Thứ Năm, 30/05/2019, 08:01 [GMT+7]

Đức tin linh thiêng, không phải là chiêu cớ

(Congannghean.vn)-Tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay. Tinh thần đó được thể hiện bằng hệ thống chính sách phù hợp với từng giai đoạn khác nhau. Do đó, việc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để kích động, chống phá, gây phức tạp ANTT, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc cần phải bị lên án, xử lý nghiêm.

Tôn giáo là niềm tin và tồn tại như một nhu cầu tinh thần của nhân dân, vì vậy Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm, tín ngưỡng hay không tín ngưỡng là sự lựa chọn tự do của công dân. Một mặt, chúng ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo; mặt khác, nghiêm cấm việc kỳ thị hoặc xúc phạm người có tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là việc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm và danh dự của công dân hoặc trái với thuần phong mỹ tục.

Điều đó được thể hiện rõ trong quan điểm của Đảng ta: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật”.

Nhiều miền quê đổi thay nhờ sự đóng góp chung sức của bà con lương - giáo
Nhiều miền quê đổi thay nhờ sự đóng góp chung sức của bà con lương - giáo

Thực tiễn sinh động của đất nước ta đã khẳng định rõ điều đó. Rất nhiều nhà thờ, đền chùa trang nghiêm, đầm ấm được xây dựng, tu sửa khang trang và phát triển trên khắp mảnh đất hình chữ S thân yêu. Tại chốn linh thiêng đó, niềm yêu thương vẫn được tạo dựng, lan tỏa và kết nối từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đó là lễ rửa tội để mong con chiên được lớn lên, bao bọc trong tình yêu thương của Chúa, là nén hương thơm linh thiêng mỗi ngày mồng một, rằm hàng tháng, là nguyện ước cuộc sống an yên, đồng bào đoàn kết một lòng vì nước Việt Nam thịnh vượng. Ở đó, không phân biệt lương giáo, chỉ có tình làng xóm thân thiết, tình huynh đệ yêu thương. Đôi khi chỉ là bát nước chè xanh khi làng xóm chung tay đỡ đần sửa lại nhà cửa hay lời mời chào niềm nở mỗi lần đến chơi...

Theo thống kê, cả nước có khoảng 70.000 chức sắc, nhà tu hành, chưa kể hàng vạn người hoạt động bán chuyên nghiệp của các tổ chức tôn giáo. Việc đào tạo chức sắc của các tôn giáo tiếp tục được quan tâm. Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện có 4 học viện Phật giáo; 30 trường trung cấp Phật học và 4 trường cao đẳng Phật học. Giáo hội Công giáo có 6 đại chủng viện và 2 cơ sở. Cả nước hiện có hơn 24.000 cơ sở thờ tự, trong đó có nhiều cơ sở được xây dựng mới hoặc tôn tạo lại khang trang, đẹp đẽ. Đó là bằng chứng thực tế nhất về đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo là nguyên tắc hàng đầu và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, vì cuộc sống tinh thần của hàng triệu tín đồ các tôn giáo là những công dân của nước Việt Nam.

Nông thôn mới tại nhiều địa phương khởi sắc nhờ sự đoàn kết của bà con nhân dân
Nông thôn mới tại nhiều địa phương khởi sắc nhờ sự đoàn kết của bà con nhân dân

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ta, đã có những sự việc khiến nhiều người không khỏi buồn lòng. Một số linh mục cực đoan đã có những hành vi không chỉ đi ngược lại với lời răn dạy của Chúa về lòng yêu thương mà còn trái với thuần phong mỹ tục, với quy định pháp luật hiện hành. Điều đáng nói, như linh mục Đặng Hữu Nam, giáo xứ Mỹ Khánh, xã Khánh Thành, dù đã bị người dân lên án và phản đối nhiều lần, vẫn tiếp tục có những hành vi xuyên tạc lịch sử, công khai trở thành người chống phá Nhà nước, chống phá nhân dân. Điều này gây bức xúc trong xã hội, nhất là các cựu chiến binh, những người đã cống hiến tuổi thanh xuân và xương máu cho Tổ quốc.

Một câu hỏi đặt ra là, liệu những người đang lợi dụng đức tin của bà con giáo dân để có hành vi kích động, phá hoại cuộc sống bình yên của đồng bào, có ý thức về những việc mình làm, về đạo và đời, về trách nhiệm của một linh mục với con chiên? Hay họ đã hiểu nhưng bị một lợi ích, một nhu cầu vật chất cao hơn lấn át ý thức, trách nhiệm của linh mục, con chiên ngoan đạo?

