Thứ Tư, 05/06/2019, 10:45 [GMT+7]
Nghệ An thực hiện Nghị quyết 56 về giải tỏa vi phạm hành lang ATGT

'Có chắc rễ mới bền cây' (Bài 2)

>>Bài 1: Đưa Nghị quyết 56 vào cuộc sống

(Congannghean.vn)-Ngày 16/12/2016, trước yêu cầu bức thiết về tăng cường biện pháp giải tỏa vi phạm hành lang ATGT trên toàn địa bàn, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết 56, quy định chi tiết, cụ thể về biện pháp, đối tượng áp dụng và xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân thực hiện. Nhìn lại 2,5 năm triển khai Nghị quyết 56, Nghệ An đã có những chuyển biến căn bản và khá toàn diện ở nhiều huyện, thành, thị.
 
Bài 2: Mỗi địa phương là một bài học kinh nghiệm
 
Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng, cấu trúc địa hình các huyện, thành, thị không đồng nhất. Trong khi Nghị quyết 56 về giải tỏa hành lang ATGT là một Nghị quyết mới, khó và đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó người dân là nhân tố quyết định, quan trọng nhất. Trên thực tế, quá trình triển khai công tác giải tỏa vi phạm hành lang ATGT, cùng một nội dung nhưng mỗi địa phương sẽ có cách triển khai, áp dụng, linh hoạt riêng.
 
Thờ ơ, sẽ lại vi phạm
 
Nhằm tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh công tác giải tỏa hành lang ATGT, hàng năm, UBND tỉnh Nghệ An đều thành lập các Đoàn liên ngành kiểm tra tại các địa phương. Năm 2019, theo Quyết định 1299, UBND tỉnh thành lập 3 Đoàn liên ngành kiểm tra công tác giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, vỉa hè đô thị trên địa bàn tỉnh. Ngoài chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ trên, các Đoàn liên ngành sẽ đề xuất tham mưu UBND tỉnh chấn chỉnh, đôn đốc nhiệm vụ giải tỏa vi phạm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, vỉa hè đô thị và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan. Toàn bộ các địa phương trên địa bàn tỉnh đều được kiểm tra một cách toàn diện, từ công tác chỉ đạo đến việc triển khai thực hiện.
 
Tại các địa phương, làm việc với Đoàn liên ngành, lãnh đạo các xã, thị trấn thừa nhận vẫn còn tình trạng người dân vi phạm hành lang giao thông, bởi việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn như: Nhiều hộ dân có nhà cửa, công trình, vật kiến trúc nằm trong hành lang giao thông nhưng phần đất đó đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng; việc cấp kinh phí cho các địa phương triển khai giải tỏa vi phạm hành lang giao thông còn rất chậm… Nhưng đoàn liên ngành đã chỉ ra nhiều hạn chế để địa phương khắc phục chấn chỉnh, như tình trạng sử dụng vật di động để tái lấn chiếm hành lang ATGT vẫn còn tồn tại; nhiều địa phương chưa bám sát tinh thần Nghị quyết 56, chưa thực hiện đúng nội dung văn bản chỉ đạo của huyện; việc phối hợp với đơn vị quản lý giao thông trên tuyến chưa chặt chẽ; công tác chỉnh lý các biến động về đất, hiệu chỉnh hồ sơ quản lý đất đai khi có biến động chưa được thực hiện kịp thời... 
Tình trạng vi phạm, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè tại nhiều tuyến đường TP Vinh
Tình trạng vi phạm, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè tại nhiều tuyến đường TP Vinh
Tại huyện Quỳnh Lưu, dẫn chứng như thị trấn Cầu Giát và xã Quỳnh Văn, dù điều kiện tương đương nhau, song kết quả lại hoàn toàn trái ngược. Trong khi thị trấn Cầu Giát triển khai khá đồng bộ từ việc đầu tư xe tuyên truyền, xử lý vi phạm đến việc thành lập các tổ tự quản phụ trách chỉnh trang các tuyến đường; thì ngược lại, ở xã Quỳnh Văn, tình trạng vật liệu xây dựng, biển quảng cáo vẫn chiếm dụng Quốc lộ 1A. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, sau 3 lần kiểm tra, bộ mặt Cầu Giát đã thay đổi rõ rệt từ lộn xộn, nhếch nhác nay đã khang trang, nề nếp. Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Văn - ông Lê Văn Ba - đã thừa nhận những khó khăn khi triển khai việc giải tỏa vi phạm hành lang ATGT. Dù xã đã ra quân, tuyên truyền nhưng vẫn còn trên dưới 10 hộ dân chống đối, không hợp tác. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa ra kiểm điểm những hộ dân này, không thể để tồn tại mãi như vậy”, ông Ba cho biết. Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT), Trưởng đoàn liên ngành số 3 Nguyễn Quế Sự yêu cầu địa phương kịp thời chấn chỉnh, trong thời gian sớm nhất phải có báo cáo cụ thể cho huyện và tỉnh. Ngoài ra, tình trạng biển quảng cáo di động còn tồn tại khá phổ biến cho thấy nhiều địa phương còn nể nang, thiếu kiên quyết. Việc đưa kiểm điểm tại hộ dân cư cũng là giải pháp các xã khác có thể nghiên cứu để áp dụng.
 
