Tính cho tới ngày 30/7, trên “Bảng vàng” danh dự của trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến (gọi tắt là trường Nguyễn Khuyến) tại 136 Cộng Hòa, Q.Tân Bình, TPHCM) đã có tới 21 thí sinh đạt danh hiệu Thủ khoa, 11 thí sinh là Á khoa kỳ thi ĐH-CĐ 2013-2014 của nhiều trường ĐH có tên tuổi. Điều gì đã khiến ngôi trường tư này đạt con số kỷ lục nhất trên cả nước về Thủ khoa ĐH? Tâm sự của Tiến sĩ Lê Trọng Tín, Hiệu trưởng nhà trường với PV báo CAND về việc có được thành tích ấy lại được gói gọn trong vài câu thật đơn giản: “Vì chúng tôi có được sức mạnh từ sự đồng thuận của phụ huynh”.
Học cho ước mơ của cha mẹ thành hiện thực
Nổi trội trong danh sách trên có HS Lê Hữu Quang Vinh( lớp 12 C4) đạt 28 điểm, Thủ khoa khối A 1, trường ĐH Ngoại thương TPHCM; Dương Thanh Minh( lớp 12 D1), 28 điểm, Thủ khoa khối A, trường ĐH Công nghệ Thông tin TPHCM; và em Trần Duy Anh( lớp 12 A 1), 28 điểm, Thủ khoa khối A- trường ĐH Kinh tế TPHCM; . Đặc biệt, trong danh sách 21 Thủ khoa, có tới 5 HS cùng học trong một lớp 12 D1 của Nguyễn Khuyến. Còn 3 HS đạt danh hiệu Á khoa( khối A- ĐH Bách khoa TPHCM) cũng là của lớp 12 D1 với 28 điểm. Được biết, Thủ khoa của ĐH Bách khoa TPHCM năm nay chỉ “nhích” hơn 3 em này 0,5 điểm, tức 28,5 điểm.
Những khẩu hiệu trong khuôn viên nhà trường khích lệ không nhỏ tới tinh thần tự học của HS Nguyễn Khuyến |
Điều mà thầy Tín muốn nói, trong toàn bộ số HS Thủ khoa, Á khoa trên đa số là HS ở tỉnh. Xuất phát từ gia đình có đời sống kinh tế từ trung bình và nghèo. Trong đó có phụ huynh là làm nông, làm rẫy.
Thầy Tín kể một câu chuyện: Năm học 2012, một phụ huynh tại Đắk Lắk khi tới đóng học phí cho con đang học tại trường, đem theo hẳn một bọc tiền. Nhà trường hỏi sao đem nhiều tiền thế, phụ huynh này nói dành dụm mãi số tiền bán cà phê, giữ ở nhà thì sợ mất, xin nhà trường cho đóng liền học phí cả học kỳ cho con vì không có tiền xe đi lại nhiều. Nói về phụ huynh của trường Nguyễn Khuyến thì có vô số các câu chuyện tương tự của phụ huynh khi gửi gắm con vào trường. Và thầy Tín phân tích: Ước mơ con được học thành tài là truyền thống hiếu học của người dân Việt Nam. Chúng tôi đặt mình vào vị trí phụ huynh, thấu hiểu những ước mơ được “dồn nén” vào mỗi đứa con ấy đều muốn trở thành hiện thực. Từng HS, hiểu được nỗi lòng ấy của cha mẹ mà học tập. Nhà trường có được sự đồng thuận, hỗ trợ của phụ huynh từ sự hiểu nhau, qua lại ấy. Chính điều này đã làm nên sức mạnh cho hoạt động giảng dạy, quản lý HS.
Giờ ôn bài vào buổi sáng sớm của học trò THCS-THPT Nguyễn Khuyến |
Không giấu được niềm vui tự hào về thành tích của HS Nguyễn Khuyến, thầy Tín còn cho chúng tôi coi danh sách những HS của trường đạt danh hiệu Thủ khoa trong 5 năm gần đây, cứ năm sau lại cao hơn năm trước. Hãnh diện về thành tích của HS, nhưng Hiệu trưởng nhà trường cũng nói rất khiêm tốn: “Tự các em làm nên danh hiệu Thủ khoa đấy chứ! Các em đi thi, mình có đi thi hộ được đâu! Các em đã biến ước mơ của cha mẹ trở thành hiện thực”.
