(Congannghean.vn)-Tình nguyện là hoạt động thiết thực và có ý nghĩa xã hội to lớn. Tham gia các hoạt động tình nguyện, ngoài việc có cơ hội để giao lưu học hỏi, trao đổi chuyên môn, rèn luyện kỹ năng sống, các bạn sinh viên còn tích lũy thêm nhiều kiến thức, nuôi dưỡng hoài bão qua trải nghiệm thực tế. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, đã có không ít tai nạn thương tâm xảy ra đối với các bạn sinh viên khi tham gia hoạt động tình nguyện, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết trong công tác tình nguyện.
Còn đó những nỗi đau
Còn nhớ vào năm 2013, 4 sinh viên là tình nguyện viên của chương trình “Chắp cánh ước mơ” (cả đoàn có 21 người, trong đó có 17 người là sinh viên các trường đại học tại Hà Nội), sau chuyến tặng quà cho học sinh nghèo tại xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên nhân ngày Quốc tế thiếu nhi, khi đi qua thác Mưa Rơi thì dừng lại chụp ảnh làm kỷ niệm.
Sinh viên tình nguyện giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau cơn bão |
Trong lúc chụp hình, 6 người trong nhóm bị sảy chân ngã xuống vực sâu, nơi có dòng nước chảy xiết, nhưng chỉ cứu được 2 người lên bờ an toàn. 4 tình nguyện viên ra đi, để lại niềm tiếc thương cho gia đình, bạn bè và nhà trường…
Những ngày này, người dân vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự việc đau lòng khi 3 sinh viên Trường Đại học Ngoại thương bị lũ cuốn trôi. Trước đó, vào ngày 21/6, tại Hà Nội, Đoàn trường Đại học Ngoại thương tổ chức Lễ ra quân “Mùa hè xanh” năm 2016 với 20 đội tình nguyện về các xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị.
Vào hồi 17 giờ ngày 2/7, trong khi nhóm sinh viên đi hoạt động tình nguyện tại khu vực cầu Pác Hoóc (thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) thì bất ngờ lũ lớn kéo về cuốn trôi 4 sinh viên. Trong đó, 1 sinh viên được cứu thoát, còn 3 sinh viên mất tích.
Rạng sáng 3/7, lực lượng tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh đã vớt được thi thể 3 sinh viên gồm Nguyễn Thị Ngân (SN 1997, quê Hà Nội); Vũ Thị Xoa (SN 1996, quê Hải Dương) và Phan Thị Hải (SN 1997, quê Nghệ An). Ngay sau khi sự cố xảy ra, Trường Đại học Ngoại thương đã tạm dừng hoạt động tình nguyện của 20 đội tình nguyện của Trường tại các tỉnh, thành trong cả nước.
Vấn đề an toàn là trên hết
Sự việc đau lòng khi 3 sinh viên tình nguyện bị lũ cuốn trôi đã khiến cho dư luận quan tâm. Thực tế, có nhiều hoạt động tình nguyện hữu ích và ý nghĩa như chương trình “Tiếp sức mùa thi”, giúp đỡ các gia đình thương binh liệt sỹ, dạy các em nhỏ học chữ… Tuy nhiên, có những hoạt động tình nguyện quá sức so với độ tuổi cũng như sức khỏe của các bạn sinh viên.
Thực tế, từ khi phát động phong trào tình nguyện, Trung ương Đoàn đã đặt ra các tiêu chí cụ thể, đó là phải thiết thực, hiệu quả, an toàn. Thông thường, trước khi ra quân, các đơn vị đều phải tổ chức tập huấn các kỹ năng cho các tình nguyện viên, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an toàn cho các tình nguyện viên.
Tại Nghệ An, trước khi các đội tình nguyện lên đường, Tỉnh đoàn đã tổ chức các buổi tập huấn, đưa ra những tình huống có thể xảy ra ở các địa phương…; đồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo các huyện, thành, thị, các cơ sở đoàn trực thuộc, các địa phương tiếp nhận tình nguyện phải tuyệt đối đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia tình nguyện.
