Vài tuần nữa là đã sang tháng Chạp, nghĩa là chỉ chừng tháng nữa thì tết Nguyên đán. Vậy mà, người dân miền Trung vẫn đang oằn mình chịu lũ. Cũng không biết người dân Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên sẽ vượt qua cơn cáu gắt của thiên nhiên như thế nào nữa, chỉ là ở những nơi chúng tôi đi qua từ Phú Yên đến Bình Định đều thăm thẳm nỗi buồn.
5 đợt lũ chồng lên nhau khiến nhiều nơi thuộc TX Hoài Nhơn, Bình Định, chìm ngập trong nước dữ suốt cả tháng trời. |
1. Ông Nguyễn Hữu lại khóc, người đàn ông mới gần 50 tuổi đã già trông như ngoài thất thập. Căn nhà của ông ở thôn Mỹ Phú I, xã An Hiệp, huyện Tuy An (Phú Yên) gần như không còn gì nữa, đất đá trong cơn lũ đã vùi nhiều mảng tường, nước từ trên đỉnh đồi sau hè chạy òng ọc thành dòng ngay trong nhà, căn nhà tường bé xíu.
Vừa cất tiếng hỏi, “Rồi chú Hữu tính sao?”, ông đã bật khóc, “Không biết tính sao chú ơi, nhà cửa vậy biết tính sao nữa”.
Trưa giữa tháng 12, cả nhà con trai ông gồm con trai, con dâu và cháu nội đang ngủ trong buồng thì đất đá đổ ập xuống. Đất đá vùi lấy con dâu ông, anh con trai thì căng lưng che cho con mình, cháu mới vừa 2 tuổi. Bà con hàng xóm nghe tiếng kêu thất thanh vội vã chạy qua đào xới đất đá giải cứu, rồi người ta chuyển cả gia đình con trai ông đến bệnh viện, từ bệnh viện huyện lên bệnh viện thành phố. Mấy hôm rồi, ông Hữu không nghe tin con.
Căn nhà không còn an toàn nữa, ông Hữu lôi vật quý giá còn sót lại là bộ bàn ghế gỗ tạp đặt tạm ngoài chái hiên, rồi thêm cái bàn, cái tủ đựng quần áo. Còn bản thân ông ngủ tạm ở chuồng bò. Trong chuồng còn 3 con bò thì phải, của nả lớn nhất, tài sản lớn nhất của người đàn ông này đang run rẩy trong mưa, nền rơm trải chồng ướt sũng, hôi hám.
Trung tá Nguyễn Đức Vinh - Phó trưởng Cơ quan đại diện Báo CAND tại TP HCM trao cho ông Hữu số tiền cứu trợ 5 triệu đồng, đây là tiền trích từ quỹ từ thiện của Báo. Trung tá Nguyễn Đức Vinh nói nhiều câu an ủi, không biết có đủ khiến lòng ông Hữu ấm lại hay không vì ông vẫn đang khóc.
Lúc trên xe, tôi có nói với anh Đức Vinh, “Giọt nước mắt ấy không phải là xót xa đâu mà pha lẫn uất hận nữa, vì khổ đến mức này không biết trách ai. Trách ông trời thì không phải rồi, trời xa quá. Trách con người cũng không phải rồi, con người có hại ông ấy đâu. Chắc là tự trách mình thôi, trách mình sao cực khổ quá”. Anh Đức Vinh trả lời, “Có lẽ vậy, chứ biết làm sao giờ”. Ngoài cửa xe, mưa tung trắng xóa.
Đại diện Báo CAND - Chuyên đề ANTG trao quà cứu trợ cho gia đình ông Nguyễn Hữu ở An Hiệp, Tuy An, Phú Yên. |
Trong đợt lũ này ở Phú Yên, không chỉ có mình nhà ông Nguyễn Hữu, rất nhiều gia đình khác cũng lâm vào cảnh nước mắt lưng tròng ấy.
Ông Huỳnh Văn Hiệp, thôn Phú Tân II, xã An Cư. Cả một đời ông Hiệp ước mơ lớn nhất là ngôi nhà không dột khi mưa, quần quật làm thuê làm mướn hoài nên đủ ăn đã mừng lắm rồi, lấy đâu ra cơ hội biến ước mơ thành hiện thực.
