Thông tin đối ngoại trên báo chí phải đúng quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đối ngoại, không làm ảnh hưởng đến vị thế, hình ảnh Việt Nam ra thế giới; phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc, không gây phương hại đến quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các nước.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Thông tư quy định việc đăng, phát nội dung thông tin đối ngoại trên báo chí.
Dự thảo nêu rõ nội dung thông tin đối ngoại trên báo chí gồm: Thông tin chính thức về Việt Nam; thông tin quảng bá hình ảnh Việt Nam trên mọi lĩnh vực; thông tin về hội nhập quốc tế; thông tin về chủ quyền biển, đảo, lãnh thổ, biên giới quốc gia; thông tin về tình hình nhân quyền; thông tin về công tác bảo hộ công dân; thông tin về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; thông tin về tình hình quốc tế ; thông tin giải thích, làm rõ, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về Việt Nam trên các lĩnh vực…
Cơ quan báo chí khi thông tin về nội dung thông tin đối ngoại phải đảm bảo các yêu cầu: Chủ động thông tin; kịp thời, chính xác, có kiểm chứng.
Đối với thông tin chính thức về Việt Nam: Nguồn tin phải do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cung cấp theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Đối với các thông tin về chủ quyền biển, đảo, lãnh thổ, biên giới quốc gia: Phải thể hiện đầy đủ chủ quyền quốc gia khi đăng, phát bản đồ Việt Nam; sử dụng chính xác tên gọi bằng Tiếng Việt các địa danh trên đất liền, tên các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số thực thể khác của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo quy định của pháp luật. Thông tin về chủ quyền biển, đảo, lãnh thổ, biên giới quốc gia phải đảm bảo phù hợp với cơ sở pháp lý - lịch sử, pháp luật Việt Nam, Công ước luật Biển 1982 và luật pháp quốc tế.
Đối với các thông tin về tình hình nhân quyền: Đảm bảo mức độ thường xuyên, chuyên sâu; đảm bảo người dân ở các vùng miền, nhất là vùng sâu, vùng xa tiếp nhận được thông tin về quyền con người nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Đối với thông tin giải thích, làm rõ, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về Việt Nam trên các lĩnh vực, cơ quan báo chí căn cứ vào các đối tượng cụ thể để thông tin phù hợp, hiệu quả. Trường hợp đối tượng hiểu chưa đúng về Việt Nam do thiếu thông tin, do không nắm được sự thật, cần cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời; đối tượng thiếu thiện chí do khác biệt về quan điểm chính trị, cần đối thoại, tranh luận, đấu tranh với các quan điểm bất đồng; đối tượng cố ý xuyên tạc, bôi nhọ và chống phá Việt Nam cần đấu tranh, phản bác lại những quan điểm sai trái, thù địch nhằm ổn định chính trị và phát triển đất nước.
.