Cuộc đua trở thành chủ nhân Nhà Trắng giữa Donald Trump và cựu bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton đã đi vào giai đoạn cuối cùng khi quá trình bỏ phiếu được bắt đầu vào sáng sớm ngày hôm nay 8-11.
Theo dự đoán, vào khoảng 5h sáng 8-11, những kết quả đầu tiên sẽ được công bố ở thị trấn Dixville Notch, bang New Hampshire do truyền thống đi bỏ phiếu lúc nửa đêm của người dân nơi đây. Tính đến khoảng 11h trưa nay thì tất cả các điểm bỏ phiếu chính đã được mở cửa.
Ông Trump và bà Hillary bắt tay trước cuộc tranh luận đầu tiên (nguồn: Google). |
Đến lúc này, cuộc bầu cử mới được coi là chính thức khai mạc. Hai ứng cử viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa sẽ theo dõi sát sao số phiếu ủng hộ mình đến tận 0h ngày 8-11.
Theo ước tính sơ bộ, sau 4h sáng ngày mai 9-11, kết quả sẽ được công bố bất cứ lúc nào kèm theo bài phát biểu của ứng viên giành được tối thiểu 270 phiếu cử tri.Chỉ chưa đầy 48 tiếng nữa cả nước Mỹ sẽ đón chào chủ nhân mới của Phòng Bầu Dục,vậy liệu bà Hillary Clintoncó trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ hay ông Donald Trump sẽ trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên có xuất thân là một tỷ phú/doanh nhân?
Trái ngược với quá trình tranh cử căng thẳng và các cuộc tranh luận mặt đối mặt đầy “mùi thuốc súng”, vào những ngày cuối cùng của chặng đường đến với chức vị Tổng thống, cả hai ứng cử viên đều chọn chung một chiến lược đó là tích cực đi vận động cử tri ở các bang quan trọng trên nước Mỹ như Michigan, Ohio, Pennsylvania, Florida,…Điều này là hoàn toàn dễ hiểu vì đối với cả bà Hillary và ông Trump thì việc có được sử ủng hộ của những bang này đồng nghĩa với việc gần chiến thắng thêm một bước.
Tổng thống Obama đi vận động cho bà Hillary Clinton (Nguồn: Google). |
Điều đặc biệt là đây đều là các bang “chiến địa”(bang chưa quyết định ủng hộ Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ) và chiếm một lượng lớn cử tri. Nhất là bang Florida – bang quan trọng nhất với 29 phiếu đại cử tri và được các nhà chuyên gia đến từ hai Đảng nhận định là bang mà Donald Trump bắt buộc phải thắng nếu ông muốn bước chân vào Nhà Trắng. Trong khi bà Hillary Clinton đang “ăn mừng” nhận được thông báo không lật lại điều tra bê bối email từ FBI thì tình huống có vẻ khá bất lợi cho vị tỷ phú người Mỹ. Hồi cuối tuần vừa qua tờ Wall Street Journal đưa ra bài phân tích về khả năng chiến thắng của hai ứng cử viên và áp lực đang đè nặng lên vai Trump.
Theo tác giả bài viết, vị tỷ phú người Mỹ này phải giành được chiến thắng ở hầu hết các bang “chiến địa” và tối thiểu là một bang ủng hộ Đảng Dân chủ. Trong khi đó, tình hình có vẻ “dễ thở” hơn với bà Hillary khi bà chỉ cần giành thắng lợi ở một đến hai bang có tỷ lệ cạnh tranh ác liệt nhất.
Vào ngày chủ nhật 6-11 vừa rồi, ông Trump đã có một cuộc “chạy nước rút” qua bốn bang Colorado, Iowa, Minnesota, và Michigan trước khi đến Virginia vào lúc nửa đêm. Được biết Minnesota và Virginia là hai bang có tỷ lệ ủng hộ bà Hillary khá cao và ông Trump gần như không có cơ hội thắng. Tuy nhiên trong bài phát biểu của mình, vị tỷ phú này lại tự tin khẳng định: “Ngày 8-11 tới đây, chúng ta sẽ giành chiến thắng ở Virginia, và tiếp theo sẽ giành lại Nhà Trắng”.
