(Congannghean.vn)-Trước năm 1930, nhân dân ta đắm chìm trong đêm trường nô lệ, dưới ách thống trị của chế độ thực dân phong kiến. Trước tình hình đó, nhiều chí sỹ cách mạng, nhiều nhà yêu nước đã tìm con đường cứu dân, cứu nước nhưng đều không thành công.
Chỉ từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, cách mạng Việt Nam mới có chính đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, có đường lối, chiến lược và sách lược đúng đắn, hiệu triệu được cả dân tộc đứng lên đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, giải phóng giai cấp và dân tộc. Khát vọng giải phóng được thổi bùng lên ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trong đó tiêu biểu là cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Học sinh Trường THCS Trường Thi (TP Vinh) tìm hiểu về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh - Ảnh: Phan Tuyết |
Khởi đầu là các cuộc đấu tranh trong ngày 1/5/1930: Cuộc biểu tình của nhân dân 6 xã thuộc 2 huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc và công nhân nhà máy Vinh - Bến Thủy; cuộc đấu tranh của nông dân hai làng Hạnh Lâm, Yên Lạc và cuộc biểu tình của 100 thanh niên học sinh Pháp Việt ở chợ Rộ, Thanh Chương. Các cuộc đấu tranh này đều do các chi bộ Đảng cộng sản Đông Dương ở địa phương phát động.
Hòa nhập với các cuộc đấu tranh trên, nhiều địa phương ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm hoặc bí mật tổ chức mít tinh, nói lên ý nghĩa ngày 1/5, nêu cao ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là bước chuyển mới của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đòi các quyền lợi chính đáng cho giai cấp công nhân, nông dân về kinh tế, chính trị..., hướng tới giải phóng giai cấp và dân tộc.
Tiếp đến, nhiều cuộc đấu tranh nổ ra có tính chất ôn hòa buộc thực dân Pháp và quan lại Nam Triều từng bước nhượng bộ. Ngày 30/6/1930, tòa án Vinh phải thả 40 người bị bắt. Giữa tháng 7, chính phủ Nam Triều hứa hẹn bỏ thuế vãng lai, bỏ lệ tuần canh, cấm đánh đập, hành hạ thợ thuyền...
Giai đoạn đấu tranh ôn hòa đã làm cho bọn thực dân Pháp lúng túng trước sự phát triển của phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và lo đối phó với dư luận trong chính quốc về những tội ác của chúng gây ra ở Đông Dương, buộc chúng chuẩn bị phản công bằng bạo lực.
Về phía nhân dân ta, qua những cuộc đấu tranh sôi nổi và thu được thắng lợi bước đầu, khí thế đấu tranh ngày càng sục sôi, tiến tới các cuộc đấu tranh bạo lực để hình thành các chính quyền Xô Viết.
Tại Nam Đàn, ngày 30/8/1930, hơn 3.000 nông dân biểu tình thị uy qua các làng xã có Tự vệ Đỏ vũ trang bằng gậy tày. Qua một số làng, đoàn biểu tình cảnh báo bọn hào lý phản động, đốt điếm canh của tuần phu, sau đó kéo tới huyện lỵ để đưa yêu sách. Tri huyện sai lính đóng cổng huyện đường nhưng đoàn người đã kịp tràn vào, xông tới nhà lao, giải thoát những người bị giam giữ.
Cũng trong thời gian này, nhiều cuộc biểu tình lớn đã nổ ra: Ngày 1/9, công hội Vinh phát động bãi công ở các nhà máy trong thành phố. Ngày 7/9, hơn 3.000 nông dân huyện Can Lộc biểu tình, bao vây huyện đường, tri huyện bỏ trốn. Quần chúng phá nhà lao đốt giấy tờ công văn, Công sứ Hà Tĩnh cho lính đến đàn áp, quần chúng bao vây đấu tranh buộc chúng phải rút lui.
Ngày 8/9, hơn 1.000 nông dân huyện Thạch Hà đưa yêu sách tới tòa Công sứ Hà Tĩnh. Lính khố xanh được huy động ra ngăn chặn nhưng cuối cùng phải rút lui trước sức mạnh đấu tranh của quần chúng nhân dân.
Tiếp đến, phong trào đấu tranh của nông dân các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh đã làm cho bọn địch hoảng sợ. Cả tỉnh Hà Tĩnh cùng với nhân dân Nghệ An đưa cao trào đấu tranh trong Xô Viết tiến lên mạnh mẽ.
Sáng 12/9/1930 được xem là đỉnh cao của cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Hàng vạn nông dân 2 huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Hưng Nguyên đã tổ chức cuộc biểu tình lớn và bị bọn lính khố xanh từ Vinh lên đàn áp. Tuy nhiên, đoàn biểu tình vẫn bình tĩnh tiến bước, không chút nao núng. Tới địa phương nào đoàn cũng dừng lại diễn thuyết và cảnh cáo bọn tay sai cho Pháp ở trong vùng.
Vào khoảng 12 giờ trưa hôm đó, hai chiếc máy bay từ Vinh lên lần lượt ném bom xuống đoàn biểu tình làm 174 người thiệt mạng và 300 người bị thương. Chiều hôm ấy, nhân dân làng Thông Lũng và Thái Lão ra nhặt xác của những người hy sinh thì máy bay của đế quốc ném bom lần nữa khiến 43 người bị thiệt mạng. Mặc dù vậy, cuộc tàn sát lớn này của thực dân Pháp không đè bẹp được ý chí đấu tranh của nhân dân Nghệ An và Hà Tĩnh đang sục sôi căm thù.
Ngày 12/9 đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc như một mốc son chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và nhân dân.
Trong không khí sục sôi cách mạng, từ tháng 9 đến cuối năm 1930, hàng loạt làng xã ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã hình thành “Chính quyền Xô Viết”, xóa bỏ hoặc làm vô hiệu hóa bộ máy cai trị của hào lý, chánh phó tổng, nhân dân chỉ tuân theo sự điều hành của Xã bồ nông. Nhiều nơi lý trưởng đem triện đến nộp cho Xã bồ nông hoặc đem trả cho tri phủ, tri huyện.
“Xô Viết Nghệ Tĩnh là chính quyền cách mạng đầu tiên của công nông, đã lật đổ chính quyền phản động của đế quốc và phong kiến ở mấy nơi trong hai tỉnh Nghệ Tĩnh. Dù đế quốc Pháp và bọn phong kiến đã tạm thời nhấn chìm phong trào cách mạng trong biển máu, nhưng truyền thống oanh liệt của Xô Viết Nghệ Tĩnh đã thúc đẩy phong trào cách mạng trong cả nước tiến lên và đưa đến cách mạng tháng Tám thành công rực rỡ”. Đó là lời đề tựa của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh - nơi lưu giữ những chứng tích lịch sử và niềm tự hào của nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.