Điều đáng nói, một số chức sắc tôn giáo, những kẻ tự xưng là “nhà đấu tranh dân chủ” đã kích động giáo dân tụ tập, biểu tình, tuần hành, gây rối, đập phá phương tiện, cản trở hoạt động giao thông, tấn công người thi hành công vụ, gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chúng lợi dụng mạng xã hội, các kênh truyền thông của những trang phản động tự lập để lan truyền thông tin bịa đặt. Khi lực lượng chức năng thực thi chức trách theo quyền hạn thì chúng vu cáo “đàn áp, bắt giữ và đánh đập” người tham gia biểu tình; tán phát những thông tin xuyên tạc sai sự thật trên mạng xã hội như “Thư ngỏ”, “Bản lên tiếng”...

Dĩ nhiên, hoạt động và âm mưu của các đối tượng sớm muộn rồi cũng bị lật tẩy. Sẽ chẳng ai tin một linh mục, sứ giả của Chúa yêu thương, lại đi kích động bà con bỏ việc đồng áng, bắt học sinh bỏ học để theo đuổi ý đồ tuần hành, biểu tình. Lại càng chẳng ai mãi chấp nhận một người bị xã hội lên án, bị đồng bào tẩy chay rao giảng những điều lệch lạc. Họ biết, những kẻ bắn phát súng vào quá khứ, xuyên tạc về lịch sử và chiến công của dân tộc cũng sẽ bị chính thế hệ hôm nay phản đối, phê phán.

Trong mỗi con chiên, mỗi con người theo đạo, đều khắc ghi về một lời dạy như Thánh Augustino đã từng căn dặn: “Cho anh em, tôi làm giám mục; với anh em, tôi là Kitô hữu. Giám mục là tên chỉ chức vụ, còn Kitô hữu là tên chỉ ân huệ”, các linh mục không sống cho riêng mình mà hy sinh lợi ích cá nhân để phục vụ cộng đoàn. Các ngài phải noi gương Thầy Giêsu yêu thương và dấn mình vì đoàn chiên” nên “Nơi nào qua, lòng yêu thương ở lại”. Mỗi tôn giáo thực hành theo cách thức của mình, nhưng tất cả đều hướng vào những mục đích giống nhau - sống hạnh phúc hơn, trở nên từ bi hơn và xây dựng một thế giới với nhiều tình thương hơn. Lẽ sống của người Ki-tô hữu là “nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48), như vậy mục đích tối hậu của đời sống người Ki-tô hữu là trở nên “đồng hình đồng dạng” với Thiên Chúa, đấng là tình yêu và sự thiện tuyệt đối. Bởi vậy, chắc chắn, bằng tình yêu thương, giáo đường, giáo xứ không phải là nơi gieo mầm cho những tiếng nói lạc lõng về tự do tôn giáo, nhân quyền, mà phải là mảnh đất của tình san sẻ, của tình bằng hữu.

Trong thời gian gần đây, các tổ chức, đối tượng phản động lưu vong ở nước ngoài đang ra sức lợi dụng chiêu bài tự do tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện mục tiêu chống phá. Âm mưu của chúng rất rõ ràng, đó là phá bỏ chế độ XHCN ở nước ta. Chúng muốn tách tôn giáo ra khỏi đời sống chung, chia rẽ đoàn kết lương giáo, gây hoang tin trong những đồng bào thiếu thông tin đầy đủ. Chúng đã và đang sử dụng các thủ đoạn như xuyên tạc sự thật về tình hình tôn giáo Việt Nam, xuyên tạc chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, vu cáo chính quyền đàn áp tôn giáo. Hành động chống phá của chúng tập trung vào một số hoạt động chủ yếu như tìm cách ủng hộ các tổ chức phản động; dung túng, giúp đỡ lực lượng phản động trong tôn giáo người Việt lưu vong ở nước ngoài; hỗ trợ, kích động và chỉ đạo các đối tượng cực đoan, phản động lợi dụng tôn giáo ở trong nước; tài trợ về tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật cho các hoạt động chống phá Việt Nam.

Vì thế, người dân phải hết sức cảnh giác, có cái nhìn khách quan và chân thực về hiện thực của đất nước ta, từ đó, cùng đoàn kết và củng cố mối đoàn kết lương giáo, tránh xa, phê phán và lên án, vạch trần thủ đoạn của các đối tượng chống phá. Quan điểm đổi mới về tín ngưỡng và tôn giáo đã tạo nền tảng cho việc tạo lập các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của đồng bào có đạo và tính hiệu quả của quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Quan điểm nêu trên của Đảng khơi dậy, động viên tín đồ, chức sắc các tôn giáo phát huy những giá trị tốt đẹp, mặt tích cực, điểm tương đồng của tôn giáo với chủ nghĩa xã hội, phát huy tinh thần yêu nước của đồng bào các tôn giáo trong xây dựng và phát triển đất nước.

.

Trần Lâm

.