Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thay mặt chính phủ ký Hồ sơ “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam” trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét ghi danh loại hình này vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Điều này được nêu rõ tại văn bản số 384/TTg-KGVX (ngày 18/3) của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi Hồ sơ “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam.”
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam triển khai, hoàn thành các thủ tục cần thiết để gửi Hồ sơ “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam” tới UNESCO trước ngày 31/3.
Theo giáo sư Hoàng Chương - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, Bài chòi là một trong những loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của vùng đất Trung Bộ; được hình thành qua quá trình lao động, giao lưu văn hóa của người Việt khi vào định cư, khai phá vùng đất Đàng Trong.
Trình diễn nghệ thuật bài chòi |
Cùng với tài tức hứng lời thơ tại chỗ, lối độc diễn tự tin và hồn nhiên chính là nét đặc trưng độc đáo và đặc sắc của nghệ thuật Bài chòi dân gian, là điểm hoàn toàn khác biệt so với các loại hình nghệ thuật khác.
Bên cạnh những giá trị về văn hóa-nghệ thuật, hát bài chòi còn mang đậm tính nhân văn. Những câu hô hát (hay còn gọi là câu Thai) của loại hình nghệ thuật này thường chứa đựng nội dung giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, yêu con người...
Trước đó, nghệ thuật Bài chòi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (theo Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL ngày 25/8/2014).
Hiện nay, Việt Nam có các di sản văn hóa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Hội Gióng, Hát xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Đờn ca tài tử Nam bộ và Dân ca Ví, Giặm.
.