(Congannghean.vn)-Những ngày cuối năm, dòng Nậm Nơn vẫn còn đó sự huyền ảo của được ví như dòng “sông ma” bởi lúc hiền hòa, lúc giận dữ. Những bản làng người Thái của xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn nằm dọc theo triền sông thấp thoáng trong những rặng cây xanh.
Vẻ đẹp bên dòng Nậm Nơn
Sông Nậm Nơn nối dài từ tỉnh Hủa Phăn (Lào) về qua các xã: Mỹ Lý, Mường Lống (Kỳ Sơn); Mai Sơn, Luân Mai, Nhôn Mai, Hữu Dương, Hữu Khuông, Kim Đa, Kim Tiến, Yên Na, Lượng Minh (Tương Dương), rồi cùng với dòng Nậm Mộ đổ ra ngã ba Cửa Rào, tạo thành dòng sông Cả (sông Lam). Mỗi ngày, có hàng trăm lượt thuyền, bè đi lại trên dòng sông đầy thác ghềnh này nhưng không thuyền nào trang bị phao cứu sinh.
Chúng tôi cùng các chiến sĩ Đồn Biên phòng Mỹ Lý ngược dòng Nậm Nơn |
Hầu hết, sống ở hai bờ Nậm Nơn là đồng bào các dân tộc Thái, Khơ Mú, Mông, Ơ đu. Sau khi công trình Thủy điện Bản Vẽ ra đời, có ít nhất 2.845 hộ, với trên 13.000 dân phải dời ra vùng tái định cư. Riêng xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn có 1.107 hộ, với 5.265 nhân khẩu của 12 bản, gồm: 3 bản người H’Mông và 9 bản người Thái. Trong đó, có đến 8 bản người Thái sống dọc con sông Nậm Nơn.
Những ngày cuối năm, chúng tôi may mắn được các chiến sĩ Đồn Biên phòng (ĐBP) Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn dẫn đi ngược dòng Nậm Nơn lên đầu nguồn con sông. Thời tiết giá rét không khiến chúng tôi mất đi hứng khởi khi ngược dòng sông đầy kỳ bí, lúc hiền hòa, lúc hung dữ này. Trên chiếc thuyền gỗ 20 mã lực của một lái thuyền điêu luyện sống tại bản Hoa Lý, chúng tôi được Thượng úy Nguyễn Tất Hà, Đội phó Đội Vận động quần chúng, ĐBP Mỹ Lý nói rõ về con sông Nậm Nơn.
Dòng Nậm Nơn lúc hiền hòa, lúc hung dữ như sông Đà trong tác phẩm nổi tiếng “Người lái đò sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân. Dòng sông hiền hòa chảy về xuôi này trải dài như một áng tóc thiếu nữ. Nhưng mỗi khi mùa lũ về, dòng Nậm Nơn lại như một con mãnh thú đục ngầu đỏ dặm màu đất như muốn nuốt trôi tất cả những gì trên đường nó đi qua.
Khi thuyền chạy đến địa bàn bản Yên Hòa, xã Mỹ Lý, chúng tôi được Thượng úy Hà kể cho nghe về cuộc sống của người dân bản làng dọc con sông Nậm Nơn. Bỗng một thành viên trong đoàn reo lên khi thấy ngôi tháp cổ trên ngọn núi cạnh dòng sông. Người dân nơi đây cho biết, tháp Phật cổ ở bản Yên Hoà vốn chứa đựng bí mật cả nghìn năm nay, cũng là bảo tháp linh thiêng đối với bà con dân tộc Thái ở xã biên giới Mỹ Lý.
3 trong 4 tháp Phật cổ hàng nghìn năm tuổi ở bản Yên Hoà sụp đổ, chỉ còn lại duy nhất 1 bảo tháp là tuyệt tác của kiến trúc Phật giáo xưa. Tháp cổ Yên Hòa tọa lạc trên một vùng đất khá rộng rãi và bằng phẳng. Tháp cao chừng 25 - 30 m, được xây bằng gạch nung. Thân tháp vẫn còn lưu giữ dấu tích của những bức phù điêu và nét hoa văn, họa tiết hết sức tinh tế. Nhưng thật tình, khi được tận mắt mục sở thị, sự hồ hởi, háo hức ban đầu gần như tan biến mà thay vào đó là nỗi xót xa, bùi ngùi khi phải chứng kiến một phế tích.
Con thuyền tiếp tục đi, dọc hai bên con sông có những người dân đang chài lưới, kê đếm lại số gỗ vừa khai thác được. Mỗi năm, người dân nơi đây chỉ làm một vụ lúa rẫy, kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10. Thời điểm này khá nhàn rỗi nên họ vừa buôn bán nhỏ, vừa khai thác lâm sản, chăn nuôi. Cuộc sống nơi rẻo cao với điều kiện địa hình phức tạp nên đời sống người dân còn gặp muôn vàn khó khăn. Để cuộc sống người dân no ấm hơn, chính quyền và lực lượng biên phòng đang dần chuyển mô hình làm nương rẫy của người dân sang mô hình trồng lúa nước.
“Hiện, toàn xã còn có hơn 65% hộ nghèo, đường từ các bản đến trung tâm xã khá xa nên ngày Tết và cả những ngày thường, chính quyền địa phương cũng rất quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo. Sự quan tâm của các đơn vị hảo tâm cũng là động lực lớn giúp bà con dân bản cố gắng phát triển”, ông Lô Văn Liễu, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý cho biết.
