(Congannghean.vn)-Trong bộn bề công việc, nhân dân ta ít khi nhớ đến một ngày lịch sử trong cuộc đời Bác Hồ, đó là thứ 2 ngày 10/5/1965, vào lúc 9 giờ - giờ đẹp nhất của một ngày và chọn đúng lúc sức khỏe tốt nhất trong những năm gần đây, Người đã viết về ngày ra đi của mình một cách thanh thản và ung dung.
Năm 1945 - 1946, vận mệnh dân tộc ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Lúc đó, Bác Hồ mới ở tuổi 55, 56. Còn giờ đây, Người đã 75 tuổi và thuộc lớp người “xưa nay hiếm”. Bác hiểu rõ hơn ai hết tình hình sức khỏe của mình và sự nghiệp cách mạng lâu dài, gian khổ của dân tộc ta. Vì vậy, Bác để sẵn mấy lời phòng khi gặp cụ Các Mác, cụ Lê Nin và các bậc tiền bối cách mạng khác.
Sinh thời, Bác Hồ gần gũi, quan tâm đến đời sống của quần chúng nhân dân (Trong ảnh: Bác Hồ thăm và tìm hiểu về hoạt động sản xuất của nông dân xã Ái Quốc (Hải Hưng) năm 1958) - Ảnh tư liệu |
Không phải ngẫu nhiên mà ngày 15/2/1965, Bác Hồ về thăm đền thờ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn (TX Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Bác nghỉ trưa ở đó và xem rất kỹ văn bia trong đền thờ. Hai nhà chính trị và quân sự kiệt xuất, hai nhà thơ lớn, hai nhân cách lớn đã gặp nhau ở lòng tin tuyệt đối vào sức mạnh to lớn của nhân dân. Người đã từng nói: “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Còn Nguyễn Trãi đã mở đầu “Bình Ngô Đại Cáo” bằng một câu bất hủ: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Ngày hôm đó, Nguyễn Trãi như hẹn gặp vĩ nhân của thời đại mới với chân lý:
“Gốc có vững cây mới bền
Xây lầu thắng lợi trên nền
nhân dân”.
Có một điều cho đến bây giờ ít ai biết đến là đúng vào ngày sinh của mình, Bác Hồ lại ở xa Tổ quốc. Theo đề nghị của Bác, Bộ Chính trị đã bố trí để Người sang Trung Quốc vừa công tác, vừa nghỉ dưỡng. Bác cập nhật tình hình chiến sự ở miền Nam và các hoạt động ở miền Bắc qua báo cáo hàng ngày của đồng chí Vũ Kỳ.
Ngày 19/5 - đúng vào ngày sinh nhật của mình, Bác cùng đồng chí Vũ Kỳ đi thăm mộ Khổng Tử và Mạnh Tử. Đứng dưới gốc cây cổ thụ ở Khổng miếu, Bác kể chuyện với đồng chí Vũ Kỳ: “Khổng Tử là người chủ trương quyền bình đẳng về của cải và sự công bằng về đời sống”. Câu: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng...” mà Bác trích dẫn từ năm 1921, chính là từ câu của Khổng Tử: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên. Đã công bằng thì không nghèo, đã hòa mục thì không thiếu, lòng dân đã yên thì không sợ nghiêng đổ”.
Rời Khổng miếu sang Khổng lâm, Bác tiếp tục nói quan điểm “lấy dân làm gốc” của Khổng Tử đã được Mạnh Tử phát triển thêm một bước trong câu: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” mà chính Bác đã dịch sang tiếng Pháp năm 1921: “Lợi ích của nhân dân là trên hết, thứ đến là lợi ích quốc gia, còn lợi ích của vua là không đáng kể”. “Dân vi quý”, “lợi ích của nhân dân là trước hết” đó là mục đích phấn đấu suốt đời của Bác.
Từ thư gửi Hội nghị hòa bình Véc - xây năm 1919 đến “Tuyên ngôn độc lập” năm 1945, từ “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” đến “Không có gì quý hơn độc lập tự do...”, đến ngày biết mình tuổi đã cao trong khi cuộc kháng chiến chống Mỹ còn gian khổ, lâu dài, Bác vẫn canh cánh trong lòng nỗi niềm vì dân với lời căn dặn tâm huyết trong Di chúc: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân…”. Bác khởi thảo những điều dặn lại đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 75 của mình và từ đó cứ mỗi dịp tháng 5 về, Bác lại đọc, sửa chữa, bổ sung, đến ngày 19/5/1969 thì hoàn chỉnh.
47 năm trôi qua nhưng những điều Bác căn dặn trong bản Di chúc lịch sử đã, đang và mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam, là bài học cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân ta.
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XIV nhiệm kỳ 2016 - 2021, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã long trọng tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội và cử tri cả nước với những bài phát biểu đầy tâm huyết, thể hiện quyết tâm cao trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn Tổ quốc thiêng liêng, vì sự trường tồn của dân tộc; kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện thoái hóa, biến chất, tham nhũng, ức hiếp quần chúng, chạy chức, chạy quyền..., làm cho Đảng ta thật sự trong sạch vững mạnh, đất nước phát triển bền vững trong quá trình hội nhập.
Thái độ kiên quyết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội trong việc xử lý ngay những sai phạm của một số cán bộ, đảng viên, các chủ đầu tư trong nước và nước ngoài, công tác hỗ trợ người nghèo, người có công, người gặp khó khăn do hậu quả của những vi phạm trong đầu tư, kinh doanh và cả những sai sót trong các đạo luật là tín hiệu vui, làm cho đồng bào phấn khởi, tin tưởng.
Tổ quốc và nhân dân trong trái tim Bác Hồ đã và đang tỏa sáng trong trái tim các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, tiếp thêm động lực cho toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bình tĩnh, sáng suốt, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, thách thức để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai các cường quốc năm châu.