Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201505/tang-cuong-cho-mien-nam-la-nhiem-vu-thieng-lieng-605161/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201505/tang-cuong-cho-mien-nam-la-nhiem-vu-thieng-lieng-605161/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tăng cường cho miền Nam là nhiệm vụ thiêng liêng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 01/05/2015, 08:27 [GMT+7]

Tăng cường cho miền Nam là nhiệm vụ thiêng liêng

(Congannghean.vn)-Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Hồ Chủ tịch về việc tăng cường lực lượng cho Nam Bộ kháng chiến, từ tháng 10/1945 - 11/1964, Công an Nghệ An đã cử hơn 350 cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia và Lào, 65 CBCS chi viện cho Công an các tỉnh phía Nam, trong đó có đồng chí Hồ Văn Hiến.

Tháng 11/1964, đồng chí Hồ Văn Hiến là một trong những cán bộ của Công an Nghệ An lên đường tăng cường cho miền Nam. Sau 4 tháng vượt Trường Sơn theo đường mòn Hồ Chí Minh, đồng chí được đưa đến Ban An ninh khu 5 thuộc chiến khu Quảng Nam. Sau đó, được phân công về Ban An ninh K9 - bản doanh của Thị ủy Pleiku. “Lúc này, địch vây ráp rất căng, càn phá, bắt bớ dân chúng, không cho tiếp xúc với cách mạng. Mặc dù vậy, tôi vẫn đưa ra một tiêu chí: Phải dựa vào dân, xây dựng phong trào cách mạng trong dân để bám trụ, đánh địch. Mọi sinh hoạt ở đây bắt buộc “Đi không để lại dấu, nấu không để lại khói” và “Không nói to, ho không thành tiếng”, đồng chí Hồ Văn Hiến nhớ lại.

Đồng chí Đại tá Hồ Văn Hiến
Đồng chí Đại tá Hồ Văn Hiến

Khi đã quen với lối sống, sinh hoạt và phương thức hoạt động bám trụ trong vùng kiểm soát, đồng chí Hiến được cử làm công tác an ninh ở địa bàn phía Nam thị xã, gồm các ấp Lệ Cần, An Mỹ, Phú Thọ để xây dựng cơ sở tại vùng địch, nắm tình hình quân sự địch và ngụy quyền để cung cấp thông tin cho Tiểu đoàn 408, tỉnh Gia Lai và Bộ Công an chỉ đạo tấn công chính trị. Mặt khác, phải bắt sống hoặc tiêu diệt những tên ác ôn, ngoan cố để bảo vệ cơ sở cách mạng, tạo điều kiện cho quần chúng làm chủ từng vùng.

Năm 1972, các mũi công tác được giao nhiệm vụ chuẩn bị cắm cờ để “Ban Liên hiệp quân sự 4 bên” đi quan sát, công nhận vùng làm chủ mỗi bên. Có nghĩa là, bên nào cắm được nhiều cờ trên vùng đối phương kiểm soát thì bên đó sẽ thắng. Biết sẽ thất bại nên Mỹ, Ngụy đã phản Hiệp ước, vì vậy, phái đoàn 4 bên không triển khai được kế hoạch và cuộc chiến vẫn tiếp diễn.

Đại tá Hồ Văn Hiến kể lại: “Ngày 11/10/1972, tôi và đồng chí Hảo, cán bộ binh vận về cơ quan báo cáo tình hình và nhận kế hoạch mới. Khi ra đến đồi phía Bắc An Mỹ thì cả hai bị địch phục kích, bắn bị thương nhưng chúng tôi đã tự băng bó vết thương cho nhau và cố gắng bò ra khỏi vùng phục kích của địch”.

Tháng 2/1973, vết thương hồi phục, đồng chí Hiến trở lại địa bàn ấp Lệ Cần tiếp tục công tác. Về đến Kon Gang, huyện 3 (nay là huyện Đăk Đoa), đồng chí được bà con làng KRôh ra đón, đưa rượu đến liên hoan, chúc mừng như một người con của buôn làng Tây Nguyên trở về từ chiến trường. Sau đó, đồng chí được UBND cách mạng thị xã Pleiku đề xuất mang tên mới là Hồng Lan, để công khai trên giấy tờ với địch, ký tên gửi cho Ngụy quyền, cảnh sát Ngụy để giáo dục, phân hóa, lôi kéo những người có thể giác ngộ, trở về với cách mạng; hoặc đe dọa những người còn ngoan cố. 

