Việc có người chết vì dùng ma túy quá liều tại các lễ hội âm nhạc điện tử vốn dĩ đã trở nên phổ biến trên thế giới, từ nhiều năm qua, ở nhiều quốc gia khác nhau và nó đang làm dấy lên làn sóng tranh luận về chuyện nên cấm hay nên quản lý thế nào với những sự kiện kiểu này. Cá biệt có những nơi như thành phố Miami, Wildwood (Mỹ) đã cấm (tạm thời) các lễ hội âm nhạc điện tử.
Điều đó cho thấy, ngay cả ở những nước văn minh, với hệ thống pháp luật hoàn thiện nhất, việc quản lý làm sao cho hiệu quả những người sử dụng ma túy tại các lễ hội âm nhạc còn là chuyện khó khăn như thế nào.
Vì thế, việc Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tạm ngưng cấp phép các chương trình âm nhạc điện tử có sự trình diễn của DJ cũng là một biện pháp cần phải thực hiện ở giai đoạn chúng ta chưa có giải pháp hoàn chỉnh đối với vấn nạn thực sự đau đầu này.
Minh họa: Ngô Xuân Khôi. |
Nhưng trước khi nói về vấn nạn nhức nhối ấy, có lẽ chúng ta nên quay trở lại với cái gốc của vấn đề, tức là ở chỗ người sử dụng. Rất nhiều chuyên gia trên thế giới đã cho rằng có làm triệt để đến đâu đi nữa thì cũng không thể nào tránh khỏi chuyện vẫn còn những người sử dụng ma túy tồn tại.
Mà khi đã có người dùng, có nghĩa là có cầu, thì tất nhiên sẽ kéo theo cung, tức là các đường dây buôn bán ma túy. Ở đây, người dùng mới là cái gốc của vấn đề và tất cả các chuyên gia gần như đều đồng thuận với nhau rằng “vấn đề của người dùng chính là ý thức”.
Mấy năm gần đây, việc một số nơi (rất ít thôi) trên thế giới hợp pháp hoá việc sử dụng, mua bán (có quản lý và hạn chế) cần sa đã tạo ra một làn sóng đáng ngại thực sự. Có khá nhiều người dùng cần sa ở Việt Nam đã dựa vào cơ sở ấy để tự đưa ra ngụy biện rằng cần sa không có hại.
Thậm chí, họ còn chia sẻ lại một số bài viết nước ngoài phân tích rằng “cần sa có lợi cho sức khoẻ” hay “cần sa làm giảm khả năng bị ung thư”…
Nhiều người không hề hiểu rằng, khi được hợp pháp hoá, ngành công nghiệp chế biến, buôn bán cần sa sẽ vận hành theo đúng kiểu của ngành dược phẩm. Sẽ có những bài viết được tung ra có vẻ khách quan nhưng thực chất là có chủ đích, để khuyến khích việc sử dụng.
Những bài viết dạng này đặc biệt phát huy tác dụng khi tâm lý chung của con người luôn muốn chứng minh rằng việc mình làm không sai, đặc biệt là những việc trước tới nay vốn được nhìn nhận không tích cực.
Trong xu thế ấy, chúng ta đại đa số đều cho rằng giới trẻ chính là lực lượng duy nhất sử dụng cần sa, ma túy. Chúng ta lý giải nguyên nhân rằng giới trẻ sốc nổi, bồng bột, thiếu chín chắn, thích chứng tỏ mình, buông thả.
Các nhận định đó không sai, nhưng không chính xác hoàn toàn. Đúng là việc giới trẻ sử dụng cần sa, ma túy là do đua đòi, buông thả và có phần muốn chứng tỏ bản thân một cách sốc nổi nhưng không phải chỉ có giới trẻ mới chơi cần sa, ma túy.
Thực tế cuộc sống đang cho thấy một mối đe doạ còn lớn hơn nhiều. Cần sa và ma túy đã len lỏi rất gần vào đời sống, ở xung quanh chúng ta và lực lượng sử dụng chúng không chỉ là người trẻ mà còn có rất nhiều người đã có tuổi, đã có thể được coi là chín chắn.
Không ít lần, trong các cuộc trà dư tửu hậu với bạn bè, mà đa số họ đã ngoài 40, thậm chí ngoài 50 tuổi, tôi đã được thấy, được mời “hút cỏ”.
Rất lạ lùng là những người ấy đều có học, thậm chí có địa vị, có một đời sống vật chất và tinh thần khá sung túc. Họ coi việc hút một vài điếu cỏ trong một buổi tiệc đã là một thứ “giải trí vui vẻ”, một thói quen thản nhiên và không có hại.
Nói một cách nào đó, thứ đơn giản nhất của thế giới cần sa, ma túy đã và đang tồn tại trong đời sống bình thường gần như thuốc lá, rất dễ kiếm, dễ mua, và tất nhiên là dẫn tới việc dễ dàng sử dụng.