Tháng 2 vừa rồi, chương trình “Chắp cánh ước mơ” nhận được thông tin về hoàn cảnh khốn cùng của ông, họ giúp ông có được căn nhà lành lặn. Tháng 3 căn nhà xây dựng xong, thì đến tháng 12 này lại của thiên trả cho địa. Đất đá phá nát căn nhà, áo rách lại hoàn áo rách. Lúc nhận phần tiền cứu trợ khẩn cấp, ông Hiệp nói nhỏ quá tôi không nghe được gì, chỉ thấy đôi bàn tay run run. Tôi đã đi qua nhiều đợt cứu trợ, tôi đã biết nhiều thân phận con người, mà sao mỗi lần nhìn đôi bàn tay run rẩy của người dân khi nhận quà cứu trợ, lại không kìm được một hơi thở hắt hiu.
2. Trường Mầm non xã An Hiệp nằm ở thôn Mỹ Phú II, đang thành tâm điểm của dư luận khi lũ tràn vào trường, các cô giáo lấy thân mình làm điểm tựa để cứu sống 15 cháu bé đang học tại nơi này. Các cô nghe đoàn cứu trợ ghé, mặc áo mưa, đầu đội nón bảo hiểm chạy sang, trò chuyện chút thôi lại khóc rồi.
Các cô nói với tôi rằng cũng không biết sao lúc đó lại đủ khả năng, nghị lực để cứu các cháu. Tôi cũng không hiểu được, chỉ thấy xúc động thôi.
Ngủ trưa dậy, vừa cho các cháu ăn buổi xế thì nước tràn vào lớp, thoắt cái mà đã lên đến đầu gối, đến thắt lưng. 4 cô giáo với 15 cháu không còn cách nào khác ngoài ôm chặt lấy nhau mà chịu trận. Bởi phải đi một quãng xa thì mới lên được đường giao thông, khi đó thì vô phương rồi, nước bao vây.
Cháu ôm cổ cô trước ngực, cháu ôm cổ cô sau lưng, hai cháu đu bên tay trái, hai cháu đu bên tay phải. Cô đứng giữa lớp chịu trận. 9 cháu còn lại được các cô hướng dẫn cho đu bám vào cửa sổ, đặt ngồi trên tủ giấy tờ.
Các cháu khóc váng, 4 cô không khóc, chỉ nói, "Các con bám chắc, đừng để rơi xuống. Các con có chuyện gì cô không sống được đâu, có chết thì chết cùng". Nước vẫn giăng khắp, nước lên xâm xấp đến miệng cô.
May mà cô quờ chân chạm phải cái bàn, chắc là bản năng cầu sinh trỗi dậy mạnh mẽ, cô đã đủ sức đứng lên cái bàn ấy với 6 cháu đang đu bám trên người.
Đại tá Phạm Hồng Sương - Trưởng Công an huyện Tuy An đang họp, nhận được tin báo của người dân, cắt họp, lao đến.
Dừng xe trên đường giao thông, Đại tá Sương chỉ đạo từ cảnh sát kỹ thuật hiện trường cho đến hình sự cởi quân phục, mình trần, mặc quần đùi lao vào vùng nước. Lần mò đưa dây vào lớp học, cột chặt vào tường, chuyển vật dụng vào.
Cứ vậy, các cháu rồi cô được đưa đến nơi an toàn.
Viết điều này là khi nghe Đại tá Hồng Sương kể, "Báo chí đưa tin, mấy anh lãnh đạo nói "Ông vậy là sai nha ông Sương, anh em không đeo phao lỡ có chuyện gì ông chịu trách nhiệm nổi không?"".
"Lúc đó mình nhìn thấy xót ruột quá, mình biết làm sao khác. Nghĩ lại, thấy mình cũng sai nguyên tắc an toàn thiệt", Đại tá Hồng Sương nói.
"Đứng trước tình huống đó không có đúng sai, nguyên tắc, chỉ còn hành động của con người, anh ạ", tôi trả lời Đại tá Hồng Sương.
Buổi sáng đoàn đến thì cũng là lúc đêm qua lũ lại tràn vào, bùn ngập đế giầy, cả lớp lại xác xơ. Ngấn nước trên tường lớp học còn chưa thấm hết, thì đã phải hứng chịu cảnh này. Trong sổ ghi chép tôi có tên họ đầy đủ của các cô, nhưng có lẽ không cần phải tường tận chi tiết, bởi trong tình huống rất con người ấy các cô đã trọn vẹn là những con người đáng được kính trọng rồi.
