Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201703/to-quoc-noi-dau-song-ky-1-727483/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201703/to-quoc-noi-dau-song-ky-1-727483/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tổ quốc nơi đầu sóng (Kỳ 1) - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 14/03/2017, 08:35 [GMT+7]

Tổ quốc nơi đầu sóng (Kỳ 1)

(Congannghean.vn)-Trường Sa, một phần máu thịt thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc. Để giữ vững chủ quyền, nhiều thế hệ ông cha đã đánh đổi bằng mồ hôi, công sức và cả xương máu, nước mắt. Trường Sa hôm nay đang trỗi mình mạnh mẽ, khẳng định chủ quyền thiêng liêng giữa trùng khơi nơi đầu sóng ngọn gió.

Kỳ 1: Linh thiêng Gạc Ma

Quần đảo Trường Sa còn gọi là quần đảo bão tố, bởi nằm trong khu vực sinh ra các cơn bão giữa biển Đông, gồm hơn 100 đảo, bãi cạn, bãi đá, bãi ngầm, với diện tích khoảng 180.000 km, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cách đây 56 năm về trước, trong chuyến thăm bộ đội Hải quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, nay ta có ngày, có trời, có biển, bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải gìn giữ lấy nó”. Lời dạy ấy, suốt hơn nửa thế kỷ qua đã được lực lượng Hải quân Việt Nam nói riêng và nhân dân cả nước nói chung biến thành hành động, chung tay xây dựng, giữ gìn và khẳng định chủ quyền Trường Sa thiêng liêng.

Thả vòng hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trên đảo Gạc Ma
Thả vòng hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trên đảo Gạc Ma

Lễ tưởng niệm Gạc Ma giữa trùng dương

Cuối năm 2016, chúng tôi có mặt trên tàu HQ936 cùng với đoàn công tác của Lữ đoàn 146 (Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) làm nhiệm vụ thay, thu quân và chúc Tết cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ trên các hòn đảo thuộc tuyến giữa của quần đảo Trường Sa. Trong suốt thời gian gần một tháng “cưỡi sóng, đè gió” lênh đênh trên biển, chúng tôi đã được đặt chân lên 8 đảo, với 14 điểm bao gồm các đảo chìm Đá Lớn, Tốc Tan, Núi Le, Tiên Nữ, Cô Lin, Len Đao và 2 đảo nổi là Sinh Tồn Đông và Phan Vinh. So với tuyến Nam và tuyến Bắc, tuyến giữa quần đảo Trường Sa có những đặc thù riêng về vị trí địa lý, chiến lược ngoại giao. Bởi vậy, trên hải trình đến với các điểm đảo thuộc tuyến giữa, chẳng ai nói ra, song đoàn công tác của chúng tôi, ai cũng có những cảm xúc bâng khuâng, hồi hộp xen lẫn tự hào, nhất là khi tàu HQ936 neo lại ở vị trí cách đảo Gạc Ma khoảng 5 hải lý để làm lễ tưởng niệm, thả vòng hoa tưởng nhớ các anh hùng, liệt sỹ.

Sáng 25/12/2016, mặc dù đoàn công tác ai cũng mệt mỏi, bơ phờ sau hơn 40 giờ lênh đênh trên biển, song khi nghe hiệu lệnh tập trung để chuẩn bị làm lễ tưởng niệm 64 liệt sỹ đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu không cân sức bảo vệ chủ quyền đảo Gạc Ma cách đây 29 năm về trước, tất cả đều chỉnh đốn trang phục, trang nghiêm, lặng mình trên boong tàu để kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các anh.

Giây phút thiêng liêng ấy, trong diễn văn tưởng niệm, Đại tá Nguyễn Hưng, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 đã khẳng định: “Trong lịch sử ngàn năm của dân tộc ta, biển đảo thiêng liêng luôn là một phần máu thịt không thể tách rời, không thể chia cắt. Bằng công sức, mồ hôi, nước mắt của các thế hệ người Việt Nam đã quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền quốc gia trên biển Đông. Xác lập, quản lý, bảo vệ và khẳng định chủ quyền tuyệt đối, chủ quyền vững chắc của Tổ quốc, dân tộc với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.

