Chương trình “Ngày hội đọc sách” triển khai tại một số trường tiểu học trên địa bàn Nghệ An đem lại hiệu quả thiết thực. Mô hình “thư viện mở” ra đời đã thu hút các em học sinh tìm đến, giúp nâng cao đời sống văn hóa đọc cho các em.
Với những cách gọi khác nhau nhưng đều có đặc điểm chung là “thư viện mở”. Tại Trường Tiểu học Văn Sơn, huyện Đô Lương gọi với cái tên “Thư viện vườn trường”. Vào giờ ra chơi, các em quây quần bên tủ sách với những câu chuyện về lịch sử, những bài học về kỹ năng sống bằng niềm say mê, thích thú. Mô hình “Thư viện vườn trường” được xây dựng vào năm học 2010 - 2011.
Cô giáo Lê Thị Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Sơn chia sẻ: Mô hình ra đời trên cơ sở, giáo viên thư viện tại trường kiêm nhiệm nhiều thứ, nên để khai thác triệt để việc đọc sách của các em học sinh rất hạn chế. Thời gian vào giờ ra chơi chỉ có 20 phút, để đọc sách các em phải làm thủ tục xuất trình thẻ, ghi chép, mất nhiều thời gian. Mô hình “Thư viện vườn trường” được xây dựng với kiểu lạ, trang trí bắt mắt, gây được sự hiếu kỳ, khơi dậy niềm đam mê cho các em học sinh, nhất là các em ở bậc tiểu học. Tại khuôn viên, 10 tủ sách được bố trí ngay ngắn dưới mỗi tán cây xanh. Có đủ loại sách phù hợp với mỗi lứa tuổi, lớp học. Mỗi tủ sách ghi rõ khối nào sử dụng. Truyện tranh chủ yếu là khối 1, khối 2, khối 3; các cuốn sách liên quan đến lịch sử, kỹ năng sống, tìm hiểu khoa học tự nhiên tập trung tại tủ sách cho khối 4, khối 5.
“Thư viện vườn trường” tại Trường Tiểu học Văn Sơn thu hút nhiều học sinh tham gia
Tại vườn thư viện, bố trí dãy ghế đá thông thoáng kết hợp với những bức tranh được treo trên tường gần gũi với lứa tuổi của các em tiểu học. Sách được thay 2 tuần một lần, có từ 30 - 35 cuốn, từng tuần có sự luân chuyển giữa lớp này với lớp khác trong khối, để tạo cho các em có nhiều khám phá mới trong những cuốn sách và nhu cầu mà các em tìm kiếm. Từ ý thức, niềm đam mê, các em đến với “Thư viện vườn trường”, không một sự đối phó. Cứ mỗi sáng thứ 2, trong tiết chào cờ, lãnh đạo nhà trường đã lồng ghép trong đó tiết mục kể chuyện của các em như một phương pháp đánh giá hiệu quả của việc đọc sách mỗi ngày.
Em Phan An Lê, học sinh lớp 5A, cho biết: “Từ khi có tủ sách ở vườn trường, chúng em chăm đọc sách hơn. Qua những câu chuyện kể, những cuốn truyện tranh, chúng em học được rất nhiều điều ý nghĩa từ cuộc sống, đó là tình đoàn kết, lòng yêu thương...”.
Với cách làm có hiệu quả, trong những năm qua, tại các cuộc thi kể chuyện theo sách do huyện tổ chức, Trường Tiểu học Văn Sơn đã có nhiều em đạt giải cao. Từ mô hình này, đã có 35 trường tiểu học trên địa bàn huyện Đô Lương học hỏi và làm theo. Cũng từ những cách làm hay của ngành giáo dục Đô Lương, mô hình này được nhân rộng ra toàn tỉnh. Nhiều trường học đã có những cách khuyến khích học sinh đọc sách và định hướng cho các em thay đổi theo chủ đề.
Trường Tiểu học thị trấn Anh Sơn được bố trí tủ sách ngay tại các lớp bên hành lang. Mỗi tuần, các lớp dành một tiết để giới thiệu, hướng dẫn đọc sách, xây dựng ý thức cho các em tìm đến với những cuốn sách. Hay như tại huyện Tân Kỳ, một số trường đóng tủ sách lưu động có bánh xe để dễ di chuyển trong sân trường và tiện lợi cất giữ khi mưa gió. Năm học vừa qua, ngành giáo dục huyện Tân Kỳ đã tổ chức tập huấn cho tất cả 25 trường tiểu học xây dựng các tủ sách lưu động, nhằm khuyến khích học sinh đến trường và đọc sách.
Để xây dựng được mô hình kiểu này thì cần có kinh phí, kết hợp các trường học phải có khuôn viên. Đặc biệt, mỗi cuốn sách có một nội dung và cách thể hiện khác nhau, vì vậy đòi hỏi sự lựa chọn kỹ lưỡng của nhà trường khi tiếp nhận để phù hợp với lứa tuổi các em. Theo cô giáo Nguyễn Thị Trang, làm thư viện tại Trường Tiểu học Thuận Sơn, Đô Lương cho biết: Hàng năm, nhà trường phát động học sinh đóng góp vào tủ sách của nhà trường, như một cách rèn luyện cho các em yêu quý và giữ gìn, đồng thời huy động sự đóng góp từ cha mẹ học sinh, các tổ chức doanh nghiệp. Để đánh giá chất lượng của việc đọc sách theo cách làm mới, nhiều trường đã tổ chức ngày hội đọc sách, thi kể chuyện vào dịp cuối tuần hay vào các buổi chào cờ đã gây sự hứng thú cho các em tham gia. Từ đó, giúp các em mạnh dạn, tự tin trước thầy cô, bạn bè.
Ông Trần Thế Sơn - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Trong tháng 10 này, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo về mô hình này, kết hợp tăng cường tổ chức “Ngày hội đọc sách”, đưa sách đến với các em. Dự kiến, sẽ có khoảng 70 - 75% các trường tiểu học trong toàn tỉnh triển khai mô hình “Thư viện lưu động” có hiệu quả.
Với những cách gọi khác nhau như “Tủ sách di động”, “Tủ sách Bác Hồ”, “Tủ sách em yêu”..., “Thư viện mở” đang dần thu hút các em đến gần với văn hóa đọc sách, rèn luyện ý thức tự giác, nuôi dưỡng, bồi đắp cho các em niềm say mê, yêu thích với những trang sách. Đây cũng chính là một trong những nội dung thực hiện đổi mới giáo dục tiểu học, hướng đến giáo dục toàn diện.
Phan Tuyết
.