“Bí kíp” kỷ luật “mềm” và việc lấy học trò làm trung tâm
Nhiều người theo dõi những bước đi trưởng thành của ngôi trường này đều nhớ, khi mới thành lập, trường gặp khó khăn cả về CSVC, cả giáo viên và cả nguồn học sinh. Những lớp học đầu tiên hình thành gồm HS có học lực khác nhau, không đồng đều, từ nhiều địa phương, từ những HS diện rớt khỏi trường công lập. GV phải tự phân loại, kèm cặp, dạy dỗ từng chút.
Thầy và trò “xả hơi” sau những giờ học căng thẳng |
Muốn nâng cao chất lượng, không có cách nào là GV bộ môn phải “ôm” từng HS yếu kém để kèm thêm ngoài giờ. GV nơi này không biết tới việc đi dạy thêm bao giờ. GV chủ nhiệm áp lực còn tăng hơn khi vừa phải quản lý, nhắc nhở HS về nội qui nhà trường, vừa phải đảm bảo đứng lớp giảng thay cho GV bộ môn khi cần thiết. Rồi những HS mang tiếng là bị “thải” khỏi các trường công lập ấy dần tiến bộ và trở nên yêu thích việc học tập. Khỏi phải nói phụ huynh mừng cỡ nào. Tiếng lành đồn xa, phụ huynh từ khắp các nơi gửi con vào trường. Đa số HS Nguyễn Khuyến đều có ít nhất từ 3 năm trở lên gắn bó với trường. Với HS ở nội trú thì ngôi trường với các em còn được ví như ngôi nhà thứ 2, bởi thời gian bên thầy, bên bạn nhiều hơn với cha mẹ. Từ việc kèm làm bài tập, có khi người thầy hiểu tâm tính học trò hơn cả cha mẹ.
Thật hiếm để có một trường phổ thông nào như ở đây, khi thời gian gần kề thi tốt nghiệp THPT, bước chân vào trường có thể thấy ngay một môi trường HS đua nhau học tập. Giờ tự học vào buổi tối, HS vẫn ngồi trên lớp, im phăng phắc. 21h30 kết thúc về phòng nghỉ ngơi. Sáng 6 h30 hôm sau đã ngay ngắn ngồi trên lớp vào bài học mới. Còn có chuyện 2-3h sáng, HS “lén” dậy sớm học bài. Lo cho sức khỏe của trò, nhà trường phải “hãm phanh” bằng cách ra thông báo trên bảng: HS nào bị phát hiện dậy từ 3h sáng học sẽ bị phạt.
Kỷ luật sắt với chiếc máy Điện thoại tiền xu |
Song để có được một môi trường say mê học như vậy, một thời gian dài nhà trường phải duy trì một số nội qui riêng mà HS trường vẫn gọi là “kỷ luật sắt”. Đó là đã bước chân vào học tại đây, phải làm quen với việc “không điện thoại di động, không Internet”. Lúc đầu, HS cũng khó chịu lắm nhưng được phụ huynh đồng thuận, cho tới nay sau nhiều năm áp dụng, thầy Tín cho biết, cũng chưa có HS nào phải bị kỷ luật vì qui định này.
Có kỷ luật sắt, nhưng cũng có khá nhiều “kỷ luật mềm” mà mỗi HS nơi này khó có thể quên. Đó là cứ khi vào thời điểm đi thi tốt nghiệp, những HS khối 12 thực sự được chăm chút từ miếng ăn tới giấc ngủ. Các em hoàn toàn vững tâm khi ngày đi thi có những cựu HS của trường về thăm, động viên, có xe nhà trường đưa đón tới điểm thi, đưa về ăn trưa, nghỉ ngơi.
Ngày thi, trò Nguyễn Khuyến còn rất khoái vì vào nhà bếp được “lệnh” phải ăn nhiều lên để lấy sức đi thi... Có thể nói, mọi hoạt động giảng dạy, quản lý HS nơi này đều xoay quanh người học trò, mọi cống hiến của người thầy nơi đây đều lấy học trò làm trung tâm đúng nghĩa.
Được biết, trong số 2.035 HS thi tốt nghiệp THPT năm học 2013-2014 của trường, có 1.004 HS được xếp đậu tốt nghiệp loại giỏi( chiếm 49,34%), và 41% đậu loại khá. Số HS thi đậu ĐH hiện chưa thể thống kê vì các trường ĐH chưa công bố hết. Nhưng năm học 2012-2013, trong số khoảng 2000 HS của trường Nguyễn Khuyến đi thi ĐH, có 1.875 em đậu ĐH nguyện vọng 1 và 2. Tỉ lệ đạt 97,8% trong tổng số đi thi.
.