Thứ Ba, 03/03/2020, 09:27 [GMT+7]

Bị dồn vào thế bí, Thổ Nhĩ Kỳ 'tấn công' cả Syria lẫn EU

Trong khi tuyên bố chiến dịch Lá chắn Mùa xuân nhằm vào Quân đội Syria ở Idib, Thổ Nhĩ Kỳ cũng “mở cửa” biên giới để người tị nạn tràn sang châu Âu.

Chiến dịch Lá chắn Mùa Xuân

Thổ Nhĩ Kỳ ngày 1/3 tuyên bố nước này đã triển khai chiến dịch Lá chắn Mùa Xuân nhằm vào Quân đội Syria nhằm đáp trả vụ tấn công của quân chính phủ Syria hôm 27/2, khiến 34 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Mục tiêu của chiến dịch Lá chắn Mùa xuân là chống lại các binh sỹ và quân đội của chính phủ Syria tấn công quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Idlib.

bi don vao the bi, tho nhi ky
Đoàn xe quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib, Syria ngày 28/2/2020. Ảnh: AP

Bộ trưởng Quốc phòng Hulusi Akar cũng khẳng định chiến dịch quân sự này không phải nhằm mục đích đối đầu với Nga ở Syria, mà là ngăn chặn các hành vi của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, loại bỏ các nhóm cực đoan, và ngăn chặn làn sóng di cư từ Syria tràn sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Chiến dịch “Lá chắn Mùa xuân” được mở màn bằng các cuộc tấn công nhằm vào hàng chục mục tiêu của chính phủ Syria. Các cuộc giao tranh giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 1/3 đã khiến nhiều máy bay của hai bên bị bắn rơi ở Idlib.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, hai nước ủng hộ các bên đối lập nhau trong cuộc xung đột Syria, đã tổ chức các cuộc đối thoại cấp cao để xoa dịu căng thẳng và để tránh nguy cơ tình hình hiện nay sẽ leo thang thành một cuộc chiến rộng hơn.

Câu hỏi đặt ra là vì sao Nga cho phép Thổ Nhĩ Kỳ “đánh” đồng minh của mình và vì sao Tổng thống Putin đồng ý gặp người đồng cấp Erdogan vào ngày 5/3 ở Moscow mặc dù ban đầu Tổng thống Nga nói rằng ông có các kế hoạch khác?

Một số chuyên gia quân sự cho rằng dường như máy bay Nga tiến hành các cuộc không kích ở Idlib ngày 27/2.

“Máy bay Nga có thể bay vào ban đêm, còn phía Syria thì không thể. Và người Thổ Nhĩ Kỳ bị ném bom trong đêm”, Aaron Stein, Giám đốc Chương trình Trung Đông của Viện nghiên cứu Chính sách đối ngoại nhận định

Theo ông, cả Moscow và Ankara đều đã chọn “đổ lỗi” cho chính quyền [Syria], dường như là vì muốn tránh một cuộc đối đầu trực tiếp mà cả 2 bên đều không muốn.

Phản ứng vừa phải của Nga đã củng cố cho nhận định này. Sự tự tin của ông Erdogan cũng chứng minh điều đó khi ông nói về cuộc điện đàm mới đây với Tổng thống Nga: “Tôi đã hỏi ông Putin rằng ‘việc của các ông ở đó là gì?’ Nếu ông thiết lập 1 căn cứ, thì hãy cứ làm thế, nhưng hãy tránh đường và để chúng tôi đối mặt trực tiếp với chính quyền [Syria]”.

Nhưng liệu ông Putin có đánh giá thấp Tổng thống Erdogan khi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra thời hạn chót 29/2 cho lực lượng chính quyền Syria rút khỏi Idlib? Hau chỉ đơn thuần là ông để Erdogan giữ thể diện?

Kevork Oskanian, một nhà nghiên cứu tại Đại học Birmingham nói với Al-Monitor rằng, sự miễn cưỡng của Nga khi can thiệp theo hướng có lợi cho chính quyền Syria có vẻ như cố ý để cho Erdogan “cứu vãn thể diện”.

Trong khi đó, một nhà ngoại giao cấp cao phương Tây cho rằng “Erdogan đang chơi cờ thỏ cáo (cờ cổ của châu Âu dành cho 2 người chơi, các quân cờ được di chuyển bằng cách gieo một cặp xúc xắc-ND) trên bàn cờ của Putin. Ông ấy đang bị dồn vào thế bí và ngày càng liều lĩnh”.

