(Congannghean.vn)-Những ai có dịp đi qua cây cầu để vào bản Buộc Mú 2, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đều không khỏi thắc mắc bởi cây cầu mang tên một cô giáo từng cắm bản nơi đây: “Cầu cô Oanh”.
Con đường vào xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn cũng giống như những con đường của các xã vùng cao khó khăn khác bởi sự gồ ghề, trời nắng bụi bay mù mịt, còn trời mưa thì trơn trượt không thể đi nổi. “Cách đây khoảng 15 năm, để vào được xã phải đi bộ mất cả ngày trời. Khi ấy, đường và cầu đều chưa có, thầy, cô giáo phải lội suối cõng học trò đến trường”, đồng chí Già Tồng Thù, Phó trưởng Công an xã Na Ngoi cho biết.
Vẫn chưa hết tò mò về tên của cây cầu, chúng tôi đem thắc mắc này ra hỏi thì được đồng chí Thù giải đáp: “Cầu mang tên của một cô giáo đã từng cắm bản ở đây. Cô Oanh là người dưới xuôi lên đây dạy học, cô rất tốt với người dân và trẻ con trong bản. Vì thế, khi đơn vị thi công làm xong cầu thì cả bản đều thống nhất đặt tên là “cầu cô Oanh”.
Cây cầu mang tên cô giáo Oanh bắc qua dòng suối cắt ngang bản Buộc Mú 2, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn |
Na Ngoi là xã có mây phủ bốn mùa, mùa đông sương mù sà kín đường, nhiệt độ dao động từ 6 - 12 độ C, khi chạm vào nước cứ ngỡ bị hàng nghìn mũi kim châm vào da. Cái đói, cái nghèo đã ảnh hưởng rất lớn đến sự học của các em nhỏ đồng bào dân tộc Mông, Khơ Mú nơi đây. Vận động học trò đến lớp là nhiệm vụ gian nan mà bất cứ giáo viên cắm bản nào cũng phải thực hiện.
Mùa hè còn đỡ nhưng vào mùa đông lạnh giá, thiếu quần áo ấm, người lớn còn không muốn rời hơi ấm của bếp lửa nên việc những đứa trẻ bỏ học để tránh rét là điều bình thường. Để vào bản Buộc Mú 2, do phải qua con suối nước chảy xiết nên việc đi lại của người dân trong bản hết sức khó khăn, vì vậy, việc đến trường của những đứa trẻ nơi đây càng xa xôi.
Năm 1997, vợ chồng cô Đặng Thị Oanh (SN 1976) quê ở xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn lên Na Ngoi nhận công tác. Năm 2001, cô Oanh được phân công cắm bản tại điểm trường bản Buộc Mú 2 và phụ trách lớp 2. Lúc đó, đời sống của giáo viên gặp rất nhiều khó khăn. Thương thầy cô, dân bản đã góp gạo nuôi. Vợ chồng cô Oanh ở nhờ nhà đồng chí Thù (khi đó là Xã đội phó xã Na Ngoi).
Để học sinh đến lớp, cô Oanh phải đến từng nhà trò chuyện, vận động bố mẹ và các em. “Mùa đông nước lạnh cóng, bọn trẻ không muốn lội suối đến trường, cô Oanh đã tình nguyện cõng từng em sang bờ bên kia để đến lớp học”, đồng chí Thù kể lại.
Già Bá Mùa (SN 1997) là một trong những học sinh cũ của cô giáo Oanh. Sau khi tốt nghiệp THPT, Mùa không đăng ký xét tuyển đại học mà nhập ngũ, trở thành người chiến sỹ bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Trong trí nhớ của Mùa, hình ảnh cô giáo Oanh còn rất rõ nét: “Nhà đông anh em, hoàn cảnh rất khó khăn nên bố mẹ em không quan tâm đến việc học của con cái, cô Oanh đã đến tận nhà động viên để chúng em được học cái chữ. Cô Oanh tốt và thương học trò lắm, trời mưa dù nước suối dâng cao và lạnh giá nhưng cô vẫn cõng học sinh qua suối. Cô luôn dặn chúng em phải cố gắng học tốt, biết được nhiều cái chữ để đỡ khổ hơn”.
Năm 2003, cô Đặng Thị Oanh được chuyển về gần nhà, công tác tại Trường Tiểu học Phúc Sơn (Anh Sơn). Ngày cô chuyển về xuôi, dân bản nơi đây từ người già đến trẻ nhỏ đều bịn rịn không muốn xa rời. Vì tình cảm đặc biệt dành cho cô Oanh nên khi cây cầu được thi công xong, dân bản đều thống nhất lấy tên cô đặt tên cho cây cầu.
“Khi tôi về xuôi, việc làm đường đang ở giai đoạn khảo sát. Sau này, khi biết tên mình được đặt tên cho cây cầu, tôi thật sự bất ngờ và xúc động. Những ngày ở bản, tôi được bà con coi như con cháu trong nhà, họ chia sẻ từng bát gạo, bó rau với giáo viên nhưng tôi không nghĩ rằng, dân bản lại lấy tên mình để đặt cho cây cầu. Để hoàn thành được công việc của người giáo viên cắm bản, tôi phải nhờ đến sự giúp đỡ, hỗ trợ rất nhiều của mọi người. Đó là kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên”, cô Oanh tâm sự.