Chỉ sau gần 2 năm nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã khởi sự hàng loạt “cuộc chiến thương mại” với nhiều khối, nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới.
Cho đến nay, xung đột thương mại giữa Mỹ với Liên minh châu Âu (EU) vẫn còn bỏ ngỏ nhiều vấn đề chưa được giải quyết, thì nay lại cộng thêm vấn đề hạt nhân Iran đã gia tăng các rào cản thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương. EU cũng đã bắt đầu nhận ra nhiều điều về đồng minh chiến lược, không chỉ trong vấn đề thương mại mà cả quân sự, sau khi đôi bên có những bất đồng sâu săc về tài chính đóng góp cho Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe. |
Còn tại khu vực Bắc Mỹ, Mỹ cũng đang tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico. Sau khi hoàn tất đàm phán với Mexico, thì Canada với Mỹ vẫn còn những bất đồng trên nhiều vấn đề. Chuyện chung lòng để có một NAFTA mới hay đường ai nấy đi giữa Mỹ với Canada vẫn còn ở phía trước.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại mà Mỹ diện kiến gay gắt nhất hiện nay là Trung Quốc. Hai bên đã tiến hành đáp trả việc tăng thuế lên hàng hóa của nhau theo phương thức “ăn miếng, trả miếng” với giá trị ước chừng 32 tỷ USD. Nhưng chủ nhân Nhà Trắng đang đưa ra thông điệp là sẽ áp thuế lên toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ khoảng 500 tỷ USD.
Nếu điều này xảy ra trong những ngày tới thì có thể nói xung đột thương mại Mỹ-Trung bước vào giai đoạn khốc liệt chưa từng có trong lịch sử. Dù rằng, hiện nay, hai bên cũng nói đến chuyện thương thảo để không gia tăng áp thuế lên hàng hóa của nhau, nhưng xem ra đến nay vẫn là câu chuyện ở cuối đường hầm.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê, thâm hụt thương mại hàng hóa giữa Mỹ với Nhật Bản đã lên tới 68,85 tỷ USD trong năm 2017, mức cao thứ ba trong số các nước có thâm hụt thương mại với Mỹ. Để giải quyết bài toán này, theo Kyodo (Nhật), một bài báo đăng tải trên tờ Wall Street Journal số ra ngày 6/9 cho biết Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông sẽ coi Nhật Bản là mục tiêu tiếp theo trong cuộc chiến cắt giảm thâm hụt thương mại với các đối tác thương mại của Mỹ.
Viện dẫn cuộc điện đàm với Tổng thống Trump, nhà báo James Freeman của tờ Wall Street Journal, viết Tổng thống Trump “đã mô tả mối quan hệ tốt đẹp với giới lãnh đạo Nhật Bản nhưng sau đó khẳng định: ‘Dĩ nhiên điều này sẽ kết thúc ngay khi tôi nói họ phải chi trả bao nhiêu tiền'.".
Ông Freeman còn cho biết thêm, kể cả khi Tổng thống Trump hoàn tất đàm phán với Canada, Mexico và châu Âu, thì “sự bấp bênh thương mại chưa chắc sẽ kết thúc. Dường như ông ấy vẫn bị khó chịu bởi các điều khoản quy định thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản?”
Vì tại vòng đàm phán thương mại cấp bộ trưởng Mỹ-Nhật Bản lần đầu tiên diễn ra tại Washington ngày 9/8, hai bên vẫn bất đồng về chính sách thương mại.
Trong khi Tokyo kêu gọi Mỹ trở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiện là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thì Washington lại muốn thúc đẩy thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Tokyo.
Trong phiên họp với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Chính sách kinh tế và tài chính Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết Nhật Bản tin rằng CPTPP là thỏa thuận thương mại tốt nhất cho hai nước.
Về phần mình, ông Lighthizer khẳng định Washington muốn thúc đẩy các cuộc thương lượng thương mại song phương với Tokyo.
Vòng đàm phán nói trên diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa áp đặt thuế bổ sung, lên tới 25%, đối với linh kiện ôtô và xe ôtô nhập khẩu nguyên chiếc. Khi đó, mức thuế mới sẽ tác động đáng kể tới các nhà xuất khẩu ôtô lớn như Nhật Bản.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy các công ty Nhật Bản sản xuất khoảng 3,8 triệu ôtô hằng năm tại Mỹ, nhiều hơn gấp đôi so với số ôtô được xuất sang Mỹ từ Nhật Bản. Do vậy, phát biểu trong một cuộc họp báo kết thúc phiên họp quốc hội Nhật Bản hồi tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Abe khẳng định việc nhập khẩu ôtô và linh kiện ôtô của Nhật Bản chưa và sẽ không bao giờ gây thiệt hại nền an ninh quốc gia Mỹ.
Diễn biến đó càng cho thấy, cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến trong khoảng ngày 25/9, bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp quốc sẽ là đề tài hóc búa cho cả hai.
Nếu không đạt được các thỏa thuận trên bàn đàm phán thì với những quyết đoán của mình, có lẽ ông Trump cũng chẳng e ngại gì mà không khởi động “cuộc chiến thương mại” với Tokyo để cân bằng cán cân thương mại.
.