>>>Những con tàu 67 mạnh mẽ vươn khơi
>>>Những bãi biển tấp nập du khách
>>>Hậu phương an toàn, vững chắc
Sống bên "di sản"
Chính người dân thôn An Cư Đông 1, thị trấn Lăng Cô thừa nhận mình sống bên một vùng biển đẹp, có điều kiện phát triển kinh tế, nhưng đời sống cư dân vẫn còn nghèo. Nghèo vì dân vẫn sống bám biển, phụ thuộc vào biển thay vì có thể phát triển thêm dịch vụ du lịch.
Dẫu biết cuộc mưu sinh, bám biển còn nhiều nỗi nhọc nhằn, nhưng người dân vẫn lặng lẽ, cần cù làm công việc của mình. Biển Lăng Cô rất hiền hòa, trong và mát.
Ngay cả sau khi xảy ra sự cố môi trường do Fomosa Hà Tĩnh gây ra, người dân chịu nhiều thiệt thòi do lượng tiêu thụ hải sản giảm đến 80%. Tuy thế họ vẫn duy trì công việc đánh bắt nhằm kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, chờ ngày biển ổn định.
Có đời sống kinh tế khá hơn là thôn An Cư Đông 2, bởi ngoài bám biển khơi, người dân thôn này cũng có nhiều con em đang định cư ở nước ngoài, kinh tế khá giả, chia sẻ giúp đỡ họ hàng nơi quê nhà.
Ông Nguyễn Quang Định, sinh sống ở xóm Bang 5 chia sẻ: "Người vùng khác có ruộng cấy. Với dân chúng tôi, biển là "ruộng", đầm Lập An thuộc quần thể vịnh Lăng Cô cũng là ruộng như người dân bình thường có ruộng để cấy lúa, trồng cây.
Nhưng ruộng ở vùng biển nó khác. Có hộ giàu đấy, nhưng ít. Có thể nói chúng tôi sống bên di sản Lăng Cô, nhưng việc khai thác tiềm năng còn khá khiêm tốn. Có được những nóc nhà hai ba tầng mà anh thấy ở thôn là nhờ con em đi làm ăn xa giúp đỡ, gửi tiền về".
Ông Định cũng chỉ ra, hai thôn An Cư Đông 1 và An Cư Đông 2 nằm trên một rẻo đất đẹp, có bãi cát trải dài, rộng rãi, nước biển quanh năm trong xanh. Bây giờ đã có cả hai cây cầu chạy qua, thuận tiện đường giao thông, khách du lịch quốc tế và trong nước đều mê mẩn với những bãi cát đẹp như vậy nên thường ghé qua để chụp hình.
"Nhưng ngoài tắm biển ra, để nói về một nơi giải trí thì không có. Lăng Cô rất trầm. Lăng Cô chỉ phù hợp với một số khách có thời gian nghỉ dưỡng, thích trầm lắng, yên tĩnh. Chứ dịch vụ thì hầu như chả có gì.
Du khách chỉ coi đây là một điểm trung chuyển, rồi họ đến tiêu tiền ở những nơi khác như thành phố Huế, phố cổ Hội An, hay sang Đà Nẵng, tham quan Bà Nà Hills. Nếu du lịch được đầu tư phát triển ở đây thì đời sống người dân sẽ khác, nhưng một điều chắc chắn môi trường sẽ bị tác động", ông Định nhấn mạnh.
Bà con sơ chế hàu. |
Ngư dân Nguyễn Văn Hiển, hơn 50 tuổi, sống bám vào đầm Lập An chia sẻ: "Người dân chúng tôi đa số sống dựa vào biển. Người thì săn bắt sá sùng, người kéo lưới, đóng đáy; người khác lại muốn nâng cao tay nghề của mình bằng cách lặn biển bắt cua, ghẹ, tôm hùm. Đó thật sự là công việc nguy hiểm. Nhưng cuộc sống muôn hình muôn vẻ mà".
Lại nói đến nghề lặn biển, công việc đầy nhọc nhằn và thử thách thì xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) là thủ phủ nghề này của xứ Huế. Người Lộc Vĩnh bám vào biển ven mũi Chân Mây Đông, bãi Cồ Dù và đầm Lập An. Tại đây có hàng trăm người dân, ngoài đánh bắt hải sản gần bờ thì "kiêm" nghề lặn. Có gia đình ba người làm nghề.
Nói về nghiệp lặn biển ở Lộc Vĩnh, lão ngư Nguyễn Văn Thảo là một người hơn 40 năm kinh nghiệm. Ông là một trong những người thuộc thế hệ đầu tiên ở Lộc Vĩnh am tường con nước. Lớp trẻ trước khi vào nghề đều đến nhờ ông dạy cho cách thức lặn sao cho an toàn.
Ông Nguyễn Văn Thảo cho hay: "Nguyên tắc người lặn biển phải có sức khỏe thật tốt. Khả năng nín thở 1-2 phút. Một thuyền có ba vòi lặn phải cần bảy người, trong đó, ba thợ lặn, một người trực máy và ba người cầm vòi, phòng trường hợp xảy ra sự cố. Không tuân thủ thì khả năng tai nạn rất cao".
Sau sự cố môi trường biển, đáy biển không còn yên tĩnh nữa, nghề lặn biển không thể kiếm ra tiền, nhiều người đã về Đà Nẵng lặn thuê. Nhưng chuyện lạ con nước đã gây trở ngại lớn nhất.