Đầu năm 1988, để ngăn chặn ý đồ của Trung Quốc đánh chiếm một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa, với quyết tâm bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính, các lực lượng Hải quân đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, chạy đua cùng thời gian, củng cố, tăng cường thế đứng trên khu vực quần đảo, chủ động, bình tĩnh, khôn khéo, thực hiện nghiêm các đối sách, kiềm chế đến mức tối đa vì nghĩa cử cao đẹp, giữ vững hòa bình, hữu nghị. Song, bất chấp công lý và lẽ phải, biết không khuất phục được ý chí kiên cường và quyết tâm sắt đá của cán bộ, chiến sỹ hải quân nhân dân Việt Nam, ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã ngang nhiên và bất ngờ tấn công quân sự, bắn chìm và bắn cháy 3 tàu vận tải và lấn chiếm một số đảo của ta.

Công trình do Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Gạc Ma
Công trình do Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Gạc Ma

Vòng tròn bất tử tiếp nối

Trong cuộc chiến đấu không cân sức giữa các cán bộ, chiến sỹ xây dựng đảo, khi trong tay ta chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh với những tàu chiến của Trung Quốc được trang bị vũ khí hiện đại, đã xuất hiện những tấm gương ngời sáng của chiến sỹ, thủy thủ các tàu HQ505, HQ604, HQ605 thuộc Lữ đoàn 125; Lữ đoàn 146, Trung đoàn Công binh 83 Hải quân như Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sỹ, Đại tá Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng tàu HQ604; Anh hùng liệt sỹ, Trung úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma… Trước sự tấn công của kẻ thù, Trung úy Trần Văn Phương vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo. Trước lúc hy sinh, Trần Văn Phương đã quấn lá cờ Tổ quốc quanh mình, động viên đồng đội: “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ của Tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng”.

Thuyền thưởng Vũ Huy Lễ, trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, với vai trò chỉ huy tàu HQ505, vừa chiến đấu vừa nhanh chóng cho tàu lao lên bãi đá ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài, giữ vững chủ quyền. Dẫu biết, có thể sẽ hy sinh, trước sự đe dọa cũng như những hành động dã man của tàu chiến Trung Quốc, với quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải quốc gia, các anh đã không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, chấp nhận hy sinh để bảo vệ biển, đảo đến hơi thở cuối cùng. Sự ra đi của các anh đã để lại nỗi đau tột cùng, khôn nguôi cho những người mẹ, người cha, người vợ, trong ký ức khôn nguôi của những đứa con hàng ngày vẫn đau đáu bên cánh cửa đợi trông, mong các anh về.

Không chỉ làm nên một vòng tròn bất tử để bảo vệ chủ quyền (trong trận hải chiến Trường Sa năm 1988, Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma, chúng ta giữ được tất cả các đảo còn lại), những cựu binh Gạc Ma trở về sau cuộc chiến ngày nay vẫn luôn sát cánh cùng nhau để động viên, thăm hỏi và giúp đỡ nhau trong cuộc sống thường ngày.

Anh Lê Hữu Thảo, người đã trực tiếp cầm súng chiến đấu trong hải chiến Gạc Ma năm nào, sống sót trở về, anh thành lập "Ban liên lạc HQ604 Gạc Ma 88", kết nối những cựu binh còn sống sót sau cuộc chiến, đồng thời tìm lại các gia đình có các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền trên biển Đông cách đây 29 năm về trước.

Thông qua Ban liên lạc này, 9 cựu tù nhân bị Trung Quốc bắt giữ đã liên lạc được với nhau, hơn 50 trong tổng số 64 gia đình liệt sỹ cũng đã kết nối. Đó thực sự là vòng tròn bất tử giữa thời bình, tiếp nối vòng tròn bất tử mà các anh đã sát cánh bên nhau, để bảo vệ, khẳng định chủ quyền quốc gia thiêng liêng của dân tộc giữa trùng khơi trong cuộc chiến không cân sức trên đảo Gạc Ma năm nào.

(Còn nữa)

“Trường Sa chưa nhiều người biết đến như Bạch Đằng - Đống Đa; Chương Dương - Hàm Tử hay Khe Sanh, Ngã ba Đồng Lộc, song nơi đây, cốt xương và tên tuổi của các anh cùng với các con tàu HQ505, HQ604, HQ605 đã kết liền với san hô và đá ngầm, làm nền tảng vững chắc cho mốc chủ quyền quốc gia Việt Nam trên vùng biển Trường Sa thiêng liêng. Máu của các anh đã hòa cùng biển mặn để đắp xây cho sự đoàn kết, thiêng liêng của toàn dân tộc Việt Nam”.

(Đại tá Nguyễn Hưng, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146)

 

.

Thiên Thảo

.