“Mốt” là hiện tượng tâm lý đặc biệt, có tác dụng lôi cuốn rất nhiều người. Đôi khi tồn tại như một trào lưu của xã hội và rất ít người thoát khỏi sự ảnh hưởng.
Hiện nay, trong giáo dục đâu đâu cũng nghe đến kỹ năng sống. Từ tầm quan trọng của kỹ năng sống đến các kỹ năng sống cần thiết cho học sinh, sinh viên, rồi đến cả các phương pháp để giáo dục kỹ năng sống…
Từ sự quan tâm này, việc giáo dục kỹ năng sống dần dần trở nên vô cùng “quý” và tràn lan. Kỹ năng sống bắt đầu có mặt ở mọi nơi, mọi lứa tuổi và thậm chí là mọi tổ chức. Có thể thấy đây chính là thời mà trong lĩnh vực giáo dục, kỹ năng sống bắt đầu lên ngôi.
Điều này vô hình trung đặt ra sự hoài nghi về chất lượng của việc giáo dục kỹ năng sống trong thời điểm ngày nay. Những cá nhân, tổ chức thực hiện công việc này thật sự có nhận thức đúng về kỹ năng sống hay chỉ là chạy theo “mốt”?
Chạy theo “mốt” - Có thật không?
“Mốt” là một hiện tượng tâm lý đặc biệt, có tác dụng lôi cuốn rất nhiều người. Đôi khi nó lại tồn tại như một trào lưu của xã hội và rất ít người thoát khỏi sự ảnh hưởng của nó. Từ khi kỹ năng sống mới bắt đầu xuất hiện, hầu như chỉ những tổ chức chuyên môn thuộc lĩnh vực tâm lý giáo dục, công tác xã hội, xã hội học mới đào tạo về kỹ năng sống.
Đây là những tổ chức được đánh giá cao về mặt chất lượng với những vấn đề nghiên cứu chuyên sâu. Về sau, khi xã hội ngày càng phát triển, một mặt với đòi hỏi ngày càng cao của giới trẻ để hòa nhập, mặt khác là việc phát sinh nhiều hệ lụy cần phải có những kỹ năng cần thiết để ứng phó. Sự thiếu hụt về các kỹ năng sống trở thành một vấn đề cấp thiết mà xã hội quan tâm.
Ảnh minh họa |
Nắm bắt được nhu cầu này, các trung tâm, tổ chức dạy về kỹ năng sống bắt đầu mọc lên và nở rộ từ chuyên đến không chuyên và thu hút rất nhiều bạn trẻ. Một thực tế dễ dàng nhận thấy, sự quan tâm của nhiều người về kỹ năng sống tỉ lệ thuận với số lượng các trung tâm, tổ chức dạy về kỹ năng sống hiện nay.
Chị H.T.Q.T. (TPHCM) - nhóm trưởng một nhóm dạy kỹ năng sống cho biết: “Việc giáo dục kỹ năng sống hiện nay trở nên vô cùng cần thiết, thấy các công ty hiện nay làm ăn được nên tôi cũng chủ động rủ một số người thân quen hợp thành một nhóm và tiến hành làm”.
Như vậy, rõ ràng vấn đề giáo dục kỹ năng sống có tác dụng lôi cuốn rất nhiều người, ngoài việc xuất phát từ nhu cầu của người học, sự ra đời của phần đông các tổ chức giáo dục kỹ năng sống hiện nay là một trào lưu của xã hội hay nói khác đi đó chính là việc chạy theo “mốt”.
Điều đáng buồn là chính việc chạy theo “mốt” này đã làm cho việc giáo dục kỹ năng sống mất đi hoặc dẫn tới những lệch lạc về giá trị của nó. Dạy kỹ năng không ngoài mục đích duy nhất là kinh doanh.
Tiếp cận với một công ty dạy kỹ năng sống mới thành lập tại TPHCM, khi được hỏi về mô hình dạy, một giáo viên cho biết, dạy kỹ năng sống cho học sinh tiểu học nên chủ yếu là tổ chức cho các em trò chơi. Khi hỏi rõ hơn về trò chơi mà giáo viên này tổ chức thì chị từ chối trả lời.
Ngoài ra, một thực trạng lo lắng hơn khi nhiều giáo viên dạy kỹ năng sống cho biết có khi bắt đầu lên lớp mới suy nghĩ mình sẽ dạy cho các em điều gì. Quả thật, nhiều người chạy theo "mốt", lao vào kinh doanh kỹ năng sống, nói về kỹ năng sống, than thở về kỹ năng sống… trong khi hoàn toàn không biết kỹ năng sống là gì và cách thức nào để giáo dục kỹ năng sống hiệu quả.