Phải liên tục kiểm tra, giám sát
 
TP Vinh là trung tâm kinh tế - thương mại - xã hội của Nghệ An. Đây vốn là “điểm nóng” về công tác giải tỏa hành lang ATGT, được các cấp quan tâm, chỉ đạo. Hiện nay địa bàn TP Vinh có hơn 300 tuyến đường, với tổng chiều dài 305 km. Chỉ tính riêng về diện tích vỉa hè và lề đường ở các tuyến đường gần 3,5 triệu m2, trong đó 90% tuyến đường thuộc vùng nội thị đã có vỉa hè lát gạch, với diện tích trên dưới 2 triệu m2. Không chỉ là nơi mưu sinh của người dân thành Vinh, vỉa hè thành phố còn là địa điểm kinh doanh của người dân khắp các huyện trên địa bàn tỉnh. 
 
Được biết, trong năm 2017, TP Vinh cũng triển khai lắp đặt hàng trăm camera an ninh tại các tuyến phố lớn để giám sát, theo dõi các hành vi vi phạm đến an ninh, ATGT. Tuy nhiên, việc chấn chỉnh, “giành lại vỉa hè” của thành phố vẫn đang hết sức khiêm tốn. Quan sát tại các tuyến đường trên địa bàn thành phố, có thể thấy, tại nhiều phường, xã tình trạng tái lấn chiếm vẫn còn xảy ra khá phổ biến. Như tại phường Bến Thủy, dù cách UBND phường chưa đến 200 m nhưng lại hình thành khu vực chợ tự phát, nhiều tiểu thương công khai lấn chiếm toàn bộ vỉa hè để buôn bán. Tại tuyến đường Nguyễn Trung Ngạn  thuộc  khu vực chợ Quán Lau, phường Trường Thi cũng xảy ra tình trạng tương tự. 
Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc với Sở Giao thông Vận tải
Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc với Sở Giao thông Vận tải
Trong buổi kiểm tra mới đây nhất (tháng 5/2019), Đoàn liên ngành cũng đã chỉ ra nhưng tồn tại của TP Vinh. Tại địa bàn xã Hưng Lộc, đoàn ghi nhận nhiều điểm lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị, đặc biệt là những nơi có các hộ kinh doanh. Tại cuộc làm việc với UBND xã Hưng Lộc, Đoàn liên ngành đề nghị xã có giải pháp giải tỏa dứt điểm các điểm lấn chiếm tại ngã tư tuyến đường Trần Trùng Quang trước chợ Cọi. Đây là điểm nhức nhối về lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang ATGT trong thời gian dài nhưng chưa giải quyết dứt điểm. Còn tại phường Hưng Dũng, qua kiểm tra cho thấy còn khá nhiều điểm lấn chiếm cần xử lý, trong đó lưu ý các tuyến như Nguyễn Sỹ Sách, Tuệ Tĩnh, các ki-ốt trước chợ Hưng Dũng, ngã tư giao giữa đường Nguyễn Phong Sắc với đường Ngô Quyền và đường Tuệ Tĩnh… có nhiều hộ kinh doanh bày bán hàng tràn ra vỉa hè, hành lang, nhất là các hộ kinh doanh dịch vụ như rửa xe, buôn bán vật liệu xây dựng, gốm sứ… 
 
