“Cán bộ cấp cao phải gương mẫu, nghiêm khắc với bản thân”, đó là thông điệp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội Nghị Trung ương 8.
Tại Hội nghị này, có dự thảo rất quan trọng về Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Trung ương. Trong đó có vấn đề “Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín hoặc để địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hoặc để xảy ra mất đoàn kết kéo dài, hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật...”. |
Hội nghị Trung ương 8 bàn rất nhiều nội dung nhưng trong đó có một nội dung rất quan trọng về công tác cán bộ, đó là dự thảo Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương.
Nội dung dự thảo nêu gương này rất thú vị. Lâu nay, chúng ta từng chứng kiến những vụ việc cán bộ làm sai, cán bộ để xảy ra tiêu cực, yếu kém trong ngành mình phụ trách, cán bộ tham nhũng hoặc cấp dưới tham nhũng, tiêu cực dẫn đến mất uy tín trong Đảng, trong nhân dân nhưng hầu như hiếm khi có cán bộ nào như thế chủ động xin từ chức cả. Theo dự thảo quy định nêu gương này, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương chủ động từ chức khi không đủ điều kiện, uy tín hoặc để cán bộ cấp dưới tham nhũng.
Từng có những cán bộ khiến nhân dân bức xúc vô cùng, họ kêu gọi cán bộ nên từ chức để thay thế người có năng lực hơn nhưng tất nhiên là chuyện đó không xảy ra vì trước nay không quy định nào để ràng buộc trách nhiệm đó cả.
Nhưng nay, nếu dự thảo Quy định nêu gương cán bộ này trở thành Quy định đi vào thực tế thì những cán bộ khi không còn đủ điều kiện, uy tín hoặc để cán bộ cấp dưới tham nhũng có thể mạnh dạn chủ động mà từ chức rồi!
Minh họa: Hùng Dingo. |
Có thể thấy, nội dung dự thảo nêu gương thể hiện một tinh thần quyết liệt của Đảng trong công tác cán bộ, nhất là đối với cán bộ cấp cao trong bộ máy nhà nước hiện nay.
Thực tế cho thấy, trong quá trình công tác, không ít cán bộ có biểu hiện kém năng lực, làm mất uy tín chứ chưa có những tiêu cực trong quản lý. Đối với những cán bộ này, xử lý cách chức thì không được nhưng sự tồn tại của họ trong bộ máy quản lý nhà nước chẳng khác nào một toa tàu hỏng trong một đoàn tàu.
Trước hết, cán bộ yếu kém, mất uy tín, niềm tin của nhân dân có thể sẽ làm suy giảm sức mạnh và niềm tin của nhân dân vào cả bộ máy quản lý, chẳng khác nào “một con sâu làm rầu nồi canh”.
Và quan trọng hơn, những cán bộ đó sẽ làm ích nước, lợi dân ra sao khi không còn đủ điều kiện, uy tín nữa? Hay là dưới sự quản lý của họ, xã hội lại thêm chuyện, dân tình thêm bức xúc? Vì thế, có một cơ chế để những cán bộ này chủ động từ chức là một sáng suốt của Đảng trong công tác cán bộ để từ đó mới tiến tới xây dựng một bộ máy chính trị hoàn hảo và hiệu quả phục vụ nhân dân, đất nước.
Tất cả những nội dung này được thể hiện rất rõ trong điều 2 trong tổng cộng ngắn gọn 4 điều của dự thảo Quy định về nêu gương cán bộ; đó là, các Ủy viên phải luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc là tối thượng. Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hy sinh lợi ích cá nhân, lấy sự hài lòng, ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Quyết đoán, quyết liệt giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp, bức xúc, tồn đọng kéo dài; xử lý nhanh, hiệu quả những tình huống khẩn cấp, bất ngờ.
Các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương đề cao nhân cách, đạo đức trong lãnh đạo, quản lý; thường xuyên đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm…
Và đáng chú ý, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương nghiêm túc, mẫu mực về đạo đức, lối sống, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập; nghiêm túc, công tâm, khách quan, cầu thị trong tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh. Dũng cảm nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm, không tranh công đổ lỗi; không định kiến, trù dập người góp ý, phê bình...
Bên cạnh đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín hoặc để địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hoặc để xảy ra mất đoàn kết kéo dài, hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật...
Điều 2 này cho thấy rõ ràng rằng, cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu; mỗi đảng viên phải rèn luyện mình tránh để suy thoái đạo đức lối sống, làm sai quy định của Nhà nước, làm mất lòng tin của dân, ảnh hưởng uy tín của Đảng. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cán bộ cấp cao phải gương mẫu, nghiêm khắc với bản thân. Đáng chú ý là trong điều 3, nội dung dự thảo Quy định còn nhắc đến nạn tham nhũng.
Cụ thể, điều 3 quy định từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; công tác cán bộ; tham nhũng chính sách; tham vọng quyền lực, lạm quyền, lộng quyền; “lợi ích nhóm”; tham nhũng, hối lộ; chạy chức, chạy quyền; để người nhà, người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi…
Bản thân cán bộ tham nhũng thì chắc chắn bị xử lý rồi, nhưng mở rộng ra là phải kiên quyết chống tham nhũng trong cấp dưới. Để cấp dưới do anh quản lý tham nhũng thì bản thân anh cũng phải chịu trách nhiệm chứ không thể xem như là vô can được, bởi nó thể hiện năng lực quản lý cán bộ của anh chưa hiệu quả.
Mà thật sự, khi một cán bộ cấp quản lý có năng lực quản lý không tốt, hậu quả còn khủng khiếp hơn rất nhiều! Và đặc biệt là chuyện người nhà, người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của cán bộ để trục lợi, để tác oai tác quái cũng được nhắc đến trong dự thảo Quy định này.
Đây là chuyện có thật ở rất nhiều nơi và gây bức xúc rất lớn trong dư luận nhưng lâu nay, chúng ta chưa nghe cán bộ nào phải chịu trách nhiệm về việc này. Rõ ràng rằng, để tình trạng này diễn ra thì một phần lỗi rất lớn ở bản thân người cán bộ, họ phải chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân là điều cần được thực thi.
Có thể nói, điều 3 của dự thảo Quy định lại một lần nữa cho thấy, tinh thần cứng rắn và kiên quyết của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong công cuộc đấu tranh với giặc nội xâm đã trở nên mạnh mẽ và quyết liệt thế nào; trước đây là “không vùng cấm”, “không nể nang” và nay là việc phải chịu trách nhiệm liên quan còn được nêu ra cụ thể.
Một lần nữa, niềm tin trong nhân dân về quyết tâm của Đảng đối với công cuộc chống tham nhũng lại dâng cao!