(Congannghean.vn)-Trường Sa, một phần máu thịt thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc. Để giữ vững chủ quyền, nhiều thế hệ ông cha đã đánh đổi bằng mồ hôi, công sức và cả xương máu, nước mắt. Trường Sa hôm nay đang trỗi mình mạnh mẽ, khẳng định chủ quyền thiêng liêng giữa trùng khơi nơi đầu sóng ngọn gió.
Kỳ 4: Nghĩa tình Trường Sa
Với ngư dân đánh bắt xa bờ trên biển Đông, các điểm đảo ở Trường Sa chính là điểm tựa, là ngôi nhà thứ hai của họ. Đau ốm bất thường, tàu cá gặp nạn hay thiên tai, giông bão, bà con đã tìm đến ngôi nhà thứ hai của mình để được chở che, bao bọc. Vì biển đảo quê hương, các anh - những người lính hải quân - nhiều khi đã phải hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình.
Tàu Trường Sa 04 (Lữ đoàn 125 Hải quân) cứu nạn, lai dắt thành công tàu cá của Quảng Ngãi QNg 96355 vào bờ, cứu sống 12 ngư dân |
Cứu tàu ngư dân gặp nạn trên biển
Những ngày giáp Tết Dương lịch 2017, khi đoàn công tác của chúng tôi đang lênh đênh trên biển, cách đất liền khoảng 600 km thì nhận được mệnh lệnh của Tư lệnh vùng 4 Hải quân, tức tốc đưa tàu vào âu đảo chìm Tốc Tan tránh cơn bão Nock-ten đang bất ngờ đổ bộ vào biển Đông. Trước ngày chạy bão, để không thay đổi lịch trình, Đại tá Nguyễn Hưng, Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 vẫn quyết định cho đoàn công tác lên đảo nổi Sinh Tồn Đông để thăm, tặng quà cán bộ chiến sỹ. Tại đây, Trung tá Lê Ngọc Dũng, Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông cho biết, đơn vị vừa cử 10 chiến sỹ tập trung cứu một con tàu ngư dân bị nạn ngoài khơi.
Theo đó, vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 15/12/2016, Sở chỉ huy Vùng 4 Hải Quân nhận được tín hiệu khẩn cấp của tài công Vọng Văn Vẹn thuộc tàu cá mang số hiệu TG-93333 TS. Trên tàu có 10 ngư dân hành nghề lưới vây đang đánh bắt ở khu vực cách đảo Sinh Tồn Đông 4 hải lý về phía Bắc thì bị mắc cạn, bục đáy, nước tràn vào tàu, không di chuyển được. Nhận được tin, cán bộ chiến sỹ trên đảo đã cùng với tàu tuần tra Trường Sa 18 đi cứu các ngư dân. Ngay trong đêm, công tác cứu hộ khẩn trương nên 10 ngư dân đã được đưa vào đảo an toàn.
Liên quan đến công tác cứu nạn ngư dân trên biển, mới đây nhất, vào đêm ngày 4/3/2017, tàu cá QNg 90460 TS do anh Nguyễn Văn Đồng (SN 1978) trú tại Quảng Ngãi làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng, đang khai thác hải sản cách đảo Tiên Nữ khoảng 42 hải lý thì bị hỏng máy chính, hệ thống chiếu sáng không hoạt động. Cùng lúc đó, lại xuất hiện một tàu sắt nước ngoài không rõ số hiệu, lao tới đâm mạnh vào phía mũi tàu làm tàu anh Đồng hư hỏng nặng, có nguy cơ bị chìm. Sau khi liên lạc được với tàu BĐ 97703 TS đang ở gần khu vực đó, tàu cá QNg 90460 TS đã được lai dắt về đảo Tiên Nữ và được cán bộ, chiến sỹ trên đảo kịp thời động viên, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, chăm sóc y tế và bố trí nơi ăn nghỉ chu đáo cho các ngư dân.
Thượng tá Ngô Đình Xuyên, Đảo trưởng đảo Phan Vinh cho biết, đối với ngư dân đánh bắt xa bờ, các điểm đảo ở Trường Sa chính là điểm tựa, là ngôi nhà thứ hai của họ. Không đơn thuần chỉ là cứu người, cứu thuyền bị nạn, tàu thuyền của ngư dân vẫn thường xuyên neo đậu ở khu vực xung quanh đảo, ngày gió chướng, bão nổi vẫn vào các âu trú bão để tránh trú. Ngoài ra, những lúc họ cần nghỉ ngơi vẫn thường xuyên lên đảo để dưỡng sức.
Gần đây, các trung tâm dịch vụ hậu cần, kỹ thuật trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa nối tiếp nhau ra đời trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân khi vươn khơi, bám biển. Những địa chỉ này sẽ hỗ trợ sửa chữa tàu thuyền ngư dân miễn phí nhân công khi có yêu cầu, đồng thời tiếp sức cho ngư dân khi thiếu lương thực, nước uống, nhiên liệu, khi gặp nạn trên biển và là nơi tránh trú an toàn cho ngư dân khi gặp sóng to, bão lớn.
