(Congannghean.vn)-Bức ảnh “Tấm lòng người Việt Nam” của nhiếp ảnh gia Từ Tiện được chụp bất ngờ trong một khoảnh khắc đã ghi lại một cách chân thực vẻ đẹp của con người Việt Nam trong thời chiến. 30 năm sau, bức ảnh này mới được ghi nhận về giá trị lịch sử.
Bức ảnh “Tấm lòng người Việt Nam” (Ảnh được chụp lại từ tư liệu của tác giả) |
Người ghi lại khoảnh khắc vàng của lịch sử
Ở độ tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe yếu nên giờ đây, nhiếp ảnh gia Từ Tiện không còn đủ sức để đi đến khắp mọi miền Tổ quốc với niềm đam mê nhiếp ảnh. Hiện ông sống trong một căn nhà nhỏ, yên tĩnh giữa sự đông đúc, nhộn nhịp của phố buôn bán gần chợ Vinh. Trò chuyện với chúng tôi, nhiếp ảnh gia Từ Tiện bồi hồi, xúc động khi nhớ về thời lửa đạn.
Ông là Việt kiều hồi hương theo tiếng gọi của Bác Hồ về xây dựng Tổ quốc, vốn được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ nhiếp ảnh. Với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, ông tham gia chiến đấu trên chiến trường với vai trò nhà nhiếp ảnh, xông pha trên mọi mặt trận, từ Truông Bồn, Bến Thủy (Nghệ An) đến ngã 3 Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Quảng Trị… để ghi lại những khoảnh khắc ác liệt của cuộc chiến.
Người phóng viên chiến trường cùng chiếc máy ảnh rong ruổi trên khắp các nẻo đường. Suốt những năm tháng chiến tranh, ống kính của ông đã ghi lại rất nhiều khoảnh khắc có giá trị lịch sử. Bức ảnh “Tấm lòng người Việt Nam” là một trong những tác phẩm như thế.
“Hôm đó là ngày 19/5/1972, dân quân xã Thạch Trung, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với đơn vị pháo cao xạ 233 kiên cường chống trả giặc Mỹ, bắn rơi chiếc “thần sấm” mang biển hiệu 1F37. Viên phi công Obrinicol đã thoát chết nhờ chiếc dù hộ mệnh nhưng hắn bị thương nặng ở trán và má. Sau khi dẫn giải hắn về hầm, y tá Trần Thị Sâm, dân quân lúc bấy giờ đã cởi súng, băng bó vết thương cho Obrinicol. Thời điểm ấy, tôi may mắn có mặt tại hiện trường và đã chụp lại khoảnh khắc ấy”, nhiếp ảnh gia Từ Tiện nhớ lại.
Cô y tá nhỏ nhắn với nét mặt cương nghị đã làm cho thế giới hiểu thêm về con người Việt Nam, kiên quyết chống trả kẻ thù nhưng rất đỗi nhân hậu, bao dung. Hiện vẫn còn rất nhiều bức ảnh khắc họa rõ nét thời chiến tranh ác liệt, không chỉ phản ánh chân thực tinh thần gan dạ, anh dũng của quân và dân ta, mà còn là bằng chứng sống về tội ác của đế quốc xâm lược.
Bức ảnh sau khi chụp được ông đem ra hiệu rửa thành 2 tấm, 1 tấm giữ cho mình và 1 tấm ông định dành tặng cho cô y tá - nhân vật trong bức ảnh. Thế nhưng, do mải miết với nghiệp phóng viên chiến trường, bức ảnh đó đã bị quên lãng.
Phải đến năm 2001, tình cờ lục lại những tấm ảnh tư liệu cũ, ông phát hiện bức ảnh trên nên đã mang tặng cho Bảo tàng Quân khu 4. Một năm sau đó, nhân kỷ niệm 30 năm trận “Điện Biên Phủ trên không”, Cục Chính trị Quân khu 4 phóng to bức ảnh làm quà tặng Bảo tàng Quân chủng Phòng không với tựa đề “Thiếu tá phi công Mỹ cũng phải cúi đầu trước tấm lòng nhân hậu của cô gái Thạch Hà, Hà Tĩnh”.
