(Congannghean.vn)-Sau chuyến đi công tác tại địa bàn rừng núi thuộc huyện Tương Dương vào tháng 4/2019, Thượng úy Lê Xuân Bắc, một “tay quay phim” cừ khôi thuộc Đội Tuyên truyền, Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị Công an Nghệ An vẫn không thể quên những giây phút hiểm nguy trong chuyến đi ấy. Đây là một trong số những chuyến đi khá đặc biệt. Ròng rã 2 ngày đêm, đồng chí Bắc cùng các cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát ĐTTP về Ma túy băng rừng, lội suối để theo dõi di biến động của tội phạm.
“Trước khi vào ngành, tôi là phóng viên quay phim của một đài truyền hình lớn. Lên rừng xuống biển, thậm chí quay hình các đối tượng phạm tội… tôi đều đã thực hiện. Nhưng để được trực tiếp tham gia phá án, ghi lại những thước phim từ quá trình lên kế hoạch của Ban chuyên án cho đến quá trình vây ráp, bắt giữ các đối tượng ma túy đặc biệt nguy hiểm, có trang bị vũ khí “nóng” như thế này… tôi không nghĩ là làm được điều đó”, Thượng úy Lê Xuân Bắc chia sẻ.
Năm 2005, Công an tỉnh Nghệ An lên kế hoạch truy bắt đối tượng Lô Văn Tuấn (SN 1953) trú tại bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, là tên “trùm” ma túy trên đất Nghệ An và là “thủ lĩnh” của các “trùm” ma tuý dọc Quốc lộ 7A. Lúc bấy giờ, Thiếu úy Hà Nguyên Bình Minh, phóng viên Báo Công an Nghệ An được cử đi cùng Ban chuyên án. Đêm trên đỉnh Pù Canh, các chiến sỹ đã nếm đủ mùi của cái lạnh, gió, của muỗi rừng và cả sự nguy hiểm luôn rình rập... Đó là một trải nghiệm đặc biệt mà anh không bao giờ quên trong cuộc đời làm báo của mình.
“Khi cuộc hành trình vây bắt tên tội phạm truy nã đặc biệt nguy hiểm Lô Văn Tuấn bắt đầu thì trời mưa càng lúc càng nặng hạt khiến lối mòn lên núi trơn như đổ mỡ.. Những chiếc giày bata đã bất lực, một số chiến sỹ vừa leo lên được vài bước thì bị trượt chân lùi mất vài mét. Riêng tôi, là phóng viên lần đầu tác nghiệp được tham gia cùng lực lượng truy bắt tội phạm nên không “đề phòng”, chỉ mang theo đôi dép lê, còn lại là bao thứ máy móc lỉnh kỉnh. Đến nửa đường, tôi không còn phân biệt được sản phẩm đôi chân mình lồng vào làm bằng da hay bằng bùn đất. Và nhớ nhất thời điểm khi đã vây bắt tên tội phạm, dưới ánh đèn của máy quay, một quả lựu đạn mỏ vịt chưa kịp rút chốt nằm chềnh ềnh ngay giữa lối đi, cách chỗ chúng tôi vài bước chân. Bùn lầy đã gần như phủ kín nó, chỉ còn lộ ra bộ chốt. Nhìn trinh sát Cường nhẹ nhàng nhặt quả lựu đạn rồi cất vào túi một cách thận trọng, giây phút đó tim tôi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực”, Nhà báo Hà Nguyên Bình Minh dí dỏm kể lại chuyến tác nghiệp đầu tiên trên đại ngàn hoang vu.
Đại úy Nguyễn Thiên Thảo, người đã có thời gian hơn 10 năm gắn bó và trưởng thành ở Báo Công an Nghệ An thì cho rằng, bản thân anh mang trên mình sắc phục của lực lượng CAND, dùng ngòi bút để chiến đấu trên mặt trận văn hóa tư tưởng, đã dấn thân ở nhiều lĩnh vực, khía cạnh và "sờ" đến tận mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Thế nhưng, điều đọng lại, ám ảnh và ấn tượng nhất, cũng là mảng đề tài đã theo anh suốt chặng đường dài của nghề báo vừa qua, là những thân phận người tù phía sau song sắt.
Phóng viên Thiên Thảo (giữa) cùng các chiến sỹ Trường Sa |
Lợi thế của báo ngành, trong hơn 10 năm qua, Đại úy Thảo đã có dịp tiếp xúc với hàng trăm bị can, phạm nhân bị kết án tù. Tiếp xúc, khơi gợi, sẻ chia để rồi qua câu chuyện của những phận người này, anh đã nhận ra ẩn sau những thân phận tử tội cũng giấu nhiều góc khuất, nỗi lòng và cả trái tim thiện lương. Đó là câu chuyện của Nguyễn Thị Hoài Thu, bị kết án tử vì vướng vào ma túy. Từ trong phòng biệt giam, cựu cô giáo này vẫn theo dõi tin tức và khi gặp những hoàn cảnh bi đát, cô đã gom góp tiền hằng tháng để ủng hộ những mảnh đời khó khăn ngoài xã hội; hay như chuyện của tử tù Nguyễn Khắc Long, mang tội sát hại vợ ở bến đò Cây Chanh (Anh Sơn), đau đáu về đứa con gái côi cút đã viết những bức tâm thư xin lỗi xé lòng...
