Cuối năm 1930, phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh, bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu, các cơ quan của Đảng phải sơ tán, rút vào hoạt động bí mật. Đầu năm 1931, Xứ uỷ Trung Kỳ, Tỉnh uỷ Nghệ An và Huyện bộ Anh Sơn cử các đồng chí: Lê Xuân Đào (Chắt Lũ), Bình Định (Luật Bơ) và đồng chí Lê Mạnh Duyệt giả dạng làm người buôn bè lên vùng Mường Quạ, để gây dựng phong trào cách mạng.
Đầu tiên các đồng chí đó liên lạc với gia đình cụ Vi Văn Khang, để tuyên truyền vận động. Sau đó vận động thêm các đồng chí Vi Văn Hạnh, Vi Văn Quý, Vi Văn Lâm... là những thanh niên tiêu biểu, có lòng yêu nước, có giác ngộ cách mạng cao.
Tổ cách mạng này đã liên tục ngày đêm đi tuyên truyền vận động trong các bản làng, vận động quần chúng đấu tranh. Sau khi được giác ngộ nhân dân đã biết đoàn kết đấu tranh. Mục tiêu tập trung đấu tranh kinh tế, đòi quyền tự do, dân chủ, chống áp bức, bóc lột, chống sưu thuế. Sau những cuộc đấu tranh thắng lợi, tháng 4/1931, Chi bộ Đảng Môn Sơn được thành lập tại nhà đồng chí Vi Văn Khang, Chi bộ lúc đầu có 5 đồng chí: Lê Mạnh Duyệt, Vi Văn Khang, Vi Văn Hạnh, Vi Văn Quý, Trần Ngân, do đồng chí Vi Văn Khang làm Bí thư chi bộ, sau đó kết nạp đồng chí Vi Văn Lâm. Đây là chi bộ Đảng vùng miền núi dân tộc thiểu số đầu tiên ở vùng Tây Nam Nghệ An.
Học sinh thắp hương tưởng niệm cụ Vi Văn Khang, người Bí thư Chi bộ Môn Sơn năm 1931
Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, các tổ chức quần chúng cách mạng được ra đời: Có 12 tổ nông hội đỏ với 65 hội viên (có 3 hội viên nữ); có 3 đội tự vệ gồm 20 đội viên. Chi bộ là nơi sản xuất, in ấn tài liệu của Xứ uỷ, Tỉnh uỷ, sau đó giao cho các đảng viên và quần chúng có giác ngộ cao đi tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh.
Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, phong trào đấu tranh cách mạng phát triển mạnh, tiêu biểu như ngày 9/8/1931, cuộc biểu tình thị uy với trên 300 người tham gia. Ngay đêm hôm trước trên ngọn cây đa - Cồn Chùa, cây trổ Bãi Cánh cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay. Đoàn biểu tình nổi trống khua chiêng, kéo lên Cửa Rào, lên cây đa - Cồn Chùa, kéo lên Hua Nà (Lục Dạ) với khẩu hiệu: Đoàn kết chống sưu thuế, chống tạp dịch, xoá nợ nần đòi ruộng đất cho dân nghèo.
Đoàn biểu tình kéo đến nhà địa chủ Ba Uôn lấy thóc lúa, tiền, bạc nén chia cho dân nghèo. Thực dân Pháp đã đàn áp dã man, chúng đã bắt 30 người đem về đồn tra tấn, phong trào cách mạng tạm lắng xuống. Tháng 8/1945, từ Môn Sơn, chi bộ lãnh đạo nhân dân cướp chính quyền, sau đó kéo ra huyện tham gia giành chính quyền về tay nhân dân.
Trải qua 81 năm từ khi thành lập chi bộ chỉ có 5 - 6 đảng viên, đến nay Đảng bộ Môn Sơn có 22 chi bộ với gần 300 đảng viên. Từ vùng sâu, biên giới sau 67 năm chính quyền về tay nhân dân, bộ mặt nông thôn miền núi đã thay đổi, khởi sắc, Môn Sơn đã cơ cấu thành công 3 vụ trên đất hai lúa, áp dụng giống mới, đưa khoa học công nghệ mới vào sản xuất để năng suất lúa đạt 54 - 55 tạ/ha, lương thực bình quân đạt gần 500 kg/người/năm. Sau 25 năm đổi mới, Môn Sơn đã hoàn toàn thay đổi, 20 km đường nhựa từ Quốc lộ 7A đã nối thông vào Môn Sơn, cho giao thông thuận lợi, đập Pha Lài với tổng kinh phí 26 tỷ đồng, để ngăn sông Giăng trị thuỷ, đem nước tưới cho 300 ha lúa, màu tạo nên khu du lịch lòng hồ hấp dẫn cuốn hút du khách.
Hệ thống trường học, trạm xá của Môn Sơn đã được cao tầng hoá, kiên cố hoá. Cuối năm 2004, trụ sở làm việc của xã với kinh phí đầu tư gần 500 triệu đồng đã được đưa vào sử dụng, Môn Sơn đã tròn giấc mộng. Hàng năm vào trung tuần tháng 4, lễ hội Văn hoá - Uống nước nhớ nguồn, kỷ niệm thành lập Chi bộ Đảng Môn Sơn được tổ chức, có hàng ngàn người về đây tham dự.
Sau khi tiến hành xuống tại nhà cụ Vi Văn Khang thắp hương, tưởng niệm, phần lễ được tiến hành nghiêm trang, sau đó tổ chức thi văn nghệ, thể thao, thi đấu bóng chuyền và các môn thể thao dân tộc như ném còn, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co, tổ chức thi khắc luống làm náo động cả núi rừng biên cương. Lễ hội là đợt sinh hoạt văn hoá - chính trị sâu rộng, để tháng 4 là điểm “nhấn” lịch sử của Mường Quạ.
Tháng 4, ở vùng biên cương của Tổ quốc sẽ ấm mãi lòng người, là điểm đến của du khách. Đồng thời tháng 4, từ lễ hội sẽ thắp sáng ngọn lửa cách mạng cho lớp trẻ, hướng lớp trẻ về với cội nguồn lịch sử dân tộc, với niềm tự hào của quê hương cách mạng, nơi có Chi bộ Đảng miền núi, dân tộc thiểu số đầu tiên ở miền Tây Nam xứ Nghệ.
Phùng Văn Mùi
.