Không chỉ trường Mầm non xã An Hiệp ngập trong nước, mà Trung tâm Y tế xã An Hiệp cũng chung tình cảnh. Nước ập vào nhanh như biến cố của đời người, mới đến chân đã vội đến ngang thắt lưng, rồi tràn cả đến gần nóc tủ đựng hồ sơ. Các trang thiết bị ngập trong nước, cô nhân viên trực ban hôm đó mặc áo phao đứng trên tủ đựng hồ sơ ôm cột nhà ngóng ra đường cầu cứu. May mà lực lượng ứng cứu đã cứu kịp.
Còn rất nhiều trường hợp tương tự mà đoàn Báo CAND của chúng tôi đã ghi nhận trong đợt cứu trợ khẩn cấp tại nơi này. Biết rằng sự cứu giúp ấy như muối bỏ bể trong những hoàn cảnh ấy, nhưng trên hết đó là tình người dành cho nhau. Tình người nảy sinh cũng tự nhiên thôi, thấy cảnh khó mà mình ngồi yên thì lương tâm áy náy chịu không được, cứ lao đi, cứ tìm đến để làm. Được bao nhiêu hay bấy nhiêu, giúp đỡ được cho một người thì yên lòng có một người đỡ khốn khó.
3. Từ Phú Yên đi Bình Định nhiều đoạn đường bị xói mòn, mưa vẫn gào thét ngoài cửa kính xe. Đến Quy Nhơn, đoàn vội tìm đến 2 nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng là huyện Tuy Phước và thị xã An Nhơn.
Lực lượng CSGT túc trực tại nhiều ngã đường, cả TP Quy Nhơn xao xác. Trên đường đi Tuy Phước, đồng chí Trung úy CSGT quân phục ướt mèm khuyên đoàn, “Mấy anh tính kỹ thử, chứ đường vào là không thể, nước ngập cao lắm rồi”.
Sau khi hỏi ý kiến của đồng chí lái xe, đoàn hội ý nhanh. Cuối cùng, Trung tá Nguyễn Đức Vinh quyết định: “Cứ đi, khi nào xe bị tắt xe máy thì xuống cuốc bộ. Trong lúc này không đến cứu trợ cho người dân thì đến lúc nào nữa”. Chiếc Mitsubishi 7 chỗ của cơ quan cứ lầm lũi từng chút một trong con nước đục ngầu, nước ngập qua bánh xe đến nắp ca pô, nước tràn vào sàn xe. Cái cảnh bỏ lại xe giữa đường để tiếp tục đi bộ là điều gần như chắc chắn. May mà, chiếc xe cứ gầm gừ, gầm gừ rồi cũng đến trụ sở Công an huyện Tuy Phước.
Có rất nhiều chiến sĩ công an huyện đang trực lũ, cán bộ lãnh đạo xắn cao quần, phía trước cổng trụ sở là xe lẫn ca nô của lực lượng quân đội. Câu chuyện xoay quanh chén trà nóng ngày lũ buồn quá đỗi.
Toàn địa bàn huyện có 13 xã thì 9 xã bị chia cắt hoàn toàn, không cách nào có thể tiếp cận được. 5 cơn lũ liên tiếp từ cuối tháng 11 đến nay đã vượt quá sức chịu đựng của nhân dân, hoa màu thì không phải bàn nữa vì còn gì đâu mà bàn, những trường hợp không may tử vong vì đuối nước cứ tăng lên đầy ám ảnh.
Trường mẫu giáo An Hiệp (Tuy An, Phú Yến) tan hoang sau 3 lần lũ trong 20 ngày. Nóc che hình nấm (ảnh nhỏ) của chòi trò chơi đã thành chiếc thúng cứu sinh cứu 15 cháu nhỏ và 4 cô giáo thoát cơn lũ dữ ngày 13-12. |
Lúc 9h ngày 6-12, cháu Dương Nguyễn Thúy Nhiên (11 tuổi, ở thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) đi học về ngang qua cầu Ông Vịnh bị nước cuốn trôi.