Trong một bảng quảng cáo về khóa học kỹ năng sống treo tại một trường tiểu học khá có tiếng ngay tại mặt tiền đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3 người ta thấy chi chít lỗi chính tả do làm vội hoặc do những nguyên nhân khác.
Hơn thế, các tờ rơi được rải khắp nơi cùng những lời tự sướng chưa được kiểm chứng như: "Trung tâm giáo dục kỹ năng sống hàng đầu", "Cam đoan hoàn thiện kỹ năng", "Kỹ năng sống đỉnh cao"…
Dạy kỹ năng sống còn trở thành điểm đến của không ít người, nhiều người chưa biết tốt nghiệp chuyên ngành gì cũng bất ngờ xuất hiện với những câu cửa miệng "Tôi là chuyên gia kỹ năng sống", "Tôi là giảng viên hàng đầu về kỹ năng sống", "Tôi là diễn giả về kỹ năng sống số n tại đây"… vào một ngày đẹp trời nào đó.
Đối tượng tiếp theo không thể thoát khỏi trào lưu này đó là giáo viên và phụ huynh. Ngoài các trung tâm dạy kỹ năng sống, nhà trường hiện nay cũng rất quan tâm và tiến hành mở các lớp này.
Nhiều giáo viên không chuyên trong trường được yêu cầu giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh như là một hình thức thu hút chỉ tiêu tuyển sinh của trường hoặc bằng chứng cạnh tranh với trường khác, thậm chí là một cách để khẳng định đẳng cấp của trường trước những nhu cầu mới của xã hội.
Một vài giáo viên cho biết việc dạy kỹ năng sống đối với giáo viên không chuyên như là một sự "ám ảnh". Tuy nhiên, đau lòng hơn trong trào lưu này đó chính là phụ huynh. Sự xuất hiện nhan nhản của quá nhiều nơi đào tạo kỹ năng khiến việc lựa chọn cho con một nơi để vào học không phải là việc dễ dàng. Chọn sai môi trường cho con không những phí phạm tiền của mà còn ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ sau này.
Làm gì để bảo vệ người học?
Không thể phủ nhận là với sự phát triển của xã hội, việc giáo dục kỹ năng sống đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nó chính là việc trang bị kiến thức, vốn sống, khả năng làm việc… nhằm giúp cho các bạn trẻ có thể thích ứng nhanh chóng với thời đại. Để có được kỹ năng sống cần có sự đào tạo chuyên sâu với mô hình kỹ năng phù hợp.
Đặc biệt, người đào tạo kỹ năng cần thiết phải là người có chuyên môn và am hiểu tâm lý lứa tuổi.
Chính vì vậy, những cá nhân hay tổ chức có nhu cầu đào tạo cần có sự am hiểu sâu sắc về kỹ năng sống để tránh việc nói như "mốt", "khóc" như "đàn" hay quảng cáo về kỹ năng sống như đọc "rap", dạy về kỹ năng sống nhưng bản thân lại không có kỹ năng sống.
Điều đáng nói là hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có một biện pháp chế tài nào ngoài mức phạt vi phạm hành chính nhẹ nhàng với các đơn vị, công ty vi phạm. Vì thế, không ít nơi đảm nhận việc dạy kỹ năng mềm cho bạn trẻ cứ tha hồ “nổ”, dụ dỗ học viên thông qua các buổi hội thảo, chuyên đề… và thu tiền học phí.
Khi hoạt động của công ty bị phát hiện không đúng chức năng ngành nghề đào tạo, họ chỉ việc… dừng lại và nộp phạt, còn học viên thì chịu mất tiền của, thời gian bởi những ràng buộc pháp lý đa phần nghiêng về có lợi cho phía công ty. Học viên chẳng thể làm gì được khi vỡ lẽ mọi điều không như mình nghĩ, mong đợi và cũng bởi chính họ đã tự nguyện đăng ký học.
Việc mong muốn được trang bị các kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên là một nhu cầu có thật. Đã đến lúc các ban ngành, chức năng cần siết chặt hơn nữa việc quản lý các trung tâm, đơn vị có hoạt động liên quan đến lĩnh vực giáo dục, dạy kỹ năng.
Có như vậy mới trả lại cho kỹ năng sống tên gọi đúng với bản chất và phương thức thực hiện nó. Đào tạo kỹ năng sống phải là một quá trình lâu dài, chặt chẽ, khoa học và cần lắm việc giảng dạy bởi những người có chuyên môn.