Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201703/nhung-phan-doi-vot-xac-noi-cau-binh-727562/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201703/nhung-phan-doi-vot-xac-noi-cau-binh-727562/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những phận đời vớt xác nơi cầu Bính - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 14/03/2017, 15:34 [GMT+7]

Những phận đời vớt xác nơi cầu Bính

Họ là những người mưu sinh bằng nghề sông nước, nhưng chính họ cũng là những người chống lại Hà Bá để cứu người và vớt xác trên sông. Đã là cư dân của xóm chài dưới chân cầu Lạc Long thì đều có ít nhất một lần tham gia vớt xác.

Thậm chí, có những người gắn cả đời mình với cái nghiệp không mong muốn ấy. Dù vất vả, dù phải nhận nhiều lời dị nghị, thậm chí là sự "xa lánh" của người đời nhưng họ vẫn không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước nỗi đau tận cùng của thân nhân những người xấu số.
 
Đã mang cái "nghiệp" vào thân
 
Một ngày mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, trên bờ sông Cấm (Hải Phòng), hàng trăm người đứng chen chúc dõi theo nhóm người đang tìm kiếm thi thể của một người đàn ông vừa nhảy cầu Bính tự tử. Chốc chốc nhóm người đó lại ngoi lên khỏi mặt nước để thở rồi lại ngụp lặn xuống dòng nước buốt. 
 
Bỏ qua những nghi kị của người đời, những người dân xóm chài vẫn miệt mài làm công việc vớt xác.
 
Với những người dân xóm vạn chài dưới chân cầu Lạc Long (TP Hải Phòng) thì đây là công việc rất đỗi quen thuộc. Xóm vạn chài này có khoảng 50 chiếc thuyền đồng nghĩa với khoảng 50 hộ gia đình đang sinh sống. Những chiếc thuyền ấy vừa là nhà, vừa là phương tiện mưu sinh nhưng cũng đồng thời là phương tiện để họ thực hiện công việc vớt xác những người xấu số trên sông.
 
Ông Phạm Văn Mỹ năm nay ngoài 60 tuổi nhưng có tới 50 năm lênh đênh trên sông nước. Gia tài có được của ông là một chiếc thuyền bằng xi măng. Chỉ thế thôi thì gia đình ông Mỹ cũng đã được đánh giá là hơn rất nhiều gia đình cùng xóm khác. Bởi hầu hết những gia đình còn lại họ vẫn sống và mưu sinh trên những chiếc thuyền gỗ cũ. 
 
Nói về cái nghề vạn bất đắc dĩ của mình, ông Mỹ chia sẻ: "Mặc dù cùng sống trên sông nhưng người dân vạn chài chúng tôi vẫn mỗi người một nghề. Người thì bán hàng trên thuyền, người thì chở hàng thuê, người chuyên bắt cá tôm… Chỉ có một nghề chung duy nhất là "nghề vớt xác". Đã là dân vạn chài thì dù muốn hay không vẫn phải dính tới cái nghiệp đó". Cũng theo ông Mỹ giải thích thì đó là "nghiệp" chứ không phải là nghề. Bởi lẽ làm việc đó nhiều khi ông và những người vạn chài cùng xóm chẳng có thù lao mà còn mất công, tốn sức và tốn cả chi phí xăng dầu. Biết vậy nhưng họ vẫn không thể không làm.
 
"Với những gia đình có chút điều kiện, sau khi lo xong hậu sự cho người thân, họ mới quay lại cảm ơn và có chút quà. Nhưng cũng nhiều gia đình nghèo lắm, khi biết về gia cảnh của họ thì dù họ có hậu tạ chúng tôi cũng không nỡ cầm tiền. Lúc đó lại bảo thôi coi như chúng tôi nhận rồi nhưng nhờ ông bà, anh chị cầm về thắp nén nhang cho người xấu số" - ông Mỹ tâm sự. 
 
Những người dân vạn chài như những lính chiến chuyên nghiệp, bất kể đêm tối hay mưa giông hễ có thân nhân người xấu số đến nhờ là họ lại lập tức lên đường. Ông Mỹ chỉ tay về phía chân cầu Bính rồi buồn rầu nói: "Hầu hết những người tự tử ở Cầu Bính đều trong tình trạng rất thê thảm. 
 
Người thì dập nát toàn thân, máu chảy ra từ tai, mũi, miệng. Nhiều người khi tìm thấy xác thì cơ thể đã trương phềnh, thậm chí có người bị cá rỉa nham nhở". Hầu hết những người đến cầu Bính tự tử đều không có cơ hội sống sót, bởi cầu cao, nước chảy xiết. Thế nên cầu Bính trở thành địa điểm "lý tưởng" để những người chán sống đến đây kết liễu đời mình.
 
Có những vụ rất thương tâm, người tự tử thì không chết nhưng người nhảy xuống cứu người tự tử thì lại vĩnh viễn ra đi. Đó là trường hợp bố chồng chứng kiến con dâu nhảy cầu Bính tự tử, theo bản năng người đàn ông này đã nhảy xuống sông để cứu con dâu. Tuy nhiên, cô con dâu may mắn thoát chết, còn bố chồng lại bị nước cuốn mất tích. Lần đó, ông Mỹ đã cùng một số người ở xóm vạn chài phải mất 4 ngày đêm quần thảo cả một khúc sông mới tìm thấy xác của người bố chồng xấu số.
 
Có tới nửa thế kỷ làm nghề sông nước và gắn đời mình với nghiệp vớt xác, ông Mỹ chia sẻ kinh nghiệm: "Thông thường đối với người chết đuối, nếu không vớt được xác ngay thì sau khoảng 3 ngày xác sẽ tự nổi. Nhưng cũng có những trường hợp phải tới mấy tháng sau mới tìm thấy xác do bị cát lấp. Đối với những xác bị cát lấp như thế thì kể cả sau vài tháng, thi thể trắng xóa như bọt nước và không bị trương phình".
 
