(Congannghean.vn)-Hơn 37 năm công tác trong ngành giáo dục, cô giáo Lê Thị Tam đã thầm lặng đưa từng chuyến đò sang sông, nâng bước cho bao thế hệ học trò nên người. Thế nhưng khi đã nghỉ hưu, cô vẫn chưa cho phép mình được nghỉ ngơi. Với niềm đam mê và hơn hết là tấm lòng nhân hậu, tình yêu thương học trò, cô đã mở lớp học miễn phí, kèm cặp cho học sinh nghèo trên địa bàn. Đối với những học trò nhỏ xã Hưng Tiến, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), cô giáo Tam như người mẹ hiền thứ hai.
Những ngày cận kề 20/11, ngôi nhà của cô giáo Lê Thị Tam ở xóm 3, xã Hưng Tiến, huyện Hưng Nguyên luôn tấp nập học trò và phụ huynh đến chúc mừng. Người bó hoa, người túi hoa quả, thậm chí có phụ huynh còn mua cả thức ăn đến biếu, thế nhưng cô Tam đều từ chối hết. Đây không phải là lần đầu tiên cô Tam từ chối nhận quà của học sinh, hơn 37 năm làm nghề giáo viên, niềm vui của cô trong mỗi dịp lễ Hiến chương đó chính là tình cảm của các thế hệ học trò tìm về bên cô như những đứa con trở về trong vòng tay mẹ hiền.
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm, cô Tam về nhận công tác tại Trường Tiểu học Hưng Phúc. Sau khi lập gia đình, cô giảng dạy tại ngôi trường làng xã Hưng Tiến. Dù ở đâu, cô vẫn không ngừng học hỏi, rèn luyện và trau dồi bản thân cả về kiến thức chuyên môn lẫn nhân cách sống, là tấm gương sáng để học trò noi theo.
Dù đã nghỉ hưu nhưng cô Tam vẫn lên lớp, truyền tải kiến thức đến các học sinh nghèo |
Năm 2006, cô Tam nghỉ hưu. Mấy chục năm âm thầm, lặng lẽ bên trang giáo án, khi đã được nghỉ ngơi, cô thấy mình còn sức khỏe, trong khi đó, học trò quê cô vẫn còn vất vả với ước mơ con chữ nên cô đã mở lớp học miễn phí, kèm cặp tại nhà cho học sinh bậc tiểu học để truyền tải kiến thức cho những học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Lớp học của cô có hơn 40 học trò, có cả những học trò ở các huyện lân cận như Nam Đàn, thậm chí là ở Tân Kỳ, Nghĩa Đàn… Đều đặn, vào mỗi dịp hè, ngôi nhà của cô Tam lại nườm nượp học sinh.
Người dân nơi đây vẫn nhớ như in câu chuyện cảm động của cô giáo Tam đối với một học trò khuyết tật. Đó là em Trần Thị Thủy, bị câm bẩm sinh. Năm đó, biết tin Thủy muốn đến trường nhưng các trường không nhận. Khi tiếp xúc với Thủy, thấy ánh mắt khát khao và tràn đầy hy vọng, cô đã nhận lời kèm cặp Thủy ở nhà. Bằng tình yêu nghề, lòng yêu trẻ, mọi khó khăn, rào cản dường như bị xóa nhòa, để rồi tình thầy trò dần nhường chỗ cho một tình cảm đặc biệt hơn. Cô Tam như người mẹ thứ hai của Thủy, ân cần dạy dỗ, chỉ bảo, dạy em cách cầm bút viết những nét chữ đơn giản nhất và chỉ cho em cách phát âm sao cho ra tiếng. Mọi khó khăn như được đền đáp khi một hôm, Thủy đứng trước mặt cô và cất tiếng: “Chào cô”, rồi cả cô và trò vỡ òa trong niềm vui, hạnh phúc. Không lâu sau đó, Thủy có thể nói chuyện, giao tiếp với mọi người, dù giọng nói không được tròn vành rõ chữ nhưng đối với Thủy, đó là một kỳ tích.
“Nay bé Thủy đã đến tuổi trưởng thành, nhưng do bị khuyết tật, khả năng giao tiếp hạn chế nên cháu vẫn không xin được việc làm. Điều tôi vẫn luôn day dứt đó là chưa thể tìm cho Thủy một công việc phù hợp để cháu bớt mặc cảm tự ti, hòa nhập với mọi người”, cô giáo Tam trăn trở.
Hiện nay, tuy tuổi ngày càng nhiều nhưng các bậc phụ huynh nghe tiếng cô giáo Tam vẫn đưa con đến gửi, nhờ cô kèm cặp nên cô vẫn duy trì lớp học miễn phí, dịp hè này cô đã dạy kèm cho 13 cháu ở địa phương. Nhiều năm nay, người dân nơi đây đã quen với hình ảnh cô giáo dáng người mảnh mai, phúc hậu luôn ân cần, tận tình lên lớp cho bao thế hệ học trò. Dẫu phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng tôi tin sự ham học và những ước mơ của học trò nghèo nơi đây sẽ được chắp cánh, bởi ở đó có những nhà giáo đầy tâm huyết và giàu lòng nhân ái như cô giáo Lê Thị Tam.
.