Với kiến trúc độc đáo, cùng những mảng chạm khắc hết sức tinh xảo còn sót lại từ thời Lê Trung Hưng mà nhiều đình khác không có, thế nhưng ngôi đình bề thế hơn 300 năm tuổi ấy đang chờ ngày sập. Người dân làng Cổ Chế (xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) nhiều năm nay "đứng ngồi không yên" vì lo sợ đình làng có thể sập bất cứ lúc nào. Dân đã kêu chưa thấu, chính quyền địa phương đã vào cuộc nhưng chỉ là những ứng phó tạm thời.
"Nếu không có kinh phí từ cấp trên, chắc chắn nay mai ngôi đình làng của chúng tôi sẽ sập đổ hoàn toàn. Như vậy chúng tôi thật có lỗi với tổ tiên, với cha ông quá" - một người dân buồn bã.
Xót xa một di tích đẹp bị xuống cấp trầm trọng
Chẳng có lời nào để diễn ta được nỗi xót xa của người dân Cổ Chế khi chứng kiến ngôi đình đã gắn bó với mình hơn 300 năm đang chờ ngày "khai tử". Những trận mưa phùn rả rích, thời tiết ẩm u ám càng khiến cho ngôi đình Cổ Chế trở nên tiều tụy.
Thấy người lạ về làng, ai nấy cũng khấp khởi vui mừng, hy vọng đình làng mình được cứu. "Thỉnh thoảng lại có đoàn về đây thăm đình rồi. Thế nhưng, họ đến rồi lại đi, đình làng thì vẫn còn đó vẫn chờ ngày sập thôi. Cô chú thấy đấy, cứ mưa rả rích suốt thế này, lại thời tiết nồm ẩm chẳng mấy nữa đâu là chúng tôi không còn đình làng nữa" - bà Lợi (50 tuổi) rưng rưng chỉ về phía đình làng.
Hàng trăm năm nay, đình Cổ Chế là nơi nhân dân trong làng tụ họp mỗi dịp lễ Tết. Cứ vào ngày 12/2 (Âm lịch hằâng năm), người dân lại tưng bừng tổ chức lễ hội tưởng nhớ Thành hoàng làng. Thế nhưng, vài năm nay, nơi tôn nghiêm, thân thuộc ấy chẳng còn ai dám bén mảng tới bởi sự xuống cấp kinh hoàng của nó.
Bạt phủ trên nóc đình cũng rách bươm sau những ngày mưa gió |
Đình Cổ Chế nổi tiếng khắp vùng bởi nó được coi là không gian lưu giữ những giá trị nghệ thuật điêu khắc tuyệt đẹp. Chính vì thế, năm 2004, dân làng hân hoan đón nhận bằng công nhận di tích cấp thành phố. Đây là di tích có kiến trúc độc đáo còn sót lại từ thời Lê Trung Hưng. Bước vào đình, người ta không khỏi choáng ngợp trước vẻ đẹp của những mảng chạm khắc tinh xảo và hết sức tự nhiên.
Kỹ thuật chạm lộng khá tinh vi, đề tài chứa đựng những ước vọng của người dân trong quá trình chinh phục tự nhiên, ca ngợi vẻ đẹp thôn dã của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt có những mảng chạm nghê ổ, với nghê mẹ và 7 nghê con quấn quýt rất tự nhiên. Bên cạnh đó, đình Cổ Chế còn có hình tượng người cưỡi nghê, người cưỡi rồng, cưỡi hổ… cũng khá độc đáo. Đặc biệt hơn cả là hoạt cảnh hai người nông dân nắm đuôi trâu kéo lại, không cho chọi nhau.
Trái với những nét chạm khắc cầu kỳ ấy là sự xuống cấp trầm trọng qua chiếc bạt căng tạm trên nóc đình (nay cũng đã mục nát). Du khách viếng thăm nhiều người lắc đầu ngán ngẩm "chẳng khác nào công trường đang xây dựng". Toàn bộ cột chống đều được các cụ trong thôn neo giằng khá cẩn thận. Trong ngoài nơi đâu cũng xuất hiện những ụ mối xông, cột kèo mục ruỗng, ngói nát vụn, rui mè không còn nguyên vẹn.
Ngôi đình thiêng bề thế hơn 300 năm ngày nào giờ chỉ còn là nơi trú ngụ của chim chóc và mèo hoang. Nhiều tháng nay, để đảm bảo an toàn cho người dân, đại diện của làng đã cho đóng cửa hoàn toàn ngôi đình.
Ông Phạm Văn Nhàn (Bí thư Chi bộ thôn Cổ Chế) chia sẻ: "Trước đây đình được dùng làm nhà trẻ cho các cháu trong thôn. Những ngày nắng ráo thì đơ,ä chứ mưa gió thì thật tội nghiệp. Lúc đó chỉ còn biết dồn các cháu vào chỗ khô, các cô dùng thau chậu hứng nước. Những lần họp chi bộ của thôn mà gặp trận mưa, các đảng viên trong thôn vừa phát biểu vừa phải co chân lên vì nước lênh láng khắp nơi".
Chẳng ai hiểu được sự xuống cấp của đình làng bằng cụ Phạm Văn Ấm, thủ từ đình Cổ Chế. Cụ Ấm bảo: "Từ khi tôi ra làm thủ từ ở đây đã hơn 3 năm cũng là lúc bắt đầu xuống cấp nặng. Có nhiều chi tiết trên mái bắt đầu đứt gãy. Mỗi lần mưa to gió lớn là tôi lại hoang mang không biết nằm đây có an toàn hay không nữa. Gần đây, chính quyền địa phương đã yêu cầu tôi ra khỏi đình để đảm bảo an toàn tính mạng".