Mở cửa biên giới

Trong bối cảnh chiến sự căng thẳng ở Idlib, thì thảm kịch nhân đạo đang mở ra ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp và có nguy cơ đẩy các nước châu Âu vào một cuộc khủng hoảng nhập cư mới.

bi don vao the bi, tho nhi ky
Dòng người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ đổ về cửa khẩu Pazarakule, ở Edirne giáp với Hy Lạp, ngày 1/3/2020. Ảnh: AP

Lo ngại làn sóng người tị nạn Syria tràn sang khi chính quyền Tổng thống Assad tiến hành chiến dịch giải phòng Idlib, cộng với sự quay lưng của các đồng minh NATO trong cuộc chiến tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ để mở các đường biên giới nước này để hàng triệu người tị nạn trong đó có người Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ tràn sang châu Âu, bất chấp thỏa thuận năm 2016 với EU.

Theo Tổng thống Erdogan, EU đã không thực hiện thỏa thuận năm 2016 theo đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chịu trách nhiệm “chăm sóc” gần 4 triệu người (phần lớn là người Syria) tị nạn để đối lấy 6 tỷ euro (6,6 tỷ USD) hỗ trợ tài chính.

Ngoài gần 3,6 triệu người Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận, khoảng 1 triệu người chạy khỏi bạo lực ở Idlib đang tập trung dọc biên giới Syria cũng có nguy cơ sẽ tràn sang nước này. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không thể tiếp nhận thêm người tị nạn từ Syria, bởi vậy Ankara tuyên bố sẽ không giữ chân người tị nạn nữa và để họ tràn sang châu Âu.

Sau tuyên bố “mở cửa” của Thổ Nhĩ Kỳ, hàng nghìn người tị nạn đã tụ tập gần cửa khẩu Kastanies của Hy Lạp. Theo Al-Monitor, nhiều người tị nạn đã tới đây trên các chuyến xe buýt mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sắp xếp. Kênh phát thanh tiếng Arab của Thổ Nhĩ Kỳ TRT Arabi thậm chí đã cung cấp bản đồ cho những người tị nạn với nhiều lộ trình tới biên giới.

Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, hơn 76.000 người đã rời Thổ Nhĩ Kỳ qua thành phố Edirne ở Thrace. Tổ chức Di trú quốc tế của Liên Hợp Quốc cũng cho biết, 13.000 người đã tụ tập ở các cửa khẩu Pazarkule và Ipsala bên phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại Athens, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp để thảo luận tình hình căng thẳng ở biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Liên minh châu Âu ngày 1/3 cũng đã kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của các ngoại trưởng để thảo luận vấn đề này.

Năm 2015, Hy Lạp trở “cổng chính” vào EU của hơn 1 triệu người di cư, chủ yếu là những người tị nạn chạy khỏi cuộc nội chiến Syria. Sức ép phải từ làn sóng này đã gây chia rẽ cho EU về hạn ngạch phải tiếp nhận người di cư và tị nạn cho tới khi khối này đạt được một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ.

Cựu Đại sứ EU tại Thổ Nhĩ Kỳ Marc Pierini, nói với Al-Monitor rằng: “Từ những thông tin mà tôi nhận được, tác động của tối hậu thư [của Thổ Nhĩ Kỳ] sẽ là một thảm họa. Thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ đường cho người di cư khi nói với họ rằng ‘biên giới đã được mở cửa’. Thứ hai, đây là một thảm họa nhân đạo do một nước dàn xếp”.

Trong khi đó, theo ông Aykan Erdemir, Giám đốc cấp cao phụ trách chương trình Thổ Nhĩ Kỳ tại Tổ chức Bảo vệ các nền Dân chủ, những gì mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang làm hiện nay cho thấy, họ dường như đang cố tìm lối thoát khi bị “dồn vào góc tường”.

“Niềm hy vọng duy nhất từ Idlib hiện nay là chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể tìm cách đổ lỗi cuộc khủng hoảng kinh tế của nước này cho các yếu tố ngoại sinh. Điều đó cho phép ông Erdogan phủ nhận các cáo buộc cho rằng con rể ông Berat Albayrak - người chịu trách nhiệm về vấn đề kinh tế, là người phải chịu trách nhiệm về năng lực yếu kém và quản lý tồi”, ông Erdemir nói./.

 

.

Nguồn: vov.vn