Donald Trump nói chuyện với cử tri Virginia lúc gần 1g sáng ngày 7-11 (giờ Mỹ) - Ảnh: AP. |
Ngày 7-11 ứng cử viên Đảng Cộng hòa này tiếp tục đi đến 4 bang khác nhau để kêu gọi những lá phiếu từ cử tri. Nội dung các bài diễn thuyết của Donald Trump không nằm ngoài việc tuyên bố sẽ làm cho nước Mỹ mạnh mẽ hơn giống như khẩu hiệu của ông #makeamericangreatagain (tạm dịch: làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại), Vị tỷ phú 70 tuổi này vẫn không quên chĩa mũi nhọn vào đối thủ của mình khi liên tục khẳng định nếu bà Clinton lên làm Tổng thống thì đó sẽ là “thảm kịch ngay từ ngày đầu tiên”.
Không kém cạnh gì Trump, bà Hillary cũng lên kế hoạch đi vận động ở nhiều bang khác nhau và mời đến nhiều ca sĩ nổi tiếng thế giới như Jennifer Lopez, Beyoncé, Jay Z, Katy Perry biểu diễn miễn phí nhằm thu hút được nhiều cử tri hơn. Theo AFP, bà còn lên kế hoạch đến North Carolina vào tối khuya ngày 7-11, tức là chỉ vài giờ trước khi các điểm bỏ phiếu chính thức mở cửa.
Nội dung chủ yếu của các cuộc vận động cử tri vẫn xoay quanh vấn đề kinh tế và các chính sách đối nội, nhưng quan điểm của bà Hillary và ông Trump thì lúc nào cũng trong trạng thái “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. Trong những buổi vận động gần đây, vị cựu ngoại trưởng tỏ ra rất phấn khởi với những thông tin tích cực được nêu ra trong các báo cáo thống kê mới nhất về tình hình việc làm tại Mỹ. Nội dung các bản báo cáo này cho thấy mức lương của người lao động Mỹ đã được cải thiện và đã có khoảng 161.000 việc làm mới được tạo ratrong tháng 10 vừa qua. Hơn nữa, tỉ lệ thất nghiệp cũng giảm từ 5% xuống còn 4.9%.
Theo bà Clinton, đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế của nước Mỹ đang dần phục hồi. “Tôi tin là nền kinh tế của chúng ta chắc chắn sẽ cất cánh và thinh vượng. Khi tầng lớp trung lưu thịnh vượng, nước Mỹ sẽ thịnh vượng” – bà phát biểu.
Donald Trump, trong buổi diễn thuyết của mình tại New Hampshire sau đó, đã thẳng thừng bác bỏ ý kiến của bà Hillary. Ông cho rằng bản báo cáo “thực sự là một thảm họa” và cáo buộc: “Chẳng ai còn tin vào những con số này nữa. Những con số họ nêu ra đều là giả mạo”. Theo phân tích thì thực trạng kinh tế hiện nay và những quan điểm trái ngược về tương lai nước Mỹ của hai ứng cử viên Tổng thống sẽ gây tác động đáng kể lên các cử tri vẫn còn phân vân tại các bang “chiến địa”.
Theo thăm dò cập nhật sáng 6-11 giờ Mỹ (tối 6-11 giờ Việt Nam) của trang RealClearPolitics, Hillary Clinton đang dẫn trước với tỉ lệ 47,4% so với 46,2% của Donald Trump. Có thể thấy được không khi gắt gao của cuộc so tài giữa hai ứng cử viên này. Nhiều luồng ý kiến trái chiều cũng được đưa ra dựa trên các kết quả thăm dò.
Các chuyên gia phân tích rằng, người dân nước Mỹ chủ yếu chỉ quan tâm đến các chính sách đối nội. Điều họ quan tâm nhất không phải là ai sẽ trở thành Tổng thống mà ai sẽ là người có năng lực cải thiện cuộc sống của họ và có thể đưa nước Mỹ trở về “thời kì hoàng kim”.