Để khắc phục tình trạng trên, ông Trần Ngọc Tú, Chủ tịch UBND TP Vinh cho biết: TP Vinh đã ban hành Kế hoạch giải tỏa hành lang ATGT cao điểm với nhiều quy định mới và nghiêm khắc hơn. Thành phố sẽ sử dụng dữ liệu do hệ thống camera công cộng để xử lý các vi phạm tái lấn chiếm. Tập trung xử lý các vi phạm như: Lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường để rửa xe, kinh doanh buôn bán; tập kết vật liệu xây dựng, hàng hóa trên vỉa hè, lòng đường không đúng quy định và đổ rác thải không đúng thời gian và nơi quy định...
 
Theo bà Thái Thị An Chung, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Pháp chế HĐND tỉnh, thực hiện Kế hoạch số 207/KH-HĐND ngày 17/10/2018, Đoàn khảo sát đã tiến hành khảo sát tại Sở GTVT, UBND huyện Nghi Lộc, Nam Đàn, Quế Phong, TX Thái Hòa. Theo đó, việc triển khai Nghị quyết 56 ở các địa phương nói trên còn mang tính chiến dịch chứ chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục theo yêu cầu của Nghị quyết. Một số biện pháp đã được quy định tại Nghị quyết số 56 nhưng triển khai thực hiện còn chậm, chưa đảm bảo theo tiến độ đề ra tại Kế hoạch số 136 như chỉnh lý các biến động về đất, hiệu chỉnh hồ sơ quản lý đất đai khi có biến động về đất trên địa bàn. Việc quản lý hành lang ATGT sau giải tỏa còn hạn chế nên tình trạng tái lấn chiếm diễn ra khá phổ biến. Công tác chỉnh trang đô thị như bố trí, sắp xếp các điểm dừng xe, các điểm bán hàng rong, quà vặt, các điểm ăn đêm, ăn sáng và bố trí lại hệ thống biển quảng cáo ngoài trời, các chợ, điểm kinh doanh... chưa đạt yêu cầu. Trong khi đó, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với đơn vị quản lý đường bộ có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, hiệu quả trong việc thống kê, rà soát, lập hồ sơ vi phạm, giải tỏa vi phạm và quản lý sau giải tỏa.
 
Theo ông Phan Đức Đồng, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, trong thời gian tới, Sở GTVT cần tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo đảm bảo trật tự ATGT và triển khai Nghị quyết số 56/NQ-HĐND có hiệu quả hơn. Nhấn mạnh ý thức chấp hành của người dân là yếu tố quyết định, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị Sở GTVT quan tâm đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, từ đó thay đổi hành vi của chủ phương tiện tham gia giao thông và nhân dân trong việc đảm bảo ATGT. Sở cũng cần tham mưu UBND tỉnh và phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp cảnh giới ở các điểm có nguy cơ mất ATGT; tăng cường thu hút đầu tư, tạo nguồn lực nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông…
 
Ông Nguyễn Quế Sự, Phó Giám đốc Sở GTVT Nghệ An nhấn mạnh: Không chỉ công tác giải tỏa lấn chiếm hành lang giao thông mà trong tất cả mọi vấn đề, nơi nào lãnh đạo địa phương quan tâm, chú trọng thì nơi đó sẽ có những chuyển biến, đổi thay tích cực. Lãnh đạo địa phương phải xem công tác giải tỏa vi phạm lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang ATGT là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục; phải đưa nội dung Nghị quyết 56 vào giao ban hàng tháng… Có quyết liệt, đồng bộ, chúng ta mới có khả năng đạt được những kết quả như kỳ vọng của HĐND tỉnh đề ra.
 
.

TUỆ TRANG