“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” có đủ, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội sẽ thành công.
Nhận thức khác biệt!
Tháng 6 năm 2018, tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa của Singapore, lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên) Kim Jong-un có cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử, mang lại hy vọng lớn lao về một nền hòa bình bền vững trên Bán đảo Triều Tiên.
Hơn 8 tháng sau, theo đánh giá chung của giới quan sát, tiến trình trên Bán đảo Triều Tiên, bao gồm cả phi hạt nhân hóa và xác lập một thỏa thuận hòa bình chính thức, hầu như giậm chân tại chỗ. Mỹ vẫn duy trì lệnh cấm vận đối với Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng vẫn chưa có những hành động cụ thể nào chứng thực rằng họ đã phá bỏ các vũ khí hạt nhân...
Đâu là nguyên nhân của kết quả đáng thất vọng này?
Tất cả đều nhớ những nội dung chính trong Tuyên bố chung mà hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều đạt được sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore.
Đó là Mỹ và Triều Tiên cam kết thiết lập mối quan hệ Mỹ-Triều mới, đáp ứng khát khao của hai dân tộc vì hòa bình và thịnh vượng; Mỹ và Triều Tiên sẽ chung sức xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên; tái khẳng định Tuyên bố Bàn Môn Điếm ngày 27-4-2018 (sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai lãnh đạo hai miền Nam-Bắc Triều Tiên), Triều Tiên cam kết nỗ lực phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên; Mỹ và Triều Tiên cam kết tìm kiếm tù binh và hài cốt những người mất tích trong chiến tranh, bao gồm việc hồi hương các hài cốt đã được xác định danh tính.
Trong 4 nội dung này, phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên được xếp ở vị trí thứ ba, trong khi “xác lập quan hệ mới Mỹ-Triều” xếp ở vị trí thứ nhất.
Tuy nhiên, đã có những cách hiểu khác nhau quá xa về các nội dung khá mơ hồ trong Tuyên bố chung này.
Phía Mỹ cho rằng để tiến trình hòa bình trở thành hiện thực thì trước tiên Triều Tiên phải sớm giao nộp các chủng loại vũ khí hạt nhân cùng các thiết bị sản xuất có liên quan, bao gồm tên lửa tầm trung và tên lửa liên lục địa, đồng thời cho phép các thanh sát viên quốc tế tới Triều Tiên để giám sát quá trình này.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng không chỉ một lần xác quyết rằng Mỹ sẽ không gỡ bỏ các biện pháp cấm vận Triều Tiên trước khi Triều Tiên thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng!
Trong khi đó, Bình Nhưỡng lại cho rằng Mỹ đã hiểu hoàn toàn sai về nội dung Tuyên bố chung đạt được giữa lãnh đạo hai nước ở cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore. Phía Triều Tiên cho rằng trừ khi Mỹ loại bỏ trước mối đe dọa, bao gồm rút quân khỏi Hàn Quốc và Nhật Bản, nếu không Triều Tiên sẽ không đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ tại Singapore tháng 6-2018. Ảnh: L.G. |
Cũng theo phía Triều Tiên, đây phải là một quá trình diễn ra theo từng bước, gồm nhiều giai đoạn, chứ không phải là phương án phi hạt nhân hóa một lần, triệt để. Tương ứng với mỗi bước đi sẽ là những sự nhượng bộ của mỗi phía, sao cho đẹp lòng cả đôi bên!
Nói tóm lại, vẫn là câu chuyện kinh điển được áp dụng trong đời sống chính trị quốc tế của thế kỷ 21: “Quả trứng có trước hay con gà có trước?”.
Những gì diễn ra trong hơn 8 tháng qua rõ ràng là chưa đủ: Triều Tiên phá hủy một cơ sở thử hạt nhân, phóng thích một vài người Mỹ, trong khi Mỹ và Hàn Quốc tạm ngừng một vài cuộc tập trận chung, vốn vẫn bị Bình Nhưỡng coi là những hành động khiêu khích, tập dượt cho một cuộc tấn công giả định vào Triều Tiên.
