Theo thống kê sơ bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng… năm 2020 sẽ là 500.000, tăng khoảng 10% so năm 2019. Dù vậy, cuộc đua để giành một chỉ tiêu vẫn không đơn giản với hầu hết học sinh lớp 12, khi trước mắt phải vượt qua kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT).
Nói thi tốt nghiệp THPT là nói theo luật, chứ nếu không có việc điểm ấy sẽ liên quan đến một cánh cửa rộng hơn (là các trường đại học) thì đấy chỉ là một kỳ sát hạch, test quá trình học phổ thông của một học sinh. Học xong thì phải test xem “đủ lông đủ cánh” chưa, đã phổ cập được kiến thức văn hóa căn bản chưa.
Mà nếu dừng ở đấy thì có khi chỉ cần các môn học đều cán mức điểm trung bình là xong.
Nhưng thời nào thì chuyện thi tốt nghiệp THPT cũng liên quan đến thi đại học. Không tốt nghiệp THPT thì khó mà nghĩ đến cổng trường đại học. Nhưng thời trước, khi chưa có chuyện kỳ thi “2 trong 1” như bây giờ thì chuyện thi tốt nghiệp THPT không quá “nóng”. Bởi lúc ấy có đạt điểm cao đến mấy cũng không đồng nghĩa với việc sẽ đương nhiên nắm cơ hội để lọt vào những trường top trên, các trường được nhà nước bao cấp, đặc biệt là các trường mà học ra chắc chắn có việc làm, chưa kể lương cao cho đến tận cả khi đã về hưu.
Lứa học sinh tốt nghiệp THPT những năm đầu sau giải phóng, ai không “hợp duyên” với chữ nghĩa thì ở nhà làm ruộng, đi công nhân, nhiều người chỉ cần theo các khóa sư phạm 9+3, 12+2, rồi trung cấp nghề các kiểu… Rốt cuộc ai cũng có việc làm, vẫn lắm người thành đạt.
Cái thời tạm gọi là việc tốt nghiệp THPT chẳng mấy áp lực ấy có việc chạy điểm không? Có. Nhưng là do cha mẹ lo lắng quá, sợ con không tốt nghiệp được nên khi con đi thi thì phải nhờ nội gián (có khi chính là lực lượng giám thị và giám sát, thậm chí là người do Ban giám hiệu nhà trường cử ra) để tuồn đề ra ngoài cho lực lượng giải đề, rồi chấp nhận núp bờ núp bụi để ném “phao”. Ném không được thì nhờ lực lượng coi thi giúp; bạn bè trong lớp trong trường thương nhau, biết đứa nào yếu môn gì để tuồn bài thi cho nhau chép. Gặp giám thị coi thi gắt quá, bắt được thì bí quá bỏ tài liệu vào mồm nhai nuốt là hết bằng chứng.
Càng ở nông thôn thì những chuyện như thế càng phổ biến. Thì thầy cô cũng phải lo cho thành tích của trường, rồi bạn bè chăn trâu cắt cỏ chẳng lẽ không giúp? Nhiều người chép miệng, rằng “nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò”. Đấy là cách ngụy biện vô tình nuôi dưỡng thói dối trá.
Những chuyện như thế sau này được định danh là “tiêu cực trong thi cử”.
Bây giờ đời mới, hiện đại và rất hiện đại, thì chuyện tiêu cực cũng... hiện đại hơn rất nhiều. Cứ nhìn vào những nỗi lo của ngành giáo dục thì biết. Năm nào cũng vậy, trước kỳ thi là ngành giáo dục, từ cấp bộ cho tới các trường, các hội đồng thi, cũng vất vả với chuyện tuyên truyền, rồi cả “dọa dẫm” sẽ xử nghiêm học sinh vi phạm kỷ luật phòng thi, mà nặng nhất là chuyện sử dụng tài liệu, sử dụng các thiết bị “phao” hiện đại… Nhưng rồi năm học nào cũng có học sinh vi phạm. Con số không tính vài trường hợp. Khi đã có thiết bị công nghệ càng hiện đại thì chuyện mang tài liệu bó trong bụng, trong bắp chân, trong áo ngực… “xưa rồi Diễm”. Ngành An ninh cứ phải hỗ trợ ngành giáo dục mãi trong chuyện nghiên cứu để tìm phương án ngăn chặn học sinh sử dụng thiết bị điện tử trong việc thi cử.
Nhưng khó hơn cả những chuyện như thế, ấy là người ta vẫn gian dối đấy nhưng không cần phải ở phòng thi, trong khi thi. Báo chí muốn thì cứ “soi”, ai tò mò thì cứ tới tận trường thi mà giám sát. Bởi sau đó người ta sẽ vào tận chốn lẽ ra là bảo mật nhất, nghiêm cẩn nhất (ấy là cái phòng đựng bài thi) để ung dung sửa điểm (thực chất là nâng điểm).
Sửa điểm không phải để đơn thuần vượt qua kỳ “sát hạch” trình độ THPT mà còn để ung dung vào cổng trường đại học nào ngon nhất, thậm chí phải như một thủ khoa, á khoa để còn hướng tới chuyện học bổng, đi nước ngoài, tiếng tăm lừng lẫy… Cho nên, có chuyện hài hước là có cả học sinh dù học rất giỏi (như bố mẹ chúng tuyên bố), rồi bố mẹ cũng cam đoan là không hề xin xỏ, nhưng bị nâng điểm “oan” (?).
Đấy không phải là bịa ra nói cho vui, mà là chuyện thật xảy ra ở một loạt tỉnh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm rồi. Tất nhiên, liều đến thế thì không phải đơn thuần chỉ là giúp nhau “vượt vũ môn” mà là làm ăn hẳn hoi, có đường dây, có tổ chức, tiền bạc sòng phẳng, mà tiền rất “khủng”. Cho nên, có vị lãnh đạo phòng khảo thí của một tỉnh, khi tòa tuyên án tù vì vi phạm qui chế thi vẫn vẫy tay cười “ngạo nghễ”. Cái cười khiến người tử tế phải đắng lòng.
Chuyện “sạch” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hóa ra vẫn là bài toán khó giải đối với ngành giáo dục nước nhà.
Kỳ thi năm nay, vẫn với cách thức “địa phương hóa" trong việc trao quyền toàn diện cho các địa phương tổ chức thì xem ra vẫn tiềm ẩn những hệ lụy tai hại.
Nói thế là bởi khi kỳ thi được tổ chức biệt lập trong từng tỉnh, thành thì đấy luôn là mảnh đất màu mỡ cho "bệnh thành tích" tác oai tác quái, dẫn đến những kết quả đẹp nhưng giả, với "100% thí sinh tốt nghiệp"; rồi cũng sẽ rất khó để ngăn chặn các hành vi gian lận trong coi thi và chấm thi.
Nhưng lo lắng mà nói thế, chứ với những “nỗi đau thi cử” mà một số địa phương vừa phải trả giá, hy vọng ngành giáo dục và các địa phương lần này sẽ có những chiến lược đặc biệt để ứng phó.
Đặc biệt, chúng ta có niềm tin vào một kỳ thi nghiêm túc, minh bạch, công bằng khi Chính phủ đã có những chỉ đạo rất sớm, rốt ráo, cụ thể. Ngành Giáo dục cũng đã tất bật cả mấy tháng qua cho những sự chuẩn bị. Có những địa phương như Hà Nội còn công bố có cả lực lượng Thanh tra Chính phủ tham gia giám sát.
Đã là chiến lược đặc biệt thì phải bí mật mới tạo ra những bất ngờ, và thế thì có khi lại hiệu nghiệm.
.