấm vào máu thịt, nuôi dưỡng tâm hồn để cụ có được tinh thần vui vẻ, lạc quan đến tận bây giờ.
Ngược dòng thời gian
Cụ Như chia sẻ, 10 tuổi cụ đã theo cha và gánh hát trong làng đi khắp các vùng Nam Đàn, Tân Kỳ, Diễn Châu, Nghi Lộc. Ở đâu có lời mời thì bất kể đường sá xa xôi, cụ cùng đội văn nghệ cũng lặn lội đi bộ cả ngày trời để đến phục vụ. Cụ chẳng còn nhớ mình bắt đầu tập hát dân ca từ bao giờ và thuộc lòng bao nhiêu bài hát. Cụ cười móm mém: “Giờ có ngồi hát cả ngày cũng chưa hết những làn điệu mà tui đã thuộc”.
Nghệ nhân dân gian Trần Thị Như đến với dân ca, ví giặm từ khi mới lên 10 tuổi |
Không bút sách, không có các nhạc cụ hỗ trợ, những làn điệu dân ca cứ truyền miệng nhau, rồi thuộc, rồi hát. Đi hái lá dâu hát, đi cấy hát, ngồi xe sợi hát... Tiếng hát được cất lên ngay trong bom đạn chiến tranh. Trong kháng chiến chống Mỹ, Đồng Thành là một trong những trạm dừng chân của bộ đội ta trên đường hành quân vào chiến trường miền Nam. Cụ Như là hạt nhân trong đội văn nghệ của xã, ban ngày thì cày cuốc trên đồng trên bãi, tối đến lại diễn văn nghệ phục vụ các chiến sỹ. Giọng hát trong trẻo của cô Như trẻ đẹp năm nào như làn gió mát làm dịu đi sức nóng phía chiến trường, nơi các anh đang hướng đến. Bao nhiêu đoàn cán bộ, chiến sỹ dừng chân ở Đồng Thành và các xã lân cận là bấy nhiêu lần được nghe giọng ca của cụ. Càng ngày, giọng hát của cụ càng trở nên ấm áp, nó như được ấp ủ bởi cái mặn nồng của tình người và tình yêu đất nước.
Nhấp miếng trầu đang nhai dở, cụ Như trầm ngâm: “Lúc đó, cả nước đều hướng về miền Nam, chồng con tui cũng lần lượt lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước. Mình ở nhà nấu cơm cho bộ đội, hát cho bộ đội nghe cũng là góp sức cho đất nước”. Giọng hát của cụ lại cất lên mỗi lần tiễn chồng, tiễn con ra trận. Kẻ trở về trong niềm vui chiến thắng, người nằm lại nơi chiến trường xa xôi, thịt da hòa cùng đất mẹ thân yêu, lòng cụ cũng bao phen sóng nổi. Ánh mắt cụ nhòa đi theo những tháng ngày mòn mỏi ngóng tin chồng, tin con nơi chiến trường khói lửa. Một người con của cụ là liệt sỹ Trần Danh Tâm đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường Quảng Trị. Mỗi lúc nhớ con, cụ lại hát một mình như để tự ru mình và ru con. Những làn điệu dân ca ấm nồng cất lên trong nghẹn ngào nước mắt. Và rồi cũng chính nó đã xoa dịu và làm nguôi ngoai nỗi đau mất con của người mẹ.
Còn sức, còn hát
Ở tuổi trời cho, những được mất của cuộc đời - cụ chẳng còn hơi sức để ngó ngàng đến. Nỗi nhọc nhằn của kiếp người dằng dặc ấy cụ chẳng thể nào nhớ hết. Nhưng hàng ngày cụ vẫn thường kể những kỷ niệm vui cho con cháu cùng nghe, rằng ngày xưa, nhờ có giọng hát “trời cho” mà nhiều hôm cụ được “miễn” lao động. Mỗi buổi đi cấy đổi công, anh em trong tổ thường bảo: “O Như lên hát để bầy tui cấy thay cho”! Vậy là cụ chỉ việc ngồi trên bờ và hát.
Thời gian có thể xóa nhòa đi tất cả nhưng tôi tin rằng nó không những không thể xóa nhòa mà còn hun đúc niềm đam mê ca hát của cụ Trần Thị Như. Vào những cuộc liên hoan, lễ hội, cụ vẫn thường tham gia rất nhiệt tình. Ngoài hát dân ca ví, giặm, cụ Như còn hát Kiều, hát chèo, hát ca trù rất cuốn hút người nghe.
Năm 2012, khi đã ở tuổi 94, cụ còn trực tiếp tham gia hát Kiều tại Liên hoan dân ca ví, giặm xứ Nghệ cụm 1 tại Diễn Châu và giành giải B. Năm 2013, cụ Trần Thị Như được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng bằng công nhận Nghệ nhân dân gian, tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam và Hội Người cao tuổi tỉnh Nghệ An tặng danh hiệu “Tuổi cao gương sáng”. Năm 2015, cụ Như được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Có thể nói, cụ là kho tư liệu quý báu về những làn điệu cổ cho nhiều nhà biên soạn. Cụ là đại biểu cao tuổi nhất được mời về dự lễ Đón nhận Bằng công nhận dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Với gia đình, không những sống giản dị và hết mực yêu thương con cháu, cụ Trần Thị Như còn là người thổi hồn tình yêu âm nhạc, đặc biệt là dân ca. Cụ chính là người gìn giữ nếp nhà, là tấm gương sáng để con cháu học tập, noi theo. Đến cả con dâu của cụ cũng thú nhận: “Năm nay, mặc dù đã bước sang tuổi 100 nhưng tâm hồn cụ còn trẻ trung và yêu đời lắm…”.
Trước lúc chào ra về, cụ Như còn nhắn với chúng tôi: “Có dịp chi vui báo cho cụ đi hát với”!