Thế nên ông Trump với ông Kim cần có một cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai, lần này là ở Hà Nội.
Có đi có lại?
Những đồn đoán về một cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sẽ diễn ra ở Việt Nam đã có từ lâu. Tuy nhiên, mọi sự đều nằm trong vòng bí ẩn cho đến khi ông Trump đọc Thông điệp liên bang ngày 5-2, trong đó khẳng định cuộc gặp đó sẽ diễn ra ở Việt Nam.
3 ngày sau, trên trang Twitter, ông Trump tiếp tục thông báo rằng cuộc gặp sẽ diễn ra ở Hà Nội, xóa tan những lời đồn đoán trước đó rằng nó sẽ diễn ra ở Đà Nẵng, thành phố của Việt Nam đã tổ chức rất thành công Hội nghị thượng đỉnh APEC hồi tháng 11 năm 2017.
Trong suốt quá trình này, phía Triều Tiên không hé một lời! Có vẻ giống như Lưu Bị thuở xưa qua Giang Đông lấy vợ, ông Trump đã lựa chọn phương thức càng công khai về sự kiện họp thượng đỉnh càng tốt (để đặt mọi sự vào tình thế đã rồi?), trong khi sách lược của Bình Nhưỡng lại là càng kín đáo càng hay. Trước bất cứ một cuộc đàm phán hứa hẹn sẽ gay go nào, bí ẩn cũng có thể là lợi thế!
Tuy nhiên, bỏ qua những đòn phép, những thông tin bên lề mà giới truyền thông luôn ưa thích, chẳng hạn như ông Kim, ông Trump ở khách sạn nào, ông Kim tới Hà Nội bằng máy bay hay đoàn xe lửa bọc thép, đội vệ sỹ của hai ông ra sao..., câu hỏi lớn nhất là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai ở Hà Nội có khả năng sẽ đạt được những kết quả gì?
Hẳn nhiên, để không biến đây trở thành một cơ hội chỉ để hai nhà lãnh đạo chụp ảnh chung, nó phải đẩy xa hơn, cụ thể hóa hơn những nội dung đã có trong Tuyên bố chung của cuộc họp lần 1 tại Singapore.
Trong bài phát biểu đầu năm mới 2019, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cảnh báo rằng nếu Mỹ tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, ông có thể lựa chọn “một con đường mới”. Ông Kim không nói rõ “con đường mới” là gì nhưng thông điệp ở đây khá rõ ràng: nếu Mỹ vẫn tiếp tục duy trì cách tiếp cận như cũ thì sẽ khó có sự tiến triển đáng kể nào trong quan hệ giữa hai bên.
Có nghĩa “có đi có lại” sẽ là một lựa chọn khá phù hợp nếu như cả hai bên đều mong muốn cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội thành công. Thay vì phương thức “được ăn cả ngã về không”, Mỹ cần đề xuất những biện pháp giảm nhẹ có giới hạn đối với các biện pháp trừng phạt Triều Tiên cũng như những biện pháp khác, chẳng hạn ra tuyên bố nhằm chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, một cuộc chiến mà về mặt kỹ thuật vẫn còn chưa kết thúc do cả hai bên mới chỉ ký Hiệp định đình chiến. Đó chẳng phải cũng là mong mỏi lâu nay của phía Triều Tiên hay sao?
Ở chiều ngược lại, phía Triều Tiên cũng có thể đưa ra những nhượng bộ nhất định nhằm chứng minh thành ý muốn thực hiện tuyên bố phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Một cam kết cung cấp danh sách các cơ sở và vật liệu hạt nhân là điều có thể chấp nhận được mà không sợ bị coi là yếu đuối.
Nói cách khác, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội sẽ phải dịch chuyển những nội dung từ mức ý định sang thực thi cụ thể các điều khoản trong Tuyên bố chung thượng đỉnh lần 1 ở Singapore. Nguyên tắc chung sẽ là thực hiện những bước đối ứng thích hợp nhằm xây dựng lòng tin.
Một bước đi của phía Triều Tiên nhằm từng bước hướng tới hủy bỏ chương trình hạt nhân phải có những sự đáp ứng tương xứng từ phía Mỹ, chẳng hạn như tạm hoãn một số lệnh trừng phạt, mở một văn phòng liên lạc, viện trợ nhân đạo lương thực, thực phẩm...
Đó phải là một quá trình khéo léo, hết sức linh hoạt và mềm dẻo. Nguyên tắc hành động song song phải được duy trì, khi mà tiến trình phi hạt nhân hóa diễn ra đồng thời với các cuộc đàm phán về một hiệp ước hòa bình chính thức cũng như bình thường hóa quan hệ Mỹ-Triều.
Khác với hội nghị thượng đỉnh lần 1 chỉ diễn ra trong 1 ngày, thượng đỉnh lần 2 ở Hà Nội diễn ra trong 2 ngày. Điều đó có nghĩa là lãnh đạo hai bên Mỹ-Triều sẽ có nhiều thời gian hơn trong nghị trình để bàn bạc về nhiều vấn đề hơn, khả năng đạt được một kết quả khả quan cũng sẽ lớn hơn, đáp ứng được sự kỳ vọng của quốc tế.
Vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên được xếp ở vị trí thứ ba sau việc “xác lập quan hệ mới Mỹ - Triều”. Ảnh: L.G. |
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa
Chỉ đến khi Hà Nội được lựa chọn làm địa điểm diễn ra thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, người ta mới nhận ra không có nơi nào thích hợp hơn Việt Nam để tổ chức một sự kiện quan trọng trong đời sống quốc tế như vậy.
Không chỉ vì khoảng cách bay giữa Hà Nội và Bình Nhưỡng trên dưới 2.700 cây số, thích hợp cho mọi chuyên cơ có tầm bay ngắn. Vị trí địa lý rất quan trọng nhưng quan trọng hơn là vị thế địa chính trị, một yếu tố mà Việt Nam hội đủ để có thể đảm nhận việc tổ chức một sự kiện hết sức quan trọng như thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Trong quá khứ, nhiều hội nghị về hòa bình ở Việt Nam từng được tổ chức ở Geneve, Paris. Nay, từ một quốc gia được thụ hưởng những kết quả của các hội nghị quốc tế đó, Việt Nam đã tiến tới trở thành quốc gia kiến tạo hòa bình, cụ thể là trên Bán đảo Triều Tiên. Đó là một bước chuyển đáng kể.
Về mặt tổ chức, Việt Nam từng có kinh nghiệm tổ chức những hoạt động ngoại giao đa phương lớn ở tầm mức thế giới mà gần nhất là Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng năm 2017, có sự tham gia của những nguyên thủ hàng đầu thế giới như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình...
Môi trường an ninh của Việt Nam là một điểm cộng với Hà Nội là thành phố hòa bình, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Các hoạt động khủng bố, bạo lực gây rối không có đất sống ở Việt Nam.
Với phương châm đa phương, đa dạng hóa quan hệ, Việt Nam giữ mối quan hệ thân thiện với cả Triều Tiên và Mỹ, mong muốn đóng góp vào việc thúc đẩy và xác lập tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Và Việt Nam, với hình mẫu kinh tế phát triển năng động, quan hệ giao thương cởi mở, có những bước chuyển ngoạn mục trong quan hệ với Mỹ, một cựu thù thời chiến tranh, cũng sẽ tạo cảm hứng cho tất cả những ai muốn tìm kiếm những kinh nghiệm phù hợp để phát triển.
“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” có đủ, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội sẽ thành công.