Làm vì cái tâm chứ không màng tiền bạc
 
Vừa trở về sau vụ tìm xác ở cầu Bính, ông Nguyễn Văn Giang rít mạnh một hơi thuốc lào rồi bảo: "Chúng tôi làm việc này chỉ xuất phát từ cái tâm mà thôi. Có ai giàu được nhờ cái nghề này đâu. Thế mà nhiều người ác khẩu vẫn dè bỉu chúng tôi là kiếm tiền trên xác chết. Có những lúc phải nghe những điều ấy bản thân tôi cũng tự ái lắm, nhiều lúc cũng muốn bỏ nghề nhưng rồi chả hiểu sao cứ có người đến cầu cứu là lại chả nghĩ gì nữa, xách đồ nghề lên đường ngay". 
Ông Giang tâm sự về nghề chẳng giống ai của mình.
Ông Giang tâm sự về nghề chẳng giống ai của mình.
Vậy mà nhiều khi những người vạn chài như ông Giang lại bị chính thân nhân của người xấu số nghi kị và hiểu lầm. 
 
"Cách đây khoảng hơn 3 năm, tôi cùng với mấy người trong xóm vạn chài tham gia tìm kiếm xác của một thanh niên vì buồn chán chuyện gia đình nên nhảy cầu An Đồng tự tử. Chân cầu nơi người thanh niên đó trẫm mình nước rất sâu và xoáy nên việc lặn hoặc rà bằng lưỡi câu rất khó khăn. Dù chúng tôi đã hết sức cố gắng nhưng mãi vẫn chưa tìm được xác người thanh niên. Người nhà ở trên bờ, vì quá đau lòng và sốt ruột nên đã nghĩ chúng tôi cố tình kéo dài thời gian để lấy thêm tiền công. Khi nghe họ nói điều đó mấy người chúng tôi đã định bỏ ngang không tìm kiếm nữa. Nhưng rồi lại nghĩ người đang trôi sông kia chẳng có tội tình gì nên chúng tôi vẫn cố tìm kiếm cho bằng thấy. Nói thật, khi vớt được xác lên bờ gia đình họ trả công chia ra mỗi người chỉ được vài trăm ngàn. Đấy, nếu không phải "nghĩa tử là nghĩa tận" thì liệu chúng tôi có làm nổi không?" - ông Giang chia sẻ nỗi niềm. 
 
 
Thậm chí có những lần những người dân vạn chài nơi đây ngày đêm lặn ngụp dưới lòng sông trong thời tiết cắt da cắt thịt để tìm vớt xác. Nhưng khi đưa được xác người xấu số lên bờ, họ đã bị những kẻ đầu gấu từ đâu đến đòi chia tiền công. Hay có trường hợp, thân nhân người xấu số phải trả cho những kẻ bặm trợn này cái giá "trên trời", số tiền mà những người vạn chài nhận được từ những kẻ xấu kia thì chẳng đáng một phần. Có thể vì lẽ đó mà những người vạn chài nơi đây vô tình phải hứng chịu những dư luận xấu.
 
Mặc cho nghi kỵ của người đời, mặc cho sự gian xảo của những kẻ bất lương, ông Giang cũng như nhiều người dân xóm chài vẫn âm thầm làm công việc vớt xác như thể là trách nhiệm và nghĩa vụ của người sống trên sông nước. "Có lần đi thuyền trên sông vô tình nhìn thấy xác chết, tôi lại hoay hoay tìm cách đưa thi thể người ta lên bờ. Dù là người sống hay đã chết thì vẫn cứ là con người. Nhìn thấy vậy sao mà ngoảnh mặt đi cho được" - ông Giang nhớ lại.

Không chỉ với nghĩa tử, ông Giang đã ra tay cứu sống bao người. Nhớ lại cách đây chưa lâu, hôm vợ chồng ông đang thả lưới khu vực gần cầu Bính thì thấy bên trên người xúm đông, xúm đỏ. Biết có người nhảy cầu tự tử, ông Giang giục vợ tăng hết tốc lực cho thuyền chạy về chân cầu. Khi phát hiện một người phụ đang lóp ngóp trên mặt nước, ông Giang tiến lại gần kéo lên thuyền đưa vào đơn vị Hải quân gần đó kịp thời cứu sống.
Hiện trường một vụ vớt xác.
Hiện trường một vụ vớt xác.
Không chỉ ông Giang mà hầu hết những người dân xóm vạn chài nơi đây đều có anh em, con cái nuôi. Đó là những người may mắn được cứu sống quay lại nhận ân nhân. Chỉ vào chiếc tivi - tài sản có giá trị nhất trên chiếc thuyền lụp xụp, ông Giang cười khoe: "Đấy là quà của đứa con trai nuôi tặng tôi đấy. Nó thất tình nên tuyệt vọng đã nhảy cầu Bính tự tử. Lúc đó tôi đang bơi thuyền gần đó nên kịp thời cứu được. 
 
Thoát chết, nó mới nhận ra là mình quá nông nổi. Bây giờ thì tỉnh ngộ rồi, quý trọng mạng sống lắm. Lần nào đến thăm tôi và gia đình nó cũng bảo ơn cứu mạng có trả hết đời cũng không đủ. Nói thật, khi có được những tình cảm như của nó tôi lại cảm thấy mình có thêm động lực để làm công việc "cướp cơm hà bá" này". 
 
Phong Anh
.

Nguồn: Báo CAND