Nói về công tác cứu hộ, cứu nạn ngư dân đánh bắt cá gặp nạn khi đang đánh bắt hải sản trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa, Trung tá Phạm Thanh Tân, Chủ nhiệm Phòng không Lữ đoàn 146 cho biết, vì nhiều lý do khác nhau nên hàng năm, tàu cá của ngư dân đánh bắt ngoài khơi vẫn thường gặp phải những tai nạn không mong muốn.
Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản, Vùng 4 Hải quân đã thiết lập kênh thông tin liên lạc, để khi gặp sự cố các tàu cá sẽ phát tín hiệu cấp cứu về trung tâm chỉ huy. Theo vị trí tọa độ, trung tâm sẽ liên lạc với điểm đảo gần nhất, phối hợp với các đơn vị gần đó để triển khai công tác cứu tàu, cứu ngư dân.
Hàng năm, có hàng chục tàu cá ngư dân gặp nạn đã được cứu, lai dắt kịp thời đến nơi an toàn để sửa chữa, bảo dưỡng để tiếp tục ra khơi, bám biển. Cũng nhờ điểm tựa như vậy mà bà con ngư dân đã yên tâm hơn rất nhiều mỗi lần dong buồm ra khơi, đánh bắt hải sản trên vùng biển chủ quyền.
Khoảng lặng giữa trùng dương
Ở Trường Sa, ít ai biết rằng, đằng sau những chiến công, những việc làm nghĩa tình như xả thân cứu tàu, cứu ngư dân, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, có những thời khắc chiến sỹ hải quân đã phải hy sinh hạnh phúc riêng tư, giấu đồng đội những nỗi niềm riêng không dễ gì chia sẻ.
Xúc động và nâng niu bức thư tay từ đất liền gửi ra Trường Sa |
Trên hải trình đến với Trường Sa, trên boong tàu HQ936, Thượng úy Nguyễn Trần Giang (SN 1986) quê ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), Chính trị viên đảo Tốc Tan B, chia sẻ với chúng tôi câu chuyện rất thật. Anh kể mà như đang nói với chính mình, những lời rất gan ruột: Trước ngày nhận nhiệm vụ ra đảo lần đầu tiên cách đây 5 năm về trước, anh xin phép đơn vị về quê một tuần để sửa lại mái nhà tranh dột nát cho cô vợ trẻ đang là giáo viên mầm non ở quê nhà. Thời khắc xách ba lô lên đường, vợ mới mang bầu đứa con đầu lòng tháng thứ 3. Giây phút tiễn chồng, người vợ mới cưới chưa đầy năm không đủ can đảm để đưa tiễn, chỉ nằm quay mặt vào tường để giấu đi những giọt nước mắt biệt ly.
Ngày vợ sinh, anh đang chắc tay súng ngoài đảo xa, đến ngày về phép con trai đã hơn 2 tuổi, bộ quần áo anh mang từ Mỹ Ca (Cam Ranh) về làm quà cho con, phải đến 3 năm sau nó mới mặc vừa. Tuần về phép đó chỉ vỏn vẹn có 7 ngày, nhưng phải đến ngày thứ 5, con mới quen hơi bố, đêm cuối cùng trước khi lên đường, nó mới chịu ngủ ngon lành trong vòng tay người cha lính đảo.
Cũng trên đảo Tốc Tan B, tác giả bài viết đã được Đại úy Nguyễn Cảnh Phố (SN 1972) quê ở xã Hưng Chính, TP Vinh chia sẻ về câu chuyện đời mình trong nỗi ngậm ngùi. Xuất thân là lính quân y của Quân khu 4, anh được chuyển đến Vùng 4 Hải quân từ năm 2011 và từ đó đến nay, anh ở riết trên đảo, gắn với những câu chuyện vui buồn của người lính quân y.
Đây là lần thứ 2, anh đóng quân ở đảo Tốc Tan, trước đó là ở đảo Thuyền Chài, nơi nào với anh cũng là ngôi nhà thứ hai của mình. Đại úy Phố bùi ngùi, năm đầu tiên anh ra nhận nhiệm vụ ở đảo, được 2 tháng thì nhận được tin dữ từ quê nhà, người mẹ của anh đột ngột qua đời. Không thể về đất liền để chịu tang mẹ, anh đành thắp nén hương xa, tạ lỗi với đấng sinh thành bằng cách hướng về bốn biển, thành tâm khấn vái. Sóng bạc đầu vỗ về đảo nhỏ, mưa Trường Sa trắng cả một vùng, anh Phố cũng không cảm nhận được giây phút đó, nước mắt hay mưa lẫn với nước biển xanh ngắt, chỉ biết rằng môi anh mặn chát. 2 năm sau đó, ngày giỗ hết khó mẹ, anh cũng đứng giữa mênh mông sóng nước, hướng về đất liền với niềm thành kính phân ưu.
Đại úy Đỗ Văn Diễn (SN 1980) quê ở Quảng Bình, hai lần vợ vượt cạn thì cả hai lần anh đang làm nhiệm vụ trên đảo Đá Lớn A. Trung úy Nguyễn Tiến Dũng (SN 1984) quê tỉnh Thái Bình, cũng hồi hộp chờ mong giây phút con trai chào đời qua… sóng điện thoại di động. Với người lính đảo, những câu chuyện như vậy là chuyện thường ngày. Vì chủ quyền biển đảo, các anh chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng tư, thậm chí nén thương đau để biến thành sức mạnh hành động, để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
(còn nữa)