Trường Đại học Vinh là một trong những đơn vị có phong trào tình nguyện mạnh nhất, sớm nhất trong các trường đại học, cao đẳng tại Nghệ An. Từ những năm 1996 - 1997, Trường đã có đội tình nguyện “Ánh sáng văn hóa hè” gồm 8 - 10 sinh viên, có mặt tại các huyện miền núi Kỳ Sơn, Quế Phong để xóa mùa chữ. Năm 2016 là lần thứ 20 Trường tổ chức chiến dịch “Thanh niên tình nguyện hè”.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Chương, Bí thư Đoàn Trường Đại học Vinh cho biết: Hè 2016, Trường có 500 sinh viên tình nguyện được chia thành 20 đội, tiến hành các hoạt động tình nguyện tại 20 xã của 13 huyện thuộc 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong quá trình triển khai phong trào tình nguyện, Trường Đại học Vinh luôn đặt tính kỷ luật, sự an toàn cho sinh viên lên hàng đầu. Điều này được thể hiện ở phương châm “Thiết thực, sáng tạo, hiệu quả và an toàn”.
Trước đó 1 tháng, Trường Đại học Vinh đã tổ chức tập huấn cho sinh viên đến tình nguyện ở những vùng khó khăn. Đợt tập huấn chia làm 2 phần gồm khảo sát tiền trạm và tập huấn những kỹ năng của một tình nguyện viên như kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng về dân vận, kỹ năng tự bảo vệ mình, kỹ năng đảm bảo về mặt kỷ luật… Việc thành lập các đội tình nguyện dựa trên cơ sở có quyết định của nhà trường, có đơn tự nguyện của các bạn sinh viên.
Trước sự việc đau lòng trên, Đoàn trường Đại học Vinh cũng đã có công văn hỏa tốc gửi đến các đội tình nguyện. Theo đó, nhắc nhở, đôn đốc, chấn chỉnh các đội tình nguyện, các sinh viên tình nguyện tại địa phương: không được tách đội, không được tự ý tắm sông, suối, đi lại đảm bảo an toàn giao thông và phải có sự hỗ trợ giám sát của địa phương…
Ngoài ra, thông qua các trang mạng xã hội như facebook để tuyên truyền nhằm nâng cao tính kỷ luật cho các sinh viên tình nguyện. Bên cạnh đó, Trường cũng đã tổ chức đi kiểm tra các đội trên tinh thần động viên, nhắc nhở…
Có thể nói, sự việc 3 sinh viên Đại học Ngoại Thương tử nạn trong thời gian tham gia tình nguyện là sự cố đáng tiếc, để lại bài học đắt giá cho những người làm công tác Đoàn, lãnh đạo các trường học cũng như cho chính các sinh viên tình nguyện. Yêu cầu đặt ra là hoạt động sinh viên tình nguyện phải được tổ chức chu đáo hơn, từ khâu khảo sát địa bàn nơi đến, hành trình cụ thể.
Đặc biệt, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa sinh viên tình nguyện và các đoàn viên, thanh niên địa phương, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng núi sông suối hiểm trở, tiềm ẩn nhiều rủi ro…
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định về chính sách dành cho thanh niên tình nguyện, bao gồm trong quá trình và sau khi kết thúc hoạt động tình nguyện. Theo đó, thanh niên khi tham gia tình nguyện ngoài việc được tập huấn kiến thức, kỹ năng còn được hưởng tiền bồi dưỡng, trang bị phương tiện làm việc, bảo hộ cá nhân (nếu có), đủ điều kiện được xét kết nạp Đoàn, Đảng. Trường hợp chẳng may bị chết hoặc bị thương sẽ được UBND xã nơi diễn ra hoạt động tình nguyện làm hồ sơ đề nghị cấp trên xem xét, công nhận là liệt sỹ hoặc hưởng chính sách như thương binh theo quy định về ưu đãi người có công với cách mạng. Tổ chức tình nguyện có trách nhiệm hỗ trợ mai táng, đưa về quê. |