"Từ năm 2006 đến nay, diện tích rừng tự nhiên thường xanh của vườn quốc gia Tam Đảo không bị cháy. Một vài vụ cháy nhỏ chủ yếu là trảng cỏ, cây bụi đã được dập tắt kịp thời...".
Tôi quan tâm đến thông tin này là bởi từ năm 2001, với tư cách là tác giả kịch bản, cùng đoàn làm phim "Bến nước đời người" thực hiện một số cảnh quay tái hiện lại một vùng rừng núi Trường Sơn hồi chống Mỹ cứu nước, tôi đã có mặt ở Tam Đảo. Đó là những cảnh phim buộc phải sử dụng quả nổ, phải có lửa đạn mịt mùng tạo không khí chiến tranh ác liệt. Vì thế, dẫu đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đoàn làm phim, vị đại diện cho Ban giám đốc vườn quốc gia vẫn cứ phải dặn đi dặn lại NSND Trần Phương đạo diễn bộ phim này rằng:
- Mấy năm qua, Tam Đảo của chúng tôi thường xảy ra cháy rừng mà nguyên nhân chỉ do bất cẩn của con người. Vì thế đạo diễn quán triệt với tất cả mọi người tham gia làm phim tuyệt đối không để xảy ra sơ suất khi sử dụng củi lửa...
Đúng như vậy, có một thời, năm nào Tam Đảo cũng xảy ra cháy rừng, mà hầu hết là những vụ cháy lớn. Vậy thì những dòng thông tin: Vườn Quốc gia Tam Đảo 6 năm liền bình yên vô sự quả là kỳ tích. Chắc là có nhiều chuyện hay, nhiều kinh nghiệm quý để viết đây. Nghĩ thế nên tôi quyết định trở lại Tam Đảo...
Nhập đoàn với anh em phóng viên Tạp chí Phòng cháy chữa cháy (PCCC), nên điểm dừng chân đầu tiên của tôi là Sở Cảnh sát PCCC Vĩnh Phúc. Thể theo yêu cầu của chúng tôi, Đại úy Nguyễn Mạnh Hùng, chàng sinh viên thủ khoa của Trường Đại học PCCC năm trước, hiện đang phụ trách công tác thông tin tuyên truyền của Sở gợi ý:
- Với đề tài này, trước hết tôi sẽ dẫn các anh đến gặp một người gắn bó lâu nhất, hiểu nhiều nhất về vườn quốc gia.
- Ai vậy? - Tôi hỏi.
- Ông Chi cục trưởng kiểm lâm Nguyễn Văn Tâm.
Và thế là ít phút sau chúng tôi bị hút vào chuyện núi, chuyện rừng, chuyện của chính ông Tâm và đồng nghiệp...
...Tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp năm 1981, kỹ sư Nguyễn Văn Tâm được phân công về làm cán bộ kiểm lâm phụ trách một cụm mấy xã có rừng cấm quốc gia Tam Đảo. Ngày ấy, trong số 10 cán bộ kiểm lâm của một đơn vị phụ trách vùng rừng 14 ngàn ha, chỉ có một mình Tâm là được học hành bài bản. Số còn lại là những chiến sĩ quân đội vừa mới chuyển ngành. Ngày ấy, đội ngũ kiểm lâm gian khổ thiếu thốn đủ đường. Và rừng thì liên tục bị lâm tặc chặt phá, bị người dân tự ý phát quang làm nương, bị cháy lớn, cháy nhỏ triền miên. Khi tiến hành điều tra thì thủ phạm hầu hết là dân nghèo. Nguyên nhân gây cháy cũng chỉ do người ta bất cẩn.
...Vụ cháy vào đêm cuối cùng năm 1983 là một chuyện đáng buồn mà đến bây giờ ông Tâm vẫn nhớ. Một đám thợ săn bắn được vài con thú nhỏ liền nổi lửa nướng thịt uống rượu. Tàn cuộc ra đi, ai cũng chếnh choáng chẳng người nào quan tâm đến đống lửa giữa rừng đêm. Lát sau, gió thổi than hoa bay vào thảm lá khô. Thế là cháy. Cháy một dải rừng thường xanh suốt từ cây số 19 đến cây số 21. Cháy đến quá nửa đêm. Một đơn vị quân đội ở gần đó lập tức được huy động lên rừng chữa cháy. Rồi Công an tỉnh điều cả đoàn xe cứu hỏa đến. Rồi ông Lê Huy Ngọ (lúc ấy là Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phú) cũng đích thân tới tận hiện trường chỉ huy dập lửa.