Theo nhiều thợ lặn Lộc Vĩnh, mưu sinh ở Đà thành không dễ. Nếu ở Huế, người dân có thể lặn được cả chục mét thì ở Đà Nẵng chỉ lặn được 6-7 mét. Sự khác biệt về dòng nước khiến cho hai người gặp nạn, chết ngạt. Khi biển vùng Phú Lộc yên ổn, người dân lại trở về bám biển như cha ông họ đã làm suốt nhiều đời nay.
Bắt đầu một ngày mới của các ngư dân. |
Những trăn trở
Theo tìm hiểu, người dân quanh khu vực đầm Lập An, thuộc vịnh Lăng Cô đã tìm thêm nguồn thu khác bằng chuyện nuôi hàu. Từ năm 1999, người dân trên địa bàn đã bắt đầu tham gia việc nuôi hàu.
Đến năm 2005, việc nuôi hàu phát triển mạnh, nghề đem lại một nguồn thu khá lớn cho các hộ dân. Thế nhưng chính chuyện nuôi hàu lại đe dọa đến môi trường đầm, đó là việc người dân dùng cọc tre đóng xuống, dùng lốp xe ôtô, xe máy xuống nuôi hàu.
Điều này đã làm ô nhiễm nguồn nước do lốp xe cũ ngâm lâu ngày trong nước gây ra. Hơn thế, do hàu bám vào lốp xe cũ nên có thể nhiễm độc tố, gây ảnh hưởng tới người ăn. Từ hai năm trước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên - Huế đã khuyến cáo người dân nuôi hàu bằng lốp xe.
Đến nay vẫn còn một số hộ nuôi hàu theo cách này. Đây là vấn đề mà cơ quan chức năng Thừa Thiên - Huế cần tính toán để bảo vệ môi trường không chỉ cho đầm Lập An mà cả vịnh Lăng Cô.
Qua trò chuyện với các ngư dân và ông Nguyễn Văn Dũng, Chi hội Nghề cá thị trấn Lăng Cô, tôi được biết, người dân lại vướng phải một nỗi lo khác, là việc mở rộng hầm đường bộ Hải Vân có xây dựng tuyến đường công vụ (dưới nước) được thi công chạy song song dưới cầu Hải Vân sẽ gây ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản, đang gây ra tình trạng xói mòn, sạt lở ở khu dân cư. Nhiều người dân cho biết, khu vực xóm Bang 5, thôn An Cư Đông 2 đã bị ảnh hưởng khi mùa nước lên.
Những con thuyền chuẩn bị cho đêm đánh bắt. |
Trước vấn đề này, lãnh đạo thị trấn Lăng Cô đã nhiều lần tổ chức họp dân, họp với Ban Quản lý dự án hầm đường bộ Hải Vân, nêu nguyện vọng của người dân là giảm độ cao của đường từ 1,9m xuống còn 1m.
Người dân cũng đề nghị tháo dỡ phần đá đổ làm đường công vụ để lưu thông dòng chảy. Mong rằng các đơn vị liên quan sẽ họp lại với người dân địa phương để có phương án tối ưu nhất trong quá trình thi công nhằm đảm bảo vấn đề an sinh cho người dân.
Do tiền mất giá nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến nghề biển ở Phú Lộc. Người dân không có tiền đầu tư mua thuyền lớn đánh bắt xa bờ. Họ chủ yếu đánh bắt gần bờ. Những người dân xóm nghèo vẫn chờ đợi những đợt cá tôm mang về từ chiếc thuyền nhỏ nhoi của gia đình. Dọc các bãi tắm, hàng chục cây số, không có một chiếc thuyền lớn.
Có mặt tại khu vực neo thuyền thôn An Cư Đông 2 lúc 5 giờ chiều, những người dân da sạm đen vì nắng gió đang chuẩn bị cho chuyến làm đêm của mình.
Anh Nguyễn Xuân Hải, ngư dân có hai con đang học đại học, cho biết: "Chúng tôi đi làm, đến 2 hoặc ba giờ kiếm được cá thì về. Ai kiếm được ít hơn, họ sẽ ở biển đến 4 giờ sáng. Còn những người cào vạng, bắt ốc đá hay ốc móng tay, chỉ làm đến 10 giờ đêm là đã về nghỉ".
Tôi hỏi, vậy các anh cảm thấy công việc hiện tại của mình thế nào? Anh Hải tâm sự: "Người dân chúng tôi được sống và làm việc ở quê, vậy là mừng rồi. Thiên nhiên vẫn còn ưu ái cho nguồn hải sản, cho cái ăn cái mặc. Tuy thế, quanh vịnh Lăng Cô này người dân vẫn còn vất vả. Đúng thôi, dâm bám biển mà, ở đâu chả vậy. Nhưng chúng tôi vẫn thấy tự hào, thấy vui".
Lời khẳng định chắc nịch của anh Hải cho thấy sự nỗ lực của người dân, nhất là những người đã mạnh dạn đầu tư cho con cái học hành. Nhiều người dầm mình kiếm tìm hải sản, lặn biển, da dẻ xám xịt, môi thâm, nước ăn nhăn nheo, nhưng cứ nhắc đến chuyện con cái học hành là lại cười sảng khoái. Bởi dường như họ tin đó là "của để dành" thật sự, là niềm vui, niềm tự hào cho họ thêm nghị lực để cố gắng.