Sau đó, bức ảnh xuất hiện trên một vài tờ báo lớn nhưng không ai biết tác giả là ai. Vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp chiếu bóng và chụp ảnh (15/3/1953 - 15/3/2003), Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam đã trao Huy chương Vàng cho các tác phẩm của 23 nghệ sỹ nhiếp ảnh xuất sắc trên toàn quốc trong 50 năm qua, trong đó có bức ảnh “Thiếu tá phi công Mỹ cũng phải cúi đầu trước tấm lòng nhân hậu của cô gái Thạch Hà, Hà Tĩnh”.
Niềm vui của nhiếp ảnh gia Từ Tiện (giữa) khi gặp lại những người bạn cũ |
Vậy là, sau 31 năm từ khi bức ảnh ra đời, nhiếp ảnh gia Từ Tiện mới nhận được phần thưởng có giá trị to lớn về tinh thần. Thể theo tâm nguyện của tác giả, bức ảnh có tên gọi chính thức là “Tấm lòng người Việt Nam”.
Nữ y tá - Hình ảnh của con người Việt Nam
Nữ y tá Trần Thị Sâm - nhân vật chính, cũng là linh hồn của bức ảnh giờ đang sống trầm lặng ở một con phố nhỏ của TP Hà Tĩnh. Sinh ra trong một gia đình nông thôn nghèo, 17 tuổi, Trần Thị Sâm thoát ly, tham gia hoạt động cách mạng, là nữ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, có mặt trên nhiều trận địa ác liệt từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình, Quảng Trị. Sau này, vì hoàn cảnh gia đình, bà được điều động về công tác tại UBND huyện Thạch Hà, phụ trách lĩnh vực y tế.
Nhớ lại khoảnh khắc ra đời bức ảnh mà mình là nhân vật chính, bà chia sẻ: “Vào khoảng 10 giờ ngày 19/5/1972, sau khi máy bay Mỹ oanh tạc trên bầu trời TX Hà Tĩnh, đơn vị Trung đoàn 208 được giao nhiệm vụ trấn giữ vùng trời thị xã đã bắn trúng 1 máy bay của địch.
Đang làm nhiệm vụ trực chiến tại văn phòng, tôi cùng 4 đồng nghiệp khác được lệnh đến xã Thạch Trung để băng bó cho bộ đội bị thương. Lúc 5 người chạy đến đoạn giáp ranh 2 xã Thạch Trung và Thạch Quý thì phát hiện trên bầu trời có 1 máy bay trúng đạn, bốc lửa đỏ rực, cùng lúc đó, một tên giặc lái nhảy dù xuống bãi trồng khoai ngoài đồng.
Thấy vậy, mấy anh em tìm cách tiếp cận bằng cách trườn mình giữa các rãnh khoai. Lúc này, do viên phi công nhảy dù có bộ đàm nên đã liên lạc với đồng đội. Ngay sau đó, máy bay Mỹ quay lại, bắn bom bi, rốc két xuống liên hồi để tìm cách cứu viên phi công. Khi tiếp cận được tên giặc lái, mọi người liền đập nát bộ đàm, sau đó khống chế tên lính Mỹ cao to đang run sợ, trên tay vẫn còn lăm lăm khẩu súng lục.
Sau khi tước được súng, tôi cùng một số người đã khống chế và dẫn tên này về làng. Hắn được đưa đến trước cửa miệng hầm chữ A của một người dân tại xã Thạch Quý. Lúc này mọi người mới biết tên hắn là Obrinicol, quân hàm Thiếu tá. Thấy hắn bị thương, chảy nhiều máu ở mặt, dù rất căm giận song tôi vẫn kìm nén để băng bó vết thương. Chính thời điểm này, nhiếp ảnh gia Từ Tiện cũng có mặt và chụp lại khoảnh khắc ấy trong khi tôi không hay biết”.
20 năm sau khi bức ảnh ra đời, bà mới biết khoảnh khắc mình băng bó vết thương cho giặc Mỹ được chụp lại. Đó là khi nhiếp ảnh gia Từ Tiện tìm đến tận nhà tặng bà bức ảnh. Lúc này, bà đã không cầm được nước mắt vì xúc động.
Những tháng ngày bom đạn đã lùi xa, giờ đây cả tác giả và “linh hồn” của “Tấm lòng người Việt Nam” đều đang sống cuộc sống bình dị, hạnh phúc bên con cháu. Với họ, bức ảnh đã ghi dấu một thời vàng son của dân tộc nói chung và thời tuổi trẻ của họ nói riêng.