(Congannghean.vn)-Đội ngũ giáo viên có vai trò quan trọng trong quá trình nâng cao chất lượng giáo dục. Việc thu hút được những người giỏi theo học ngành sư phạm là một trong những yếu tố then chốt nhằm đào tạo được những giáo viên có năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc thu hút những học sinh có học lực khá, giỏi vào học ngành sư phạm đang gặp không ít khó khăn.
Trước đây, khi tình trạng thiếu giáo viên xảy ra khá trầm trọng ở nhiều địa phương thì chính sách miễn học phí đối với sinh viên theo học ngành sư phạm đã tạo ra “cú hích” lớn, thu hút một lượng lớn học sinh có học lực khá, giỏi thi tuyển vào ngành sư phạm.
Thời điểm đó, điểm chuẩn đầu vào các khoa của các trường sư phạm luôn ở mức cao. Các trường ĐH, CĐ đào tạo sinh viên sư phạm dễ dàng lựa chọn được những thí sinh có năng lực. Chất lượng đầu vào được đảm bảo đã tác động tích cực tới quá trình đào tạo các khóa sinh viên vững vàng về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, kinh tế phát triển, người dân có điều kiện chăm lo sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống thì khối ngành y, dược, kinh tế “lên ngôi”.
Theo đó, khối ngành sư phạm ít nhiều bị ảnh hưởng. Điều này được thể hiện qua điểm chuẩn đầu vào của các trường sư phạm thường thấp hơn các trường thuộc “tốp trên” với khoảng cách từ 3 - 4 điểm. Nhiều học sinh cuối cấp không có ý định thi vào ngành sư phạm hoặc chỉ xem ngành này là sự lựa chọn cuối cùng.
Một bộ phận học sinh có học lực khá, giỏi, kể cả những học sinh xuất thân từ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn “sẵn sàng” vay tiền từ chương trình tín dụng dành cho sinh viên nộp học phí để được theo học ngành học mà bản thân mong muốn, lựa chọn. Hệ lụy kéo theo từ việc không có nhiều học sinh có năng lực chọn thi ngành sư phạm đó là sự giảm sút về chất lượng đầu ra của đội ngũ giáo viên tương lai.
Để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm thì giải quyết việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp là vấn đề cốt lõi - Ảnh minh họa |
Tình trạng nhiều học sinh có học lực khá, giỏi “quay lưng” với ngành sư phạm trong những năm qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên phải kể tới là, có nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường không xin được việc làm trong ngành giáo dục. Thực tế này xảy ra ở hầu hết các cơ sở đào tạo sinh viên sư phạm, trong đó có cả những cơ sở đào tạo sinh viên sư phạm có uy tín bấy lâu nay.
Bên cạnh đó, mặc dù lao động sư phạm là loại hình lao động có nhiều đặc thù, nghề giáo viên vẫn được xem là “nghề cao quý nhất”, nhưng so với nhiều ngành nghề khác, chế độ lương bổng, phụ cấp của giáo viên vẫn còn thấp. Đồng lương eo hẹp khiến nhiều giáo viên không yên tâm công tác, phải “chân trong, chân ngoài” và vất vả mưu sinh.
Trước tầm quan trọng của việc đào tạo đội ngũ giáo viên có chất lượng nhằm phục vụ công cuộc đổi mới của ngành giáo dục trong thời gian tới cho thấy, cần có những giải pháp tạo “sức hút” đối với sinh viên có học lực giỏi ở các trường THPT nhằm nâng cao chất lượng đầu vào của các ngành đào tạo sinh viên sư phạm. Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục đưa ra những chính sách ưu đãi đối với sinh viên học ngành sư phạm, cần sớm thực hiện lộ trình tăng lương và các chế độ phụ cấp nhằm đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho giáo viên để họ yên tâm công tác. Mặt khác, việc đào tạo sinh viên sư phạm hiện nay không nên chỉ chạy theo số lượng.
Ngành giáo dục cần phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát lại số lượng giáo viên hiện có và dự báo số lượng giáo viên cần bổ sung. Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đào tạo cần tương đương với lượng giáo viên còn thiếu để đảm bảo “cung” bằng “cầu”. Ngoài ra, cần đổi mới cơ chế tuyển dụng giáo viên theo hướng “mở” để sinh viên sư phạm sau khi ra trường nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp. Đây không chỉ là cách để thu hút nhiều học sinh giỏi thi vào ngành sư phạm mà còn là động lực để mỗi sinh viên sư phạm yên tâm phấn đấu trong quá trình học tập và trong tương lai sẽ hình thành đội ngũ giáo viên đáp ứng được yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục.