Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/quoc-te/201809/thuong-dinh-lien-trieu-lan-3-buoc-di-phan-anh-xu-the-hoa-giai-ngay-cang-ro-net-814436/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/quoc-te/201809/thuong-dinh-lien-trieu-lan-3-buoc-di-phan-anh-xu-the-hoa-giai-ngay-cang-ro-net-814436/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Thượng đỉnh liên Triều lần 3: Bước đi phản ánh xu thế hòa giải ngày càng rõ nét - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 18/09/2018, 09:11 [GMT+7]

Thượng đỉnh liên Triều lần 3: Bước đi phản ánh xu thế hòa giải ngày càng rõ nét

Từ ngày 18 đến 20-9, tại Thủ đô Bình Nhưỡng sẽ diễn ra cuộc Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba. Nội dung chính mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un bàn thảo trong cuộc gặp lần này là làm cách nào để tiếp tục phát triển quan hệ giữa hai miền và thúc đẩy đối thoại Mỹ - Triều nhằm đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

Thêm hi vọng giải quyết vấn đề hạt nhân

Hàng loạt diễn biến tích cực trên Bán đảo Triều Tiên kể từ sau “cú hích” là cuộc gặp Thượng đỉnh lịch sử ngày 27-4 giữa lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã và đang tạo môi trường thuận lợi khiến cơ hội giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên có thêm hy vọng. Trong suốt hơn 4 tháng qua, có thể nói hai bên đều cố gắng hiện thực hóa từng bước những cam kết mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đạt được trong Tuyên bố Panmunjom, trên tinh thần đối thoại xây dựng và chân thành.

Kết quả đáng ghi nhận nhất của việc thực hiện Tuyên bố Panmunjom chính là quan hệ liên Triều đang được cải thiện một cách khá bền vững. Hai miền Triều Tiên tiến hành thường xuyên các cuộc đàm phán, kể cả cấp cao nhất. Sau cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27-4, lãnh đạo hai miền đã gặp lại lần thứ hai ngày 26-5 tại Panmunjom. Cuộc gặp lần thứ ba diễn ra tại Bình Nhưỡng có thể coi là bước đi phản ánh một cách logic xu thế hòa giải ngày càng rõ nét này.

Một trong những sự kiện mang tính biểu tượng cao cho mối quan hệ đang dần nồng ấm trở lại giữa hai miền Triều Tiên, là hai đợt đoàn tụ các gia đình ly tán trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, được tổ chức cuối tháng 8 vừa qua sau 3 năm gián đoạn. Đây có thể coi là sự tiếp nối những nỗ lực không mệt mỏi nhằm hướng tới mục tiêu đạt được hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Ý nghĩa của cuộc đoàn tụ lần thứ 21 này không chỉ là việc thực hiện một trong những thỏa thuận chủ chốt của Tuyên bố Panmunjom, mà còn thể hiện khát vọng hòa bình, hòa hợp cháy bỏng giữa hai miền. Hàng loạt dự án hợp tác kinh tế và giao lưu xã hội đang được cả hai miền thúc đẩy cũng góp phần tạo điều kiện hướng tới mục tiêu hòa bình và thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên.

Bên cạnh đó, quan hệ liên Triều đang được củng cố bằng nỗ lực xây dựng lòng tin từ cả hai bên. Việc CHDCND Triều Tiên dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri, nơi diễn ra 6 vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006 của nước này, hay phá hủy một số cơ sở phóng tên lửa, cũng như việc Hàn Quốc hủy một loạt cuộc tập trận chung thường niên với Mỹ, ngừng xây dựng các căn cứ quân sự sát biên giới Triều Tiên... đang đưa quan hệ hai miền vào quỹ đạo của đối thoại và hợp tác chặt chẽ.

Ngay trước cuộc gặp thượng đỉnh lần này, hai bên đã mở cửa văn phòng liên lạc chung, một dạng quan hệ ngoại giao sơ khởi giúp tránh những hiểu lầm, những bất đồng đáng tiếc không chỉ trong lĩnh vực an ninh-quân sự mà còn cả trong các lĩnh vực khác. Với sự hoạt động của văn phòng này, hai bên sẽ có kênh liên lạc mới, thường xuyên và hiệu quả, tạo điều kiện phát triển quan hệ song phương.

Không chỉ có thế, hai miền Triều Tiên còn nhất trí tiến hành một số việc làm giảm căng thẳng quân sự, trong đó có kế hoạch giải giáp Khu vực an ninh chung và tiếp tục các hoạt động khai quật chung hài cốt binh lính tử trận trong Khu phi quân sự (DMZ).

Một thuận lợi nữa là, trong thành phần đoàn Hàn Quốc sang CHDCND Triều Tiên lần này có mặt một số quan chức Đảng cầm quyền cũng như Đảng đối lập, một nỗ lực của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in giành sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị Hàn Quốc trong tiến trình hòa giải liên Triều cũng như phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Moon Jae-in (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Tổng thống Moon Jae-in (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Phá vỡ thế bế tắc

Cuộc gặp lần này được dư luận hi vọng sẽ là động lực phá vỡ thế bế tắc hiện nay trong các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên và có thể sẽ giúp tạo điều kiện cho một Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai. Ngay trước thềm hội nghị, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đề nghị có cuộc gặp thượng đỉnh thứ 2 với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders, đây là một thiện chí nhằm phá vỡ thế bế tắc cho các cuộc đàm phán hai bên. Trong khi đó, ông Moon Chung-in, cố vấn đặc biệt của Tổng thổng Hàn Quốc nhận định, Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần này có thể tạo cơ hội cho Tổng thống Hàn Quốc thuyết phục nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên cũng như sau đó đề xuất với người đồng cấp Mỹ về giải pháp trao đổi đồng thời giữa các bên.

Một viễn cảnh khả thi nhất trong nỗ lực hòa giải của Tổng thống Moon Jae-in là CHDCND Triều Tiên sẽ đồng ý nhượng bộ để cho Mỹ dỡ bỏ một số, chứ không phải là tất cả các loại vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng và đổi lại, Washington sẽ sẵn sàng đàm phán kết thúc chính thức cuộc Chiến tranh Triều Tiên và dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt kinh tế cho quốc gia này.

Theo ông Moon Chung-in, trong bối cảnh Washington nhấn mạnh sự cần thiết phi hạt nhân hóa và Bình Nhưỡng ưu tiên việc ra được tuyên bố kết thúc chiến tranh, nhiều khả năng phía Hàn Quốc đề xuất với CHDCND Triều Tiên về kế hoạch cùng lúc đáp ứng những mục tiêu này: “Vấn đề không phải ở chỗ Triều Tiên ngay lập tức phải công khai một danh sách. Thậm chí nếu họ chỉ cần công bố ý định, cam kết tuyên bố sẵn sàng công khai các cơ sở hạt nhân, vật liệu, vũ khí và tên lửa đạn đạo hiện có, thì sẽ có thể bắt đầu đàm phán về kết thúc chiến tranh. Tôi tin rằng kế hoạch này chủ yếu được phối hợp với Mỹ”.

Trong khi đó, Giáo sư Kyungnam Kim Dong-yup của Viện các vấn đề Viễn Đông tại Đại học Tổng hợp chia sẻ quan điểm: “Mục đích là thông qua nhượng bộ lẫn nhau để tìm ra tiếng nói chung trong yêu cầu của Mỹ giải giáp vũ khí hạt nhân Triều Tiên và tuyên bố kết thúc chiến tranh mà Bình Nhưỡng đang tìm kiếm”.

Theo ông, để thực hiện bước đột phá kinh tế nhanh chóng, CHDCND Triều Tiên phải từ bỏ con đường phát triển song song kinh tế và vũ khí hạt nhân. Giáo sư Park Jong-chol thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Gyeongsang, người vừa trở về sau chuyến đi thực tế dọc theo biên giới giữa Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên, cho biết ở phía CHDCND Triều Tiên có thể nhìn thấy các tấm áp phích “chấp hành quyết định của Hội nghị lần thứ 3 của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động khóa VII,” có nghĩa là giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Một chiến dịch lớn cho việc phi hạt nhân rõ ràng đã bắt đầu được tiến hành.

Vị giáo sư cũng lưu ý rằng đặc phái viên Hàn Quốc trong báo cáo về kết quả của chuyến đi cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un thực sự từ bỏ ý định tiến hành thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa. Tuy nhiên, do Mỹ vẫn nghi ngờ về việc trong tương lai vũ khí hạt nhân không hoàn toàn bị loại bỏ, Hàn Quốc sẽ phát triển kế hoạch về thực hiện phi hạt nhân hóa, tranh thủ sự ủng hộ của Washington và thuyết phục họ về những nhu cầu của Bình Nhưỡng.

Vai trò quan trọng trong kế hoạch này có thể xuất phát từ những cam kết của Hàn Quốc cùng với CHDCND Triều Tiên phát triển các dự án kinh tế lớn. Theo cố vấn của Tổng thống Hàn Quốc, nếu Triều Tiên có một lập trường hướng tới phi hạt nhân hóa trong tương lai, các biện pháp trừng phạt có thể sẽ được dỡ bỏ một phần, mở đường cho việc thực hiện hợp tác liên Triều.

Mỹ cũng nhấn mạnh rằng CHDCND Triều Tiên đồng thời cần phải chứng minh lòng tin trong khuôn khổ của kế hoạch hành động. Chỉ bằng cách này hai nước mới có thể xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau. Có vẻ như Bình Nhưỡng đã áp dụng logic này, vì vậy trong tương lai gần, chúng ta sẽ thấy các bước mới của Bình Nhưỡng và Washington hướng tới công cuộc giải trừ hạt nhân.

Ngay sau khi công bố kết quả chuyến thăm của phái đoàn Hàn Quốc đến Bình Nhưỡng, Tổng thống Mỹ cảm ơn nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về tuyên bố “lòng tin không thể lay chuyển” vào giới lãnh đạo Mỹ. “Chúng tôi sẽ cùng nhau làm điều đó!” – Tổng thống Donald Trump viết trên trang cá nhân Twitter của mình. Bây giờ chỉ còn hy vọng quan điểm của Tổng thống Mỹ sẽ không thay đổi.

.

Nguồn: Hà Linh/Báo CAND

.