Đại tá Trần Hào Hiệp - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Vĩnh Phúc (bên trái) và ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc cùng ôn lại những kỷ niệm chữa cháy ở Vườn Quốc gia Tam Đảo. |
Chuyện về cuộc chiến với giặc lửa đêm ấy - ông Tâm đang kể đến hồi gay cấn thì Đại tá Trần Hào Hiệp, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Vĩnh Phúc đến. Biết tin chúng tôi đến từ sáng nhưng bận một cuộc họp nên đến lúc ấy ông Hiệp mới sang. Ông Tâm tạm dừng câu chuyện vụ cháy năm 1983 để giới thiệu vị khách mới kèm theo lời đề nghị:
- Trong vụ cháy rừng đêm ấy, chính ông Công an này đã tung những ngón nghề được học trong trường mới có thể mau chóng khống chế được ngọn lửa quái ác. Vậy tôi xin được nhường lời...
Hóa ra ông Hiệp từng là cộng tác viên tích cực của Báo CAND mà tôi đã quen từ hơn 20 năm trước tại lớp bồi dưỡng nghiệp vụ viết bài tổ chức ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. Chỉ có điều, đến bây giờ tôi mới biết ông Hiệp đích thực là "lính lửa". Tốt nghiệp chuyên khoa PCCC của Trường Đại học Cảnh sát nhân dân từ năm 1980, Trần Hào Hiệp được điều về lo việc giữ gìn trật tự trị an ở cùng địa bàn công tác của Nguyễn Văn Tâm. Sàn sàn tuổi nhau lại thường xuyên sát cánh trong hàng chục vụ chữa cháy rừng Tam Đảo khiến họ đã trở thành chiến hữu thân thiết. Vụ cháy đêm cuối năm 1983 cũng là một trong những kỷ niệm khó quên của những người lính lửa như Hào Hiệp. Bởi lẽ tất cả xe chữa cháy của họ ra đi với sứ mệnh dập lửa nhưng rốt cuộc không có cách nào lên được gần đám cháy. Đành bỏ lại tất cả xe và bồn nước dưới chân núi, ngược dốc mà chạy bộ lên. Đành áp dụng phương pháp dập lửa khác. Hồi ở trường Hào Hiệp đã được có học trình 50 tiết chữa cháy rừng. Bây giờ là lúc đưa lý thuyết vào cuộc sống. Hào Hiệp cùng đồng sự của mình đã trở thành nòng cốt chỉ huy các lực lượng chữa cháy có mặt đêm đó cấp tốc phát rừng tạo đường băng ngăn lửa. Khi đường băng ngăn lửa dài chừng 4 cây số đã hình thành, lực lượng chữa cháy tiếp tục dàn ra dập lửa bằng cành lá trong tay. Cuộc vật lộn với đám cháy rừng đêm ấy kéo dài đến tảng sáng mới kết thúc...
Chúng tôi còn được nghe thêm nhiều câu chuyện chữa cháy ác liệt khác nữa ở vùng rừng núi Tam Đảo. Có nghe mới hiểu được giá trị quý báu của thông tin ngắn ngủi: Vùng rừng thường xanh Vườn Quốc gia Tam Đảo 6 năm liền không có hỏa hoạn. Có nghe mới hiểu công tác chữa cháy ở Vườn Quốc gia Tam Đảo là vô cùng khó khăn và vì thế công tác phòng cháy luôn được các cấp chính quyền và lực lượng chuyên trách chú trọng. Trao đổi về nhiệm vụ phòng cháy ở Vườn Quốc gia Tam Đảo những năm qua, ông Hiệp và ông Tâm cùng có chung tiếng nói là: Công tác tuyên truyền luôn phải đặt lên hàng đầu.
Thực tế cho thấy tất cả các vụ cháy rừng ở Vườn Quốc gia Tam Đảo đều do hoạt động của con người gây ra. Vì thế, việc tuyên truyền PCCC cho người dân sinh sống ở vùng đệm là rất quan trọng. Mấy năm nay việc triển khai tuyên truyền PCCC ở đây được tổ chức bằng nhiều hình thức phong phú. Các hộ gia đình sống ở trong khuôn viên vườn quốc gia không chỉ ký cam kết tham gia bảo vệ rừng mà thường xuyên được dự các buổi sinh hoạt câu lạc bộ thiên nhiên nâng cao ý thức trách nhiệm với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà mình đang được sinh sống. Trên hệ thống loa truyền thanh của các xã thường phát đi các bài viết về lĩnh vực bảo vệ rừng, đặc biệt là công tác PCCC. Một điều đặc biệt nữa, ngày mồng 4 hàng tháng, trên đài truyền hình của tỉnh Vĩnh Phúc đã dành hẳn một chuyên mục 15 phút về công tác PCCC để dân được nghe, trên báo của tỉnh Đảng bộ cùng dành một góc PCCC để dân được đọc và làm theo...