Nếu bước vào một beer club hay một hộp đêm nào đó ở bất kỳ địa phương nào ở Việt Nam, bạn sẽ không khó khăn gì để ngửi thấy “mùi khét ngai ngái” của cần sa. Và nếu tiến hành kiểm tra đột xuất bất kỳ một quán bar, một hộp đêm nào ở các thành phố lớn, chắc chắn kết quả kiếm tìm ma túy và cần sa sẽ luôn là dương tính.
Thế giới ấy gần như khẳng định rằng sự tồn tại của ma túy là hiển nhiên và bản thân tôi cũng đã từng được chứng kiến một cuộc chơi ăn mừng lớn của một nhóm xã hội (gần 300 con người) với ma túy tràn lan như thế nào.
Nhân sự kiện riêng của họ, họ đặt nguyên một club chơi cả đêm và tôi đã chứng kiến thuốc lắc trao cho nhau cả vốc, kenamine, cocaine thừa mứa và cần sa thì thay thuốc lá. Tổng số tiền “thuốc thang” cho cuộc chơi xa hoa ấy cũng lên tới vài trăm triệu.
Tất nhiên, họ cũng có những nguyên tắc đáng nể là khi ta từ chối sử dụng, họ sẽ không mời lần thứ hai. Nhưng thực sự, đêm đó là một đêm tôi đã rất lo sợ bởi chỉ cần có đoàn kiểm tra ập vào, tôi biết mình sẽ phiền hà và mang tiếng như thế nào.
Có một lần, bên lề đường quận 1 TP HCM, trong một cuộc nhậu đêm, tôi đã hỏi một người bạn hơn mình vài tuổi khi anh ta mời tôi một hơi cỏ rằng: “Em hỏi thật bác, nếu con mình mà hút cái này thì bác thấy thế nào?”.
Không một chút do dự, người ấy cười cười và nói: “Nếu nó lớn rồi, trưởng thành rồi thì đó là việc của nó. Còn ở tuổi này (16 tuổi), anh mà bắt được anh tát cho gãy răng”.
Câu trả lời ấy khiến tôi ngỡ ngàng. Dù không thể nói ra nhưng trong lòng tôi luôn mang một sự lấn cấn. Phải chăng, chúng ta đang cấp cho mình một cái quyền gọi tạm là “quyền chín chắn” mà quên mất rằng nhiều khi chính chúng ta lại đang vô tình mở đường cho con cháu mình cảm thấy hút cần sa là một việc có thể làm thản nhiên.
Thế hệ của tôi là thế hệ 7x, với cơn hoang mang kinh hoàng về heroin hồi thập niên 90. Tôi nhớ, ngày ấy mình hay đi nhiều, bạn bè suốt, người thì lại gầy gò xanh xao nên bố tôi luôn lo sợ rằng tôi sẽ nghiện. Chính vì thế, ông cằn nhằn, cáu gắt, nhắc nhở không ngơi mồm mỗi khi tôi đi chơi.
Để rồi cuối cùng, tôi quyết định giải tỏa cơn nghi ngại của ông bằng một cách duy nhất. Tôi dành trọn 2 tuần chỉ ở nhà và bám sát bố mình. Ông đi đâu, tôi đi đấy. Sau 2 tuần ấy, bố tôi nghĩ về tôi rất khác.
Ông tin tôi không thể nghiện ngập mà ông không hề hiểu rằng, chính vì lý do cơ bản nhất là tôi không thích “bộ môn” ấy và việc sinh hoạt lành mạnh của bố cũng là một thứ để tôi nhìn vào mà noi theo.
Tôi đã có vài người bạn chết vì ma túy, cần sa và đến bây giờ điều đó vẫn còn ám ảnh. Nhưng bây giờ, nhìn thấy những người bạn khác của mình hút cần sa, tôi vẫn không dám ngăn cản. Đó là ý thức của họ, lựa chọn của họ và cam kết đạo đức của họ đối với con cháu của chính họ.
Nhưng tôi cũng mang nỗi sợ y như cha tôi đã từng đeo mang, dù con tôi còn quá nhỏ. Đơn giản, nhìn thấy sự phổ biến ngày một ghê gớm hơn của cần sa và ma túy trong xã hội, việc ngăn cản con mình không dính vào đó sẽ luôn khiến mình phải căng thẳng.
Còn quản lý nhà nước ư? Làm thế nào để ngăn chặn vấn nạn này ư? Chúng ta không thể giao phó hết cho các cơ quan quản lý nhà nước được. Năm nào cũng có những đại án ma túy rất lớn bị phát giác, bị xử lý.
Thậm chí đã có cả những cuộc đấu súng giữa những chiến sĩ công an với tội phạm ma túy. Nhưng nếu chỉ chặn những kẻ buôn bán thôi, đó chỉ là tỉa cành, đốn cây một cách đơn giản.
Cái gốc là chính chúng ta, những người có ý thức, tự coi mình là trưởng thành và chín chắn. Chúng ta còn sử dụng thì cái gốc của cần sa ma túy vẫn còn quá mạnh mà không một lực lượng nào có thể xử lý triệt để được cả.