Vượt thác ghềnh trên dòng Nậm Nơn
Sau khi chạy chậm lại ở bản Yên Hòa để các thành viên đoàn ngắm được ngôi tháp cổ, chiếc xuồng tiếp tục mang chúng tôi ngược dòng Nậm Nơn. Bắt đầu từ đây, những điều đáng sợ của dòng sông mới bắt đầu thử thách các thành viên trong đoàn. Khi chiếc thuyền đang lướt nhanh trên mặt nước hiền hòa qua bản Yên Hòa và Xằng Trên được một lúc thì dòng nước Nậm Nơn xuất hiện một luồng chảy xiết.
Những thác ghềnh lớn, nhỏ thi nhau xuất hiện để thử thách tài nghệ của người lái thuyền. Đầu tiên là Cánh Cạp (tiếng Thái nghĩa là thác đá nhọn như những chiếc răng nằm khít nhau), với vô số những hòn đá nhọn được “bày binh bố trận” giữa lòng sông. Ngồi trên thuyền, thỉnh thoảng các thành viên lại hét lên vì nghe thấy cả tiếng va chạm của đáy thuyền với đá dưới lòng sông.
Để trấn tĩnh mọi người, Thượng úy Hà nói to: “Mọi người yên tâm đi, va nhẹ tí thôi chứ nước mùa này không dữ như nước mùa mưa nên không sao cả. Với lại, anh lái đò đã thuộc lòng sông như lòng bàn tay rồi. Mọi người đừng hoảng, đứng lên là ngã xuống sông và sẽ làm thuyền lật”. Nhờ lời trấn tĩnh nên mọi người trong đoàn an tâm hơn, nhưng vẫn sợ sệt ngồi im, không dám nhúc nhích. Đến khi vượt qua đoạn thác Cành Cạp này, anh lái đò mới nở nụ cười trêu: “Cái này bình thường chứ nếu đi vào mùa mưa chắc các anh, các chị mặt cắt chẳng còn giọt máu. Lúc đó, đáy thuyền va vào đá còn nghe rõ tiếng cồng cộc cơ”.
Từng súc gỗ vuông vắn được tập kết bên bờ Nậm Nơn chờ đưa về xuôi |
Rồi chiếc thuyền tiếp tục vun vút ngược lên dòng Nậm Nơn. Để lên được với bản Cha Nga, bản xa nhất của xã Mỹ Lý, chiếc thuyền chở đoàn còn vượt qua thác Cánh Sạc, Cánh Lẹc. Không khác với những dòng thác trước, những thành viên trong đoàn chỉ dám ngồi im lặng, nín thở. Còn với các chiến sĩ biên phòng và những người dân lái đò thì đây là chuyện thường ngày.
Thuyền chúng tôi vượt qua khe Huồi Mai là đường ranh giới phân chia lãnh thổ của hai nước Việt - Lào. Từ đây, dòng chảy Nậm Nơn thuộc về hai quốc gia, phía hữu ngạn là của Việt Nam, còn phía tả ngạn là của nước bạn Lào. Bên hữu ngạn có ba bản Thái là Piềng Típ, Cha Nga (xã Mỹ Lý) và Keng Đu (xã Keng Đu).
Đến chiều tối, sau khi vào thăm vài điểm Trường Tiểu học Mỹ Lý 2, chiếc thuyền nhỏ đưa chúng tôi quay về ĐBP Mỹ Lý. Dọc con đường, những người dân vẫn đang làm việc bên triền sông. Trên dọc hữu ngạn, tả ngạn của con sông, một vài nhành cây dại đã trổ hoa đón mùa xuân mới sắp đến. Ngày Tết, chính quyền cấp tỉnh, huyện cũng quan tâm hỗ trợ cho các gia đình nghèo có bánh chưng xanh, thịt lợn và rượu cần vui xuân.
“Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu đều tự cung, tự cấp nên ngày xuân đến, bà con bản làng luôn vui vầy bên nồi bánh chưng và vò rượu cần”, Thượng úy Hà cho biết. Nghe đến đây, anh lái đò vui tính trêu đoàn: “Lên đây khỏi lo ăn phải đồ không sạch nhé. Rau rừng, rau rú là đồ sạch hết đó. Gà, lợn cũng không có tăng trọng đâu mà lo”. Nghe xong, cả đoàn cười ồ lên, làm vang cả một dòng sông. Mặc dù trời chưa tối hẳn nhưng do chưa có điện lưới nên khi chúng tôi về đến gần ĐBP thì những ngọn đèn điện từ tua-bin suối đã được thắp sáng trong các ngôi nhà. Người dân nơi đây hay đùa là được dùng “điện miễn phí” nên đèn sáng cả ngày không lo tốn tiền.
Nay Mỹ Lý đã bớt nghèo hơn trước, tình hình ANTT cũng được đảm bảo, không còn có hiện tượng di dịch cư tự do và tái trồng cây thuốc phiện. Mối quan hệ với các bản bên kia đường biên được giữ gìn tốt đẹp, việc đi lại thăm thân và trao đổi hàng hóa diễn ra thuận lợi.
Sau một đêm nghỉ lại tại ĐBP Mỹ Lý, chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn tình cảm gắn kết của quân dân nơi đây. Sáng hôm sau, chúng tôi chia tay Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tú, Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy ĐBP Mỹ Lý cùng các chiến sĩ trong Đồn để về xuôi. Rời Mỹ Lý nhưng trong lòng ai cũng khắc khoải được một lần sớm trở lại nơi đây để tiếp tục ngược dòng Nậm Nơn.
.