Có thể nói, sau nhiều năm bền bỉ với công tác tuyên truyền, nhận thức về công tác PCCC và bảo vệ rừng của người dân trong khuôn viên Vườn Quốc gia Tam Đảo đã được nâng lên rõ rệt. Minh họa về nhận định này, ông Hiệp dẫn ra một số liệu khá thuyết phục. Đó là, từ khi cơ quan chức năng lập các hòm thư tố giác những hành vi xâm hại rừng, 12 ngàn lá thư đã được thu về, trong đó có nhiều lá thư rất có giá trị. Cũng cần phải nói thêm rằng, mười năm trở lại đây, công tác PCCC ở Vườn Quốc gia Tam Đảo đã xuất hiện nhiều điều kiện thuận lợi. Từ việc giao đất cho các hộ dân đến việc hỗ trợ việc bảo vệ rừng theo Chương trình 327 đã hình thành một cụm từ "Lâm nghiệp xã hội", trong đó mỗi hộ dân được giao rừng đã trở thành một "tổ kiểm lâm nhân dân", một "đội PCCC nhân dân", ngày đêm lo toan đến công việc bảo vệ và chăm sóc từng hàng cây, từng vạt cỏ trong rừng nhà mình.
Tuy nhiên, việc giao đất giao rừng từ nhiều năm trước, sau một quá trình vận hành cũng đã bộc lộ một số điều bất cập. Hiện tại Vĩnh Phúc vẫn còn hơn hai phần ba số hộ gia đình sống trong Vườn Quốc gia Tam Đảo vẫn chưa có đất lâm nghiệp. Trong khi đó, một phần ba hộ dân lại đang được giao quản lý những diện tích rừng khá lớn. Việc tích tụ đất rừng chưa hợp lý trên đây là do lịch sử để lại. Tuy nhiên, cùng sống trong một địa bàn, cùng gắn bó đời đời kiếp kiếp với rừng nhưng do cơ chế, rất nhiều hộ không có đất rừng đã nảy sinh nhiều tâm tư và mâu thuẫn trong dân ít nhiều cũng đã xuất hiện. Những mâu thuẫn như thế trong dân sẽ tiềm ẩn nguy cơ "cháy rừng hàng xóm bình chân như vại" và những người được giao công việc bảo vệ rừng như ông Tâm, ông Hiệp đã phải suy nghĩ, phải lo xa...
Nếu bạn mở mạng Google, gõ mấy chữ "Vườn Quốc gia Tam Đảo", lập tức sẽ thấy hàng loạt bài viết hiện lên. Bắt đầu là những trang giới thiệu diện tích vườn 34.995 ha, trong đó 26.163 ha là rừng, chủ yếu là rừng tự nhiên mọc đan xen dưới 20 đỉnh núi cao trên 1.000 mét. Hấp dẫn nhất là mục giới thiệu về loài, về thảm thực vật dày đặc nhiều tầng, về quần thể sinh học với 42 loài cây đặc hữu, 64 loài cây quý hiếm cần phải bảo vệ, 163 loài động vật trong đó có loài được ghi trong Sách đỏ... Chưa hết, trong khuôn viên của Vườn Quốc gia Tam Đảo còn có những địa danh nghỉ mát nổi tiếng như Thác Bạc, đền Mẫu, am Gió, thung Mây...
Còn nhiều nữa những tư liệu hút hồn hàng triệu triệu công dân mạng trên toàn thế giới về vùng núi rừng từng được ví là lá phổi xanh của Thủ đô Hà Nội. Nhưng tịnh chưa có một dòng nào viết về công việc của những người bảo vệ rừng như ông Tâm, ông Hiệp. Vậy thì với trách nhiệm của một người cầm bút, tôi thử khơi ra một đôi dòng về họ - những người đã đồng hành với sự sinh tồn của Vườn Quốc gia Tam Đảo. Tôi biết họ có cả một kho kinh nghiệm tích lũy được trong hàng chục năm công tác... Và chuyện của họ không chỉ để đọc cho vui mà còn là tư liệu trao đổi về công tác PCCC rừng cho nhiều người..