Bằng công nhận di tich cấp thành phố của đình Cổ Chế cũng không còn nguyên vẹn |
Cùng chung tâm trạng với người dân địa phương, ông Kiều Xuân Tiến, Trưởng thôn Cổ Chế ngao ngán: "Đình làng là nơi hội họp, lễ lạt, không những vậy còn là nơi cho các cháu mầm non trong thôn học. Tuy nhiên, khi xuống cấp nặng qua,á chúng tôi đã yêu cầu đóng cửa vì sợ nó có thể sập bất cứ lúc nào.Là người dân Cổ Chế chúng tôi ai cũng xót xa trước công trình văn hóa tâm linh bề thế hơn 300 năm đang ngày một tàn tạ. Chẳng mấy chốc nữa thôi các cháu nhỏ sẽ không bao giờ biết đình làng mình là gì".
Chẳng phải nói ai cũng hiểu mong mỏi tha thiết của người dân Cổ Chế là được cơ quan cấp trên quan tâm, cứu lấy ngôi đình gắn bó với họ cả trăm năm. Có như vậy người dân mới thấy thanh thản trước tổ tiên, cha ông đi trước.
Người dân vẫn "dài cổ" chờ đợi
Mặc dù ngôi đình đang xuống cấp nghiêm trọng nhưng những mảng chạm khắc nghê, rồng, và các hoạt cảnh dân gian gần như vẫn con nguyên vẹn. Theo các nhà nghiên cứu thì 5 mảng chạm khắc còn trong đình mang phong cách nghệ thuật điêu khắc đình làng thế kỷ XVII - giai đoạn được coi là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc và trang trí đình làng Bắc Bộ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình cho hay, những chạm khắc ở đình Cổ Chế có thể sánh ngang với những chạm khắc trang trí ở các đình làng khác cùng niên đại như đình Chu Quyến, Hương Canh, Phù Lão.
Theo lãnh đạo địa phương, năm 2013, ngân sách của huyện đã chi hơn 90 triệu đồng để thực hiện "ba chống", đó là: chống sập, chống dột và chống mối cho ngôi đình. Tuy nhiên việc dùng bạt che phủ cũng chỉ là những phương án tạm thời. Chính quyền địa phương đang tính phương án lâu dài là dùng tôn. Tuy nhiên, với kinh phí 90 triệu đồng là không đủ, có chăng cũng chỉ là dùng loại tôn rẻ tiền.
Để có nguồn kinh phí tu bổ, tháng 2/2014, Sở VHTT&DL cùng UBND huyện Phú Xuyên và xã Phúc Tiến xây dựng hồ sơ gửi lên thành phố đề nghị nâng hạng cho di tích. Từ đó sẽ lập hồ sơ xin nguồn vốn trùng tu, tu bổ. Tuy nhiên, nhiều tờ trình đã được gửi lên thành phố nhưng đến nay vẫn bặt vô âm tín.
Những bảng chạm khắc tinh xảo vẫn còn nguyên vẹn |
Cụ Phạm Văn Ấm lo lắng: "Đình làng thuộc di tích của thành phố nên chúng tôi phải chờ đợi, chứ không phải người dân muốn là tự ý đóng góp để xây dựng được. Mặc dù không được vào đình trông nom thường xuyên nhưng ngày nào tôi cũng qua lại túc trực ở đây. Chỉ sợ bọn trẻ con hay khách từ nơi khác qua họ vào đến gần gian ngoài của đình sẽ nguy hiểm".
Thấy chúng tôi tìm hiểu về đình làng, bà Hoàng Thị Mai bức xúc: "Ở Việt Nam làng nào mà chẳng có đình. Nó như ngôi nhà chung của dân chúng tôi vậy. Đình làng chứng kiến bao sự thay đổi, bao thăng trầm. Chúng tôi cứ thấy ai chụp ảnh đình làng là khuyến khích, phải kêu cho chúng tôi chứ. Cả làng đang từng ngày chờ đợi kinh phí của nhà nước để trùng tu tôn tạo. Có như vậy chúng tôi mới yên lòng mà lao động sản xuất".
Trao đổi với ông Đào Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Tiến cho biết: Chúng tôi mong muốn huyện sớm có ý kiến với thành phố để thành phố sớm có ý kiến chỉ đạo. Chúng tôi cũng rất lo lắng nếu mưa to thì đình sẽ bị xuống cấp nhanh hơn. UBND huyện đã ký một tờ trình gửi lên thành phố dự kiến xin 15 tỉ để trùng tu di tích này. Tình trạng xuống cấp của chùa Cổ Chế diễn ra từ năm 2013. Trước đó, trường mầm non của thôn vẫn học nhờ tại đó.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình (chuyên viên Cục Mỹ thuật): Về mặt kỹ thuật, chúng ta thấy những mảng chạm rất dày và có nhiều lớp đề tài. Có những đề tài mà ở hầu hết những đình khác không có. Di tích này nó ngang tầm với nhiều di tích khác mà đã được công nhận là di tích quốc gia. Ngôi chùa này chính là đỉnh cao của nghệ thuật dân gian trong thế kỷ XVII. Trong các di tích hầu hết không có mảng chạm nào giống mảng chạm nào. Chính cái khác biệt đó tạo ra nét đa dạng trong nghệ thuật kiến trúc đình làng.
|
.