Theo Đại úy Nguyễn Thiên Thảo, tử tù nói riêng và những thân phận người tù, mỗi người có một hoàn cảnh, số phận khác nhau nhưng điểm chung là khoác lên mình bộ quần áo sọc dọc, họ đã để lại ngoài xã hội sự phiền lụy dấm dẳng cho gia đình, người thân. Nỗi đau và vết nhơ ấy, có khi đi suốt cả cuộc đời. Chính vì vậy, thông điệp qua những trang viết mà Đại úy Thảo muốn gửi gắm khi viết về thân phận tù tội là xã hội hãy có cái nhìn độ lượng, nhân văn và con người hơn đối với những người lầm lỡ và thân nhân của họ. Bởi suy cho cùng, đời sống này không có cái gì là tuyệt đối, nhân vô thập toàn, có những người sa vào lầm lỗi là do hoàn cảnh, do một giây phút không làm chủ được bản thân chứ không hẳn là do bản chất. Do đó, nhìn cuộc đời bằng sự chia sẻ, cảm thông cũng là cách để làm cho cuộc sống này nhẹ nhàng và an yên hơn.
Nghề báo đòi hỏi đam mê, nhiệt huyết và cả sự dấn thân, hy sinh. Bởi vậy, đàn ông làm báo vất vả một thì phụ nữ làm báo còn vất vả hơn nhiều lần. Họ phải lo toan công việc gia đình, chăm sóc con cái… Vậy nhưng họ sẵn sàng vác ba lô lên đường công tác vùng sâu, vùng xa bất cứ lúc nào, hay xông pha tác nghiệp ở hiện trường.
Trung tá Nguyễn Thị Hương Giang, Phó Trưởng phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị Công an Nghệ An khi được hỏi về những kỷ niệm đi tác nghiệp, chị lại tủm tỉm cười, bởi không nghĩ rằng ngày xưa bản thân “gan lì” đến vậy. Những lần cùng các trinh sát ma túy vào rừng quay hình đánh bắt tội phạm; lọ mọ thâu đêm cùng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động để ghi hình; hoặc có lần tóc gáy bỗng dựng lên, bủn rủn chân tay khi đột ngột đập vào mắt mình là một người đàn ông bị đâm chết khi đi tác nghiệp cùng chiến sỹ Phòng Kỹ thuật Hinh sự khám nghiệm tử thi… Những chuyến đi cả tuần tại địa bàn biên giới, thót tim khi ngồi sau xe máy trên đỉnh núi chênh vênh, cố ôm khư khư cái máy quay sợ nó rơi mà không nghĩ rằng mình sẽ… rơi.
“Nghề báo - đó là nghề vất vả, thường không ưu ái phụ nữ. Nhưng tôi hiểu, một khi phụ nữ đã quyết chọn nghề báo thì họ đã chứa đầy niềm đam mê, yêu nghề. Đó là động lực để họ sáng tạo miệt mài, không ngừng học hỏi, không ngại hiểm nguy và họ cố gắng sắp xếp, làm tốt công việc gia đình để đi vào guồng quay công việc. Chính vì vậy, tôi luôn hài lòng khi tôi được làm đúng công việc mà mình yêu thích, đam mê…”, Trung tá Nguyễn Thị Hương Giang chia sẻ.
Phóng viên Hương Giang và Minh Tâm (truyền hình An ninh Công an Nghệ An) trong một lần tác nghiệp |
Những vụ trọng án xảy ra ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, những cuộc vây ráp của các cán bộ, chiến sỹ nhằm bắt giữ các đối tượng nguy hiểm có trang bị vũ khí “nóng”; những lần lực lượng Công an căng mình cứu dân khỏi các trận lũ quét lịch sử hay những lần khám nghiệm tử thi… Tất cả những thước phim, hình ảnh chân thực, sinh động đó đều được họ chuyển tải tới công chúng kịp thời qua các phương tiện truyền thông đại chúng, giúp nhân dân hiểu hơn và chia sẻ với lực lượng Công an, từ đó rút ra được những bài học cảnh giác đối với hoạt động của các loại tội phạm. Họ luôn trong tư thế sẵn sàng. Có lệnh là lên đường, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Có lẽ chỉ có những ai đã từng lăn lộn với thực tế làm nghề mới hiểu được, để phản ánh được tình hình ANTT đến với bạn xem truyền hình, bạn nghe đài phát thanh và bạn đọc báo quả là một chặng đường đầy thử thách về ý chí của những người làm công tác báo chí, tuyên truyền trong lực lượng CAND. Nhận thức được như vậy nên họ luôn quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, sử dụng ngòi bút của mình, góp phần tích cực cùng đồng đội bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.
.