Tháng 6/1973, lúc đó, đồng chí Hiến là Thị ủy viên, Phó ban An ninh Thị ủy thị xã Pleiku, được UBND cách mạng tỉnh Gia Lai giao nhiệm vụ tổ chức Hội nghị tổng kết rút kinh nghiệm về công tác đô thị, triển khai kế hoạch mới. “Tôi được cấp trên giao nhiệm vụ báo cáo công tác tấn công chính trị, nắm địch và xây dựng cơ sở vùng địch tạm chiếm. Trong kế hoạch, Tỉnh ủy giao K9 phải mở “vùng trắng” ở ấp Phú Thọ (vùng địch đang chiếm đóng hoàn toàn). Đồng chí Hồng Hà, Trưởng ban An ninh và đồng chí Lê Tiến Hồng,

Bí thư K9 giao nhiệm vụ cho tôi và đồng chí Nguyễn Thành Cược, Đội phó Đội An ninh vũ trang đi điều tra địa bàn ấp Phú Thọ. Tôi căn cứ trên bản đồ địa chính của địch để tính toán đường đi lối lại, tiếp cận với địa bàn mới. Chúng tôi báo cáo kế hoạch với Thường vụ Thị ủy và hạ quyết tâm ra đi từ ấp Lệ Cần bằng con đường bất hợp pháp. Mỗi người được trang bị 1 súng ngắn, 30 viên đạn và 2 quả lựu đạn để xử lý tình huống khi cần thiết”, Đại tá Hồ Văn Hiến kể lại.

Qua 7 lần bí mật tiếp cận với dân chúng, đồng chí biết được thông tin địch dồn dân ở các vùng đồng bằng lên lập ấp để chúng quản lý. Sau đó, Tỉnh ủy đồng ý cho K9 bố trí đội công tác đặc biệt, cùng đồng chí Hiến khảo sát, nắm tình hình hoạt động của địch để có kế hoạch, phương án cho K9 vũ trang tuyên truyền, xây dựng cơ sở cách mạng, lấy ấp Phú Thọ làm “bàn đạp” tiến vào thị xã Pleiku sau này.

Nhân dân TX Pleiku chào mừng quân giải phóng
Nhân dân TX Pleiku chào mừng quân giải phóng

Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn với thắng lợi Buôn Mê Thuột, địch ở Pleiku đã hoang mang nay lại bị lực lượng vũ trang quân đội ta đánh chặn đường 19, cắt chi viện, đồng thời tấn công vào sân bay Cù Hanh, ARIA và các kho bom, kho xăng cũng bị tập kích. Địch dao động tột cùng. Các hoạt động tuyên truyền, tấn công chính trị của ta khiến chúng càng thêm hoang mang, số đông Ngụy quyền, Ngụy quân bỏ chạy. Khi địch rút khỏi Kon Tum, chạy qua Pleiku  về Phú Bổn chính là thời cơ để các lực lượng vũ trang chuẩn bị tiếp quản Pleiku. Đến ngày 17/3/1975, địch bỏ các căn cứ quân sự và các cơ quan công sở tháo chạy về Phú Bổn. Các mũi tấn công vũ trang từ 4 phía cùng với lực lượng quần chúng nổi dậy chiếm lĩnh, làm chủ toàn bộ thị xã Pleiku.

“Nhiệm vụ của chúng tôi lúc đó là kêu gọi địch đầu hàng, hạ vũ khí, ra khai báo, trình diện chính quyền cách mạng để được hưởng chế độ khoan hồng. Chúng tôi cùng với lực lượng quân đội chuẩn bị kế hoạch bảo vệ lễ mừng chiến thắng và Ủy ban Quân quản ra mắt công chúng. Ban An ninh tỉnh, An ninh thị xã gắn biển tại 2 trụ sở để tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân, đón tiếp số ra trình diện, nộp vũ khí, đồng thời cùng lực lượng quân sự đối phó với bọn xấu lợi dụng sơ hở để phá hoại chính quyền cách mạng; trấn áp bọn lưu manh, côn đồ. Mặt khác, triển khai các biện pháp quản lý công khai, giữ gìn trật tự công cộng; đăng ký quản lý nhân, hộ khẩu; tham gia công tác xây dựng, củng cố chính quyền phường, xã để quản lý xã hội sau ngày giải phóng”, Đại tá Hồ Văn Hiến kể lại.

Trước khi ra về, Đại tá Hồ Văn Hiến nói với tôi rằng, đừng kể nhiều về ông, bởi trong cuộc chiến này, có tới 63 đồng đội của ông đã anh dũng hy sinh nơi chiến trường, vì nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong đó, 10 đồng chí đã hy sinh trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, gần 80 đồng chí bị thương trong kháng chiến và đấu tranh phòng, chống tội phạm được công nhận là thương binh.       

.

Hữu Trọng

.