Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201702/ky-niem-87-nam-ngay-thanh-lap-dang-cong-san-viet-nam-321930-322017-tien-trinh-doi-moi-dat-nuoc-721202/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201702/ky-niem-87-nam-ngay-thanh-lap-dang-cong-san-viet-nam-321930-322017-tien-trinh-doi-moi-dat-nuoc-721202/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tiến trình đổi mới đất nước - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 02/02/2017, 08:15 [GMT+7]
Kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2017)

Tiến trình đổi mới đất nước

(Congannghean.vn)-Công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) khởi xướng và lãnh đạo, tính từ Đại hội VI của Đảng (12/1986) đến nay trải qua hơn 30 năm đã chứng minh, đây là công trình sáng tạo vĩ đại của Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) trong thời kỳ mới.

Đối với nhân dân ta, hai từ “đổi mới” không phải là điều xa lạ. Từ những năm đầu thế kỷ XX, một số nhà yêu nước của dân tộc đã từng đề xướng thuyết duy tân mà theo đúng ngữ nghĩa là đổi mới. Sau cách mạng tháng Tám, trong các bài viết và bài nói của mình, Bác Hồ cũng đã nhiều lần dùng từ đổi mới. Năm 1949, trong bài “Dân vận”, để chỉ rõ nước ta là nước dân chủ, Bác Hồ viết: “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”. Năm 1964, trong báo cáo tại Hội nghị Chính trị đặc biệt, Người viết: “Trong 10 năm qua, miền Bắc nước ta đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Đất nước, xã hội và con người đều đổi mới”.

Quá trình đổi mới đã được đặt ra từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương (khóa IV), đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa V). Đặc biệt là từ Đại hội VI của Đảng đề ra đường lối đổi mới toàn diện thì thuật ngữ “đổi mới” được sử dụng rộng rãi trong các văn kiện của Đảng, trong sách báo cũng như trong ngôn ngữ hàng ngày của nhân dân ta, với nội hàm mới và không ngừng phát triển.

“Đổi mới” cũng là quá trình sửa lại những nhận thức không đúng về cái cũ. “Đổi mới” còn làm rõ cái gì đúng của ngày hôm qua nhưng do hoàn cảnh đã thay đổi, ngày hôm nay không còn thích hợp, cần tổng kết thực tiễn để khái quát lý luận nhằm bổ sung, phát triển nhận thức, phát triển nền tảng tư tưởng, làm cơ sở hoạch định và triển khai đường lối, chính sách của Đảng, thúc đẩy đất nước phát triển.

Mục tiêu lý luận và thực tiễn đòi hỏi “đổi mới” nhưng không “đổi màu” và “đổi hướng”. Đổi mới để giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, để làm cho CNXH được nhận thức đúng đắn hơn và được xây dựng hiệu quả hơn. Đổi mới không phải là xa rời Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà làm cho lý luận đó được nhận thức và vận dụng, phát triển sáng tạo hơn, mang lại kết quả thiết thực hơn. Đổi mới không phải là phủ định tất cả nhận thức và cách làm trước đây cùng những thành tựu đã được tạo ra mà là khẳng định những gì đã nghĩ đúng, làm đúng, giữ lại những giá trị tích cực của quá khứ; đồng thời loại bỏ những gì đã hiểu sai, làm sai, những hậu quả do những sai sót đó tạo ra.

Hội nghị Trung ương 6 khóa IV (8/1979), với chủ trương “bằng mọi cách làm cho sản xuất bung ra”, là bước đột phá đầu tiên của quá trình tìm tòi và thử nghiệm đó. Hội nghị chủ trương ổn định lương thực trong 5 năm, phần dôi ra được bán cho Nhà nước hoặc trao đổi tự do; khuyến khích mọi người tận dụng ao hồ, ruộng đất hoang hóa, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc dưới mọi hình thức; sửa lại thuế lương thực và giá lương thực để khuyến khích sản xuất; sửa lại chế độ phân phối theo định suất, định lượng...

Đại hội VI của Đảng đánh dấu một bước ngoặt rất cơ bản và có ý nghĩa quyết định trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta, với việc đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước - từ đổi mới tư duy đến đổi mới tổ chức, cán bộ và phong cách lãnh đạo của Đảng; từ đổi mới kinh tế đến đổi mới hệ thống chính trị và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Đại hội khẳng định: Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn.

Đại hội X của Đảng (4/2006) là Đại hội thứ năm của thời kỳ đổi mới. Đại hội đã tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn của 20 năm đổi mới. “Hai mươi năm qua, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công cuộc đổi mới ở nước ta đạt những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử”. Đại hội tiếp tục khẳng định nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng sáng tỏ hơn, hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về XHCN và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam đã hình thành trên những nét cơ bản.

Đại hội XI (nhiệm kỳ 2011 - 2015) diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, khủng hoảng chính trị ở nhiều nơi, cạnh tranh nhiều mặt ngày càng quyết liệt giữa các nước lớn tại khu vực; diễn biến phức tạp trên biển Đông... đã tác động bất lợi đến nước ta. Trong nước, ngay từ đầu nhiệm kỳ đã gặp nhiều khó khăn từ tác động của thế giới đến thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu..., gây thiệt hại nặng nề. Trong bối cảnh đó, công cuộc đổi mới vẫn tiếp tục phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trên tất cả các lĩnh vực, tạo đà phát triển trong thời kỳ mới.

Đại hội XII của Đảng tiến hành từ đầu năm 2016 tiếp tục khẳng định: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ XHCN. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Mừng Xuân Đinh Dậu 2017, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mừng Đảng ta 87 tuổi, mừng đất nước ta đang vững bước trên con đường đổi mới, chúng ta nguyện đoàn kết phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, biến Nghị quyết Đại hội thành hiện thực trong cuộc sống, làm cho đất nước cường thịnh, nhân dân hạnh phúc, ấm no trên con đường hội nhập và phát triển.

.

Nguyễn Minh Châu

.