Xem xét điều chỉnh giảm lãi suất; thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu; tăng cường phòng, chống, khống chế các dịch bệnh; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng vào cơ quan hành chính nhà nước; tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần 29/2-7/3/2014.
Xem xét giảm lãi suất, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2014, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp theo Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Công điện số 179/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét khả năng điều chỉnh giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và lạm phát; phối hợp, nghiên cứu trình Chính phủ phương án hạ lãi suất và nâng mức cho vay đối với các hộ nghèo và cận nghèo.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương dự báo và triển khai biện pháp khơi thông các thị trường để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, nhất là lúa gạo, cá tra, rau quả; tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống, khống chế dịch cúm gia cầm.
Đồng thời, Bộ Công Thương thực hiện chính sách khuyến khích, động viên, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất; triển khai các hoạt động thị trường để kích cầu thị trường nội địa, tuyên truyền sử dụng sản phẩm hàng hóa Việt Nam; xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu...
Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo đó, Chính phủ giao các bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty các doanh nghiệp Nhà nước quán triệt và làm tốt công tác tư tưởng theo các nghị quyết, kết luận của Đảng về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.
Bên cạnh đó, căn cứ Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý xây dựng kế hoạch, tiến độ cổ phần hóa (bao gồm cả mốc thời gian cho từng bước công việc) trình cơ quan quyết định cổ phần hóa phê duyệt để thực hiện; xây dựng kế hoạch, tiến độ thoái vốn đã đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính (trừ những trường hợp đặc biệt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện.
Kiên quyết thay thế lãnh đạo DN thực hiện cổ phần hóa DNNN không có kết quả
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi phụ trách. Kiên quyết thay thế, điều chuyển lãnh đạo doanh nghiệp chần chừ, không nghiêm túc thực hiện, thực hiện không có kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và nhiệm vụ chủ sở hữu giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng vào cơ quan hành chính nhà nước
Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.
Theo đó, các cơ quan hành chính nhà nước phải xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng: gồm: Bộ, cơ quan ngang Bộ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (Bộ, ngành); UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
Thủ tướng Chính phủ cũng khuyến khích các cơ quan, đơn vị sau xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng: Cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài; Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam; UBND xã, phường, thị trấn; đơn vị sự nghiệp công lập.
Đồng thời Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng đối với các hoạt động liên quan đến thực hiện thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân.
Thực hiện các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng
Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo UBND các cấp và các cơ quan chức năng tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy, quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác ở những khu vực trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng cao.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, kiểm tra các địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn; kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng liên ngành (Công an, Quân đội) rà soát quy chế phối hợp, tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng lớn có thể xảy ra.
Quản lý cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam
Chính phủ ban hành Nghị định quản lý cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam. Đối tượng áp dụng tại Nghị định này gồm: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công Thương; Lao động - Thương binh và Xã hội; các cá nhân và tổ chức khác cung cấp thông tin phục vụ việc lập, phân tích và dự báo cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam.
Theo Nghị định, nguyên tắc lập cán cân thanh toán phải phù hợp với thông lệ quốc tế về thống kê cán cân thanh toán và điều kiện thực tiễn của Việt Nam; đơn vị tiền tệ lập cán cân thanh toán là đồng đôla Mỹ (USD).
Xử lý nghiêm hành vi vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp
Khi phát hiện hành vi vi phạm về hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, đơn vị quản lý phải yêu cầu dừng ngay các hành vi vi phạm. Đây là trách nhiệm của đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp được quy định tại Nghị định Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo quy định tại Nghị định, đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp có trách nhiệm kiểm tra thường xuyên hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trong phạm vi quản lý của mình. Khi phát hiện hành vi vi phạm, phải yêu cầu đối tượng vi phạm dừng ngay các hành vi vi phạm, báo cáo và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương lập biên bản xử lý các hành vi vi phạm đó.
Đơn vị quản lý vận hành cũng phải kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng lưới điện đúng thời hạn quy định; không vận hành quá tải đối với đường dây phía trên nhà ở, công trình xây dựng.
Người quản lý vận hành, sửa chữa lưới điện phải thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện…
Tái cơ cấu thị trường vận tải
Đến năm 2020 tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải bằng đường sắt và đường thủy nội địa. Đây là một trong những mục tiêu cụ thể của Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, giảm chi phí vận tải, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách và tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, đưa Việt Nam từng bước trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa và hành khách của khu vực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Không để tội phạm lộng hành
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chương trình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Chương trình đặt ra mục đích, yêu cầu là thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, yêu cầu đề ra trong Nghị quyết số 63/2013/QH13 về tăng cường các biện pháp phòng, chống tội phạm, tập trung nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm về tham nhũng; làm giảm các loại tội phạm đang gia tăng (như: Giết người do mâu thuẫn cá nhân, nhất thời, tội phạm ma túy, tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản, sử dụng công nghệ cao, trốn thuế, cho vay lãi nặng…); làm giảm số đối tượng bị truy nã còn ở ngoài xã hội.
Chương trình phấn đấu kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội, tham nhũng, không để xảy ra tình trạng tội phạm lộng hành, các trường hợp bao che tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”.
Tăng mức tín dụng cho công trình nước sạch ở nông thôn
Các hộ gia đình ở nông thôn có nhu cầu xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường có thể vay tới 6 triệu đồng/hộ, cho mỗi loại công trình tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Đây là một trong những điểm mới tại Quyết định số 18/2014/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Xử lý nghiêm ô tô khách chở quá số người quy định
Tại Thông báo số 92/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Sở Giao thông vận tải các địa phương tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô, kiểm tra chặt chẽ phương tiện và người lái về các điều kiện an toàn trước khi xuất bến; kiểm tra và xử lý nghiêm tình trạng ô tô khách chở quá số người, tăng giá vé quá quy định.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động xuất khẩu gạo
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa giao Bộ Công Thương, Bộ Tài chính chỉ đạo các địa phương, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động xuất khẩu gạo không để xảy ra bất thường ảnh hưởng xấu đến tình hình xuất khẩu gạo, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định.
Kiểm tra, làm rõ nguyên nhân nứt ở trụ cầu Vĩnh Tuy
Liên quan đến sự xuất hiện vết nứt trụ cầu Vĩnh Tuy, TP Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, UBND TP Hà Nội kiểm tra, làm rõ và xử lý theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
.