Lúc 6h30 ngày 8-12, anh Phan Hà ở thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa phát hiện một thi thể là nữ giới tại khu vực ruộng ngập nước cạnh tỉnh lộ. Đến 7h30 cùng ngày, anh Trần Phú Thịnh (29 tuổi, ở thôn Mỹ Cang, xã Phước Sơn) đã đến hiện trường để nhận thi thể của vợ mình. Vợ anh Thịnh chính là người không may ấy, chị đang làm công nhân may, bị nước cuốn trôi vào ngày 5-12, 3 ngày sau mới tìm thấy. Chị mất đi khi con đầu lòng mới tròn 2 tuổi, chị sinh năm 1991.
Lúc 8h20 ngày 10-12, cháu Phạm Huỳnh Sang (2004, ở thôn Tư Cung, xã Phước Thắng), đi xe đạp ngang đoạn ngập lúc ở xóm Tư Cung Dưới, thôn Tư Cung thì bị nước lũ cuốn trôi. Cùng lúc đó, anh Phạm Văn Hạnh trú cùng thôn phát hiện vụ việc và tri hô mọi người cùng ứng cứu. Tuy nhiên, do nước lũ chảy xiết nên họ đã không cứu được cháu Sang. Hơn tiếng sau, người dân tìm thấy thi thể cháu Sang.
Còn nhiều lắm những mất mát, đau thương như tôi vừa kể lại, đó là do mưa lũ đang ở mức đỉnh điểm nên chưa thống kê được hết thiệt hại về người và của. Với mỗi trường hợp không may, đoàn của Báo CAND đã gửi đến người thân số tiền 5 triệu đồng như là một sự sẻ chia rất chân thành.
4. Thị xã An Nhơn nước dâng lên rất nhanh, trụ sở của cơ quan Công an TX nước ngập cao ngang ngực người lớn, tuyệt không cách nào tiếp cận được. Để ứng cứu trực lũ, các đồng chí Công an đóng quân ngay tại trụ sở CSGT cạnh đấy, nước ở đây ngập đỡ hơn.
Đại tá Nguyễn Thiết Hùng - Trưởng Công an thị xã vừa đi trực lũ về, anh đi trực từ chiều hôm trước, thức gần như cả đêm. Trên phòng nghỉ, quân phục của các đồng chí treo khắp nơi, cái nào cũng sũng nước, bản tên, quân hàm vẫn không tháo ra cứ để vậy chỉ chờ bớt nước một chút lại mặc vào.
Đại tá Nguyễn Thiết Hùng cho biết đã có 5 trường hợp tử vong trên toàn thị xã, trong đó thương tâm nhất có 2 trường hợp ở xã Nhơn An. 2 cháu cùng sinh năm 2003, cùng nhau trên đường đi học về và lũ đã cuốn trôi cả 2. Mấy hôm sau, gia đình đã tìm thấy thi thể của 2 cháu.
Trung tá Nguyễn Đức Vinh ngỏ lời đến viếng chia buồn cùng những gia đình không may có người thân gặp nạn trong đợt lũ này. Đại tá Nguyễn Thiết Hùng trả lời, “Tấm lòng của quý Báo anh em đều hết sức trân quý, như tình thật là trong tình huống này chúng tôi không thể đưa anh em đi được, nước đã chia cắt hoàn toàn”. Nhìn xuống từng tuyến phố nước đỏ ngầu, đầy ắp đúng là tuyệt vọng đến vô phương.
Trung tá Nguyễn Đức Vinh nhờ Đại tá Nguyễn Thiết Hùng chuyển đến những gia đình không may số tiền 5 triệu đồng mỗi gia đình. Đại tá Nguyễn Thiết Hùng đã nhận lời và hứa ngay khi lũ rút sẽ thay mặt Báo đến thắp hương, chia buồn tại những gia đình này.
Trong đợt công tác, đoàn của Báo CAND đã trao 100 triệu cho 2 tỉnh Phú Yên và Bình Định, đó chỉ là đợt cứu trợ khẩn cấp ban đầu. Chúng tôi sẽ còn trở lại những nơi này vì với những gì đã thấy, đã chứng kiến, đã tiếp xúc, chúng tôi sẽ cảm thấy có lỗi nếu không trở lại. Và lần trở lại này, rất mong sự chung tay của quý “Mạnh Thường Quân”, quý bạn đọc.
Trong cơn lũ dữ, tình người chắc chắn là bờ đến để ngăn chặn bớt những tai ương, để ủi an nhau, để đỡ đần những khốn khó.
Mong lắm thay!