Những người ủng hộ Đảng Dân chủ thì cho rằng hình ảnh cá nhân, các phát ngôn gây shock và tính khí nóng nảy của ông Trump không phù hợp với một vị Tổng thống. Vì thế họ chọn bà Hillary, người có năng lực và kinh nghiệm, sự điềm tĩnh cần thiết để trở thành người lãnh đạo tối cao. Ông Fardi Ahmed - tài xế taxi gốc Bangladesh, đã sống ở Mỹ hơn 30 nămnói: “Tôi sẽ chọn bà Clinton vì bà ấy có kinh nghiệm. Bà ấy biết cách làm bạn với những quốc gia khác và giúp đỡ họ”. Nhiều người nổi tiếng như vợ chồng cựu Tổng thống Barack Obama, ca sĩ Lady Gaga đã lên tiếng ủng hộ bà Clinton trên mạng xã hội bằng cách post lên khẩu hiệu #imwithher (tạm dịch: Tôi cùng bà ấy/ý chỉ Hillary).
Về phần những người ủng hộ ông Trump thì cho rằng với tư cách là một doanh nhân, vị ứng cử viên này đem lại “luồng gió mới” cho nước Mỹ. Bà Michelle, một người gốc Canada, cầm trên tay tấm biển “Women for Trump” (Phụ nữ ủng hộ Trump), có cách nhìn khá thực dụng: “Tôi nghĩ nước Mỹ cần một doanh nhân hơn là chính trị gia. Một quốc gia giống như một doanh nghiệp vậy và do đó chúng tôi cần một lãnh đạo điều hành đất nước như điều hành doanh nghiệp. Trump chỉ muốn làm điều gì tốt cho đất nước.Ông ấy là một tỉ phú và đã 70 tuổi nên ông ấy không cần bỏ túi riêng”.
Theo các chuyên gia, Đảng Dân chủ sẽ bắt đầu cuộc bầu cử với ưu thế vượt trội hơn trong công cuộc tìm kiếm 270 phiếu đại cử tri cần thiết để đắc cử. Xét theo lịch sử bầu cử nước Mỹ từ năm 2000 đến nay, Đảng này đều giành chiến thắng tại các bang có tổng số phiếu là 242 phiếu. So với “khởi điểm” là 190 phiếu của Đảng Cộng hòa thì chúng ta có thể thấy rõ ràng sự cách biệt to lớn giữa hai Đảng.
Giả thuyết đặt ra hiện nay là nếu ông Trump có giành được thêm chiến thắng tại các bang “chiến địa” mà kết quả cho thấy ông đang vượt lên trước như Florida, Ohio, North Carolina, Iowa, Nevada và New Hampshire thì cũng chỉ dẫn đến kết quả hòa với bà Hillary. Như đã phân tích ở trên, ứng ửu viên Đảng Cộng hòa Donald Trump chỉ có thể lật ngược tình thế khi có được sử ủng hộ từ một bang theo phe Đảng Dân chủ. Đây có thể nói là một nan đề lớn với Donald Trump nhưng vị tỷ phú người Mỹ này lại luôn tin tưởng 100% vào phần thắng của mình.
Năm nay là năm đầu tiên trong lịch sử bầu cử Mỹ hai ứng viên cùng đón chờ kết quả ở cùng một thành phố. Được biết cả bà Hillary và ông Trump đã đặt tiệc ăn mừng chiến thắng tại hai địa điểm chỉ cách nhau vài con phố ở New York. Cựu Đệ nhất phu nhân Clinton đã chọn khách sạn New York Hilton Midtown, khách sạn chuyên đón tiếp các đời Tổng thống khác nhau của nước Mỹ làm nơi tổ chức tiệc cho mình còn vị tỷ phú Donald Trump thì chọn cho mình tòa nhà Trump Tower làm nơi ăn mừng. Điều duy nhất họ có thể làm lúc này là chờ đợi kết quả và cầu mong cho những chiến dịch vận động của mình phát huy được như mong muốn.